Sáng 28-9, các ngân hàng đã đồng loạt công bố biểu lãi suất (LS) mới với LS USD xuống với mức trần cho phép.
Bloomberg: Lợi suất trái phiếu Chính phủ chịu sức ép tăng
- Cập nhật : 29/09/2015
(Chung khoan)
Kể từ đầu năm, Chính phủ chỉ bán được khoảng 1 nửa số trái phiếu chào bán, dẫn đến nguy cơ thiếu hụt ngân sách để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế.
Bộ Tài chính chỉ bán được 96,47 nghìn tỷ đồng (4,3 tỷ USD) trái phiếukể từ đầu năm, tương đương 38% mục tiêu 250 nghìn tỷ đồng cho cả năm 2015. Lợi suất trái phiếu tương đối thấp đã làm giảm nhu cầu của nhà đầu tư, theo BIDV.
Theo số liệu từ HNX, lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn từ 5 năm đến 15 năm dao động từ 5,1% đến 6,9%, thấp nhất kể từ năm 2010. Phiên ngày 23/9, Bộ Tài chính chỉ bán được 12% trong tổng số 3 nghìn tỷ đồng trái phiếu chào bán. Lượng trái phiếu chào bán thành công giảm từ 55,99 nghìn tỷ đồng trong quý I xuống còn 19,3 nghìn tỷ đồng trong quý II và 21,1 nghìn tỷ đồng kể từ đầu quý này.
Lợi suất trái phiếu Chính phủ kỳ hạn 5 năm tăng 47 điểm cơ bản lên 6,7% kể từ đầu năm, từ mức 13% năm 2011. Lợi suất trái phiếu kỳ hạn tương tự của Ấn Độ và Insonesia lần lượt là 7,72% và 9,55%.
Việt Nam đang tìm cách thúc đẩy tăng trưởng kinh tế thông qua chi cho các dự án giao thông, nhiệt điện và y tế, mặt khác phải kiềm chế thâm hụt ngân sách không quá 5% GDP. VinaCapital nhận đinh, các nhà hoạch định chính sách đang phải dựa nhiều hơn vào chính sách tài khóa để thúc đẩy tăng trưởng kinh tế khi lãi suất không thể giảm hơn được nữa.
Ông Alan Pham, kinh tế trưởng của VinaCapital, nhận định: “Việc bán trái phiếu rất quan trọng với nền kinh tế. Nếu không đạt được mục tiêu bán trái phiếu trong khi thâm hụt ngân sách tăng, Chính phủ sẽ phải tìm hướng giải pháp khác như chào bán trái phiếu bằng USD hoặc phải vay mượn từ Ngân hàng Nhà nước”.
Vietnamnet dẫn báo cáo từ Bộ Tài chính có thể cắt giảm ngân sách định kỳ cho các bộ ngành trung ương khoảng 10% vào năm 2016 và chi tiêu cho một số dự án có thể giảm tới 50%.
Chính phủ đang khuyến khích các doanh nghiệp nhà nước bán trái phiếu trên thị trường quốc tế để bù đắp thâm hụt ngân sách, Phó Cục trưởng Cục Tài chính Doanh nghiệp (Bộ Tài chính) Đặng Quyết Tiến cho biết hồi tháng 7. Bộ Tài chính cũng đề nghị vay 30 nghìn tỷ đồng từ NHNN, Thứ Trưởng Huỳnh Quang Hải cho biết hôm 31/7.
Sức ép gia tăng
Trưởng bộ phận nghiên cứu tại Công ty chứng khoán Bản Việt nhận định, trong bối cảnh nhu cầu bù đắp thâm hụt ngân sách tăng, sức ép tăng lợi suất trái phiếu trong các phiên đấu thầu tới cũng sẽ tăng, đặc biệt sau các đợt điều chỉnh tỷ giá.
Kể từ đầu năm, NHNN đã 3 lần điều chỉnh tỷ giá và mới đây nới biên độ giao dịch từ 1% lên 3%. Kể từ đầu năm, tiền đồng đã giảm 4,8% so với USD, thấp hơn so với mức giảm của baht Thái (9,1%), rupiah của Indonesia (16%) và ringgit của Malaysia (20%).
Trưởng bộ phận đầu tư trái phiếu tại SSI cho biết, sau Nghị định ban hành tháng 11 năm ngoái, Việt Nam chỉ bán trái phiếu kỳ hạn trên 5 năm. Điều này làm giảm nhu cầu của các ngân hàng thương mại. “Các ngân hàng, chiếm tỷ trọng 80% trong số nhà đầu tư, có nhu cầu đầu tư vào trái phiếu ngắn hạn hơn, do đó, chính phủ cần đa dạng hóa kỳ hạn để thu hút nhà đầu tư trở lại”, chuyên gia này nhận định.
Các ngân hàng trong nước muốn cho vay hơn là đổ tiền vào trái phiếu Chính phủ, ông Trần Kiều Hưng, trưởng bộ phận kinh doanh trái phiếu của BIDV cho biết. “Nhà đầu tư vẫn hy vọng lợi suất cao hơn để bù lại những rủi ro bất ổn mà họ có thể phải đối mặt”, ông Hưng nhận định.
Báo Đầu Tư Chứng Khoán ngày 22/9 dẫn lời bà Phan Thị Thu Hiền thuộc Bộ Tài chính cho biết, Bộ đang chờ Quốc hội phê duyệt đề xuất cho phát hành trái phiếu nhiều kỳ hạn hơn.
Theo dữ liệu của NHNN, hiện lãi suất bình quân liên ngân hàng trung và dài hạn dao động từ 9,3% đến 11% trong khi tăng trưởng tín dụng được dự báo đạt 16,5% trong năm nay, cao hơn mục tiêu 15% đưa ra. Ông Alan Pham nhận định, lãi suất đã thoát đáy và sẽ bắt đầu tăng do tăng trưởng tín dụng và nhu cầu hỗ trợ tiền đồng.