Thua lỗ triền miên, khó tìm thấy “cửa sống” trong bối cảnh cạnh tranh giữa các CTCK ngày một khắc nghiệt, không ít CTCK đã phải “bán mình” cho chủ ngoại. Liệu chủ mới có giúp CTCK đổi vận?
Chứng khoán Trung Quốc: Bạo phát bạo tàn
- Cập nhật : 06/01/2016
(Tin kinh te)
Cơn địa chấn lây lan toàn cầu từ sự kiện sụp đổ trên thị trường chứng khoán Trung Quốc không làm ngạc nhiên giới quan sát.
Điều gì đến rồi phải đến khi một thời gian dài Chính phủ Trung Quốc thực hiện chính sách tiền tệ và tài khóa nới lỏng quá mức để đạt được các mục tiêu tăng trưởng đầy tham vọng.
Chuyện diễn ra ở Trung Quốc lặp lại kịch bản mà Việt Nam đã gặp phải vào năm 2008 khi để cho bong bóng chứng khoán và bất động sản bùng nổ quá mức.
Nền kinh tế lẽ ra đã chìm vào khủng hoảng và không có được mức tăng trưởng khả quan như năm 2015, doanh nghiệp và người dân còn khó khăn hơn nếu như cách đây 5 năm Chính phủ không ban hành nghị quyết 11 với mục tiêu kiềm chế lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô.
Có nghị quyết nhưng có thành công lại là chuyện khác nếu như không kiên trì với mục tiêu đã kiên định. 5 năm qua có nhiều đề xuất, hiến kế rất quyến rũ đến từ các chuyên gia, hiệp hội, doanh nghiệp đề nghị Chính phủ phải nới lỏng tiền tệ nhiều hơn để có tăng trưởng kinh tế cao hơn.
Có chuyên gia còn đề nghị Ngân hàng Nhà nước với công cụ của mình tạo nhiều tiền với lãi suất 0% để bơm vốn doanh nghiệp, hoặc gợi ý nên có các gói kích cầu bất động sản.
Rất may các nhà làm chính sách không vướng vào những cái bẫy chính sách quá hấp dẫn như vậy, vẫn kiên trì với mục tiêu đã định.
Trong bối cảnh kinh tế toàn cầu còn suy thoái, thành quả tăng trưởng kinh tế những năm qua của Việt Nam trên nền tảng lạm phát thấp cho thấy các nhà làm chính sách đi đúng hướng, kiên trì mục tiêu lạm phát thấp để từ đó làm cơ sở cho ổn định kinh tế vĩ mô.
Cũng chính kỳ vọng về mục tiêu lạm phát thấp liên tục đạt được trong nhiều năm qua đã tạo niềm tin để các doanh nghiệp mạnh dạn bỏ vốn kinh doanh và dòng vốn đầu tư nước ngoài vẫn tiếp tục chảy vào nền kinh tế Việt Nam.
Nhưng điều này có thể tạo nên tâm lý thỏa mãn cần phải nới tay một chút để có được tăng trưởng kinh tế cao hơn trong năm 2016. Quan điểm này có thể chưa thấy hết về lạm phát.
Lịch sử hàng trăm năm về lạm phát ở các nước trên thế giới cho thấy các nhà kinh tế vẫn chưa hiểu hết về cơ chế tạo ra lạm phát, nhất là kỳ vọng về lạm phát.
Có nhà kinh tế gọi đây là điều bí mật lớn nhất còn lại trong kinh tế học. Đặt vấn đề như thế để thấy lạm phát trong năm 2016 có thể quay trở lại bất kỳ lúc nào.
Với việc liên tục đưa ra các thông điệp nhất quán về việc kiên trì thực hiện mục tiêu lạm phát năm 2016 cho thấy Chính phủ ngày càng có nhiều kinh nghiệm chống lạm phát và ổn định kinh tế vĩ mô để không rơi vào thái độ chủ quan và thỏa mãn, có thể nới lỏng tiền tệ và tài khóa nhiều hơn nữa.
Chúng ta đã hội nhập sâu rộng vào nền kinh tế toàn cầu. Chỉ có ổn định kinh tế vĩ mô và kiên trì với mục tiêu lạm phát thấp liên tục trong dài hạn mới là chìa khóa chính để người dân, doanh nghiệp bỏ vốn kinh doanh và thu hút dòng vốn đầu tư nước ngoài.
Đó mới là động lực chính cho tăng trưởng bền vững, không thể chấp nhận tăng trưởng kinh tế theo kiểu “bạo phát bạo tàn”.
Dứt khoát nói không với việc bơm tiền ào ạt vào nền kinh tế như có nước đã làm để rồi phải trả giá khi nền kinh tế lâm vào khó khăn.
Theo Tuổi Trẻ