Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 18-04-2016
- Cập nhật : 18/04/2016
Nhiều sai phạm tại phòng khám tư
Thanh tra Sở Y tế Hà Nội vừa tiến hành kiểm tra phòng khám nhi khoa của bác sỹ Ngô Đình Thông- địa chỉ 45 Hoàng Ngân- Hà Nội phát hiện tại đây nhiều vi phạm.
Ông Nguyễn Dương Trung- Phó Chánh thanh tra Sở Y tế cho biết: Tại thời điểm kiểm tra (chiều tối ngày 15-4-2016,) phòng khám do bác sỹ Thông có những vi phạm như: Phòng khám quảng cáo không đúng phạm vi hoạt động chuyên môn được cấp phép (là dịch vụ khám chữa bệnh tại nhà nhưng lại quảng cáo là phòng khám của bác sỹ Bệnh viện Nhi Trung ương gây hiểu lầm); Phòng khám không đảm bảo kiểm soát nhiễm khuẩn, thùng đựng rác thải y tế không theo quy định của Bộ Y tế và không có nắp đậy; Sổ khám chữa bệnh ghi chép thiếu thông tin theo quy định như triệu chứng, địa chỉ, chẩn đoán…
Kiểm tra nhà thuốc, đoàn thanh tra cũng phát hiện nhiều sai phạm như: Dược sỹ phụ trách chuyên môn nhà thuốc Hoàng Thị Thao vắng mắt nhưng nhân viên là dược sĩ Trần Thị Hải Yến vẫn bán thuốc cho khách. Kiểm tra hệ thống sổ sách, trong đó quan trọng nhất là sổ nhập thuốc, kiểm kê và kiểm soát chất lượng thuốc, các dược sĩ không ghi chép đầy đủ tên nhà cung cấp, số lô, số đăng ký, hạn sử dụng…
Theo ông Nguyễn Dương Trung, trước những sai phạm được phát hiện, đoàn kiểm tra yêu cầu phòng khám chuyên khoa nhi của bác sỹ Ngô Đình Thông tháo dỡ toàn bộ quảng cáo không đúng với chuyên môn; thu hồi toàn bộ số khám bệnh ghi “bác sỹ Ngô Đình Thông-Bệnh viện Nhi Trung ương”, tiêu hủy toàn bộ và sau ngày 16-4 nếu phòng khám sử dụng sổ này cho bệnh nhân sẽ áp khung hình phạt tối đa cho lỗi vi phạm này.
Đối với nhà thuốc, đoàn kiểm tra yêu cầu nhà thuốc chỉ kinh doanh khi dược sỹ phụ trách cho mặt tại nhà thuốc; ghi chép sổ sách của nhà thuốc theo đúng quy định.
Trước đó theo chỉ đạo của ông Nguyễn Văn Yên- Phó Giám đốc Sở Y tế Hà Nội, từ nay đến hết năm 2016, ngành Y tế Hà Nội sẽ kiểm tra các cơ sở hành nghề y dược ngoài công lập trên địa bàn thành phố, tập trung kiểm tra trọng điểm, đột xuất đối với các cơ sở hành nghề tại các khu vực gần bệnh viện trung ương và bệnh viện thành phố.
Ưu tiên kiểm tra phòng khám đa khoa, phòng khám chuyên khoa phẫu thuật thẩm mỹ, phòng khám chuyên khoa răng hàm mặt, phòng khám sản phụ khoa, nhà thuốc, quầy thuốc, công ty kinh doanh dược phẩm, cơ sở hành nghề y dược có người phụ trách chuyên môn được cấp chứng chỉ hành nghề.
Đồng thời đề xuất các biện pháp xử lý kịp thời khi phát hiện các cơ sở hành nghề có vi phạm các quy định về hành nghề y dược theo quy định như xử lý hành chính, thu hồi chứng chỉ hành nghề, giấy phép hoạt động, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh thuốc.
Gia tăng buôn lậu trên biển
Hàng trăm nghìn tấn dầu DO, than… không có nguồn gốc hợp pháp bị bắt giữ khi đang trong quá trình vận chuyển cho thấy buôn lậu trên tuyến biển có chiều hướng gia tăng.
Tàu vận chuyển trái phép gần 4.000 tấn đường do lực lượng Cảnh sát biển bắt giữ. (Ảnh do lực lượng chức năng cung cấp)
Theo Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, hoạt động buôn lậu trên biển diễn ra ở một số loại mặt hàng gồm than, xăng dầu, thuốc lá... Riêng mặt hàng xăng dầu do lợi nhuận, cùng với việc tổ chức cung ứng chưa tốt của các công ty kinh doanh xăng dầu trong nước đã trở thành “miếng mồi ngon” cho đầu nậu trong nước cấu kết với các đối tượng người nước ngoài (Đài Loan, Thái Lan, Malaysia, Singapore, Campuchia) sử dụng tàu, thuyền không treo cờ quốc tịch hoặc tàu cá hoán cải, gia cố thêm téc chứa bí mật để chứa dầu lậu mua của các tàu nước ngoài tại các vùng biển giáp ranh. Một phần xăng dầu lậu được bán trực tiếp cho các tàu cá của ngư dân hoạt động đánh bắt xa bờ. Tinh vi hơn, các đầu nậu trong nước lập nhiều các tổ chức có tư cách pháp nhân kinh doanh xăng, dầu ở các địa phương, lợi dụng việc mua bán, vận chuyển giữa các công ty để hợp pháp hóa số dầu lậu mua từ nước ngoài về tiêu thụ trong nội địa. Mỗi khi tàu chở xăng, dầu lậu về đến vùng biển Việt Nam, lập tức thông báo cho các tàu nhỏ hơn ra địa điểm quy ước trước để sang mạn, chia nhỏ đưa vào đất liền, tàu ra nhận hàng mang theo hợp đồng, chứng từ mua bán khống giữa các công ty trong cùng hệ thống, sau khi nhận dầu, các đối tượng hoàn thiện hợp đồng, chứng từ phù hợp với lượng hàng vừa nhận để chuyển về kho hoặc mang đi tiêu thụ.
