Kết quả kinh doanh không khả quan, thách thức do Hiệp định TPP mang lại và việc xuất khẩu vào thị trường Anh bị tác động không nhỏ đã khiến cổ phiếu ngành dệt may sẽ không còn duy trì đà tăng mạnh như những năm trước và xu hướng biến động chủ yếu là đi ngang và giảm.
Kém minh bạch DN khó phát hành trái phiếu
- Cập nhật : 29/06/2016
Sắp tới, các DN, tổ chức phát hành phải cung cấp đầy đủ, minh bạch các thông tin về nhu cầu vốn, thông tin dự án… mới được phát hành trái phiếu DN. Việc cung cấp và công bố thông tin về DN và dự án sẽ giúp đưa thị trường gần hơn với NĐT mạo hiểm.
CTCP Thức ăn Chăn nuôi Anova (Anova Feed) - DN trực thuộc Tập đoàn Anova - mới đây đã đạt được thỏa thuận rót 340 tỷ đồng đầu tư từ IFC dưới hình thức trái phiếu chuyển đổi kỳ hạn 5 năm để mở rộng hoạt động sản xuất thức ăn chăn nuôi. Khoản đầu tư này sẽ giúp công ty xây dựng thêm hai nhà máy mới tại Đồng Nai và Hưng Yên, cùng một kho trung chuyển tại tỉnh Long An trong vòng hai năm tới.
Tương tự, ngày 30/6 tới, NHTMCP Á Châu (ACB) cũng sẽ phát hành 8.000 trái phiếu đợt 1 với mệnh giá 100 triệu đồng/trái phiếu, thời hạn 5 năm 1 ngày để bổ sung nguồn vốn cấp 2 và vốn tự có. Trước đó, ngày 2/6 vừa qua cũng đã diễn ra lễ ký kết hợp tác phát hành trái phiếu giữa CTCP Đường Biên Hòa (BHS) và NHTMCP Phương Đông (OCB) trị giá 500 tỷ đồng…
“Việc nhanh chóng thúc đẩy thị trường trái phiếu DN phát triển sẽ giúp tránh được những rủi ro về kỳ hạn, giảm chi phí sử dụng vốn, giúp thị trường vốn cân đối với thị trường tiền tệ, giảm chi phí giao dịch… và gia tăng năng lực cạnh tranh của DN Việt Nam”, một chuyên gia phân tích.
Lợi ích và ưu thế, và xu hướng các DN phát hành trái phiếu huy động vốn cũng tăng lên, nhưng trái phiếu DN Việt Nam thời gian qua phát hành vẫn lẻ tẻ, chưa hiệu quả. Nguyên nhân một phần do DN chưa cung cấp đầy đủ thông tin, hoặc thông tin thiếu minh bạch, nhưng phần khác do chúng ta chưa có một thị trường giao dịch đúng nghĩa. Trái phiếu sau khi phát hành thường khó giao dịch mua đi bán lại, chưa có căn cứ khoa học và đồng nhất cho việc xác định lãi suất trái phiếu khi phát hành.
Hiệp hội Trái phiếu Việt Nam cho biết, hiện nay tỷ trọng dung lượng trái phiếu DN so với GDP còn rất khiêm tốn. Trong khi đó, các quy định pháp luật về trái phiếu DN còn tương đối sơ sài và chưa có hỗ trợ về mặt cơ chế chính sách cho tổ chức phát hành, cũng như các NĐT để phát triển thị trường.
Trao đổi với phóng viên Thời báo Ngân hàng, đại diện HNX cho biết, Đề án phát triển thị trường trái phiếu DN đang được trình UBCKNN và Bộ Tài chính, trong đó minh bạch thông tin là một trong những yêu cầu cơ bản.
“Sắp tới, các DN, tổ chức phát hành phải cung cấp đầy đủ, minh bạch các thông tin về nhu cầu vốn, thông tin dự án… mới được phát hành trái phiếu DN. Việc cung cấp và công bố thông tin về DN và dự án sẽ giúp đưa thị trường gần hơn với NĐT mạo hiểm. Đây cũng là mục tiêu dài hạn đến 2020 mà UBCKNN và HNX hướng tới”, vị này nói.
Bên cạnh đó, một trong những điểm nhấn quan trọng nhất mà đề án này cần xác định là việc lựa chọn mô hình của thị trường trái phiếu DN nhằm khắc phục cách tổ chức đang có sự phân tán như hiện nay. Bởi với cách tổ chức như hiện nay, các thông tin trái phiếu DN lưu chuyển một cách không thuận tiện.
“Ở các nước bao giờ cũng phải hình thành trước trung tâm thông tin về trái phiếu DN. Từ trung tâm thông tin này sẽ chia sẻ thông tin đến tất cả các bên có liên quan, nên trong nội dung của đề án điểm đầu tiên là phải xác định lại lựa chọn mô hình giữa thông lệ quốc tế của Việt Nam hiện nay”, vị chuyên gia nói.
Từ điểm gốc lựa chọn mô hình, các cơ quan cần xây dựng Cổng thông tin chung về thị trường nợ Việt Nam chứ không phải thị trường trái phiếu DN, đồng thời tiến hành chuẩn hóa việc định danh trái phiếu DN… “Chuẩn hóa trái phiếu DN để NĐT giao dịch trên thị trường. Chuẩn hóa để khi chào giá, DN phải cung cấp cho NĐT những thông tin gì, để không chỉ trong lãnh thổ Việt Nam mà còn có thể thanh toán xuyên quốc gia…”, một chuyên gia phân tích.
Dương Công Chiến
(Thời báo Ngân hàng)