Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) không tăng lãi suất nhưng tính toán có nên chuyển tiền gửi từ VND sang USD vẫn khiến nhà đầu tư đau đầu
Ông Nguyễn Trí Hiếu: 'Vay tiêu dùng nhiều tiềm năng phát triển'
- Cập nhật : 30/09/2015
(Doanh nhan)
Trong 5 năm tới, dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam có thể đạt tới 10% GDP, bình quân mỗi năm tăng trưởng 20%, theo Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu.
Với quy mô dân số trên 90 triệu người, trong đó 51,6% là dân số trẻ đang ở độ tuổi lao động, tiềm năng của thị trường tài chính tiêu dùng Việt Nam là rất lớn. Nếu như tại các nước phát triển, tín dụng tiêu dùng chiếm 17-18% GDP, thì ở Việt Nam con số này hiện mới chỉ 5-6%. Tiến sĩ Nguyễn Trí Hiếu, chuyên gia tài chính ngân hàng chia sẻ về tiềm năng cho vay tiêu dùng tại thị trường Việt Nam.
- Ông đánh giá như thế nào về thị trường tài chính tiêu dùng ở Việt Nam hiện nay?
- Thị trường tài chính tiêu dùng tại Việt Nam đang phát triển mạnh mẽ. Có 2 thành phần trong nền kinh tế cung cấp tín dụng cho người tiêu dùng. Đó là ngân hàng thương mại và các tổ chức tín dụng khác, trong đó có những công ty tài chính, tiệm cầm đồ.
Hiện thu nhập của người dân Việt Nam càng ngày càng nhiều, mà thu nhập của người dân tốt đưa đến nhu cầu sinh hoạt cũng cao hơn. Chính vì thế, cũng như tất cả các nước trên thế giới, người dân chi tiêu thường trên mức thu nhập của mình. Vay như thế nghĩa là dùng thu nhập tương lai để trả cho số nợ hiện tại. Kinh tế Việt Nam cũng đang phát triển và người dân Việt Nam cũng có nhu cầu vay như vậy. Đó là tình trạng phổ biến của tất cả các thị trường đang phát triển.
Trong vòng 5 năm tới, dư nợ cho vay tiêu dùng của Việt Nam có thể đạt tới 10% GDP, bình quân mỗi năm tăng trưởng 20%.
- Lãi suất cho vay tại các công ty tài chính cao hơn nhiều so với ngân hàng, nhưng vẫn có nhiều người tìm đến các công ty tài chính khi có nhu cầu vốn. Theo ông, lý do vì sao?
- Ngân hàng sẵn sàng cho người tiêu dùng vay với mục đích mua nhà hoặc đáp ứng nhu cầu tài chính nào đó. Nhưng tiêu chí của ngân hàng rất cao, phải có thu nhập ổn định, đủ một số điều kiện về tài chính, không có thế chấp rất khó vay và những người có nợ xấu thường bị ngân hàng từ chối.
Do vậy những thành phần không tiếp cận được vốn của ngân hàng sẽ phải đi qua kênh khác, thường họ tìm đến những công ty tài chính vốn thiết lập mạng lưới rộng rãi hơn của ngân hàng nhiều, nhưng bù lại lãi suất cũng cao hơn hẳn.
- Vì sao có sự chênh lệch lớn về lãi suất giữa ngân hàng và công ty tài chính?
- Các công ty tài chính không như ngân hàng. Với công ty tài chính, họ không được phép huy động tiền gửi của người dân. Người dân cũng không thể đến đó mà gửi tiết kiệm cho họ. Thường các công ty tài chính phải phát hành trái phiếu, tức là đi vào thị trường tài chính để phát hành trái phiếu huy động tiền từ các tổ chức tín dụng khác. Chính vì thế mà vốn của họ không phải là vốn rẻ, có thể họ phải trả đến 10% thậm chí 15% trên vốn mà họ có thể vay từ thị trường tài chính, thêm vào đó là các rủi ro của họ với các món nợ cho vay.
Do đó, các công ty tài chính áp lãi suất rất cao 20-25%, thậm chí là 30% vì thực chất hoạt động của họ khác với ngân hàng. Vậy nên chúng ta phải hiểu rằng các công ty tài chính có biểu lãi suất cao. Vấn đề đặt ra: cao như thế nào là hợp lý, và cao như thế nào được cho là lãi suất cắt cổ.
Các khoản vay có thời hạn rất ngắn, giá trị nhỏ, thậm chí nhiều khoản vay chỉ vài triệu đồng nhưng yêu cầu chung là phải làm thủ tục xét duyệt đơn giản, nhanh chóng, nên nhân viên tín dụng thường phải đến làm việc tận nơi với khách hàng với từng khoản vay nhỏ lẻ. Điều này khiến chi phí hoạt động cho vay tiêu dùng khá cao, làm tăng chi phí quản lý của các công ty tài chính.
- Có những tiệm cầm đồ cho vay với lãi suất 3,5% trong tháng, tức một năm có thể gần 60%. Ông đánh giá như thế nào về mức lãi suất này?
- Lãi suất cho vay ở các tiệm cầm đồ là hình thức cho vay nặng lãi với lãi suất rất cao. Các tiệm cầm đồ họ không quan tâm người đi vay có trả được nợ hay không mà họ chỉ nhắm vào giá trị của tài sản bao nhiêu và cho vay với một tỷ lệ nào đó.
Để tránh việc phải trả lãi suất cao, người dân không nên vay cầm cố tại các tiệm cầm đồ mà cần đi vào các định chế chính thức chẳng hạn như ngân hàng và công ty tài chính có uy tín. Người dân nên tỉnh táo, cảnh giác để tránh tín dụng đen, bởi bản thân sẽ là người chịu nhiều thiệt hại nhất.