Riêng trong tháng 3-2016, các lực lượng chức năng gồm: Cảnh sát biển, Hải quan, Bộ đội Biên phòng và Công an đã phối hợp đấu tranh phát hiện, bắt giữ trên 287 ngàn lít xăng và gần 4,9 triệu lít dầu các loại. Trong đó có vụ việc DN núp dưới chiêu bài NK xăng, dầu chính ngạch nhưng mỗi lần NK đều cố tình khai báo số lượng hàng rất ít (chỉ bằng 1/3 – 1/5 số lượng thực tế) để gian lận trốn thuế đối với hàng chục triệu lít xăng, dầu trong thời gian dài.
Qua đấu tranh, lực lượng Cảnh sát biển nhận thấy, các đối tượng buôn lậu thường lợi dụng cung-cầu thị trường tăng cao và sự sơ hở của lực lượng chức năng để tăng tần suất vận chuyển trái phép hàng hóa. Nổi lên trên vùng biển Đông Bắc, Bắc Trung bộ, Đông Nam bộ và Tây Nam có dấu hiệu gia tăng cả về số vụ và số đối tượng. Hoạt động này diễn ra trên nhiều lĩnh vực, ngành hàng khác nhau như: Xăng dầu, khoáng sản, gỗ, hàng tiêu dùng, thực phẩm, gia cầm, pháo nổ, thuốc lá điếu, ma túy. Thủ đoạn của các đối tượng vi phạm liều lĩnh, tinh vi khó lường. Để hợp thức hóa hàng lậu, các đối tượng quay vòng hồ sơ, hóa đơn, chứng từ vận chuyển trong nước đưa hàng hóa không có nguồn gốc hợp pháp đi tiêu thụ. Không những thế, phương tiện vận chuyển cũng được các đối tượng đầu tư kỹ lưỡng, thường là phương tiện có máy công suất lớn. Để đánh lạc hướng điều tra của lực lượng chức năng, các đối tượng thường thay đổi tên và số phương tiện, tuyến hành trình, cho phương tiện chạy lòng vòng trên biển, chờ thời cơ tẩu tán hàng.
Điển hình là trong tháng 1-2016, tại khu vực biển giáp ranh Quảng Ninh – Hải Phòng, Cụm trinh sát số 1 kiểm tra tàu Sao Xanh 1, trên tàu có 4 người do ông Bùi Huy Thuyết, sinh năm 1972, quê Hà An, Yên Hưng, Quảng Ninh làm thuyền trưởng. Tại thời điểm kiểm tra, tàu Sao Xanh 01 vận chuyển khoảng 100.000 lít dầu DO (theo lời khai của ông Phạm Xuân Trường, đại diện hàng của công ty TNHH Minh Phú, địa chỉ Hải Long, Hạ Long, Quảng Ninh) không có giấy tờ chứng minh tính hợp pháp của số dầu trên.
Cũng tại vùng biển giáp ranh Quảng Ninh- Hải Phòng, Biên đội tàu 4003, xuồng 4009 tuần tra, kiểm soát truy đuổi 1 xuồng cao tốc, quá trình truy đuổi xuồng cao tốc vứt bỏ các bao tải xuống biển tẩu thoát ra ngoài hướng Vịnh Bắc bộ. Biên đội tổ chức vớt các bao tải lên phát hiện đó là thuốc lá ngoại nhãn hiệu 555 gồm 12 kiện, với 6.000 bao thuốc lá.
