Các khoản vay được Chính phủ bảo lãnh sẽ được nghiên cứu để dần chuyển sang kênh bảo lãnh của ngân hàng thương mại liệu có làm khó và đẩy rủi ro cho các ngân hàng thương mại?
Trái phiếu chính phủ khuấy động lãi suất
- Cập nhật : 18/01/2016
(Tai chinh)
Theo các chuyên gia, việc trái phiếu chính phủ hút vốn ngân hàng làm cho cơ hội giữ hoặc giảm lãi suất cho vay để hỗ trợ doanh nghiệp xa dần.
Một số ngân hàng tăng lãi suất huy động, như Ngân hàng Đông Á kỳ hạn 36 tháng lên 7,2%/năm - Ảnh: Hoài Linh
Ngoài nguyên nhân theo thời vụ khi doanh nghiệp cần vốn cho sản xuất kinh doanh cuối năm, việc Bộ Tài chính liên tục phát hành trái phiếu chính phủ vừa để đầu tư và để đảo nợ đã hút một lượng vốn lớn của ngân hàng, gây sức ép tăng lãi suất.
Trái phiếu đang trở thành kênh cạnh tranh vốn trực tiếp với doanh nghiệp...
Bề nổi: tăng theo thời vụ
Khoảng một tháng trước, mức lãi suất (LS) “đỉnh” của thị trường được ghi nhận ở mức 7,2-7,3%/năm, nhưng mức LS này hiện đã trở nên lạc hậu khi không chỉ ngân hàng (NH) nhỏ mà các NH lớn cũng liên tục đưa ra những mức LS cao hơn để thu hút vốn.
Các NH khác như Eximbank, Bảo Việt, LS huy động cao nhất lên đến 7,6%/năm đối với kỳ hạn dài. Các NH như NCB, OCB..., mức LS cao nhất ở 7,5%/năm.
Ngoài LS, các NH còn tung ra những chương trình khuyến mãi như tặng quà, rút thăm trúng thưởng. Ở các kỳ hạn ngắn dưới 6 tháng, một số NH đã áp dụng mức kịch trần 5,5%/năm. Ngoại trừ Vietcombank đứng ngoài cuộc đua này, còn lại một số NH cổ phần có gốc quốc doanh cũng tăng LS khá mạnh.
Lý giải về động thái đua tăng LS huy động gần đây, ông Nguyễn Hoàng Minh - phó giám đốc NH Nhà nước TP.HCM - cho rằng nhu cầu vốn tăng lên do kinh tế phục hồi. Điều này cũng được một số NH xác nhận. Ông Ngô Quang Trung, phó tổng giám đốc NH Bản Việt, cho rằng không phải NH tăng LS toàn bộ các kỳ hạn mà có NH tăng kỳ hạn ngắn, có NH tăng kỳ hạn dài.
“Do tín dụng trung dài hạn tăng hơi nhanh gần đây nên chúng tôi phải tăng LS huy động để cân đối” - ông Trung nói. Ông Võ Minh Tuấn, chủ tịch HĐQT NH Đông Á, nói LS tăng do quy luật. “Thường tháng 12, tháng 1 doanh nghiệp cần vốn để trữ hàng tết, do vậy NH phải tăng LS để cần vốn cân đối cung cầu như vừa rồi LS huy động tăng khoảng 0,2%/năm” - ông Tuấn nói.
Sâu xa: trái phiếu chính phủ hút vốn ngân hàng
Tuy nhiên, tại cuộc họp tổng kết ngành NH tổ chức sáng 15-1 ở TP.HCM, Phó thống đốc NH Nhà nước Nguyễn Phước Thanh tiết lộ nguyên nhân sâu xa hơn dẫn đến cuộc đua LS huy động là do các NH đổ quá nhiều vốn vào trái phiếu.
“85% lượng trái phiếu là do NH mua trong khi kỳ hạn mua trái phiếu rất dài. Điều này ảnh hưởng đến cân đối vốn của các NH” - ông Thanh nhấn mạnh. Đặc biệt, tỉ lệ sử dụng vốn của các NH đã được kéo từ mức 80% lên 85-95% trong thời gian gần đây cho thấy thanh khoản tại các NH căng thẳng.
Theo ông Trương Văn Phước - phó chủ tịch Ủy ban Giám sát tài chính quốc gia, ngân sách mấy năm gần đây có khó khăn, NH cũng đổ vốn vào trái phiếu chính phủ do đây là một kênh đầu tư gần như không có rủi ro trong khi LS cũng ở mức chấp nhận được.
Chỉ từ tháng 6 đến tháng 12-2015, có 130.000 tỉ đồng trái phiếu chính phủ đã trúng thầu, LS bình quân là 6,35%/năm, tăng 0,9%/năm so với đầu năm.
“Điều này cho thấy cân đối ngân sách khó khăn đã đẩy áp lực huy động vốn lên hệ thống NH. Mặt khác, thị trường chứng khoán cũng không thực hiện được chức năng huy động vốn trung dài hạn cho nền kinh tế. Trong khi đó, vốn huy động từ NH chủ yếu là vốn ngắn hạn, lại phải phục vụ nhu cầu vốn trung dài hạn của nền kinh tế dẫn đến LS huy động chịu áp lực tăng” - ông Phước nói.
