tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 16-04-2016

  • Cập nhật : 16/04/2016

ADB đề xuất xây dựng tuyến cao tốc chạy dọc bờ biển Việt Nam

Chiều nay (14/4), Thứ trưởng Bộ GTVT Nguyễn Hồng Trường đã có buổi làm việc với đoàn công tác của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về chương trình dự án 2016 và kế hoạch giai đoạn 2016 – 2020.

Tại buổi làm việc ông Yasushi Tanaka, chuyên gia giao thông cao cấp của ADB cho biết, hiện nay Việt Nam đang phải đối mặt với tình trạng biến đổi khí hậu, nhiều tuyến đường ven biển đang bị xói mòn bởi mực nước biển dâng. Thậm chí, tại một số khu vực trong nội đô ở TP.Hồ Chí Minh, nhiều tuyến đường bộ còn bị ngập lụt bởi nước biển tràn vào qua các hệ thống thoát nước.

“Việc phát triển bền vững về mặt môi trường là một trong những ưu tiên hàng đầu trong chiến lược đối tác quốc gia của ADB. Vì vậy, lĩnh vực giao thông cần phải thích ứng với những tác động này để đóng góp vào sự phát triển bền vững về môi trường”, ông Tanaka nói.

Trên cơ sở đó, ông Tanaka đề xuất triển khai dự án “Bảo vệ giao thông đường bộ trước sự tác động của nước biển dâng”. Đưa ra giải pháp để hiện thực hóa đề xuất này, ông Tanaka nói rằng, ADB dự kiến xây dựng một tuyến đường cao tốc chạy dọc bờ biển với thiết kế đường đắp, ta luy của đường sẽ chính là tường chắn sóng.

“Việc xây dựng tuyến đường này sẽ góp phần bảo vệ những vùng đất thấp, trũng như TP.HCM khi thường xuyên phải chịu tác động của ngập lụt do nước biển dâng. Chúng tôi dự kiến bố trí hỗ trợ kỹ thuật dự án vào năm 2017 để tiến hành nghiên cứu”, ông Tanaka nói và đề nghị Bộ GTVT cho ý kiến về chủ trương thực hiện, phạm vi, quy mô của công trình.

Trả lời vấn đề này, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường khẳng định, đề xuất của ADB hoàn toàn phù hợp với chủ trương của Chính phủ và Bộ GTVT về việc xây dựng tuyến đường ven biển. Hiện nay, Chính phủ đã phê duyệt quy hoạch mạng lưới đường ven biển từ Quảng Ninh đến Hà Tiên với chiều dài khoảng 3.200km. Đồng thời, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu Bộ GTVT và các địa phương ven biển triển khai quy hoạch thông qua các dự án đầu tư để sớm hình thành các đoạn tuyến, bao gồm một số đoạn tuyến đầu tư theo tiêu chuẩn đường cao tốc.

"Theo phân công của Chính phủ, Bộ GTVT đảm nhiệm việc xây dựng các cầu vượt sông, còn lại các tuyến đường chủ yếu do địa phương huy động các nguồn lực để làm, trong đó bao gồm cả vốn ngân sách, Trái phiếu Chính phủ và vốn ODA”, Thứ trưởng Trường thông tin.

Chia sẻ thêm về đề xuất của ông Tanaka, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường cho biết, hoạt động vận tải biển và sông pha biển ở Việt Nam rất lớn. Đặc biệt, tại các tỉnh ven biển phía Nam, nơi 9 nhánh của sông Cửu Long chảy qua, hiện còn khoảng 7 nhánh đang hoạt động. Các nhánh này là những cửa sông rất quan trọng để cho tàu biển vào đất liền. Nếu xây dựng các con đập hay tường chắn sẽ ngăn cản hoạt động của tàu biển và gây rất nhiều khó khăn cho hoạt động vận tải. Việc làm đường để ngăn mặn sẽ không mang nhiều ý nghĩa, do đó ADB cần nghiên cứu thêm để triển khai các tuyến đường ven biển phục vụ hoạt động vận tải sẽ tốt hơn.

“Chúng tôi hoàn toàn ủng hộ đề xuất và đề nghị ADB hỗ trợ kỹ thuật để nghiên cứu triển khai. Việc đầu tư xây dựng sẽ chủ yếu tâọ trung kết nối các tuyến đường ven biển là chính, còn vấn đề chống xâm nhập mặn là một đề án riêng do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn chủ trì triển khai”, Thứ trưởng Nguyễn Hồng Trường chia sẻ.

