tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

TS. Nguyễn Đình Cung: “Các Bộ đâu dễ lấy đá tự ghè chân mình”

  • Cập nhật : 16/04/2016

(Tin kinh te)

“Ở Việt Nam đầy rẫy những quy định phải cạnh tranh, phi cạnh tranh mà rất nhiều năm chúng ta kêu gọi cắt bỏ nhưng bỏ chỗ này thì ở chỗ kia, Bộ ngành kia lại mọc lên”, TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM nói.

ong nguyen dinh cung trao doi voi bao chi ben le cuoc hoi thao ngay 15/4. anh: vneconomy

Ông Nguyễn Đình Cung trao đổi với báo chí bên lề cuộc hội thảo ngày 15/4. Ảnh: Vneconomy

Là người chủ trì cuộc hội thảo “Xây dựng và thực thi chính sách toàn diện về cạnh tranh: Kinh nghiệm quốc tế và bài học cho Việt Nam” diễn ra vào hôm qua (15/4) tại Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế trung ương (CIEM), ông Cung chỉ ra rằng, tại Việt Nam đang đầy rẫy những quy định phản cạnh tranh mà nhiều năm đã kêu gọi cắt bỏ, nhưng bỏ chỗ này lại mọc chỗ kia.

Theo Viện trưởng CIEM, cần nhanh chóng hạ bỏ những “rừng” quy định phi cạnh tranh để nền kinh tế và doanh nghiệp có thể hội nhập sâu, rộng.

Ông cũng cho biết, cốt lõi của nền kinh tế thị trường là cạnh tranh, nếu thiếu cạnh tranh không thể có thị trường, cạnh tranh công bằng, lành mạnh chính vì vậy xây dựng chính sách cạnh tranh là trụ cột của xây dựng kinh tế thị trường hiện đại và đầy đủ.

“Về mặt tư duy chưa có chính sách cạnh tranh vì khi xây dựng, thực thi chính sách cạnh tranh luôn luôn đặt câu hỏi đầu tiên, chính sách này thúc đẩy cạnh tranh không và có cản trở gì đến cạnh tranh không? Câu hỏi này ít khi thậm chí chưa bao giờ đặt ra 1 cách chính thống trong xây dựng pháp luật và chính sách”, ông Cung nói.

Dẫn chứng thị trường điện, xăng dầu, ông Cung cho biết Việt Nam đã xây dựng thị trường cạnh tranh từ lâu nhưng hiện giá điện của các nhà máy phát điện vẫn phụ thuộc mức giá chào mua của Tập đoàn Điện lực Việt Nam (EVN) hay giá xăng thế giới giảm, chúng ta lại tăng thuế, phí khiến xăng dầu trong nước không hạ giá được.
Ông Cung cũng cho biết, 2 năm vừa qua Chính phủ liên tục đưa ra Nghị quyết 19 về cải cách thủ tục hành chính, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quốc hội cũng yêu cầu các Bộ, ngành đưa ra điều kiện kinh doanh đối với các ngành, lĩnh vực đặc thù nhưng đến nay vẫn còn nhiều lĩnh vực chậm ban hành.
“Việc giao cho các Bộ bỏ giấy phép con là không bao giờ làm được, chỉ có tăng lên. Các Bộ đâu dễ lấy đá tự ghè chân mình, chính những giấy phép con sinh ra từ các Thông tư của Bộ”, ông Cung nêu thực tế.
Viện trưởng CIEM cũng cho biết thêm, chính sách cạnh tranh xét trong bối cảnh hiện nay có nhiều bộ phận nhưng lại riêng rẽ.
Cụ thể, bao gồm giảm tối đa rào cản gia nhập thị trường để thị trường có đầu vào đầu ra thay đổi dễ dàng để những doanh nghiệp đang vận hành luôn luôn có áp lực nếu mình làm kém sẽ có doanh nghiệp khác nhảy vào làm tốt hơn.
“Thông thường thế giới bỏ tối đa rào cản thị trường và thường chỉ quản lý trên cơ sở kết quả nghĩa là đầu ra phải đảm bảo tiêu chí về chất lượng để bảo vệ lợi ích cho người tiêu dùng còn mình đặt đầu vào, bảo vệ lợi ích cho ông sản xuất, nhiều khi làm hại lợi ích người tiêu dùng”, ông Cung dẫn chứng.
Theo đó, ông Cung cho rằng, Luật Cạnh tranh và thể chế thực thi phải độc lập, chuyên trách, minh bạch và phải là chức năng riêng điều tiết thị trường thay vì nằm rải rác ở các Bộ.
Bên cạnh đó, bộ máy thực thi phải tách biệt, cải cách doanh nghiệp nhà nước là bộ phận không thể thiếu trong thực thi chính sách cạnh tranh vì doanh nghiệp nhà nước đang là nơi tạo ra nhiều rào cản thị trường, làm méo mó thị trường và cạnh tranh bất bình đẳng. 

“Rất nhiều việc phải làm nhưng việc đầu tiên là đổi mới tư duy. Nếu nói kinh tế thị trường thì cạnh tranh là cốt lõi, muốn có cạnh tranh như vậy luôn luôn đặt câu hỏi đầu tiên, khi ban hành luật pháp, chính sách có khuyến khích hay hạn chế cạnh tranh thị trường. Nếu hạn chế thì không bao giờ áp dụng, nếu áp dụng cần lý giải lợi ích mang lại cho xã hội lớn hơn chi phí”, ông Cung khuyến nghị.


TÂM AN
Theo Bizlive

Trở về

Bài cùng chuyên mục