Trong thời gian tới, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia tham mưu, đề xuất triển khai các Đoàn kiểm tra (do đồng chí Trưởng Ban, các đồng chí Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo 389 quốc gia làm Trưởng đoàn) đi kiểm tra, nắm tình hình tại các địa phương, địa bàn, lĩnh vực, mặt hàng trọng điểm. Trọng tâm kiểm tra kết quả thực hiện chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Trưởng Ban Chỉ đạo 389 quốc gia và các kế hoạch công tác địa phương, đơn vị đã xây dựng về lĩnh vực chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; kết quả triển khai thực hiện Nghị quyết số 41/NQ-CP về việc đẩy mạnh công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả trong tình hình mới; công tác điều tra, xử lý các vụ việc phức tạp, trọng điểm về buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả… Trên cơ sở đó, Ban Chỉ đạo 389 các tỉnh, thành phố chủ động xây dựng kế hoạch tổ chức kiểm tra tại các địa bàn thành phố, thị xã, huyện, khu kinh tế cửa khẩu... để nắm tình hình, kiểm tra, đôn đốc thực hiện nhiệm vụ chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả của chính quyền, các lực lượng chức năng tại cơ sở để có thông tin kịp thời, chính xác phục vụ công tác chỉ đạo, điều hành và các hoạt động tuyên truyền của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia. Đồng thời, các bộ, ngành, địa phương đôn đốc, chỉ đạo các cơ quan, đơn vị, lực lượng chức năng triển khai các phương án, kế hoạch tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát thị trường, chống buôn lậu, gian lận thương mại và theo chức năng, địa bàn, lĩnh vực quản lý; xác lập các chuyên án, kế hoạch đấu tranh có trọng tâm, trọng điểm để tổ chức phối hợp bắt giữ đảm bảo kịp thời, hiệu quả.
Phát hiện 2 doanh nghiệp đa cấp hoạt động "chui"
Cục Quản lý cạnh tranh (Bộ Công Thương) vừa phát hiện và xử lý 2 doanh nghiệp hoạt động bán hàng đa cấp nhưng chưa làm thủ tục đăng ký cấp giấy chứng nhận hoạt động với cơ quan có thẩm quyền.
Theo đó, 2 công ty này là Công ty Cổ phần Đầu tư thương mại Phúc Gia Bảo 68 (địa chỉ trụ sở chính: 131 Bạch Đằng, Phường Phước Trung, TP. Bà Rịa, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu) và Công ty Cổ phần Phát triển Thương mại Lotus Việt Nam (địa chỉ trụ sở chính: số 2 ngõ 2 tổ 3 Đường Trung Kính, Phường Trung Hòa, Quận Cầu Giấy, Thành phố Hà Nội).
Đại diện Bộ Công Thương cho biết: việc công khai danh tính, cảnh báo về hoạt động bán hàng đa cấp của các doanh nghiệp vi phạm là để người dân biết và cảnh giác. Đông thời nếu người dân phát hiện hoạt động bán hàng đa cấp của doanh nghiệp này vẫn tiếp tục, đề nghị thông báo với Sở Công Thương, Cơ quan công an địa phương hoặc Cục Quản lý cạnh tranh để có biện pháp xử lý kịp thời.
Trước đó, Bộ trưởng Bộ Công Thương đã ban hành Chỉ thị số 02/CT-BCT về tăng cường công tác kiểm tra, giám sát xử lý vi phạm pháp luật trong hoạt động bán hàng đa cấp và Quyết định số 1052/QĐ-BCT về việc thành lập Đoàn kiểm tra việc chấp hành pháp luật về bán hàng đa cấp tại 7 doanh nghiệp bán hàng đa cấp.
Đại diện Cục Quản lý cạnh tranh cho biết, hiện Đoàn kiểm tra đang tiến hành việc kiểm tra đối với 7 doanh nghiệp và chưa có kết luận cuối cùng về các nội dung kiểm tra. Do đó, "thông tin về việc đã có kết luận kiểm tra cuối cùng đối với một số doanh nghiệp là không chính xác", thông báo của Cục này nêu rõ.
Phát hiện đối tượng vận chuyển trái phép 8,7kg vàng sa khoáng
TKV kêu bị đánh thuế “cao nhất thế giới”, xin giảm thuế
Cụ thể, theo ông Biên, từ ngày 1-7-2010, thuế tài nguyên với than lộ thiên đã tăng từ 3 lên 7% và từ tháng 2-2014 đã tăng tiếp lên 9% khiến TKV phải nộp thuế tăng 1.000 tỷ/năm.
Cho biết đây là mức thuế “cao nhất thế giới”, ông Biên nhấn mạnh theo nghị quyết của Thường vụ Quốc hội, từ 1-7-2016, thuế tài nguyên với than lộ thiên sẽ tăng tiếp lên 12% khiến TKV tăng nộp thuế 1.200 tỷ/năm.
TKV cho biết theo dự kiến, tới đây Chính phủ sẽ còn ra nghị định hướng dẫn cách tính phí môi trường mới, theo đó sẽ tính cả lượng đất đá thải ra khiến TKV sẽ phải nộp thêm khoảng 70 tỷ/năm.
Cho rằng đây là “gánh nặng” với doanh nghiệp, ông Biên đề nghị giảm thuế tài nguyên nói chung và thuế tài nguyên với than nói riêng xuống mức bằng các nước trong khu vực: từ 5-7% với than khai thác lộ thiên và không tính thuế trên cả lượng đất đá thải ra.
Ngoài ra, ông Biên cho biết từ đầu năm 2016 đến nay, TKV chưa xuất khẩu một tấn than nào vì phải chờ Chính phủ cho phép. Dự kiến, 2016, dù định hướng sẽ vẫn xuất khẩu nhưng TKV nêu VN sẽ phải nhập khẩu khoảng 6,5 triệu tấn than.