Theo ông Phước, muốn xử lý vấn đề này đòi hỏi giảm bớt áp lực cho chính sách tiền tệ để khi lạm phát thấp xuống thì LS phải hạ theo, tránh tình trạng trái phiếu chính phủ gây khó khăn cho việc hạ LS như hiện nay.
Trao đổi với Tuổi Trẻ, một số NH cho biết trong hai tháng trở lại đây, Bộ Tài chính đã đưa ra các kỳ hạn trái phiếu khác nhau, đặc biệt các kỳ hạn ngắn, nên thu hút sự quan tâm của các NH rất lớn, điều này thể hiện qua kết quả phát hành trái phiếu gần đây.
“Việc dồn vốn vào trái phiếu kỳ hạn dài sẽ dẫn đến nhiều rủi ro khác nhau, đặc biệt tạo áp lực tăng LS huy động do nguồn vốn huy động của các NH chủ yếu là ngắn hạn. Nếu quá tập trung vốn vào trái phiếu, đến khi cần vốn NH phải bán trái phiếu ra, nhiều NH bán cùng lúc sẽ dẫn đến khó khăn về thanh khoản. Đây cũng sẽ là một trong những rủi ro mà NH sẽ phải xem xét rất kỹ để đảm bảo đầu tư ở một mức chấp nhận được, sao cho không ảnh hưởng đến thanh khoản” - một chuyên gia kinh tế nói.
TS Trần Du Lịch nhìn nhận thực trạng NH đổ vốn vào trái phiếu chính là nguyên nhân tác động trực tiếp đến LS huy động và làm LS cho vay khó giảm.
“Nhu cầu huy động vốn thông qua trái phiếu rất lớn do ngoài việc phục vụ nhu cầu đầu tư mới còn được dùng để trả nợ đáo hạn. Đó là thách thức đối với NH Nhà nước trong việc điều hành chính sách tiền tệ, đặc biệt trong việc làm sao giữ LS cho vay không tăng” - ông Trần Du Lịch nói.
Không thể cho vay như năm 2015
Theo Phó thống đốc Nguyễn Phước Thanh, tín dụng trung dài hạn tăng cao gây áp lực lên NH bởi vốn huy động phần lớn là vốn ngắn hạn, các NH cần lưu ý vấn đề này trong phát triển tín dụng.
Cũng theo ông Thanh, tín dụng năm 2015 tăng khá cao, trong đó một lượng lớn vốn đổ vào kênh bất động sản và các dự án BOT. NH Nhà nước khuyến khích các NH tăng bán lẻ, bỏ vốn vào nhiều giỏ chứ không nên bỏ vốn vào một giỏ, mà còn nhiều NH cùng bỏ vốn vào một giỏ.
“Năm 2015 NH Nhà nước buộc chấp nhận cho tín dụng tăng khá cao để tạo động lực cho nền kinh tế, nhưng năm 2016 làm như vậy nữa là không ổn. Tín dụng năm nay chỉ tăng 18-20% và NH Nhà nước sẽ kiểm soát tín dụng bất động sản và tín dụng trung dài hạn. Ngoài ra, NH Nhà nước cũng lưu ý hiện nay nhiều tập đoàn, tổng công ty là các “con cá kình” đang rất khó khăn nên NH phải hết sức lưu ý khi cho các đơn vị này vay vốn” - ông Thanh nhấn mạnh.
Có giảm được lãi suất trung dài hạn?
Liệu LS huy động và cho vay tới đây có tăng? Ông Võ Minh Tuấn, chủ tịch HĐQT NH Đông Á, dự đoán có lẽ LS huy động sẽ dừng ở mức này do NH cũng phải cân đối giữa lợi ích của người gửi và người vay. “NH có khoảng đệm để chịu đựng nên LS huy động tăng nhưng LS cho vay chưa tăng” - ông Tuấn nói.
Trong khi đó, một lãnh đạo NH có vốn nước ngoài cho biết với nhóm khách hàng tốt, NH sẽ không dám tăng LS. Tuy nhiên, nếu LS duy trì ở mức cao trong thời gian dài có nhiều khả năng NH phải điều chỉnh LS cho phù hợp. “Về LS huy động khó kỳ vọng giảm do Mỹ bắt đầu bước vào chu kỳ tăng LS, bản thân cầu tín dụng của nền kinh tế đã tăng nên LS sẽ duy trì ở mặt bằng hiện nay hoặc nhích nhẹ” - vị lãnh đạo này nói.
Ông Phạm Ngọc Hưng (phó chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM):
Đừng làm khó doanh nghiệp
Năm 2015 lạm phát ở mức rất thấp, CPI chỉ 1% do đó LS huy động tăng lên là vô lý. Lẽ CPI thấp như vậy thì LS phải giảm mới đúng. Các doanh nghiệp ở các nước Asean vay với LS chỉ 5-6%/năm còn ở Việt Nam gần gấp đôi, đã vậy còn nhấp nhỏm tăng. Mong muốn của doanh nghiệp là NH Nhà nước và Bộ Tài chính sớm điều chỉnh để ổn định LS giúp doanh nghiệp yên tâm làm ăn.