Để tăng vốn, nhiều NH đã lên phương án tìm cổ đông, nhà đầu tư chiến lược để bán số lượng lớn cổ phiếu với tỷ lệ không quá 30% vốn điều lệ mới, cộng với nhiều chính sách ưu đãi, chiết khấu cao nhưng tỷ lệ thành công rất thấp.
Doanh nghiệp hết “sợ” ngân hàng!
- Cập nhật : 09/01/2016
(Tai chinh)
Cái được lớn nhất của chương trình kết nối ngân hàng và doanh nghiệp không chỉ là tháo gỡ về vốn, lãi suất cho doanh nghiệp mà còn có tác động lan tỏa, giúp cả chính quyền địa phương và cơ quan quản lý thấy được khó khăn của doanh nghiệp
Đây là nhận định của Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Nguyễn Phước Thanh tại hội nghị tổng kết chương trình kết nối NH và doanh nghiệp (DN) năm 2015, do UBND TP HCM tổ chức ngày 8-1.
Chưa vướng nợ xấu
Theo ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN Chi nhánh TP HCM, điểm mới của chương trình năm 2015 là vừa triển khai kết nối tại các quận - huyện, các đầu mối kết nối vừa thực hiện dưới hình thức gói tín dụng do 19 NH thương mại đăng ký. Kết quả, số vốn cho vay của chương trình đã tăng gấp 2,89 lần so với chỉ tiêu kế hoạch TP giao, với 4.732 khách hàng được vay tổng cộng 173.188 tỉ đồng.
Trong gần 4 năm triển khai, chương trình đã có 88 đợt ký kết được tổ chức với 9.235 khách hàng vay vốn, tổng số tiền lên tới 240.697 tỉ đồng. Trong đó, tất cả DN tham gia chương trình ở mọi lĩnh vực sản xuất - kinh doanh đều được hưởng lãi suất ưu đãi bằng hoặc thấp hơn lãi suất cho vay ngắn hạn đối với 5 lĩnh vực ưu tiên. Hiện lãi suất cho vay phổ biến từ 6%-7%/năm đối với khoản vay ngắn hạn và xoay quanh mức 9%/năm đối với khoản vay trung - dài hạn.
Phó Thống đốc Nguyễn Phước Thanh cho biết gần 100% khách hàng trả nợ đúng hạn, không vướng nợ xấu cũng giúp ngành NH hưởng lợi. Quan trọng hơn là giải quyết khó khăn về vốn cho DN với lãi suất khá phù hợp trong điều kiện khó khăn của nền kinh tế. “Đây cũng là cơ hội để chính quyền địa phương, cơ quan quản lý, DN và NH gặp nhau, hiểu nhau. Điều này rất quan trọng, bởi trước đây, cơ quan quản lý và chính quyền địa phương chỉ nói mà không thấy được những khó khăn của DN” - ông Thanh nói.
Đẩy mạnh cho vay tín chấp
Điểm mới của chương trình kết nối trong năm 2016 là sẽ tập trung vốn cho các lĩnh vực ưu tiên, nhất là DN vừa và nhỏ, lĩnh vực công nghiệp hỗ trợ nhằm giúp khu vực này tăng cường đổi mới máy móc, công nghệ, nâng sức cạnh tranh trong hội nhập. Ông Phạm Xuân Hồng, Chủ tịch Hội Dệt may Thêu đan TP HCM, cho biết ngành dệt may phần lớn là các DN vừa và nhỏ, năng lực tài chính có hạn nên rất cần sự hỗ trợ vốn từ các NH thương mại. Có điều lâu nay, DN vừa và nhỏ ngành dệt may chủ yếu làm gia công.
“Với tâm lý DN nhỏ, lại làm gia công nên thường liệu cơm gắp mắm nên họ ít vay vốn NH hơn các ngành khác. Nhưng nay, trước áp lực ngày càng cạnh tranh gay gắt khi Việt Nam hội nhập sâu, buộc DN phải cải tiến đầu tư từ gia công sang các công đoạn khác có giá trị gia tăng cao hơn nên sắp tới sẽ cần sự hỗ trợ, gắn kết nhiều hơn của ngành NH để đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị, đổi mới phương thức kinh doanh” - ông Hồng đề nghị.
Ông Nguyễn Phước Thanh nhìn nhận đúng là thực tế một số DN chưa tiếp cận được vốn do quy mô sản xuất nhỏ, điều kiện trả nợ cũng không bảo đảm nên NH khó đáp ứng được. Dù có tài sản thế chấp nhưng giấy tờ và phương án trả nợ không khả thi nên dù chủ trương hướng vốn đến nhóm DN này nhưng cần giải pháp tổng thể. “Quan trọng là nhà nước và các hiệp hội hỗ trợ DN tăng năng lực quản trị, giúp họ quản trị tốt và minh bạch hơn. DN trách thì chịu nhưng NH không thể cho vay mà không có gì bảo đảm vì tiền là của dân” - ông Thanh giải thích.
Ngay cả lĩnh vực vay tín chấp, vốn được Chính phủ và Thống đốc NHNN khuyến khích nhưng thực tế rất ít DN tiếp cận được. Ông Trần Khải Hoàn, Phó Tổng Giám đốc NH TMCP Nam Á, lý giải trước đây đúng là các NH thương mại tương đối e dè cho vay tín chấp song với tình hình kinh tế đang hồi phục và DN đang tồn tại cũng đủ sức khỏe để phát triển. Do đó, cho vay tín chấp không dừng ở e dè như trước và có thể cho vay theo hướng tín chấp, thế chấp bằng dòng tiền, từ nguồn thu… “Quan trọng là NH có đủ công cụ, năng lực để đánh giá hoạt động kinh doanh của DN, đồng thời sớm áp dụng tiêu chuẩn quản lý nợ nhằm tăng cường quản lý rủi ro thì sẽ mạnh dạn hơn trong cho vay tín chấp” - ông Hoàn nói.
Sẽ bơm thêm 250.000 tỉ đồng
Đến nay, đã có 18 đơn vị của 17 thương hiệu NH thương mại đăng ký gói hỗ trợ vốn cho DN với tổng số tiền hơn 211.500 tỉ đồng và 15 triệu USD. Lãi suất cho vay ngắn hạn bằng tiền đồng không quá 7%/năm và trung - dài hạn 8%-10%/năm. Trong khi đó, lãnh đạo UBND TP HCM đã giao chỉ tiêu cho ngành NH trên địa bàn phấn đấu nâng tổng số vốn bơm qua chương trình kết nối tới 250.000 tỉ đồng nhằm hỗ trợ nhiều hơn cho DN, hộ kinh doanh và tiểu thương…