tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Cú sốc thị trường có thể đẩy thế giới vào suy thoái

  • Cập nhật : 27/06/2016

Phiên mất điểm lớn trên các sàn chứng khoán cuối tuần trước có thể đẩy nền kinh tế thế giới vào giai đoạn suy thoái nghiêm trọng.

Các cổ phiếu đã giảm mạnh sau tin sốc về việc đa số người dân Anh (51,8%) bỏ phiếu ủng hộ việc rời khỏi Liên minh Châu Âu (EU) của quốc gia này. Chỉ số chứng khoán châu Âu STOXX 600 index đã giảm 7%, trong khi rổ chỉ số FTSE 100 của Anh cũng giảm 3,2%.

thi truong chung khoan toan cau da co ngay "thu 6 den toi"

Thị trướng chứng khoán toàn cầu đã có ngày "Thứ 6 đen tối"

Theo nhà kinh tế học Carl Weinberg của công ty High Frequency Economics, chúng ta nên cảnh giác với nguy cơ của một cuộc suy thoái kinh tế trong thời gian tới. Ông Weinberg cho rằng đã tới lúc cần cân nhắc sự sụp đổ của thị trường tài chính ngày 24/6 là một động cơ có thể đẩy nền kinh tế thế giới tới bờ vực của suy thoái.

Thương mại thế giới trong quý I/2016 đã giảm 1,1% so với quý IV/2015. Ông Weinberg nhận định rằng sự sụt giảm này liên hệ mật thiết với việc giá hàng hóa sụt giảm liên tục trong nhiều năm qua. Đây chính là một trong những dấu hiệu sớm của một cuộc khủng hoảng kinh tế.

Vị chuyên gia này nhận xét rằng nền kinh tế thế giới đang khá đáng thất vọng trong những năm gần đây ngay cả khi điều kiện chung trên thị trường tài chính tốt. Tình trạng của nền kinh tế thay đổi từng ngày.

Sự sụt giảm của tài sản toàn cầu sẽ khiến các điều kiện tài chính bị thắt chặt, không khuyến khích đầu tư, tránh tài sản rủi ro, và thu hẹp các đòn bẩy tài chính và nguồn tín dụng.

Tuy nhiên, một số nhà phân tích khác lại không đồng tình với ông Weinberg. Ví dụ như Capital Economics, hãng tài chính này đã phát hành một báo cáo ngày 24/6 với tiêu đề: “Brexit không phải là thảm họa đối với kinh tế thế giới”.

Nhà kinh tế toàn cầu Andrew Kenningham của Capital Economics cho rằng khi những hiểu lầm hiện nay biến mất, chúng ta sẽ thấy rằng những tác động của Brexit tới nền kinh tế toàn cầu sẽ không kinh khủng như những gì được bàn tán trong vài tuần gần đây.

Ông Kenningham chỉ ra rằng thị trường chứng khoán toàn cầu đã giảm mạnh trong 6 tuần đầu tiên của năm 2016 nhưng đã không gây ra một cuộc suy thoái toàn cầu nào.

Ban đầu, các điều kiện tiền tệ toàn cầu có thể được nới lỏng. Ngân hàng trung ương Anh (BOE) nhiều khả năng sẽ giữ lãi suất ở mức thấp thêm một thời gian dài và thậm chí còn cắt giảm nếu cảm thấy cần thiết. Ngân hàng Trung ương Châu Âu (ECB) có thể cũng sẽ cân nhắc việc ngừng mở rộng chương trình mua tài sản nhưng vẫn có thể mở rộng về mặt quy mô.

Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) hiện chưa có những thay đổi về dự báo tăng trưởng toàn cầu sau khi kết quả của cuộc trưng cầu dân ý tại Anh được công bố. Vào tháng 4, IMF đã dự báo rằng nền kinh tế toàn cầu sẽ tăng trưởng ít nhất 3,2% trong năm 2016, giảm nhẹ so với mức dự báo họ đưa ra hồi tháng 1.

Tháng 5, Thống đốc BOE – ông Mark Carney – đã cảnh báo rằng cuộc bỏ phiếu về việc đi hay ở của Anh tại EU có thể gây ra một cuộc suy thoái kỹ thuật tại Anh. Ngày 24/6, ông Carney cho biết BOE sẽ trợ giúp nền kinh tế Anh và sẵn sàng bổ sung 250 tỷ Bảng Anh vào các quỹ trong trường hợp cần thiết.

Tăng trưởng của nền kinh tế Anh trong quý I/2016 đã giảm 0,4% so với cùng kỳ năm trước và thấp hơn 0,6% so với tốc độ tăng trưởng của quý IV/2015.


Thạch Thảo
(Theo Người Đồng Hành)

Trở về

Bài cùng chuyên mục