Hà Nội hôm nay yêu cầu Bắc Kinh bồi thường thỏa đáng cho ngư dân tàu cá Quảng Ngãi bị tàu hải cảnh Trung Quốc đâm chìm.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 17-04-2016
- Cập nhật : 17/04/2016
Thu giữ gần 17 triệu lít xăng dầu nhập lậu từ đầu năm
Hiện trường một vụ buôn lậu do lực lượng điều tra chống buôn lậu hải quan phát hiện, xử lý. Ảnh: Hải Anh
Ông Dương Xuân Sinh, Phó Chánh Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả (Ban Chỉ đạo 389 quốc gia) cho hay, tình hình buôn lậu xăng dầu xảy ra không ít do lợi nhuận vẫn ở mức cao, trốn được các loại thuế khi nhập khẩu... về Việt Nam. Hành vi nhập lậu này không chỉ khiến cho nhà nước thất thu thuế mà còn ảnh hưởng đến việc điều tiết tiêu dùngmặt hàng xăng dầu của nhà nước.
Trọng điểm buôn lậu xăng dầu là tại vùng biển các tỉnh, thành phố: Quảng Ninh, Hải Phòng, Thái Bình, Nam Định, Ninh Bình, Thanh Hóa, Nghệ An, Đà Nẵng, Bình Định, Phú Yên, Khánh Hòa, Bình Thuận, Bà Rịa – Vũng Tàu, TP. Hồ Chí Minh, Tiền Giang, Trà Vinh, Kiên Giang...
Điển hình, ngày 28/1, tại khu vực biển Kiên Giang, Đồn Biên phòng Tây Yên, Bộ đội Biên phòng tỉnh Kiên Giang đã kiểm tra, bắt giữ 3 tàu vận chuyển lượng lớn dầu DO, không xuất trình được hóa đơn chứng từ chứng minh tính hợp pháp của hàng hóa. Tổng số dầu có dấu hiệu vi phạm là 75.920 lít dầu DO.
Tiếp đến, ngày 29/1, tại Bình Thuận, dưới sự chỉ đạo của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, Cục Cảnh sát điều tra tội phạm về kinh tế và tham nhũng (C46) – Tổng cục Cảnh sát đã phối hợp với Cục Điều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan bắt quả tang và khởi tố vụ án hình sự, khởi tố bị can, ra lệnh bắt tạm giam 8 đối tượng trong vụ buôn lậu xăng dầu quy mô lớn của Công ty Cổ phần Dương Đông Hòa Phú.
Kết quả điều tra cho thấy công ty này núp dưới danh nghĩa nhập khẩu xăng, dầu chính ngạch nhưng mỗi lần nhập khẩu đều cố tình khai báo số lượng hàng rất ít để gian lận trốn thuế đối với trên 9.373 tấn xăng Ron A92.
Ông Dương Xuân Sinh cho biết thêm, chống buôn lậu mặt hàng xăng dầu đã được Ban Chỉ đạo 389 quốc gia đưa vào trọng tâm công tác chỉ đạo của năm 2016. Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo 389 quốc gia cũng đã và đang chỉ đạo, phối hợp với các cơ quan chức năng tích cực đấu tranh với các hành vi buôn lậu xăng dầu, gây ảnh hưởng đến lợi ích nhà nước và người tiêu dùng.
Cơ chế đặc thù xây dựng 8 dự án giao thông cấp bách tại Hà Nội
Sau khi nhận được Văn bản số 573/TTg-KTN, ngày 05/4/2016 của Thủ tướng Chính phủ về việc cơ chế đặc thù đầu tư xây dựng một số công trình cấp bách giảm ùn tắc giao thông của TP. Hà Nội, UBND Thành phố đã giao các Sở bao gồm: Sở Giao thông Vận tải, Sở Kế hoạch và Đầu tư khẩn trương hoàn chỉnh hồ sơ, thủ tục theo quy định, đảm bảo hiệu quả về kinh tế, kỹ thuật, khớp nối đồng bộ hạ tầng kỹ thuật với các dự án có liên quan, đảm bảo tiến độ các dự án.
