tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Lo ngại lãi vay trung, dài hạn

  • Cập nhật : 18/01/2016

(Tai chinh)

Năm 2015, tỷ trọng vay vốn trung và dài hạn tăng lên đáng kể nhưng nhu cầu vốn trung và dài hạn của doanh nghiệp (DN) hiện vẫn còn rất lớn. Tuy nhiên, lãi suất và những rủi ro từ việc lấy ngắn nuôi dài của NH sẽ vẫn là rào cản đối với những DN có nhu cầu tiếp cận vốn vay trung và dài hạn trong năm 2016.

anh minh hoa: l.thanh

Ảnh minh họa: L.THANH

Vốn vay trung, dài hạn tăng

Theo báo cáo tại Hội nghị triển khai nhiệm vụ ngành NH năm 2016 trên địa bàn TPHCM, năm 2015 tín dụng trung và dài hạn chiếm tỷ trọng cao hơn tín dụng ngắn hạn. Dư nợ tín dụng trung và dài hạn cuối năm 2015 đạt khoảng 711.116 tỷ đồng, tăng 28,7% và chiếm 57,6% tổng dư nợ tín dụng.

Đây là tình hình khác biệt so với những năm trước đây, tín dụng trung và dài hạn luôn chiếm khoảng 45% tổng dư nợ và có tốc độ tăng trưởngthấp hơn tín dụng ngắn hạn. Theo NHNN chi nhánh TPHCM, diễn biến này gắn liền với 2 yếu tố chính. Một là do nền kinh tế phục hồi và trong xu hướng phát triển ổn định.

Theo đó, DN đã và đang có nhu cầu vốn trung và dài hạn để mở rộng sản xuất kinh doanh, đầu tư máy móc thiết bị, đổi mới công nghệ và phát triển sản xuất, đồng thời nhu cầu vốn cho các dự án đầu tư cơ sở hạ tầng tăng so với các năm trước đây. Hai là thị trường bất động sảnphục hồi và có xu hướng tăng trưởng tốt hơn, giao dịch mua bán nhà ở, căn hộ chung cư, nhất là phân khúc thị trường có đối với người có thu nhập trung bình và thấp sôi động hơn, vì vậy nhu cầu vay vốn trung và dài hạn tăng, trong đó dư nợ chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở tăng gấp 3,58 lần so với cuối năm 2014.

Năm 2015, tín dụng tăng trưởng mạnh do các NHTM tập trung cho vay một số DN lớn, dự án bất động sản và một số dự án dài hạn, trong đó có những dự án xây dựng hạ tầng có thời gian cho vay đến vài chục năm. Năm 2016, NHNN sẽ siết chặt quản lý tín dụng bất động sản cũng như tín dụng dài hạn, vì NH chủ yếu huy động vốn ngắn hạn, cho vay dài hạn tỷ trọng lớn sẽ gây mất cân đối và rủi ro rất lớn.

Ông Nguyễn Phước Thanh, Phó Thống đốc NHNN

So với những năm trước đây, nguồn vốn phục vụ cho vay trung và dài hạn năm 2015 đã dồi dào hơn, khi Thông tư 36/TT-NHNN thay đổi tỷ lệ vốn ngắn hạn được sử dụng để cho vay trung và dài hạn của NHTM từ 30% lên 60%.

Quy định này vừa giúp các NH đáp ứng cầu vốn trung và dài hạn rất lớn của DN, vừa cải thiện tỷ lệ lãi cận biên (NIM) để gia tăng thu nhập cho các NH.

Theo thống kê của NHNN, lãi suất huy động VNĐ kỳ hạn từ 1 tháng đến dưới 6 tháng từ 4,5-5,4%/năm, đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6 tháng đến dưới 12 tháng là 5,4-6,5%/năm và kỳ hạn trên 12 tháng từ 6,4-7,2%/năm. Trong khi đó, lãi suất cho vay phổ biến đối với các lĩnh vực ưu tiên ở mức 6-7%/năm đối với ngắn hạn và 9-10%/năm đối với trung và dài hạn. Lãi suất cho vay các lĩnh vực sản xuất kinh doanh thông thường ở mức 6,8-9%/năm đối với ngắn hạn và 9,3-11%/năm đối với trung và dài hạn.

Như vậy, khi dùng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn, NH có thể hưởng chênh lệch từ 3-6,5%. Tuy nhiên, một chuyên gia tài chính cho rằng, việc tăng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn ẩn chứa nhiều rủi ro, trước mát dẫn đến căng thẳng thanh khoản cục bộ mà đã biểu hiện trong những tuần gần đây. Hiện nay, vốn huy động của NH chủ yếu vẫn là vốn ngắn hạn, trong khi người dân vẫn trong xu hướng không giữ vốn ổn định ở một kênh đầu tư nào suốt một thời gian dài. Vào thời điểm cận Tết, nhu cầu tiêu dùng, xây dựng, sửa chữa nhà ở tăng lên, một bộ phận người dân cũng có xu hướng rút tiền ra để chi tiêu.

