Để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 cần có biện pháp hỗ trợ về tổng cầu để bù đắp sự suy giảm của tổng cung...
SSI Retail Research: Ảnh hưởng trực tiếp từ Brexit đến Việt Nam không đáng kể
- Cập nhật : 27/06/2016
Theo SSI Retail Research, sự kiện Brexit sẽ khổng ảnh nhiều đến thương mại và đầu tư giữa Anh và Việt Nam, nhưng sẽ tác động đáng kể đến dòng vốn và tỷ giá của Việt Nam.
Bộ phận phân tích và tư vấn đầu tư khối khách hàng cá nhân của CTCP Chứng khoán Sài gòn (SSI Retail Research) ngày 25/6 đã đưa ra một báo cáo đánh giá về tác động của sự kiện Anh rời Liên minh Châu Âu (Brexit), trong đó cho rằng Việt Nam sẽ ít chịu tác động trực tiếp từ sự kiện này, nhưng tác động gián tiếp sẽ là đáng kể.
Tác động trực tiếp từ Brexit đến Việt Nam
Theo SSI Retail Research, mối quan tâm đầu tiên đối với kinh tế Việt Nam khi Anh rời EU là thương mại và đầu tư.
Về thương mại: Trong số các nước ở Châu Á, tỷ lệ xuất khẩu/GDP của Việt Nam sang Anh tương đối cao, chiếm 2,3% GDP năm 2015, chỉ đứng sau Campuchia và cao hơn Hồng Kông. Theo logic, khi kinh tế và nhu cầu của Anh giảm sút có thể kéo theo sụt giảm về nhu cầu đối với hàng hóa của Việt Nam.
Tuy nhiên, từ số liệu xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Anh trong 5 năm qua có thể thấy rằng không có sự liên hệ rõ ràng giữa tăng trưởng kinh tế của Anh với nhu cầu hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam. Giai đoạn 2014-2016, khi kinh tế Anh có xu hướng tăng chậm lại, nhu cầu với hàng hóa của Việt Nam lại có xu hướng tăng. Hai thời điểm xuất khẩu Việt Nam có tăng trưởng mạnh nhất là quý II/2013 (50%) và quý III/2015 (39%) lại là lúc kinh tế Anh có tăng trưởng thấp nhất (với các mức lần lượt là 1,9% và 2,2%).
Điện thoại và linh kiện điện thoại là các mặt hàng xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam sang Anh, tiếp đến là dệt may, giày dép và thủy sản. Đây là những mặt hàng thuộc nhóm tiêu dùng tương đối cơ bản và ít chịu biến động của chu kỳ kinh tế. Với chính sách thu hút FDI và gia nhập Hiệp định Đối tác Xuyên Thái Bình Dương (TPP), Việt Nam sẽ trở thành một trung tâm sản xuất hàng điện tử, dệt may của toàn thế giới. Điều này sẽ đảm bảo cho tăng trưởng xuất khẩu của Việt Nam sang Anh tiếp tục ổn định.
Về đầu tư: Tốc độ đầu tư của Anh vào Việt Nam được nhìn nhận là cũng không liên quan đến tăng trưởng kinh tế. Năm 2015, tổng vốn đầu tư FDI của Anh vào Việt Nam là 1,2 tỷ USD, đứng thứ 5 trong số các nước đầu tư lớn nhất vào Việt Nam. Kinh tế Anh năm 2015 đạt mức tăng trưởng thấp là 2,2%. Ngược lại, khi năm 2014 tăng trưởng kinh tế của Anh đạt 2,9%, giá trị đầu tư của Anh vào Việt Nam chỉ đạt mức khiêm tốn 24,8 triệu USD.
SSI Retail Research cho rằng việc đầu tư vào Việt Nam phụ thuộc vào phía Việt Nam nhiều hơn là từ phía Anh, liên quan đến các yếu tố như cơ hội đầu tư, cải cách thủ tục hành chính.
Tác động trực tiếp từ Brexit
Đánh giá về những tác động gián tiếp từ Brexit, SSI Retail Research cho rằng Việt Nam sẽ chịu tác động về dòng vốn và tỷ giá.
Về dòng vốn: SSI Retail Research nhận định giới đầu tư quốc tế sẽ tiếp tục cẩn trọng với những biến động trên thị trường tài chính toàn cầu. Theo đó, họ sẽ có xu hướng chuyển dòng vốn từ các tài sản rủi ro cao như cổ phiếu sang các tài sản rủi ro thấp hơn như vàng, trái phiếu hay đồng Yên.
Tính từ đầu năm đến nay, dòng vốn đổ vào các quỹ đầu tư trái phiếu trên toàn cầu là 76 tỷ USD trong khi đó rút ra khỏi các quỹ đầu tư cổ phiếu là 114 tỷ USD. Trong tuần diễn ra cuộc trưng cầu dân ý tại Anh, giới đầu tư tiếp tục rút vốn khỏi các thị trường mới nổi tại Châu Á với giá trị gần 1 tỷ USD. Sau Brexit, giới đầu tư lo ngại có thể sẽ còn những nước khác muốn rời khỏi EU, làm cho tình hình trở nên phức tạp. Vì vậy, xu hướng dịch chuyển vốn sang các tài sản an toàn có thể còn kéo dài.
Về tỷ giá: Đồng tiền Nhật Bản đã tăng giá mạnh khi kết quả trưng cầu dân ý được công bố. Đồng Yên đã tăng giá mạnh 3,8% trong ngày thứ Sáu tuần trước, và tính từ đầu năm đến nay đã tăng 17,6%.
SSI Retail Research cho biết Việt Nam hiện là quốc gia vay nợ nhiều bằng đồng Yên, với giá trị tương đương khoảng 45 tỷ USD, nên việc đồng Yên lên giá quá mạnh sẽ gây áp lực lớn đến nợ công.
Brexit cũng tác động tới các doanh nghiệp dựa trên yếu tố tỷ giá. Trong số các doanh nghiệp niêm yết trên sàn chứng khoán, Nhiệt điện Phả Lại (PPC) là doanh nghiệp chịu ảnh hưởng nhiều nhất do có khoản vay lớn bằng đồng Yên, tương đương 4,3 nghìn tỷ đồng vào thời điểm cuối năm 2015.
Ngược lại, một số doanh nghiệp vay nợ bằng đồng Euro dự kiến sẽ hưởng lợi khi đồng Euro mất giá do ảnh hưởng của Brexit. Tuy nhiên, mức độ hưởng lợi được đánh giá là chưa thực sự rõ ràng. Đồng Euro mất giá 2,4% trong ngày thứ Sáu, nhưng tính từ đầu năm vẫn tăng 2,3% so với đồng USD.
“Tóm lại, chúng tôi cho rằng những ảnh hưởng trực tiếp từ Brexit đến Việt Nam là không đáng kể, tuy nhiên những ảnh hưởng gián tiếp, trong đó lớn nhất là tỷ giá sẽ có ảnh hưởng đến kinh tế Việt Nam và lợi nhuận của các doanh nghiệp đang vay nợ bằng đồng Yên,” SSI Retail Research kết luận trong bản báo cáo.
Trung Nghĩa
(Theo Người Đồng Hành)