Những thông tin tiêu cực về tình hình kinh tế vĩ mô của Trung Quốc và sự thay đổi chính sách tiền tệ thường xuyên của Ngân hàng Trung ương Trung Quốc đã khiến các nhà đầu tư vừa hoang mang vừa choáng váng, khiến trào lưu rút vốn khỏi thị trường này càng gia tăng, đạt tới 1.000 tỷ USD trong năm 2015.
1 nghìn tỷ USD “tháo chạy” khỏi Trung Quốc trong năm 2015
- Cập nhật : 26/01/2016
(Tai chinh)
Tốc độ vốn chảy khỏi Trung Quốc trong năm 2015 đã tăng gấp hơn 7 lần so với năm 2014...
Năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tiêu một lượng lớn dự trữ ngoại hối để phục vụ cho việc giảm biến động tỷ giá đồng Nhân dân tệ.
Dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc tăng mạnh trong tháng 12/2015, nâng tổng số vốn chạy khỏi nước này trong cả năm lên mức khoảng 1 nghìn tỷ USD. Mức thoái vốn này cho thấy quy mô của “trận chiến” mà các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải đương đầu nhằm giữ tỷ giá đồng Nhân dân tệ trong bối cảnh tăng trưởng giảm tốc và thị trường chứng khoán lao dốc.
Theo ước tính của hãng tin Bloomberg, đã có 158,7 tỷ USD chảy khỏiTrung Quốc trong tháng 12 vừa qua, mức thoái vốn trong tháng lớn thứ nhì của năm 2015, sau dòng vốn chảy đi 194,3 tỷ USD được ghi nhận trong tháng 9.
Cả năm 2014, mức thoái vốn khỏi Trung Quốc là 134,3 tỷ USD. Như vậy, tốc độ vốn chảy khỏi Trung Quốc trong năm 2015 đã tăng gấp hơn 7 lần so với năm 2014, đồng thời là mức mạnh nhất kể từ ít nhất năm 2006.
Trong tháng 12, lượng vốn chạy khỏi Trung Quốc tăng thêm khoảng 50 tỷ USD so với tháng trước đó, sau khi Ngân hàng Trung ương nước này (PBoC) tuyên bố thiết lập tỷ giá tham chiếu đồng Nhân dân tệ dựa trên một rổ tiền tệ, thay vì chỉ duy nhất đồng USD như trước.
Theo ông Tom Orlik, chuyên gia kinh tế trưởng của Bloomberg tại khu vực châu Á, ngoài các dòng vốn chảy khỏi nền kinh tế Trung Quốc, các nhà xuất khẩu của nước này còn găm giữ ngoại tệ thay vì chuyển đổi sang đồng nội tệ.
“Dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc tăng mạnh vào cuối năm xuất phát từ việc PBoC giao tiếp kém với thị trường về sự chuyển hướng chính sách tiền tệ của họ”, ông Mark Williams, chuyên gia kinh tế trưởng khu vực châu Á của Capital Economics ở London, nhận xét. “Dòng vốn chảy đi nhiều khả năng sẽ còn mạnh bởi PBoC không thể tạo ra niềm tin cho các nhà đầu tư rằng PBoC hiểu chính mình đang làm gì hay có khả năng đạt được các mục tiêu chính sách”.
Trong một tuyên bố hôm 21/1, Cơ quan Quản lý ngoại hối Quốc gia Trung Quốc tuyên bố các rủi ro xuất phát từ việc các dòng vốn chảy đi là nằm trong tầm kiểm soát, và dự trữ ngoại hối của Trung Quốc thừa đủ để giúp nước này tự vệ trước các cú sốc từ bên ngoài.
Theo dự báo, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc sẽ sụt giảm 300 tỷ USD trong năm nay, về ngưỡng 3 nghìn tỷ USD. Theo một số nhà phân tích, mức dự trữ như vậy có nguy cơ xói mòn niềm tin vào khả năng của PBoC trong việc bảo vệ tỷ giá đồng nội tệ.
Năm 2015, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc đã tiêu một lượng lớn dự trữ ngoại hối để phục vụ cho việc giảm biến động tỷ giá đồng Nhân dân tệ, khi đồng tiền này mất địa vị đồng tiền chỉ để đầu cơ giá lên. Trong bối cảnh kinh tế Trung Quốc giảm tốc và sau động thái phá giá đồng Nhân dân tệ bất ngờ hồi tháng 8, tỷ giá đồng tiền này đã liên tiếp sụt giảm mạnh, thay vì gần như chỉ có tăng trong thời gian trước đó.
Tính cả năm ngoái, dự trữ ngoại hối của Trung Quốc “bốc hơi” 513 tỷ USD, còn 3,33 nghìn tỷ USD, đánh dấu năm giảm đầu tiên kể từ 1992.
Theo ông Williams, sở dĩ dòng vốn chảy khỏi Trung Quốc tăng vọt trong tháng 9 và tháng 12 là do thay đổi chính sách tiền tệ của nước này khiến thị trường bất ngờ.
Chính sách đồng Nhân dân tệ của Trung Quốc có “vấn đề về giao tiếp” và cần phải “có sự giao tiếp nhiều hơn, tốt hơn”, Giám đốc điều hành Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) Christine Lagarde khuyến nghị hồi tuần trước.