Hơn 130 công ty của Nhật bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, nhất là sau thời điểm TPP có hiệu lực.
Ngân hàng đau đầu vì thẻ
- Cập nhật : 14/10/2015
(Tai chinh - ngan hang)
Xu hướng không dùng tiền mặt trong tương lai là tất yếu vì thế các ngân hàng đang khá đau đầu về vấn đề đưa thẻ vào đời sống, giảm thiểu được số tài khoản ảo do chạy đua số lượng và chiến lược áp chỉ tiêu nhân viên.
Chị N. Thanh Tâm, nhân viên một công ty có trụ sở trên đường Nguyễn Chí Thanh, Hà Nội phàn nàn rằng một ngày chị và các đồng nghiệp nhận trung bình từ 2-3 cuộc điện thoại chào mời làm thẻ. Chị Tâm cho biết chị có đứa em làm ngân hàng A kêu bị áp chỉ tiêu nên chị đã làm ủng hộ một chiếc thẻ tín dụng, giờ chị không có nhu cầu nữa. Trước kia, cũng có đợt vài tốp nhân viên đến tận công ty chị để mời làm thẻ ATM còn bây giờ hết ngân hàng này đến ngân hàng khác gọi tư vấn mở thẻ tín dụng, nhiều lúc đang bận khiến mọi người khó chịu.
Theo thống kê của NHNN, tính đến hết quý II/2015, tổng số lượng thẻ đã phát hành đạt 91,23 triệu thẻ. Mặc dù số lượng thẻ không ngừng tăng mạnh song theo nghiên cứu của WB, tại Việt Nam vẫn còn 2/3 dân số chưa có tài khoản ngân hàng .
Và trong số 1/3 các tài khoản gần như không sử dụng đến bởi có những người mở thẻ nhưng không sử dụng hoặc có những người sở hữu 4, 5 chiếc thẻ trong ví nhưng thực chất chỉ sử dụng 1 đến 2 thẻ.
Trao đổi với chúng tôi, ông Đinh Văn Chiến, Giám đốc Khối ngân hàng cá nhân, Ngân hàng TMCP Tiên Phong (TPBank) cho biết thời gian vừa qua, các ngân hàng đã nỗ lực để phát triển khách hàng mới và tăng nhanh số lượng tài khoản/thẻ ngân hàng. Tuy nhiên, số lượng người dân chưa mở hay sử dụng tài khoản ngân hàng vẫn còn nhiều.
“Theo tôi, đây là tiềm năng lớn cho các ngân hàng và đấy cũng chính là lý do mà nhiều ngân hàng đang tập trung vào lĩnh vực ngân hàng bán lẻ - phục vụ và đáp ứng các nhu cầu tài chính của cá nhân”, vị lãnh đạo chia sẻ.
Ông Chiến cho biết trong quá trình phát triển nhanh số lượng tài khoản/thẻ thì cũng cần một thời gian nhất định để các tài khoản/thẻ mới này đi vào hoạt động đều đặn.
Sau khi có được các tài khoản mới, ngân hàng nên thường xuyên đưa ra các chương trình, hoạt động nhằm khuyến khích khách hàng sử dụng tài khoản/thẻ để nhận được nhiều lợi ích khác nhau.
Thực tế cho thấy khách hàng rất quan tâm đến các chương trình này và tỷ lệ tham gia sử dụng rất cao. Với các chương trình phong phú và hiệu quả như vậy chắc chắn tỷ lệ tài khoản/thẻ hoạt động sẽ được cải thiện liên tục.
Ngoài ra, hiện nay rất nhiều khách hàng phàn nàn về phí thẻ, trong đó phí ATM, lãi suất thẻ tín dụng. Theo ông Chiến, tuỳ thuộc vào chiến lược của mỗi ngân hàng để các ngân hàng đưa ra các mức phí, lãi suất áp dụng để được khách hàng chấp nhận và đảm bảo hoạt động kinh doanh của ngân hàng.
“Về phía khách hàng, tôi cho rằng khách hàng cũng sẽ chấp nhận trả mức phí, lãi suất hợp lý một khi họ hài lòng về chất lượng của sản phẩm dịch vụ nhận được”, ông nêu quan điểm.
Câu chuyện về những chiếc thẻ, ông Đỗ Tuấn Anh, Phó Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Techcombank (Techcombank) cho biết với xu hướng trong tương lai không dùng tiền mặt là tất yếu vì thế các ngân hàng cũng đang khá đau đầu về vấn đề đưa thẻ vào đời sống.
Một mặt, thẻ ngân hàng là sản phẩm tiện ích, mặt khác là kênh giao tiếp của ngân hàng với khách hàng, đôi lúc nó được xem như sản phẩm bắt buộc cần phải có của một ngân hàng để giữ chân khách hàng.
Dịch vụ này chưa tiếp cận được đến vùng nông thôn bởi còn đòi hỏi vào phát triển cơ sở hạ tầng và thói quen sử dụng cũng như tiện ích đi kèm. Vùng tập trung dùng thẻ là ở các khu đô thị và cũng đã có hiện tượng dư thừa về thẻ.
Việc các ngân hàng áp chỉ tiêu kinh doanh về số lượng thẻ, một mặt tiêu cực nào đó, sự cạnh tranh về số này không mang đến hiệu quả. Song xét ở một khía cạnh khác, ngân hàng đã thò được một chân vào nhà khách hàng. Còn việc tiếp theo là tùy thuộc vào từng ngân hàng có dịch vụ chăm sóc khác hàng.
Ông cho biết hiện nay đã có một số ngân hàng theo dõi rất tốt tài khoản thẻ ngủ của từng khách hàng, theo dõi được thói quen chi tiêu của khách hàng để thúc đẩy và đưa ra chương trình khuyến mại.
“Tới đây, với sự hỗ trợ thông tin, ngân hàng còn định vị được khách hàng sử dụng thẻ đang ở khu vực nào và đưa ra được tiện ích mà thẻ mang lại từ khu vực đó. Với thị trường vô cùng tiềm năng này, ngân hàng cần nâng cao giá trị của một chiếc thẻ của khách hàng”, ông Tuấn Anh kỳ vọng.
NHNN yêu cầu công khai lãi suất cho vay qua thẻ tín dụng
(Theo Trung tâm thông tin CN& TM Bộ Công Thương)