Nghịch lý vay dài hạn lãi suất cao

Trước khi Thông tư 36 được thực thi, nhiều NH phản ánh nhu cầu vốn của nền kinh tế, của cộng đồng DN chủ yếu là vốn trung và dài hạn, nhưng vốn huy động trung hạn chỉ chiếm khoảng 15%, còn lại 85% nguồn vốn huy động ngắn hạn. Nên khi thay đổi tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn đáp ứng được vốn cho những DN làm ăn tốt, có nhu cầu vay trung, dài hạn vay được vốn để sản xuất, kinh doanh, đẩy tín dụng tăng lên. Hơn nữa, khi tỷ lệ này được nới ra, lãi suất cho vay trung và dài hạn sẽ giảm do vốn huy động ngắn hạn có lãi suất thấp.

Tuy nhiên, theo phản ánh của nhiều DN, mức lãi suất vay trung và dài hạn ở mức 9-11%/năm vẫn cao hơn sức chịu đựng của DN. Trong khi đó, nhiều dự báo cho rằng lãi suất sẽ khó giảm xuống vì năm 2016 lạm phát tăng, làm tăng kỳ vọng của người dân gây áp lực làm tăng lãi suất huy động; cầu tín dụng của khu vực tư nhân tiếp tục tăng trong khi nhu cầu phát hành trái phiếu Chính phủ không giảm, nhu cầu trích lập dự phòng rủi ro cũng hạn chế khả năng giảm lãi suất cho vay.

Rõ ràng nhất là trong nửa đầu tháng 1-2016, các NHTM vẫn đang tiếp diễn tình trạng cạnh tranh lãi suất huy động; ngay cả những “ông lớn” như BIDV, VietinBank cũng đã vào cuộc. Bên cạnh đó, lãi suất huy động dài hạn của một số NH cũng đã tăng lên đáng kể, như trong lần điều chỉnh lãi suất mới đây Techcombank tăng lãi suất hầu hết các kỳ hạn, trong đó kỳ hạn dài từ 10 tháng đến 36 tháng từ 0,1-0,35%, Eximbank áp dụng biểu lãi suất huy động mới khi gửi từ 15 tháng trở lên có thể hưởng lãi suất lên đến 7,6%/năm...

Lãnh đạo một NHTMCP chia sẻ, về nguyên tắc lãi suất cho vay ngắn hạn luôn cao hơn lãi suất cho vay trung và dài hạn nhằm khuyến khích DN đầu tư, sản xuất theo kế hoạch ổn định, từ đó ổn định nền kinh tế. Nhưng ngược lại ở nước ta, chính sách lãi suất cản trở DN đầu tư dài hạn, vay trung và dài hạn lãi suất cao hơn vay ngắn hạn. Các NH cho rằng do phải tính đến các yếu tố rủi ro về tín dụng, rủi ro về lãi suất, rủi ro về thanh khoản.

Hiện các NH đang có định hướng để chuyển dịch cơ cấu vốn huy động từ ngắn hạn sang dài hạn, vì vậy lãi suất huy động kỳ hạn từ 12 tháng trở lên đã được điều chỉnh hấp dẫn hơn so với các kỳ hạn ngắn nên việc kéo giảm lãi suất vay trung, dài hạn càng khó hơn. Tuy vậy, vị lãnh đạo này cho rằng, trong năm 2016, nhu cầu vay vốn vẫn tập trung ở kỳ hạn trung và dài hạn vì DN Việt Nam đang rất cần nguồn vốn này.

Theo ông Phạm Hồng Hải, Tổng giám đốc HSBC Việt Nam, ở các nền kinh tế trên thế giới, kênh vốn cung cấp cho vay trung và dài hạn thường xuất phát từ thị trường trái phiếu và cổ phiếu, trong khi tại Việt Nam 2 công cụ tài chính này chưa hoạt động đúng chức năng.

Trong tương lai phải khơi thông kênh vốn này, còn nếu chỉ dựa vào vốn vay từ NH rủi ro cho NH rất lớn do nguồn vốn huy động được chủ yếu là vốn ngắn hạn. “Từ lúc này đến lúc xây dựng một thị trường vốn hoàn hảo, cần một giai đoạn tương đối dài và hiện sẽ vẫn cần NH chung tay hỗ trợ các dự án. Phía các NH phải cẩn trọng xem xét tính khả thi các dự án, khả năng hoàn vốn của dự án trong bối cảnh kinh tế thế giới biến động như hiện nay” - ông Hải chia sẻ.

(Theo CafeF)

 

Trở về

Bài cùng chuyên mục