Đó là nhận định của ông Peter Kolz, một trong những chuyên gia hàng đầu về thị trường chứng khoán phái sinh (TTCKPS) và là giảng viên chính của các chương trình đào tạo về TTCKPS tại Việt Nam trong khuôn khổ của Dự án VIE032 do Luxembourg tài trợ.
7 phút kinh hoàng của chứng khoán Trung Quốc
- Cập nhật : 05/01/2016
(Chung khoan)
Với khối lượng giao dịch tăng vọt vì nhà đầu tư đổ xô bán tháo, chỉ mất 7 phút để mức giảm của chỉ số CSI tăng từ 5% lên 7%.
Chiều 4/1, trong phiên giao dịch khởi đầu năm mới, lệnh bán dồn dập đổ về Shenwan Hongyuan Group – công ty môi giới chứng khoán lớn thứ 5 ở Trung Quốc tính theo giá trị thị trường.
Trước đó, chỉ số CSI 300 đã giảm 5%, khiến thị trường phải ngừng giao dịch trong 15 phút. Ngay lập tức nhà đầu tư đã thi nhau tháo chạy trước khi bị mắc kẹt với chính sách mới mà theo đó thị trường sẽ đóng cửa sớm nếu mức giảm vượt quá con số 7%. Kết quả là thị trường đã phản ứng rất nhanh: chỉ mất 7 phút để mức giảm tăng lên 7% và khối lượng giao dịch tăng vọt lên mức cao kỷ lục.
Đà lao dốc chóng vánh của TTCK Trung Quốc trong phiên hôm qua cho thấy rốt cục thì biện pháp được thiết kế để khôi phục lại sự bình tĩnh trên một trong những thị trường biến động mạnh nhất thế giới chỉ đang gây ra hiệu ứng ngược lại. Thậm chí Andrew Sullivan, chuyên gia đến từ công ty chứng khoán Haitong, còn dự báo cơn bán tháo vừa qua có thể buộc các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc phải ngay lập tức điều chỉnh luật mới.
Không giống như cơ chế tự ngắt phổ biến trên các thị trường khác (trong đó có Mỹ), ngưỡng mà Trung Quốc đưa ra là quá thấp. Chỉ tính riêng trong mùa hè vừa qua, thị trường này sẽ phải đóng cửa sớm tới 20 lần nếu luật sớm được áp dụng.
Cơ chế tự ngắt là nỗ lực mới nhất mà giới chức Trung Quốc tung ra để kiềm chế biến động của TTCK. Trên TTCK Trung Quốc, các nhà đầu tư nhỏ lẻ ngày càng sử dụng nhiều đòn bẩy và lại đang tạo ra một đợt tăng giá mạnh mẽ sau khi 5.000 tỷ USD bị thổi bay khỏi thị trường trong mùa hè vừa qua.
Cổ phiếu của CRRC Corp., công ty sản xuất tàu hỏa lớn nhất Trung Quốc, đã giảm 2,8% trong 7 phút cuối và giảm tổng cộng 8,1% trong cả phiên. Hơn một nửa trong tổng mức giảm 3,4% của cổ phiếu ngân hàng nông nghiệp Trung Quốc cũng xảy ra trong 7 phút này.
Theo Luan Shaofei, chuyên gia đến từ quỹ đầu tư Changan, nhà đầu tư lo sợ rằng họ sẽ không thể bán ra ngay khi thị trường ngừng giao dịch. Ông nhận định cơ chế này có nhiều điểm bất cập khi làm giảm mức độ thanh khoản của thị trường và khiến giá biến động quá nhanh và quá mạnh.
Không giống như những biện pháp đã được tung ra để trấn an cơn bán tháo hồi mùa hè, Trung Quốc đang muốn tác động vào những thành phần trên thị trường khi công bố cơ chế tự ngắt từ tháng 9. Zhang Gang, chiến lược gia đến từ công ty chứng khoán Central China Securities, cho rằng nhà đầu tư cần có thời gian để quen với cơ chế mới này.
“Cơ chế mới làm tăng áp lực bán ra và gây tâm trạng hoảng loạn khi chỉ số gần chạm đến ngưỡng là bởi vì nhà đầu tư vẫn chưa quen với nó. Cú lao dốc hôm qua sẽ được các nhà đầu tư định chế nhìn nhận là một cơ hội mua vào rất tốt, đặc biệt là đối với các cổ phiếu blue chip”.
Ngoài ra Trung Quốc đang áp dụng một số biện pháp giới hạn giao dịch như đặt biên độ dao động 10% cho một cổ phiếu và áp dụng cơ chế T+1 khiến nhà đầu tư không thể mua và bán cùng một cổ phiếu chỉ trong 1 ngày.
Ở Mỹ, sàn New York và Nasdaq sẽ ngừng giao dịch trong 15 phút nếu chỉ số S&P 500 giảm 7% và sẽ đóng cửa sớm nếu mức giảm lên đến 20%.
Steven Leung, chuyên gia đến từ UOB Kay Hian (Hồng Kông) cho rằng giống như việc can thiệp để đồng nhân dân tệ mạnh lên sau khi bất ngờ phá giá hồi tháng 8 năm ngoái, các nhà hoạch định chính sách Trung Quốc đã can thiệp để chặn đà giảm cũng như hiệu ứng quả cầu tuyết (snowball).