Trước đó, nhằm khẩn trương khắc phục tình trạng ùn tắc giao thông, đảm bảo an toàn giao thông trên địa bàn thành phố Hà Nội, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý về chủ trương triển khai thực hiện theo lệnh khẩn cấp, cấp bách và áp dụng hình thức giao thầu (không thông qua lựa chọn nhà thầu) từ giai đoạn lập dự án, khảo sát, thiết kế, thi công xây dựng cho đến giai đoạn hoàn thành đưa công trình vào khai thác, sử dụng đối với 8 công trình dự án giao thông cấp bách.
Thủ tướng cũng yêu cầu Bộ Giao thông vận tải và UBND TP Hà Nộii chịu trách nhiệm toàn diện về việc lựa chọn nhà thầu đủ năng lực và kinh nghiệm; đồng thời, chỉ đạo thực hiện chặt chẽ, tiết kiệm, không để thất thoát lãng phí, tiêu cực, bảo đảm tuyệt đối an toàn giao thông (cả trong quá trình thi công và khai thác) và đáp ứng yêu cầu về chất lượng, tiến độ, hiệu quả công trình, đúng các quy định hiện hành.
Một số công trình giao thông cấp bách sẽ hoàn thành trong năm 2016 được Bộ GTVT và UBND. TP Hà Nội thống nhất triển khai như: Cải tạo mở rộng và cầu vượt tại nút giao Phạm Ngọc Thạch - Chùa Bộc, cầu vượt tại nút giao Bạch Mai - Lê Thanh Nghị, cầu vượt tại nút giao Ô Đống Mác - đê Nguyễn Khoái, cầu vượt tại nút giao An Dương - đường Thanh Niên, Đường vành đai 3 dưới đất, đoạn Mai Dịch - Nam Thăng Long...
Vay 78 triệu USD ODA Hàn Quốc cải tạo, xây hầm Khe Nét trên tuyến đường sắt Bắc Nam
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng vừa ký văn bản đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét phê duyệt danh mục Dự án Cải tạo đường sắt khu vực đèo Khe Nét, tuyến đường sắt Hà Nội - TP. Hồ Chí Minh sử dụng vốn vay ODA Hàn Quốc và cho phép dùng viện trợ không hoàn lại của Hàn Quốc rà soát, cập nhật nghiên cứu khả thi Dự án.
Ông Dũng cũng đề nghị Thủ tướng giao Bộ này thay mặt Chính phủ gửi công hàm đề nghị phía Hàn Quốc cung cấp vốn vay ODA cho Dự án và cung cấp viện trợ không hoàn lại thực hiện hỗ trợ kỹ thuật rà soát, cập nhật nghiên cứu khả thi Dự án.
Dự án do Bộ GTVT làm chủ đầu tư này, có mục tiêu đảm bảo an toàn, rút ngắn thời gian và nâng cao năng lực, chất lượng vận tải đường sắt Bắc Nam này sẽ tiến hành cải tạo tuyến và xây dựng 2 hầm để rút ngắn 2km quãng đường, qua đó nâng cao tốc độ và an toàn chạy tàu khu gian Đồng Chuối - Kim Lũ và khu đoạn Vinh - Đồng Hới.
Tổng mức đầu tư Dự án là khoảng 87,5 triệu USD (tương đương 1.953 tỷ đồng), trong đó có 78 triệu USD do Chính phủ Hàn Quốc cho vay thông qua EDCF; vốn đối ứng của Chính phủ Việt Nam là 9,5 triệu USD.
Theo đề xuất của Bộ GTVT, thời gian thực hiện công trình trọng điểm đường sắt này là 5 năm, tính từ khi hoàn tất các thủ tục để triển khai Dự án.
