Một số nhà đầu tư lo lắng nếu không có thông tin hỗ trợ đặt biệt, thị trường khó có thể vượt qua ngưỡng cản này trong ngắn hạn. Tuy nhiên, gần đây, giới phân tích đưa ra khá nhiều dữ liệu ngầm cho thấy thị trường đang âm thầm tăng.
Từ UpCom Premium đến thị trường mới nổi
- Cập nhật : 25/06/2016
Sở Giao dịch chứng khoán Hà Nội (Hnx) vừa công bố danh sách 86 doanh nghiệp (*) đăng ký giao dịch trên sàn UpCom với tên gọi Upcom Premium theo những tiêu chí nhất định về vốn điều lệ, và kết quả kinh doanh dựa trên báo cáo tài chính có kiểm toán gần nhất.
Điều kiện tiên quyết là các doanh nghiệp này không có lỗ lũy kế. Ngoài ra, những cổ phiếu đáp ứng được các điều kiện về giao dịch ký quỹ theo Quy chế hướng dẫn giao dịch ký quỹ của Ủy ban Chứng khoán Nhà nước cũng được chọn vào bảng này.
Hiện UpCom có khoảng 265 cổ phiếu đăng ký giao dịch. Như vậy số lượng của UpCom Premium chiếm khoảng một phần ba tổng số lượng doanh nghiệp có mặt tại đây. Sắp tới số lượng doanh nghiệp trên UpCom có thể tăng lên do các công ty đại chúng và các đơn vị đã cổ phần hóa, IPO phải đăng ký giao dịch tại sàn này theo quy định mới của Bộ Tài chính, đồng thời những doanh nghiệp bị hủy niêm yết bắt buộc sẽ chuyển xuống đây từ Hnx và Hose. Bên cạnh đó, cũng sẽ có những doanh nghiệp, chủ yếu là các công ty lớn, sẽ chuyển từ UpCom lên Hose hoặc Hnx. Chuyện này vẫn đang tiếp diễn và không có gì mới vì hầu hết các tổng công ty quy mô, có vai trò nhất định trong lĩnh vực ngành nghề của mình, sau thời gian ở UpCom đều chuyển sàn theo yêu cầu của cổ đông (thông qua đại hội đồng cổ đông) để được thị trường nhận biết ở mức độ cao hơn cả về phương diện thu hút vốn cũng như quảng bá cho thương hiệu.
Việc lập UpCom Premium là một nỗ lực không thể không khẳng định của Hnx nhằm tạo sự chú ý của giới đầu tư, trong đó quan trọng là một số cổ phiếu tại UpCom có thể được tham gia giao dịch ký quỹ. Tất nhiên, đáp ứng được quy định về giao dịch ký quỹ là một chuyện, còn các nhà môi giới có cung cấp dịch vụ này cho các cổ phiếu đó không lại là chuyện khác.
Biên độ giao dịch áp dụng cho UpCom là ±15%/ngày. Giả sử một cổ phiếu được cung cấp margin ở mức 50%, tức nhà đầu tư có 10 triệu đồng, được công ty chứng khoán cho vay 10 triệu đồng nữa, tổng cộng 20 triệu đồng để mua cổ phiếu. Khi ấy, mức độ lời lỗ sẽ không chỉ là 15%/ngày, mà lên tới 30%/ngày. Với 10 triệu đồng, nếu cổ phiếu giảm sàn hay tăng trần, nhà đầu tư được/mất 1,5 triệu đồng. Xài margin, con số lỗ/lãi có thể sẽ là 3 triệu đồng. Sau ba ngày (áp dụng T+2 nhưng cổ phiếu về tài khoản của nhà đầu tư sau khi kết thúc giờ giao dịch, nên ngày hôm sau mới có thể bán được), mức độ lời/lỗ có thể tới 60-90%.
Các nhà môi giới quan tâm nhất việc gì khi quyết định cho vay margin đối với một cổ phiếu? Đó là thanh khoản. Khi cần, cổ phiếu phải bán được, mua được để họ thu hồi đủ tiền gốc và lãi đã cung ứng ký quỹ. Với cổ phiếu trên UpCom, độ rủi ro cao còn phải xếp sau thanh khoản. Trong danh sách 86 cổ phiếu UpCom Premium có nhiều cổ phiếu có ngày không có giao dịch hoặc giao dịch thưa thớt vài ngàn đơn vị/ngày.
Thu hút sự chú ý và đi theo đó là dòng tiền của nhà đầu tư vào UpCom phải tìm những lối mở khác có tính bền vững hơn là tạo sự cạnh tranh và chia sẻ dòng tiền từ Hose và Hnx, vì tính khả thi của việc tạo lập hiệu ứng cho UpCom Premium có khả năng không cao.
Nhân chuyện thanh khoản của UpCom, một trong những mấu chốt mà chứng khoán Việt Nam đang phải nỗ lực ở mức tối đa để có thể được nâng cấp lên thị trường mới nổi từ thị trường cận biên là thanh khoản và nới lỏng quy định sự tham gia của nước ngoài trong sở hữu một công ty niêm yết.
