Cơn địa chấn lây lan toàn cầu từ sự kiện sụp đổ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc không làm ngạc nhiên giới quan sát.
Trung Quốc đóng cửa sàn chứng khoán vì giá giảm mạnh
- Cập nhật : 04/01/2016
(Tin kinh te)
Đầu giờ chiều nay, chỉ số CSI 300 của nước này mất 7%, khiến giới chức phải ra lệnh ngừng giao dịch đến hết ngày.
Trước đó, thị trường Trung Quốc đã phải ngừng giao dịch 15 phút sau khi đà giảm chạm 5%. Nhưng việc này cũng không có tác dụng, và giá cổ phiếu tiếp tục tuột dốc khi mở cửa trở lại. Khoảng 595 tỷ NDT (gần 90 tỷ USD) cổ phiếu đã được sang tay trước thời điểm lệnh ngừng giao dịch được phát ra.Theo luật mới được ban hành tháng trước, nếu chỉ số CSI 300 mất 5%, thị trường sẽ ngừng giao dịch trong 15 phút. Và nếu mức giảm lên 7%, thị trường sẽ đóng cửa đến hết ngày. CSI 300 gồm cổ phiếu các công ty có vốn hóa lớn niêm yết trên cả 2 sàn Thượng Hải và Thâm Quyến. Đến lúc đóng cửa, chỉ số này đã mất 7,02%. Trong khi đó, Shanghai Composite Index mất 6,85%.
Trong phiên sáng nay, Shanghai Composite Index cũng đã mất 3,9%. Đây là mức giảm ngày đầu năm mới lớn nhất từ khi chỉ số này được lập ra năm 1990. Hang Seng Index trên sàn Hong Kong (Trung Quốc) cũng mất 2,1%. Còn giá NDT trên thị trường thế giới xuống thấp nhất từ tháng 5/2011, Xinhua cho biết.
Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) Trung Quốc giảm tháng thứ 5 liên tiếp khi chỉ đạt 49,7 trong tháng 12, Tổng cục Thống kê nước này cho biết. Số liệu dưới 50 cho thấy sản xuất đang co lại. Đây là chuỗi giảm dài nhất từ năm 2009, bất chấp nước này đã nhiều lần giảm lãi suất và kích thích tài khóa."Chỉ số Nhà quản trị mua hàng (PMI) yếu và NDT mất giá đã khiến chứng khoán mất điểm. Các yếu tố cơ bản sẽ khiến thị trường còn chao đảo nữa, đặc biệt khi giá NDT cả trong nước và quốc tế sẽ còn đi xuống", Michael Every - Giám đốc nghiên cứu tại Rabobank Group nhận xét trênBloomberg.
Lệnh cấm các cổ đông lớn bán cổ phiếu trên hai sàn Thượng Hải và Thâm Quyến của Trung Quốc sẽ hết hiệu lực tuần này. Goldman Sachs ước tính lệnh hạn chế này đã ảnh hưởng đến các nhà đầu tư với tổng cổ phiếu nắm giữ trị giá hơn 185 tỷ USD. Gỡ bỏ lệnh này có thể tạo ra "rủi ro thanh khoản".
"Tâm lý chung trên thị trường vẫn bi quan sau chỉ số PMI yếu. Nhà đầu tư cũng lo ngại về việc gỡ bỏ lệnh cấm bán nữa", William Wong - Giám đốc Giao dịch tại Shenwan Hongyuan Group cho biết.
Trong đợt chứng khoán lao dốc hồi tháng 7 năm ngoái, Ủy ban Chứng khoán Trung Quốc đã ra lệnh cấm các cổ đông có tỷ lệ sở hữu trên 5% và các lãnh đạo công ty bán ra trong 6 tháng. Lệnh cấm này, cùng việc đóng băng các phiên IPO mới và hạn chế bán khống, được tung ra để kiềm chế đà lao dốc họ cho là "bất hợp lý".
PMI là báo cáo kinh tế đầu tiên của năm 2016 tại Trung Quốc. "Đây đúng là khởi đầu kém thuận lợi, nhưng nó không có nghĩa kinh tế Trung Quốc đang đi xuống. Thị trường đang chờ đợi nhiều đợt cắt giảm lãi suất hơn nữa, có khả năng sẽ hỗ trợ giá cổ phiếu. Hơn nữa, Trung Quốc sẽ phải tìm mọi cách thích ứng với việc các biện pháp giải cứu sẽ không còn nhiều như năm ngoái", Bernard Aw - chiến lược gia tại IG Asia nhận xét.
(Theo VNexpress)