TS. Alan Phạm, kinh tế gia trưởng của Tập đoàn VinaCapital cho rằng, với tình hình kinh tế vĩ mô khá ổn định, cộng với các yếu tố bên ngoài như việc Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) vừa quyết định không tăng lãi suất USD, nợ xấu từng bước được giải quyết…, khả năng lãi suất huy động trong 2 quý cuối năm sẽ chỉ tăng nhẹ ở mức 0,5 - 1%.
Tỷ giá trung tâm cần được điều chỉnh linh hoạt hơn nữa
- Cập nhật : 18/01/2016
(Tai chinh)
Trong báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cho rằng, thách thức điều hành tỷ giá trong năm 2016 là rất lớn. Ở kịch bản cơ sở, tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tăng 3-4% trong năm 2016.
Tỷ giá trung tâm cần được điều chỉnh linh hoạt hơn nữa
Vào ngày cuối cùng của năm 2015, NHNN đã chính thức công bố cơ chế điều hành tỷ giá mới theo đó tỷ giá trung tâm USD/VND sẽ được công bố hàng ngày.
Tỷ giá trung tâm được xác định dựa trên: tỷ giá bình quân gia quyền trên thị trường liên ngân hàng, diễn biến tỷ giá chéo của 7 ngoại tệ khác có quan hệ thương mại, đầu tư, và vay nợ lớn với Việt Nam, các cân đối vĩ mô và tiền tệ, và (iv) mục tiêu của chính sách tiền tệ. Bảy ngoại tệ chủ chốt khác bao gồm các đồng tiền của Liên minh Châu Âu, Trung Quốc, Nhật Bản, Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, và Thái Lan.
Như vậy, về cơ bản NHNN chỉ làm rõ hơn cơ chế điều hành tỷ giá so với trước đây, chính thức thừa nhận tác động chéo của một số đồng tiền chủ chốt khác, ngoài USD, đến tỷ giá, và cho phép tỷ giá có thể thay đổi hàng ngày theo công bố về tỷ giá trung tâm.
Tỷ giá thực tế trên thị trường ngoại hối trong hai tuần đầu giao dịch vẫn chủ yếu xoay quanh biên độ giới hạn trên của tỷ giá trung tâm, cho nên thị trường vẫn còn hoài nghi về tính chỉ báo, dẫn dắt của cơ chế tỷ giá mới.
Theo BVSC, tỷ giá trung tâm cần được điều chỉnh linh hoạt hơn nữa trong năm 2016, để chỉ số này thực dự có vai trò định hướng, dẫn dắt trên thị trường ngoại hối.
Các bên tham gia thị trường sẽ chỉ tin tưởng tỷ giá trung tâm nếu tỷ giá thực tế giao dịch trong ngày xoay quanh ở cả cận trên và cận dưới của tỷ giá trung tâm, chứ không chỉ chủ yếu tập trung ở cận trên như trong tuần đầu giao dịch đầu tiên với cơ chế tỷ giá mới. Điều này cũng gắn chặt với cam kết chống đô la hóa khi NHNN chính thức loại bỏ USD trong quan hệ tín dụng giữa ngân hàng và tổ chức, cá nhân.
Như vậy, tỷ giá linh hoạt sẽ là cơ sở quan trọng để NHNN có thể thực hiện cam kết chống đô la hóa trên thực tế, khi giao dịch với USD trong nền kinh tế được chuyển từ quan hệ tín dụng sang quan hệ mua bán trên thị trường ngoại hối.
VND sẽ mất giá thêm 3-4% so với USD
Thông tư số 15/2015/TT-NHNN về hướng dẫn giao dịch ngoại tệ trên thị trường ngoại tệ của các tổ chức tín dụng được phép hoạt động ngoại hối là cơ sở quan trọng cho thị trường ngoại hối phái sinh.
Theo văn bản này, tất cả các giao dịch ngoại tệ giao sau từ 3 đến 365 ngày đều phải chuyển sang giao dịch kỳ hạn, giao dịch hoán đổi, hay giao dịch quyền chọn. Tỷ giá giao sau được xác định dựa trên: tỷ giá giao ngay vào ngày giao dịch, chênh lệch giữa hai mức lãi suất hiện hành là lãi suất tái cấp vốn do NHNN công bố và lãi suất mục tiêu của Cục dự trữ liên bang Mỹ, và kỳ hạn của giao dịch. Thị trường ngoại hối phái sinh nến được vận hành tốt sẽ là cơ sở quan trọng cho việc định hình kỳ vọng hợp lý trên thị trường.
Ví dụ, nếu tỷ giá giao sau 6 tháng cao hơn 3% thì thị trường sẽ có kỳ vọng mất giá VND 3% trong vòng 3 tháng. Như vậy, kỳ vọng đã được trói buộc vào các giao kèo thực tế trên thị trường, chứ không phải là các hoạt động đầu cơ như trước đây.
BVSC dự báo ở kịch bản cơ sở tỷ giá USD/VND được dự báo sẽ tăng 3-4% trong năm 2016. Dự báo này được đưa ra trên cơ sở dự báo cán cân thanh toán tổng thể của Việt Nam đạt thặng dư khoảng 5 tỷ USD, Fed sẽ tăng lãi suất thêm 1%, và thị trường tài chính quốc tế không có những biến động lớn và bất ngờ, chẳng hạn đến từ Trung Quốc tiếp tục phá giá CNY. Thị trường ngoại hối được nhận định sẽ tiếp tục diễn biến phức tạp do sức ép giảm giá VND.