Trong khuôn khổ buổi làm việc, hai bên đã trao đổi và thảo luận một số vấn đề khác liên quan đến đề xuất của ADB về dự án kết nối các vùng phía Bắc với cao tốc Nội Bài – Lào Cai , đề xuất mở rộng cao tốc Nội Bài – Lào Cai đoạn từ Yên Bái đến Lào Cai lên 4 làn xe, dự án hỗ trợ kỹ thuật tuyến đường sắt Hà Nội – Lạng Sơn,…


TP.HCM cho triển khai hàng loạt dự án bất động sản

Ngày 14.4, UBND TP.HCM đã chấp thuận cho Công ty CP đầu tư thương mại dịch vụ TP.HCM thực hiện dự án khu Trung tâm phức hợp Sài Gòn - Ba Son tại số 2 Tôn Đức Thắng, P.Bến Nghé, Q.1 với tổng vốn đầu tư gần 30.000 tỉ đồng.
Khu phức hợp này dự kiến được đưa vào hoạt động từ năm 2018, bao gồm trung tâm thương mại, dịch vụ, văn phòng, văn phòng dịch vụ - office-tel, căn hộ, biệt thự, trường mẫu giáo, tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế và cơ sở hạ tầng kỹ thuật.
UBND TP.HCM cũng đã chấp thuận đầu tư dự án Khu nhà ở phân khu số 18A bên trái dọc đường Nguyễn Hữu Thọ, xã Phước Kiển, H.Nhà Bè (do Công ty TNHH Phát Triển Tây làm chủ đầu tư) với tổng vốn 355 tỉ đồng, hoàn thành trong 2 năm; dự án nhà ở xã hội tại số 102 Phan Văn Hớn, P.Tân Thới Nhất, Q.12 (do Công ty CP dịch vụ nông nghiệp và thương mại Thuận Kiều làm chủ đầu tư) với tổng vốn 1.100 tỉ đồng, hoàn thành trong 42 tháng.
Dự án Khu phức hợp nhà ở và thương mại dịch vụ tại số 119 Phổ Quang, P.9, Q.Phú Nhuận (do Công ty TNHH Nova Sagel làm chủ đầu tư) với tổng vốn 1.770 tỉ đồng, hoàn thành trong 3 năm; dự án Khu thương mại, dịch vụ, văn phòng, office-tel và căn hộ tại số 8 Hoàng Minh Giám, P.9, Q.Phú Nhuận (do Công ty cổ phần Nova Festival làm chủ đầu tư) với tổng vốn 869 tỉ đồng, hoàn thành trong 3 năm; dự án phát triển Khu nhà ở thấp tầng, P.Phú Hữu, Q.9 (do Công ty CP đầu tư địa ốc Khang Việt làm chủ đầu tư) với tổng vốn khoảng 531 tỉ đồng, hoàn thành trong 3 năm.

Tỉnh Khánh Hòa nhận chuyển giao cảng Nha Trang

Ngày 14.4, Tổng công ty hàng hải VN (Vinalines) và UBND tỉnh Khánh Hòa thống nhất lập biên bản chuyển giao quyền đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại Công ty CP Cảng Nha Trang từ Vinalines cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý.
Ông Trần Sơn Hải, Phó chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa, cho biết sau khi tiếp nhận phần vốn nhà nước, tỉnh sẽ chỉ đạo Công ty CP Cảng Nha Trang sớm có điều chỉnh quy hoạch theo hướng phát triển cảng Nha Trang thành cảng du lịch quốc tế hiện đại; việc vận chuyển hàng hóa sẽ đưa về cảng Cam Ranh.
Ngày 16.3.2015, Thủ tướng cho phép Vinalines chuyển nhượng 8,5 triệu cổ phần theo hình thức thỏa thuận trực tiếp với Công ty CP Vinpearl Nha Trang. Số cổ phần còn lại (15,07 triệu cổ phần), Vinalines chuyển cho UBND tỉnh Khánh Hòa quản lý và làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước theo hình thức bàn giao vốn nhà nước. UBND tỉnh Khánh Hòa sau khi tiếp nhận phần vốn Vinalines bàn giao, thực hiện thoái vốn theo hướng nhà nước không nắm giữ cổ phần chi phối.

Tây Nguyên mùa cà phê “đắng”

Nắng nóng, khô hạn khiến vườn cà phê của bà con Tây Nguyên bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Hàng loạt vườn cà phê thiếu nước chết đứng giữa trời. Người trồng loại cây công nghiệp này lại thêm một mùa cà phê...“đắng”.

