Vốn đầu tư nước ngoài được kỳ vọng sẽ chảy mạnh vào Việt Nam trong thời gian tới sau khi 12 nước tham gia Hiệp định Đối tác Kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) kết thúc đàm phán
VDSC: Cam kết ổn định tỷ giá đã làm tổn thất nguồn dự trữ ngoại hối
- Cập nhật : 08/01/2016
(Tai chinh)
Theo CTCK Rồng Việt, cam kết không phá giá tiền đồng thêm nữa từ sau đợt điều chỉnh vào tháng 8/2015 khiến NHNN phải chịu tổn thất đối với tài khoản dự trữ ngoại hối. Ước tính, NHNN ít nhất đã dùng hơn 10 tỷ USD để ổn định tỷ giá trong nửa sau năm 2015...
Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) vừa công bố Báo cáo chiến lược tháng 1/2016, trong đó đề cập về vấn đề tỷ giá và kết quả tái cấu trúc ngành ngân hàng.
Dự trữ ngoại hối Việt Nam đang ở mức bao nhiêu?
Cụ thể, theo VDSC, yếu tố tỷ giá vốn được nhiều quốc gia sử dụng để nâng cao năng lực cạnh tranh của hàng xuất khẩu cũng được NHNN vận dụng trong năm vừa qua. Sau hai lần phá giá mang tính chủ động đầu năm và giữa năm 2015, NHNN đối mặt với thách thức điều hành khi Trung Quốc thay đổi chính sách tỷ giá.
Điều này cũng dễ hiểu bởi Trung Quốc là đối tác có tỷ trọng thương mại chiếm trên 20% tổng kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam. Tính chung cả năm, đồng Việt Nam mất giá khoảng 5,1%, tương đương mức giảm giá của đồng NDT.
Nhìn chung, báo cáo cho rằng đối với hoạt động thương mại, kết quả điều hành tỷ giá trong năm qua giúp hạn chế nguy cơ phình ra của thâm hụt thương mại giữa Việt Nam và Trung Quốc. Dù vậy, sức cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam có thể đã giảm so với một số nước trong khu vực như Malaysia và Thái Lan, nơi đồng bản tệ của các nước này mất giá mạnh trong năm 2015.
Theo VDSC, cam kết không phá giá thêm nữa tiền đồng từ sau đợt điều chỉnh vào tháng 08/2015 khiến NHNN phải chịu tổn thất đối với tài khoản dự trữ ngoại hối. Theo ước tính của VDSC, NHNN ít nhất đã dùng hơn 10 tỷ USD để ổn định tỷ giá trong nửa sau năm 2015, đưa cân đối vĩ mô là dự trữ ngoại hối về lại tình trạng bấp bênh.
Trước đó, một báo cáo của Quỹ Tiền tệ Quốc tế cho thấy, trong quý 3/2015 dự trữ ngoại hối của Việt Nam đã giảm khoảng 6,7 tỷ USD xuống còn 30,3 tỷ USD vào cuối tháng 9/2015.
Tái cấu trúc nền kinh tế đạt được bước nhảy về “lượng”
Báo cáo của VDSC nhận định: “Thực tế cho thấy nhiều chỉ tiêu về “lượng” đã đạt được trong năm qua. Ngành ngân hàng đạt được kết quả đáng khích lệ trong công tác xử lý nợ xấu và tái cơ cấu các ngân hàng yếu kém”.
Đến cuối năm 2015, NHNN đã đạt được mục tiêu đưa tỷ lệ nợ xấu về dưới mức 3% (số liệu mới nhất cuối tháng 11/2015 là 2,72%). Trong 11 tháng của năm 2015, VAMC đã mua được 98.000 tỷ đồng nợ xấu, nâng tổng số nợ mua được lên 227.000 tỷ đồng với giá trị mua qua phát hành trái phiếu đặc biệt là 199.000 tỷ đồng.
Theo NHNN, tổng số nợ xấu được xử lý từ năm 2012 đến nay khoảng 463.000 tỷ đồng, đồng nghĩa với việc xử lý gần như toàn bộ số nợ xấu ước tính tại thời điểm tháng 09/2012. Đối với các ngân hàng yếu kém, NHNN đã đứng ra mua lại 3 NHTMCP với giá 0 đồng (VNCB, OceanBank và GP.Bank). Đồng thời, 4 thương vụ sáp nhập cũng được thực hiện trong năm qua (MHB và BIDV, PGBank sáp nhập vào VietinBank, MDB vào MaritimeBank và SouthernBank vào Sacombank).
“Song song với hoạt động tái cấu trúc, NHNN thực hiện khá tốt đối với công tác đảm bảo thanh khoản hệ thống, bơm-hút vốn đều đặn đồng thời sử dụng triệt để các biện pháp hành chính trong những thời điểm thị trường tiền tệ biến động (chủ yếu do biến động tỷ giá). Như vậy, mục tiêu về ‘lượng’ cơ bản đạt được đối với lĩnh vực ngân hàng, xương sống trong hoạt động của nền kinh tế”, VDSC đánh giá.
Tuy nhiên, về “chất” thì những khoản nợ xấu đã được VAMC vẫn chưa tìm được đầu ra khả dĩ và đội ngũ lãnh đạo sau tái cấu trúc chưa tạo được nhiều chuyển biến tích cực trong kinh doanh.
Cả năm 2015, VAMC đã xử lý khoảng 17.000 tỷ đồng nợ xấu (tương đương 7,7% tổng số nợ xấu đã mua). Hệ thống NHTM vẫn nặng gánh đối với trích lập dự phòng rủi ro nợ xấu, ăn dần vào lợi nhuận khiến cho hiệu quả kinh doanh chung khó cải thiện.