Tổng kết danh mục các quỹ cho thấy so với năm 2014, xu hướng năm 2015 các quỹ ngoại đã tăng đáng kể tỷ trọng vào cổ phiếu ngân hàng (như CTG, BID), nhóm cổ phiếu bất động sản cũng được mua mạnh (KDH, KBC). Đáng chú ý, trong 10 quỹ khảo sát có tới 6 quỹ nắm giữ cổ phiếu Vinamilk trong đó 5/6 quỹ cổ phiếu Vinamilk chiếm tỷ trọng lớn nhất danh mục.
Lỗ hổng nào để doanh nghiệp “ma” lên sàn?
- Cập nhật : 23/06/2016
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (HNX) vừa thông tin thêm sự việc liên quan đến cổ phiếu MTM của Công ty CP Mỏ và XNK khoáng sản miền Trung, công ty đang làm ăn thua lỗ, có nhiều khuất tất nhưng vẫn lên sàn.
Trong đó, HNX lý giải quá trình xử lý hồ sơ đăng ký giao dịch của cổ phiếu này cũng như lý do tạm dừng giao dịch và biện pháp xử lý.
Ngừng giao dịch đột ngột vì có nhiều bất thường
Theo HNX, qua quá trình giám sát cổ phiếu MTM, Ủy ban Chứng khoán nhà nước (UBCKNN) đã chỉ đạo các đơn vị tổ chức xác minh, kiểm tra tình hình hoạt động của MTM và tổ chức xác minh hoạt động của MTM tại trụ sở chính của công ty và kiểm tra mã số thuế của MTM trên trang web của Tổng cục Thuế.
Khi kiểm tra HNX nhận thấy MTM có dấu hiệu bất thường trong hoạt động kinh doanh.
Do đó, để đảm bảo quyền lợi cho nhà đầu tư, được sự đồng ý của UBCKNN, HNX đã quyết định tạm ngừng giao dịch đối với cổ phiếu MTM từ ngày 20-6-2016 theo đúng quy định tại Quy chế tổ chức và quản lý thị trường UPCoM của HNX.
Vấn đề là MTM chỉ mới được chính thức giao dịch trên thị trường Upcom được hơn hai tháng, từ 15-4-2016, sau khi lên sàn HNX cho rằng mình đã tổ chức quản lý và giám sát hoạt động của MTM theo đúng quy định pháp luật hiện hành.
Tuy nhiên, thực tế đến nay MTM chưa hề thực hiện nghĩa vụ báo cáo và báo cáo tài chính (BCTC) định kỳ như chưa công bố BCTC kiểm toán năm 2015, BCTC quý 1-2016 và báo cáo thường niên năm 2015.
Trước đó, MTM nộp hồ sơ đăng ký giao dịch trên thị trường UPCoM vào ngày 3-11-2015. HNX cho rằng mình đã tiếp nhận và xử lý hồ sơ ĐKGD của MTM trên cơ sở những văn bản, tài liệu của MTM theo đúng quy định.
Ngoài ra, theo quy định hiện hành, hồ sơ ĐKGD cần có BCTC năm liền trước năm ĐKGD đã được kiểm toán theo quy định của pháp luật. Do MTM nộp hồ sơ ĐKGD vào ngày 3-11-2015 nên hồ sơ ĐKGD của MTM chỉ có BCTC kiểm toán năm 2014 và báo cáo tài chính có kiểm toán giai đoạn 1-1-2015 đến 10-4-2015.
HNX cho biết đối với cổ phiếu MTM, nếu phát hiện những dấu hiệu lừa đảo, cung cấp thông tin không đúng thực tế tại hồ sơ ĐKGD và hồ sơ công bố thông tin sẽ xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật.
Ai bảo vệ nhà đầu tư?
Tuy nhiên, nhiều nhà đầu tư không chấp nhận cách lý giải của HNX. Ông N., một nhà đầu tư đang nắm giữ cổ phiếu MTM, cho rằng đáng ra cổ phiếu lên sàn ngày nào thì phải kiểm ngay chứ không thể duyệt nộp hồ sơ năm trước rồi thời điểm lên sàn không cần biết doanh nghiệp có hoạt động hay không là tắc trách.
“Với cách quản lý này, một doanh nghiệp phá sản từ năm trước vẫn có thể lên sàn bán giấy lấy cả trăm tỉ”, ông N. bức xúc nói.
Thậm chí với biện pháp xử lý dừng giao dịch một cách đột ngột mà không hề có cảnh báo hay nhắc nhở nào của HNX cũng làm không ít nhà đầu tư chết tức tưởi.
“Giá như UBCKNN ra cảnh báo để nó tự rớt, giá mua lỗ về 0 hết tôi cũng chịu, nhưng việc dừng giao dịch đột ngột này thực sự quá sốc”, một nhà đầu tư khác chia sẻ.
Ông Phan Dũng Khánh, giám đốc tư vấn đầu tư của Công ty chứng khoán Maybank Kimeng, cho rằng có thể HNX đã cân nhắc kỹ trước khi quyết định ngừng giao dịch cổ phiếu MTM.
Thực tế có rất nhiều nhà đầu tư rất “liều mạng”, bất chấp những tin đồn hay cảnh báo để mua vào những cổ phiếu xấu, rồi chờ thời bán ra như một ăn may. Trong khi với trường hợp của MTM, nếu càng để lâu càng có nhiều người “chết”.
Tuy nhiên, ông Khánh cũng cho rằng bên cạnh lỗi của doanh nghiệp “ma” khi cố tình qua mặt cơ quan quản lý thì câu chuyện này cũng cho thấy sự lỏng lẻo trong kiểm soát chất lượng doanh nghiệp lên sàn Upcom, nơi thủ tục đăng ký giao dịch đơn giản hơn rất nhiều so với hồ sơ niêm yết.
Theo tuoitre.vn