Diễn biến mất giá của nhân dân tệ và nhiều đồng tiền khác mang lại cho giới chức Mỹ cái cớ mới để đưa vấn đề kiểm soát thao túng tiền tệ lên bàn đàm phán. Điều này khiến cho triển vọng hoàn tất việc đàm phán TPP vốn đã khó khăn lại càng thêm u ám.
Bloomberg: "Cuộc chiến" đùi gà Mỹ cảnh báo Việt Nam về các FTA
- Cập nhật : 21/08/2015
(Thi truong)
Cuộc chiến giá gà là một hồi chuông cảnh báo đối với Việt Nam khi chuẩn bị tham gia các hiệp định thương mại (FTAs) trong thời gian tới. Một số ngành sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn nước ngoài thuộc các nền kinh tế lớn và có chuỗi cung ứng phức tạp...
Không chỉ anh Tuyen mà nhiều nông dân ở Việt Nam cũng đang phải đối mặt với sự cạnh tranh gay gắt với đùi gà giá rẻ của Mỹ và phải chịu thiệt hại nặng nề trước áp lực giảm giá.
Bloomberg nhận định, cuộc chiến giá gà là một hồi chuông cảnh báo đối với Việt Nam khi chuẩn bị tham gia các hiệp định thương mại (FTAs) trong thời gian tới. Một số ngành sẽ bị cạnh tranh gay gắt từ các tập đoàn nước ngoài thuộc các nền kinh tế lớn và có chuỗi cung ứng phức tạp.
Trong khi đó, Việt Nam đã kết thúc cơ bản đàm phán FTA với Liên minh châu Âu (EU); ký kết FTA với Hàn Quốc vào tháng 5/2015 và hiện đang trong quá trình trở thành thành viên của TPP.
“Cuộc chiến” đùi gà
Chia sẻ với Bloomberg, ông Vũ Tú Thành - Trưởng Đại diện Việt Nam tại Hội đồng Doanh nghiệp Mỹ - ASEAN cho biết: “Nhiều người vẫn chưa hiểu các hiệp định tự do thương mại có ý nghĩa như thế nào đối với nền kinh tế Việt Nam. Chính tâm lý đó làm ảnh hưởng tới việc Việt Nam giao thương với các nước trên thế giới”.
Việt Nam hy vọng khi TPP được ký kết, kim ngạch xuất khẩu sẽ tăng mạnh do thuế quan của các mặt hàng chủ lực như hải sản, giầy dép, quần áo… giảm.
Theo ông Fred Burke, Đối tác quản lý của Công ty Baker & McKenzie (Việt Nam) có trụ sở tại TP. Hồ Chí Minh, cuộc tranh cãi giá gà cũng là tín hiệu cho thấy nhiều ngành như nông nghiệp, ô tô, máy móc tại Việt Nam sẽ không được hưởng lợi nhiều như những ngành khác.
“Đây là một ví dụ điển hình cho thấy những khó khăn mà Việt Nam, đặc biệt với ngành chăn nuôi theo hộ gia đình quy mô nhỏ phải đối mặt, dù đó là kinh doanh gà, bò hay lợn. Bởi môi trường cạnh tranh sẽ ngày càng khắc nghiệt” – ông Burke nói.
Theo thống kê, trong 7 tháng đầu năm nay, Việt Nam nhập khẩu 45.651 tấn gà, hầu hết là đùi gà, từ Mỹ, chiếm 49% tổng lượng thịt nhập khẩu trong giai đoạn này.
Ông Tống Xuân Chinh – Phó cục trưởng Cục Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp & Phát triển Nông thôn cho biết, các cơ quan chức năng đang điều tra khiếu nại gà đông lạnh Mỹ đang được bán tại Việt Nam với giá 91 cent một kg (khoảng 20 nghìn VNĐ/kg). Trong khi đó, chi phí sản xuất gà tương tự tại Việt Nam đã là 1,31-1,36 USD/kg (tương đương 29 – 30 nghìn VNĐ/kg).
Ông Lê Văn Quyết, Phó chủ tịch Hiệp hội Chăn nuôi Đông Nam Bộ cho biết họ đã có văn bản đề nghị Bộ Công Thương xem xét, điều tra việc có hay không tình trạng bán phá giá sản phẩm thịt gà Mỹ tại Việt Nam. Theo hiệp hội này, gà đông lạnh Mỹ đã khiến doanh nghiệp và người chăn nuôi gà Việt Nam thiệt hại 62,3 triệu USD trong 11 tháng qua.
Còn theo anh Tuyen – chủ sở hữu của một trang trại với khoảng 15.000 con gà tại Hà Nội cho biết, đùi gà Mỹ bán ở Việt Nam với giá rẻ như vậy thì chỉ có thể là đùi gà chất lượng thấp hoặc gần hết hạn sử dụng.
Mặt trái của thương mại tự do
“Việt Nam là một trong những nước năng động nhất thế giới trong việc đàm phán và hoàn thiện các thoả thuận thương mại tự do. Tuy nhiên, cạnh tranh càng lớn thì cơ hội càng nhiều. Để tận dụng cơ hội, người Việt Nam cần phải được chuẩn bị kỹ lưỡng trước hội nhập” - Ông Adam Sitkoff, Giám đốc Phòng Thương mại Mỹ tại Việt Nam nhận định.
Theo ông Nguyễn Đức Thành – Viện trưởng Viện Nghiên cứu Kinh tế và Chính sách (VEPR) cho biết, ngành chăn nuôi Việt Nam đang phải chịu cạnh tranh gay gắt từ các doanh nghiệp nước ngoài. Điểm yếu của ngành này là phụ thuộc lớn vào thức ăn và con giống nhập khẩu, chưa đảm bảo an toàn thực phẩm và năng suất còn thấp. 50% động vật nuôi lấy thịt hiện là từ các hộ gia đình nhỏ.
Trong khi đó, nông dân Việt Nam đang tìm kiếm hỗ trợ tài chính khi phải đổi mặt với sự cạnh tranh ngày càng cao từ thịt bò và thịt lợn nhập khẩu.
"Nước Mỹ giàu hơn và thu nhập cũng cao hơn người Việt rất nhiều, nên không có chuyện hàng Mỹ rẻ hơn hàng Việt Nam. Nhưng dường như trường hợp này thì ngược lại" - ông Thành cho biết.