Được biết, năm 2012, Dự án đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt danh mục dùng vốn vay ưu đãi Trung Quốc. Tuy nhiên, do phía Trung Quốc không thể cung cấp tín dụng, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý thay thế bằng nhà tài trợ khác. Trong khuôn khổ hợp tác tài chính Việt Nam - Hàn Quốc, qua một số lần trao đổi, làm việc giữa Bộ GTVT cùng các đoàn công tác tìm hiểu, chuẩn bị dự án của KEXIM, Dự án đã nhận được quan tâm tài trợ từ phía Hàn Quốc. Dự án có tác dụng làm giảm chi phí, thời gian chạy tàu, nâng cao an toàn đường sắt, tiết kiệm chi phí duy tu, bảo dưỡng, phù họp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch và quy định hiện hành.
“Vì vậy, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho rằng việc vay vốn ODA Hàn Quốc để thực hiện Dự án là cần thiết và khả thi, phù hợp với luật lệ, quy định trong nước và các quyết định truớc đây của Thủ tướng Chính phủ”, Bộ trưởng Dũng đánh giá.
Dự án casino Nam Hội An 4 tỷ USD được xây dựng trên diện tích gần 1.000 ha
Dự án Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An có diện tích gần 986 ha, thuộc 3 xã: Duy Hải, Duy Nghĩa (huyện Duy Xuyên) và xã Bình Dương (huyện Thăng Bình) với tổng vốnđầu tư 4 tỷ USD (phân kỳ đầu tư 7 giai đoạn, dự kiến hoàn thành vào năm toàn bộ dự án năm 2035). Theo kế hoạch, dự án sẽ chính thức được khởi công đầu tư xây dựng vào ngày 23/4/2016 tại xã Duy Hải (Duy Xuyên).
Dự án khu nghỉ dưỡng Nam Hội An sẽ được phát triển với mục tiêu xây dựng khu nghỉ dưỡng phức hợp, giải trí có thưởng, khu vui chơi cao cấp tiêu chuẩn 5 sao... dành cho người nước ngoài.
Giai đoạn 1 của dự án sẽ được phát triển trên diện tích khoảng 163 ha với mức đầu tư 500 triệu USD Mỹ gồm sân golf 18 lỗ tiêu chuẩn thi đấu quốc tế, khu nghỉ dưỡng 1.000 phòng được thiết kế theo hình thức biệt thự hay khách sạn được quản lý bởi các thương hiệu nổi tiếng như Rosewood, New World…, khu trung tâm thương mại và các tiện ích khác.
Khi đưa vào khai thác từng phần kể từ đầu năm 2019, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An sẽ tạo ra trên 2.000 việc làm với cam kết đào tạo chuyên môn khách sạn, dịch vụ theo tiêu chuẩn quốc tế cho người lao động địa phương, đóng góp thuế đáng kể vào ngân sách Quảng Nam.
Hiện tại, Khu nghỉ dưỡng Nam Hội An là dự án có vốn đầu tư lớn nhất tại Quảng Nam. Dự án hy vọng sẽ góp phần thay đổi diện mạo kinh tế - xã hội Quảng Nam, biến khu vực khó khăn về kinh tế trở thành trung tâm du lịch nghỉ dưỡng, dịch vụ, giải trí và dân cư đạt đẳng cấp quốc tế.
Ông Don Lam - đại diện chủ đầu tư cho biết tại lễ khởi công ngày 23/4/2016, công ty này sẽ tài trợ 1 tỷ đồng cho Hội Bảo trợ người tàn tật, trẻ mồ côi và bệnh nhân nghèo Quảng Nam và Chương trình Nhịp tim Việt Nam (Heartbeat Vietnam – chương trình mổ tim miễn phí cho trẻ em có hoàn cảnh khó khăn thuộc Quỹ tài trợ VinaCapital Foundation) để mổ tim cho các trẻ em bị bệnh tim bẩm sinh tại tỉnh Quảng Nam.
Bộ Giao thông ủng hộ Lào Cai triển khai PPP xây dựng sân bay trị giá 3.500 tỷ đồng
Cảng Hàng không Lào Cai là cảng hàng không nội địa dùng chung giữa dân dụng và quân sự đạt tiêu chuẩn 4C và sân bay quân sự cấp II có khả năng đón các loại máy bay A320, A321 và tương đương
Trong văn gửi gửi Thủ tướng Chính phủ vào tuần này, Bộ Giao thông cho biết, theo quy định của Luật Ngân sách nhà nước năm 2015, nhiệm vụ chi đầu tư phát triển cho các dự án thuộc nguồn ngân sách Trung ương.