Cà phê chết khô vì thiếu nước

Mùa đại hạn năm nay tại Tây Nguyên được đánh giá là nghiêm trọng nhất trong 20 năm qua. Nhiều người dân ngậm ngùi chặt bỏ cà phê chuyển sang trồng các loại cây ngắn ngày, chịu hạn như bắp, cỏ cho bò... vì nếu để lại cũng không thể thu hoạch được gì.

Rẫy cà phê của ông Võ Lâm Ba, huyện Chư Pưh, Gia Lai từng thu hơn 250 triệu đồng vào năm 2015, nay khô héo hoàn toàn. Ông Ba đành ngậm ngùi đốn bỏ cà phê để trồng những loại cây khác, do không có nước để tưới cho cây.

Theo tính toán của người dân trồng cà phê ở Tây Nguyên, một gốc cà phê cần 400-700 lít nước/lần tưới, Cả mùa khô cần 4-6 lần tưới nhưng nhiều vườn từ đầu năm đến nay mới chỉ được tưới 1-2 lần. Tại những vùng tâm hạn, có vườn còn chưa được tưới lần nào.

Theo báo cáo của Bộ NN&PTNT, hơn 3.000 ha cà phê, 2.200 ha tiêu ở Tây Nguyên đã mất trắng do không có nước tưới. Con số này sẽ tiếp tục tăng khi đỉnh điểm khô hạn sẽ diễn ra trong tháng 4 và kéo dài đến tháng 6. Cũng theo Bộ NN&PTNT, tổng diện tích cây trồng thiếu nước tưới toàn Tây Nguyên là trên 160.000 ha, đối diện với nguy cơ mất trắng nếu không có lượng nước bổ sung kịp thời. Mỗi tỉnh ở khu vực này thiệt hại không dưới 100 tỉ đồng.

Thiệt hại nhiều nhất là tỉnh Gia Lai. Hàng loạt cây cà phê đã đậu trái trong đợt ra hoa trước tết đang khô và rụng dần. Thiệt hại ước tính trên 150 tỉ đồng. Tỉnh này đã điều hàng chục xe chống hạn do lực lượng quân đội chỉ huy đến các vùng khô hạn để tiếp nước sinh hoạt và bơm tạm cứu cà phê, tiêu. Trong khi đó, các giếng nước hiện hữu không có nước, đào sâu hun hút mà nước cũng không thèm lên khiến cuộc sống của người dân vùng rốn hạn thêm khốn đốn.

Nhận định về tình hình khô hạn tại Tây Nguyên, Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Hoàng Văn Thắng cho rằng, đây là đợt El Nino kéo dài nhất trong lịch sử quan trắc nước ta. Điều này khiến nhiệt độ tăng cao, lượng mưa ít gây thiếu nước nghiêm trọng, đe dọa đến sản xuất và đời sống của người dân.

Mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã đến Tây Nguyên thị sát và chỉ đạo chi ngay 300 tỉ đồng xây một con đập ở Gia Lai, đề nghị thủy điện xả nước gấp cứu các nhà vườn cà phê cho người dân.

Nín thở chờ... mưa

Theo báo cáo của các Sở NN&PTNT ở Tây Nguyên, hiện các hộ nông dân đều thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, giếng đào và suối đã cạn kiệt do mực nước ngầm xuống thấp. Trong đó, Gia Lai đang ở mức báo động cấp 1. Cây trồng thiếu nước rụng lá tại nhiều vùng, nguồn nước chỉ đáp ứng khoảng 60% diện tích cà phê.

Lượng nước trên sông Sêrêpok giảm 49%, các sông khác cũng giảm, nhiều nơi khoan xuống 100 m mà vẫn không có nước. Dự báo, tình hình khô hạn sẽ xảy ra trên diện rộng với mức độ gay gắt hơn. Theo đó, công tác chống hạn gặp rất nhiều khó khăn do không có nguồn nước.

Dự kiến, sẽ có khoảng hơn 70.000 ha diện tích cây trồng toàn tỉnh Đắk Lắk có nguy cơ bị hạn, trong đó chủ yếu là diện tích cà phê. Tình hình hạn hán còn nghiêm trọng hơn ở tỉnh Đắk Nông. Toàn Tây Nguyên có trên 100.000 ha cà phê không có nước tưới.

Để ứng phó với tình trạng hạn hán, UBND huyện Krông Buk, tỉnh Đắk Lắk đã tổ chức khai thác nguồn nước ngầm tại dốc Ea Pi, xã Ea Sin bơm cấp cho người dân trong xã. Đồng thời, UBND huyện này cũng xin chủ trương sửa chữa 3 giếng nước tại 4 buôn đang có 375 hộ dân thiếu nước sinh hoạt nghiêm trọng, xây dựng các điểm cấp nước tập trung cho nhân dân trên địa bàn xã Ea Sin.