Room vẫn đang là một rào cản cho dù quy định nới room lên 100% đã có hiệu lực từ lâu. Trên thực tế, room của nhiều công ty không thể đạt được mức 49%, đừng nói 51% hay 100% vì tỷ lệ sở hữu của cổ đông nhà nước vẫn còn quá lớn. Tỷ lệ sở hữu của Nhà nước vẫn tiếp tục áp đảo ở hàng loạt blue-chips có vốn hóa lớn, ảnh hưởng đến VN-Index như VNM, VCB, CTG, BID, BVH, GAS...
Thứ hai là thanh khoản. Mức độ giao dịch bình quân của Hose vẫn chưa thể vươn tới con số 200 triệu đơn vị/ngày. Thanh khoản luôn là yếu tố được xem xét để giải ngân của khối ngoại. Nếu thanh khoản vẫn cứ lẹt đẹt, thì bất chấp những yếu tố vĩ mô được cải thiện, môi trường chính trị ổn định, thu nhập bình quân đầu người tăng lên, vốn nước ngoài vẫn không chảy vào chứng khoán.
Điều mà cơ quan quản lý có thể gấp rút làm và làm được ngay là tập hợp những doanh nghiệp quy mô, hiệu quả kinh doanh chấp nhận được, thanh khoản cổ phiếu cao, thành một bảng với tên gọi, thí dụ bảng cao cấp, nhằm khơi lối cho dòng tiền toàn thị trường (kể cả margin) tập trung vào đây. Khi ấy quy mô của sàn cao cấp sẽ được nâng lên, thanh khoản sẽ có bước tiến. Đồng thời, Chính phủ nên đẩy nhanh việc bán vốn, thoái bớt vốn khỏi những doanh nghiệp nhà nước không cần nắm tỷ lệ chi phối.
Khi hai nút thắt này được gỡ, cánh cửa cho chứng khoán thăng hạng lên thị trường mới nổi mới được mở ra.
Thị trường mới nổi gần đây đang cạnh tranh mạnh mẽ với thị trường các nước phát triển trong thu hút vốn ngoại và giúp hàng loạt doanh nghiệp huy động được vốn. Đơn giản là nhiều quỹ đầu tư mạo hiểm, quỹ lớn sẵn sàng dành một tỷ lệ vốn nào đó cho thị trường mới nổi, trong khi thị trường cận biên không nằm trong tầm ngắm của họ. Với các quỹ đang quản lý hàng tỉ, hàng chục tỉ đô la Mỹ, chỉ cần họ phân bổ 0,5-1% vốn cho Việt Nam, cũng đủ để chứng khoán có thêm hàng trăm triệu, thậm chí cả tỉ đô la Mỹ vốn ngoại.
Việc thiết lập một sàn giao dịch chứng khoán cao cấp với các doanh nghiệp cao cấp có thể làm ngay không? Có thể, vì nó đâu có bất cứ rào cản nào. Vậy tại sao chúng ta không tiến hành? Bán bớt vốn nhà nước ở những doanh nghiệp nhà nước không cần giữ cổ phần chi phối có làm được không? Được, miễn là đừng chào giá trên trời. Mọi thứ hàng hoá đều có giá của nó, và đều được thị trường kiểm định. Nhiệm vụ chính của Nhà nước là tạo môi trường kinh doanh bình đẳng, công bằng, chứ không phải tham gia kinh doanh bằng mọi giá.
Cổ phiếu MTM bị ngừng giao dịch vì có dấu hiệu bất thường
Cuối tuần trước, cổ phiếu MTM của Công ty cổ phần Mỏ và Xuất nhập khẩu Khoáng sản miền Trung bị Sở Giao dịch Chứng khoán Hà Nội tạm ngừng giao dịch. Lý do tạm ngừng là vì, theo HNX, hoạt động công ty có dấu hiệu bất thường. Đến nay MTM chưa công bố báo cáo tài chính kiểm toán năm 2015, báo cáo tài chính quí 1-2016 và báo cáo thường niên năm 2015.
Cũng theo xác minh của HNX, không xác định được trụ sở chính tại địa điểm kinh doanh theo giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh của MTM (số 60 Nguyễn Tuấn Thiện, Lê Mao, thành phố Vinh, tỉnh Nghệ An). Còn trên trang web của Tổng cục Thuế, công ty đã ngừng hoạt động nhưng chưa hoàn tất thủ tục đóng mã số thuế, từ ngày 16-6-2016.
HNX cho biết, đối với cổ phiếu MTM , trong trường hợp phát hiện những dấu hiệu lừa đảo, cung cấp thông tin không đúng thực tế tại hồ sơ đăng ký giao dịch và hồ sơ công bố thông tin sẽ xem xét chuyển hồ sơ sang cơ quan điều tra theo đúng quy định pháp luật.
Đáng chú ý là công ty này chỉ mới lên sàn cách nay hai tháng, hiện tại giá cổ phiếu đã giảm hơn 3/4 và nhà đầu tư đứng trước nguy cơ bị mất trắng.
Theo Thành Nam - TBKTSG