Tuy nhiên, trong điều kiện nguồn ngân sách Trung ương hạn hẹp, việc thu hút các nguồn lực xã hội để đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng giao thông là cần thiết. Do vậy, căn cứ trách nhiệm quản lý nhà nước về đất đai tại địa phương và để tạo thuận lợi trong việc phát triển kinh tế tại địa phương, Bộ Giao thông vận tải kính đề nghị Thủ tướng Chính phủ giao UBND tỉnh Lào Cai là cơ quan nhà nước có thẩm quyền, tổ chức lập đề xuất dự án làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư để thực hiện đầu tư xây dựng Dự án Cảng hàng không Lào Cai theo quy định hiện hành.
“Bộ Giao thông vận tải sẽ phối hợp với các cơ quan liên quan hướng dẫn Ủy ban nhân dân tỉnh Lào Cai thực hiện theo đúng thẩm quyền và quy định của pháp luật”, Thứ trưởng Bộ Giao thông Nguyễn Nhật cho biết.
Chỉ ít ngày sau khi quy hoạch điều chỉnh Cảng hàng không Lào Cai được công bố, UBND tỉnh Lào Cai vừa đề nghị Thủ tướng Chính phủ cho phép thực hiện Dự án xây dựng sân bay Lào Cai theo hình thức đối tác công - tư (PPP); đồng thời giao địa phương này là cơ quan nhà nước có thẩm quyền tổ chức lập đề xuất dự án làm cơ sở lựa chọn nhà đầu tư, ký kết hợp đồng theo quy định tại Nghị định số 15/2015/NĐ – CP.
Ông Đặng Xuân Phong, Chủ tịch UBND tỉnh Lào Cai cho biết đề xuất này sẽ giải quyết bài toán khó khăn về vốn đầu tư Dự án được dự báo có chi phí lên tới 3.500 tỷ đồng.
Hiện Sungroup là một trong số những nhà đầu tư đệ đơn sớm nhất lên Bộ Giao thông - Vận tải, Cục Hàng không Việt Nam xin tham gia đầu tư Dự án cảng hàng không Lào Cai theo hình thức xã hội hóa.
Được biết, cảng Hàng không Lào Cai là cảng hàng không nội địa dùng chung giữa dân dụng và quân sự đạt tiêu chuẩn 4C và sân bay quân sự cấp II có khả năng đón các loại máy bay A320, A321 và tương đương. Sân bay có 2 vị trí đỗ tàu bay, sân bay Lào Cai có có công suất 560.000 hành khách/năm và 600 tấn hàng hóa/năm.
Phương thức tiếp cận hạ cánh tại sân bay Lào Cai được thiết kế có thiết bị tinh chỉnh. Trong giai đoạn tiếp theo (đến 2030), Cảng Hàng không Lào Cai nâng công suất lên 1.585.000 hành khách/năm và 2.880 tấn hàng hóa/năm với 5 vị trí đỗ tàu bay.
Tại khu vực xây dựng Cảng Hàng không Lào Cai sẽ được xây dựng một nhà ga hành khách trên khu đất 10.000 m2 với công suất thiết kế 308 hành khách/giờ cao điểm và trong giai đoạn tiếp theo là 634 hành khách/giờ cao điểm.
Trong quy hoạch đến năm 2030, Cảng Hàng không Lào Cai cũng sẽ được quy hoạch xây dựng thêm nhiều hàng mục quan trọng như khu thương mại, dịch vụ, nhà ga hàng hóa...
Việc xây dựng cấp sân bay 4C tại Lào Cai sẽ đủ đáp ứng nhu cầu bay tới tất cả các sân bay trong nước và một số sân bay quốc tế như Jakarta (Indonesia), Singapore, Malaysia, Côn Minh (Trung Quốc) và Vientiane (Lào).