Tuy nhiên, tại một số vùng lõi, điều kiện thủy lợi không thuận lợi, để cứu những vườn cà phê cho người dân chỉ có nước... nhờ trời mưa.


Tạm giữ 300 tấn hóa chất dùng trong chăn nuôi

Gần 300 tấn hóa chất, chất bảo quản, thuốc thú y dùng trong chăn nuôi không có chứng từ, nguồn gốc xuất xứ theo quy định đã bị niêm phong, tạm giữ

Ngày 14-4, ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, Đội trưởng Đội Quản lý thị trường 12B, thuộc chi Cục Quản lý thị trường TP HCM, cho biết đơn vị vừa phối hợp với Công an quận 12 tiến hành kiểm tra và thu giữ tổng cộng 292.501 kg hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp sơn và chất phụ gia, chất bảo quản, thuốc thú y… dùng trong chăn nuôikhông đạt yêu cầu tại 3 kho hàng có chung địa chỉ A27 Big, đường Tô Ký, phường Trung Mỹ Tây (quận 12).

Cơ quan chức năng xác định chủ số hàng trên gồm 3 doanh nghiệp: Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Amigos; Công ty TNHH Sản xuất Thú y Đại Dương Trắng và Công ty TNHH Hương liệu và Hương thơm Hướng Tây.

hai trong 3 kho hang chua cac loai hoa chat bi phat hien

Hai trong 3 kho hàng chứa các loại hóa chất bị phát hiện

Tại kho do Công ty TNHH Sản xuất Thương mại Amigos thuê, lực lượng chức năng đã niêm phong chuyển về Đội Quản lý thị trường 12B gồm: 850 kg chất phụ gia thực phẩm hiệu Guar Gum BI Col F21 (loại 25 kg/bao) do Ấn Độ sản xuất; 1.000 kg chất phụ gia hiệu Glycerine 99.7% và 34.495 kg hóa chất sử dụng trong ngành công nghiệp sơn…

Tại Công ty TNHH Sản xuất Thú y Đại Dương Trắng cùng địa chỉ, lực lượng chức năng thu giữ gồm: 9.451 bao (129.825 kg) là thuốc kháng sinh, thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y và chất bảo quản các loại; 500 bao (5.000 kg) thức ăn chăn nuôi hiệu Belac 300-10 kg do Thái Lan sản xuất đã hết hạn sử dụng ngày 6-3-2016; 1.082 bao (27.050 kg) thức ăn chăn nuôi hiệu B-Pro Digest 25 kg do Thái Lan sản xuất có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt; 7.869 bao (97.775 kg) thuốc thú y, thức ăn chăn nuôi, chất bảo quản các loại do nước ngoài sản xuất…

Công ty TNHH Hương liệu và Hương thơm Hướng Tây cũng bị lực lượng chức năng tạm giữ, niêm phong tới 12.122,11 kg nguyên liệu thực phẩm, phụ gia thực phẩm các loại như đường Dextrose; Silicon Dioxide đều xuất xứ từ Mỹ nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt và không ghi hạn sử dụng. Ngoài ra, còn có 18.879,1 kg hương liệu thực phẩm các loại như: Lemonade, Green Tea Frg L2277, Citrus Frg L2285… xuất xứ Panama nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt.

thuc an chan nuoi hieu belac 300-10 kg do thai lan san xuat da het han su dung ngay 6-3-2016

Thức ăn chăn nuôi hiệu Belac 300-10 kg do Thái Lan sản xuất đã hết hạn sử dụng ngày 6-3-2016

Theo ông Nguyễn Ngọc Khánh Hùng, các chủ hàng chưa xuất trình được hóa đơn, chứng từ theo quy định nên Đội quản lý thị trường số 12B đã lập biên bản thu giữ và cấm các đơn vị vận chuyển ra khỏi kho bãi, chờ kết luận điều tra và xử lý theo quy định.

Ông Phạm Vũ Trung, Giám đốc Công ty CP kho bãi và giao nhận T&C, chủ 3 kho chứa trên, cho biết công ty ông chỉ cung cấp cho Công ty TNHH Sản xuất Thú y Đại Dương Trắng dịch vụ cho thuê kho và giao nhận hàng hóa; đồng thời chịu trách nhiệm nhập, lưu giữ, bảo quản hàng hóa, định kỳ báo cáo số liệu thống kê hàng nhập, xuất tồn kho và xuất hàng hóa theo yêu cầu của Công ty TNHH Sản xuất thú y Đại dương trắng.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục