(Thuong mai)
Trao đổi với PV Thanh Niên, ngay sau khi đàm phán TPP chính thức kết thúc, TS Nguyễn Đình Cung (ảnh), Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế T.Ư (CIEM) cho rằng: TPP cần phải được hiểu như là một hiệp định đề ra luật chơi mới trong thương mại đầu tư quốc tế, áp dụng trong một khối kinh tế khá năng động, chiếm tỷ trọng lớn trong thương mại toàn cầu. Cho nên, việc VN được tham gia hiệp định này có ý nghĩa rất lớn và là cơ hội lớn để thúc đẩy cải cách, phát triển kinh tế cho dù bên cạnh thuận lợi thì TPP cũng đặt ra những thách thức rất lớn.
* Cá nhân ông quan tâm nhất ở những tác động tích cực nào mà TPP đem lại cho kinh tế VN?
- Nhiều người quan tâm đến tác động đến thương mại và đầu tư. Tất nhiên là chúng ra đều có thể thấy, sau khi TPP có hiệu lực, hàng hóa sản xuất tại VN sang các nước sẽ thuận lợi hơn rất nhiều nhờ giảm thuế quan, giảm rào cản và nhiều lĩnh vực khác cũng vậy. Ngược lại, VN mở cửa cho họ cũng nhiều. Ví dụ như mảng nông nghiệp, nông sản, chăn nuôi… thì mọi người đều lo ngại khả năng mình không chống đỡ được vì năng lực cạnh tranh kém.
Nhưng tôi quan tâm nhiều đến 2 vấn đề: những cơ hội thực sự mà TPP mang lại đó dành cho ai? Thực tế, mấy năm qua, FDI vào nhiều hơn, vì các nhà đầu tư họ đã đón đầu cơ hội này. Ví dụ như Hàn Quốc chuyển nhiều hoạt động đầu tư sang; các nhà kinh doanh, đầu tư dệt may từ Mỹ cũng đã chuyển vốn đầu tư từ Hồng Kông, Singapore sang VN; Nhật Bản đã chuẩn bị đầu tư vào nông nghiệp VN... Cơ hội đó dành cho ai là điều cần quan tâm.
Điều quan trọng thứ 2 là áp lực nào, động lực nào để thúc đẩy cải cách thể chế bên trong VN. Tôi cho rằng, tác động tích cực lớn nhất của TPP đến VN là tác động vào thay đổi thể chế. Động lực đó đòi hỏi cải cách DNNN, tạo sự bình đẳng với các DN khác. Bao nhiêu năm qua, những đặc quyền, đặc lợi, đối xử khác biệt trên thực tế tạo ra những lợi thế cho DNNN và làm cho các DN này hoạt động méo mó, thì bây giờ, gia nhập TPP, với luật chơi mới, điều đó phải thay đổi. Phải minh bạch hoạt động của DNNN về mục tiêu, về tài chính, quản trị từ đó, phải thay đổi cách thức quản lý DNNN. Thay đổi cách hoạch định chính sách và giám sát thị trường. Làm cho vai trò của khối dân sự, tổ chức công đoàn của người lao động, mở rộng hơn và gắn với đời sống, lợi ích của người lao động. Những việc đình công, đàm phán, tiền lương phải theo công đoàn ngành. Tiền lương phải dựa trên năng suất.
* Theo ông, VN sẽ phải chủ động thế nào để tận dụng những cơ hội mà TPP mang lại và hạn chế những tác động tiêu cực của nó?
- Chúng ta cần phải nhìn thấy đây là sự thay đổi về luật chơi. VN phải chủ động thay đổi thể chế để DN VN tận dụng được cơ hội mà hiệp định mang lại. Chủ động thay đổi về tư duy quản lý nhà nước, về DNNN, về thể chế là tạo điều kiện thuận lợi cho hoạt động kinh doanh, không phải là quản, để giảm rủi ro, chi phí trong nước, hỗ trợ DN tiếp cận những chuẩn mực toàn cầu. Chúng ta phải đi theo cách thức kinh doanh toàn cầu, giảm rào cản thì đừng quản kiểm trong nước theo luật lệ của ta mà phải theo chuẩn mực toàn cầu. Phải thay đổi tư duy để không biến DN và cơ quan quản lý thành đối thủ của nhau mà đồng hành, là đối tác để hướng ra bên ngoài. Điều đó gọi là chủ động thay đổi; cần minh bạch hóa, thúc đẩy thêm cho quá trình cải cách chủ động của mình.
* Theo hiệp định, có những lĩnh vực kinh tế VN phải mở cửa hoàn toàn như nông nghiệp, chăn nuôi, sản xuất thép… và sẽ chịu nhiều tác động tiêu cực. Các DN trong nước phải làm thế nào để có thể cạnh tranh được với hàng hóa các nước sau TPP?
- VN cũng có nhiều lợi thế, kể cả trong nông nghiệp. Những điều kiện tự nhiên rất thuận lợi của VN đó là một lợi thế. Hay ngành thép, đang đầu tư kém hiệu quả, giờ vào TPP, đó là sức ép để đổi mới công nghệ, buộc DN phải có những sáng tạo mới. Có DN phá sản, nhưng sẽ là cơ hội để DN có suy nghĩ mới, cách làm mới thành công.
Hay trong lĩnh vực chăn nuôi, cũng không cần phải quá hoảng hốt. Đúng là ta không thể làm kinh tế hộ gia đình nữa, phải sản xuất quy mô lớn, phải có dây chuyền mới đảm bảo vệ sinh thực phẩm. TPP khiến cách thức sản xuất, thói quen cũ phải thay đổi, chế độ quản lý đất đai phải thay đổi - và nó có thể khiến đụng đến những vấn đề gốc rễ, ở quyền sử dụng đất. Nhưng phải thay đổi phù hợp mới có thể thay đổi cách thức sản xuất, thay đổi quy trình sản xuất.
(Theo Báo Thanh Nien)