Tỷ giá các ngoại tệ của Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam - Vietcombank.
Việt Nam sắp đón dòng vốn mới từ Nhật Bản
- Cập nhật : 15/10/2015
(Dau tu)
Hơn 130 công ty của Nhật bày tỏ mong muốn được đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới, nhất là sau thời điểm TPP có hiệu lực.
Tại Diễn đàn doanh nghiệp Việt Nam-Nhật Bản diễn ra ngày 14/10, bà Yuri Sato - Phó chủ tịch Tổ chức xúc tiến thương mại Nhật Bản (Jetro) tại Hà Nội cho biết trong số hơn 500 doanh nghiệp được cơ quan này hỗ trợ, có hơn 130 công ty bày tỏ nguyện vọng được đầu tư tại Việt Nam thời gian tới, cao hơn nhiều so với con số 78 công ty muốn vào Thái Lan.
Trong khi đó, theo đại diện Hiệp hội Doanh nghiệp Nhật Bản tại Việt Nam, hiện có hơn 1.500 doanh nghiệp nước này đang đang đầu tư tại đây, trong đó 50% hoạt động trong lĩnh vực chế tạo, điện tử, ôtô và phụ kiện. Tổng mức đầu tư tại Việt Nam của các công ty Nhật đạt 37,7 tỷ USD với 517 dự án trong đó khoảng 400 dự án mới.
Ngoài dòng vốn mới sắp đổ vào Việt Nam, vị này cho biết hầu hết các công ty đang hoạt động lâu năm tại Việt Nam đều khẳng định có kế hoạch mở rộng quy mô sản xuất. Theo ông, ngoài lý do tình hình chính trị ổn định, tăng trưởng kinh tế vững chắc thì nay việc Việt Nam tích cực tham gia nhiều hiệp định kinh tế lớn, mới nhất là TPP cùng chiến lược bán sản phẩm vào thị trường nội địa của các công ty Nhật Bản được xem là 2 yếu tố khiến họ quyết định mở rộng đầu tư. "Do vậy, sẽ có luồng vốn mới đổ dồn vào Việt nam thời gian tới", vị này nhận định.
Cùng với kế hoạch mở rộng quy mô hoạt động của các doanh nghiệp FDI Nhật Bản, sẽ có dòng vốn đầu tư mới từ quốc gia này vào Việt Nam thời gian tới.
Tuy nhiên, ông cho rằng cùng với một số tồn tại như thủ tục hành chính phức tạp, cơ sở hạ tầng chưa đồng bộ... sau khi TPP có hiệu lực Việt Nam gặp không ít khó khăn để cạnh tranh. Trong đó, chiến lược phát triển một số ngành chưa thực sự rõ ràng, thiếu đội ngũ quản lý bậc trung, mức lương tối thiểu chưa thực sự phù hợp...
Đồng tình quan điểm, bà Sato cho biết để thu hút thêm dòng vốn đầu tư, Việt Nam đứng trước không ít thách thức. Riêng với công nghiệp phụ trợ - lĩnh vực đang được đa số doanh nghiệp Nhật Bản rót vốn thì tỷ lệ nội địa hóa của Việt Nam chỉ đạt 33% vẫn thấp hơn so với Thái Lan -55%, Indonesia-43%.
"Thời gian tới, Việt Nam có chiến thắng được các nước trong cuộc cạnh tranh trở thành quốc gia cung cấp phụ tùng cho nước ngoài thì cần tập trung phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa Đây sẽ là lực lượng để các bạn có thể tập trung phát triển lĩnh vực hỗ trợ. Jetro sẽ kết nối các công ty có nhu cầu mua linh kiện với các đơn vị của Việt Nam muốn bán", bà nói.
Quan tâm nhiều hơn các vấn đề của Việt Nam khi tham gia Hiệp định Thương mại Xuyên Thái Bình Dương (TPP), ngài Fukada Hiroshi - Đại sứ Nhật tại Việt Nam cho rằng đàm phán TPP vừa kết thúc đồng nghĩa với việc thị trường thương mại được mở rộng. Đây là cơ hội để doanh nghiệp tăng năng lực cạnh tranh. Dù vậy, TPP không chỉ dừng lại ở giao thương hàng hóa mà đòi hỏi các nước tham gia đều phải hoàn thiện thể chế. Đặc biệt, riêng với Việt Nam, cộng đồng doanh nghiệp kỳ vọng Chính phủ cần phải tăng tốc đổi mới thể chế mạnh mẽ hơn nữa.
"Việt Nam gia nhập nền kinh tế thị trường chậm hơn so với nhiều nước láng giếng như Thái Lan. Các bạn chậm hơn 20 năm. Để bù đắp được khoảng thời gian này là điều không hề dễ dàng gì. Nhưng lúc này, một khi các bạn chấp nhận tham gia cuộc chơi mang tên TPP thì các bạn phải cạnh tranh một cách khốc liệt với nhiều nước lớn trên thế giới", vị Đại sứ nhận xét.
Điều quan trọng với Việt Nam, tới đây, theo ông, là cần lựa chọn ngành công nghiệp then chốt, đầu tư con người, công nghệ một cách có trọng điểm. Ông dẫn ví dụ như dệt may, Việt Nam hiện nay mới chỉ dừng ở khâu cuối thành phẩm, còn những sản phẩm thượng nguồn là sợi, chỉ... các doanh nghiệp phụ thuộc hoàn toàn bên ngoài. "Cần đầu tư vào những khâu đầu vào", ông nói. "Kể cả sản phẩm cuối cùng, không chỉ dừng lại việc hoàn chỉnh một chiếc áo, chiếc quần mà Việt Nam cần may hàng hiệu có giá trị gia tăng cao hơn đó mới là điều quan trọng".
Ngoài ra, theo cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, khi tham gia TPP, nông nghiệp và IT cũng là thế mạnh, nếu Việt Nam áp dụng công nghệ nâng cao năng suất cây trồng, vật nuôi đồng thời đào tạo được đội ngũ nhân lực công nghệ hàng đầu thì sẽ không bao giờ lép vế trước các nền kinh tế lớn khác.
Phát biểu tại Diễn đàn, Phó thủ tướng Hoàng Trung Hải nhấn mạnh Nhật Bản luôn nằm trong số những quốc gia hàng đầu về hợp tác trong đầu tư, thương mại và nhiều lĩnh vực khác. Riêng về đầu tư, Nhật Bản là một trong những đối tác lớn nhất của Việt Nam với 2.661 dự án còn hiệu lực trên tất cả các lĩnh vực trọng yếu của nền kinh tế, góp phần thúc đẩy tăng trưởng và thay đổi cơ cấu nền kinh tế đất nước.
Đồng thời, Phó thủ tướng cũng bày tỏ mong muốn cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản tiếp tục quan tâm, mở rộng đầu tư vào Việt Nam, đặc biệt là 6 ngành công nghiệp trong chiến lược hành động của hai Chính phủ.
Với những ý kiến thẳng thắn của cộng đồng doanh nghiệp Nhật Bản, Phó thủ tưởng khẳng định Chính phủ Việt Nam luôn lắng nghe tiếp thu để đưa những sáng kiến, đề xuất trở thành hiện thực. Cùng đó, Việt Nam cam kết sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ với Chính phủ và các doanh nghiệp Nhật Bản để cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh để Việt Nam tiếp tục là điểm đến đầu tư hấp dẫn cho cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước.