Theo thống kê, giá dầu giảm sâu đã khiến GDP của Nga mất 3.7% trong năm 2015.
Giới đầu tư quốc tế đua nhau mua vàng
- Cập nhật : 26/01/2016
(Tai chinh)
Vàng đang khôi phục nhanh vai trò “vịnh tránh bão”, sau khi gần như bị “bỏ quên” trong năm 2015...
Trong tháng 1 này, giá vàng giao sau tại New York tăng 3,4%, đạt mức xấp xỉ 1.100 USD/oz. Đây là mức tăng mạnh nhất của giá vàng kể từ tháng 8 năm ngoái.
Từ tháng 5/2015 đến nay, 15 nghìn tỷ USD vốn hóa đã bị cuốn phăng khỏi thị trường chứng khoán toàn cầu. Trong bối cảnh bất ổn tăng cao, các nhà đầu tư trên thị trường quốc tế mạnh tay mua vàng để tìm kiếm sự an toàn.
Hãng tin Bloomberg cho biết, trong tuần qua, giới đầu tư ở Mỹ đã tăng hơn gấp đôi số hợp đồng đầu cơ vàng giá lên. Trước đó chỉ 3 tuần, họ bi quan hơn bao giờ hết về triển vọng giá vàng.
Năm nay, các nhà đầu tư tăng nắm giữ vàng thông qua các quỹ giao dịch hoán đổi (ETF) với tốc độ mạnh chưa từng thấy. Trong vòng chưa đầy 1 tháng đầu năm, giá trị của các ETF vàng đã tăng thêm 3 tỷ USD.
Vàng đang khôi phục nhanh vai trò “vịnh tránh bão”, sau khi gần như bị “bỏ quên” trong năm 2015 bất chấp những sự kiện lớn như vụ tấn công khủng bố ở Paris hồi tháng 11 hay cuộc đàm phán gay cấn nhằm cứu Hy Lạp khỏi nguy cơ phá sản cấp quốc gia hồi tháng 7.
Trong một báo cáo hồi tuần trước, các nhà phân tích của ngân hàng Citigroup dự báo rằng lần này, những mối lo về thị trường toàn cầu sẽ hỗ trợ cho giá vàng. Cùng với đó, Citigroup cũng tăng dự báo giá vàng năm 2016.
“Mọi người đã trở nên dè chừng với rủi ro, cho dù đó là rủi ro kinh tế vĩ mô hay rủi ro địa chính trị”, ông George Milling-Stanley, trưởng bộ phận đầu tư vàng thuộc công ty quản lý tài sản State Street Global Advisors, đánh giá.
“Điều tưởng chừng như lỗi thời có vẻ đang quay trở lại. Tôi cho rằng bầu không khí mà mọi người cảm thấy hoàn toàn bình yên đã bắt đầu không còn nữa. Vàng là một tài sản có độ an toàn cao, và tôi tin là mọi người bắt đầu có cái nhìn thận trọng đối một số tài sản rủi ro mà họ đang nắm giữ”, ông Milling-Stanley nói.
Trong tháng 1 này, giá vàng giao sau tại New York tăng 3,4%, đạt mức xấp xỉ 1.100 USD/oz. Đây là mức tăng mạnh nhất của giá vàng kể từ tháng 8 năm ngoái.
Theo số liệu của Ủy ban Giao dịch hàng hóa giao sau Mỹ (CFTC), số hợp đồng đầu cơ vàng giá lên tại thị trường Mỹ đạt mức 1.934 hợp đồng trong tuần kết thúc vào ngày 19/1, từ mức chỉ 902 hợp đồng trong tuần trước đó, so với số hợp đồng bán khống vàng đạt kỷ lục 24.263 hợp đồng vào cuối năm 2015.
Giới đầu tư đã đổ 926 triệu USD vào các ETF vàng trong tháng 1 này, đưa tháng 1 trở thành tháng mà các ETF vàng được chuộng nhất trong vòng 1 năm trở lại đây. Tuần trước, khối lượng vàng mà các ETF nắm giữ đạt mức gần 1.500 tấn, mức cao nhất kể từ tháng 11/2015.
Năm ngoái, giá vàng giảm 10% do sức ép từ việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED) tăng lãi suất lần đầu tiên sau gần một thập kỷ.
Gần đây, một số quan chức FED phát tín hiệu rằng ngân hàng trung ương này có thể sẽ không tăng lãi suất đồng USD với tốc độ như dự kiến trong năm 2016. Thay vào đó, tốc độ thắt chặt chính sách tiền tệ của Mỹ có thể sẽ chậm hơn dự kiến vì dự báo tăng trưởng của nền kinh tế lớn nhất thế giới bị cắt giảm.
Việc Mỹ tăng lãi suất với tốc độ chậm có thể giúp giảm bớt áp lực giảm giá đối với vàng.
Sức hấp dẫn của vàng gia tăng trong tháng này “có thể phần nào liên quan đến việc các nhà đầu tư tái cân bằng danh mục”, ông Kevin Caron, chiến lược gia kiêm nhà quản lý danh mục của công ty quản lý tài sản Stifel Nicolaus, nhận định. “Mức giá vàng ở gần vùng 1.000 USD/oz, thay vì 2.000 USD, là phù hợp để nhiều người gia nhập thị trường”.
Trong báo cáo ra ngày 19/1, Citigroup đã nêu một số nguyên nhân đẩy giá vàng tăng từ đầu năm đến nay, bao gồm lo ngại về sự giảm tốc tăng trưởng của Trung Quốc, chứng khoán toàn cầu chao đảo, và căng thẳng gia tăng ở Trung Đông.
Citigroup tăng dự báo giá vàng thế giới năm 2016 thêm 7,5%, lên mức 1.070 USD/oz. Theo các nhà phân tích của ngân hàng này, bất ổn sẽ là nhân tố hỗ trợ giá vàng trong quý 1, còn về cuối năm, giá vàng sẽ được nâng đỡ khi đồng USD ngừng tăng giá.
Tháng 12/2015, giá vàng thế giới chạm mức đáy của 5 năm khi đồng USD tăng giá và lạm phát của Mỹ ở mức thấp khiến vàng không phát huy được vai trò kênh lưu trữ giá trị.
Không phải chuyên gia nào cũng tin triển vọng giá vàng sẽ khởi sắc trong năm nay, bởi lạm phát trên toàn cầu đang ở mức thấp, thậm chí nguy cơ giảm phát còn đang hiện hữu.
Tháng 12 vừa qua, chi phí sinh hoạt ở Mỹ bất ngờ giảm do giá hàng hóa cơ bản lao dốc. Sự giảm tốc tăng trưởng của kinh tế Trung Quốc, kết hợp với giá dầu giảm sâu và việc nhiều nước giảm giá đồng tiền để giành lợi thế cạnh tranh đang đẩy rủi ro giảm phát gia tăng trên toàn cầu - tỷ phú, nhà đầu cơ nổi tiếng George Soros nhận định trong cuộc trả lời phỏng vấn Bloomberg mới đây.
“Giá vàng chỉ bật tăng trong ngắn hạn do dầu thô và chứng khoán bị bán tháo. Các yếu tố nền tảng quyết định giá vàng, đặc biệt là kỳ vọng lạm phát, không hề thay đổi”, ông Rob Haworth, chiến lược gia cấp cao thuộc US Bank Wealth Management, phát biểu.