Nhiều hộ nông dân ở Lâm Đồng rơi vào cảnh hoang mang lo lắng khi hàng trăm tấn trà đứng trước nguy cơ tồn đọng bởi công ty thu mua ngừng giao dịch.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 18-04-2016
- Cập nhật : 18/04/2016
Khó cho bảo hiểm hưu trí
Theo Cục Quản lý và giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính, năm 2015, doanh thu phí khai thác mới ước đạt 12.492 tỷ đồng, tăng 39,7% so với năm 2014. Trong đó, nghiệp vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong tổng doanh thu phí khai thác mới là bảo hiểm liên kết đầu tư (49%) và bảo hiểm hỗn hợp (45,6%). Riêng đối với nghiệp vụ bảo hiểm hưu trí, tính đến hết năm 2015, tổng doanh thu phí khai thác mới ước đạt hơn 200 tỷ đồng (chiếm tỷ trọng 1,75%).
Trao đổi với ĐTCK, đại diện một doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) nhân thọ đang triển khai bảo hiểm hưu trí thừa nhận, đến thời điểm hiện tại, sản phảm bảo hiểm hưu trí tự nguyện không “đắt hàng” như các sản phẩm bảo hiểm khác. Công ty đã bán được một số hợp đồng nhưng chủ yếu là các DN mua cho cán bộ, công nhân viên và một số hợp đồng bán cho DN nước ngoài. Số lượng hợp đồng bảo hiểm hưu trí bán cho cá nhân hầu như không đáng kể.
“Đối với bảo hiểm hưu trí tự nguyện, khách hàng DN là nhân tố quan trọng trong việc kinh doanh, nhưng thực tế bán được cho DN cũng không hề dễ. Đa phần chỉ bán được bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho các DN nước ngoài, còn DN trong nước thì rất khó, bởi ngay cả với bảo hiểm xã hội bắt buộc nhiều DN còn không thực hiện được”, vị đại diện DNBH trên cho biết. Một trong những lý do cơ bản khiến sản phẩm bảo hiểm hưu trí tự nguyện không đắt hàng là sản phẩm chưa thực sự hấp dẫn so với những sản phẩm bảo hiểm đang bán khác, mức thuế ưu đãi cũng vậy. Mặc dù các DNBH đã nhiều lần kiến nghị nên ưu đãi thuế cho người mua bảo hiểm tự nguyện nhưng chưa có kết quả.
Trước đó, trao đổi với ĐTCK về vướng mắc chính đối với việc triển khai bảo hiểm hưu trí tự nguyện, đại diện Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam nhìn nhận, mức chi phí được tính vào chi phí hợp lý hợp lệ của chủ DN đóng bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho công ty hiện tại vẫn bị khống chế ở mức 1 triệu đồng/tháng. Đây là mức chi phí được giảm trừ không đáng kể và không giúp DN có thể xây dựng chế độ tưởng thưởng nhằm giữ nhân tài.
Hiệp hội Bảo hiểm Việt Nam đã từng kiến nghị, Chính phủ nên xem xét bỏ quy định về giới hạn chi phí không được khấu trừ của người sử dụng lao động mua bảo hiểm nhân thọ cho người lao động nhưng không được chấp nhận. Bên cạnh đó, cơ quan chức năng cũng đã kiến nghị nâng mức khấu trừ thuế cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện lên 3 triệu đồng/tháng nhưng bị bác bỏ bởi lập luận phải để đồng nhất với mức quy định của bảo hiểm xã hội và coi bảo hiểm hưu trí tự nguyện chỉ là “thêm nếm”.
Trong khi đó, theo phân tích của một chuyên gia trong ngành bảo hiểm, một người lao động được DN mua bảo hiểm hưu trí trong vòng 30 năm với mức đóng 12 triệu đồng/năm, tính cả lãi suất thì sau 30 năm, số tiền này cũng chưa đến 1 tỷ đồng. Trong khi đó, các DN khi mua thêm bảo hiểm hưu trí tự nguyện cho nhân viên đều nhằm mục đích giữ chân nhân sự giỏi, có tài, nhưng những nhân tài này thường có mức lương đang hưởng rất cao. Chẳng hạn với những người đang có mức lương 30 triệu đồng/tháng thì chính sách phúc lợi bằng hưu trí tự nguyện được coi là hấp dẫn để DN muốn xây dựng phải có mức đóng tối thiểu là 5 triệu/tháng.
“Thực sự, chính sách thuế như hiện nay khó có thể giúp phân khúc bảo hiểm hưu trí tự nguyện phát triển và không mang lại tác dụng gì nhiều. Bởi theo quy định của Chính phủ đối với bảo hiểm xã hội, người lao động phải đóng 8%, còn DN đóng 18%, tổng cộng đóng 26% là mức lương tối thiểu. Với cách tính này, khi mức lương tối thiểu thấp thì mức tiền đóng cho bảo hiểm vào khoảng hơn 1 triệu đồng/tháng, mức đóng cho bảo hiểm hưu trí tự nguyện (nếu có) khoảng 1 triệu đồng/tháng thì không có ý nghĩa gì nhiều”, vị chuyên gia trên cho biết
Bộ Y tế ra tay minh bạch khái niệm sữa
Không chấp nhận nhập nhèm
Cục An toàn thực phẩm (Bộ Y tế) vừa tổ chức hội thảo góp ý sửa đổi, bổ sung Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về sữa dạng lỏng (QCVN 5-1:2010/BYT). Đây là quy chuẩn có khái niệm “sữa tiệt trùng” dùng để chỉ loại sữa dạng lỏng làm chủ yếu từ sữa bột nhập khẩu, tồn tại trong 5 năm qua. Tên gọi này được dùng ghi lên hộp sữa bán ra khiến người dùng lâu nay không phân biệt được đây là sữa tươi hay pha ra từ sữa bột.
Cục trưởng An toàn thực phẩm Lê Thanh Phong cho rằng, dù quy chuẩn hiện hành đóng góp quan trọng trong phát triển ngành sữa 5 năm qua nhưng có bất cập là “cứ sữa dạng lỏng là người tiêu dùng hiểu đó là sữa tươi”. Cùng với đó, tên gọi “tiệt trùng” (trong khái niệm sữa tiệt trùng) chỉ là biện pháp chế biến, không thể hiện bản chất nguyên liệu tạo ra nguồn sữa.
.
Theo dự thảo của Bộ Y tế, khái niệm “sữa tiệt trùng” lần này được chia thành 3 khái niệm: “Sữa hoàn nguyên” (làm từ sữa bột; thành phẩm gần như sữa tươi), sữa pha lại (sản xuất từ sữa bột) theo đúng quy định quốc tế (Codex stan 206-1999) và tiêu chuẩn Việt Nam do Bộ Khoa học công nghệ ban hành (TCVN 11216:2015). Tên gọi “sữa hỗn hợp” được dùng để chỉ loại sữa làm từ cả sữa bột (hoặc sữa đặc) và sữa tươi.
Tại Hội thảo, hầu hết chuyên gia, nhà quản lý, đặc biệt là các hãng sữa đồng tình với dự thảo; cho dù sự thay đổi không hẳn là dễ chịu, đặc biệt là các nhà sản xuất sữa dạng lỏng từ sữa bột.
Ông Phong khẳng định, mục tiêu quan trọng nhất của lần sửa đổi này là hướng đến sự minh bạch cho người tiêu dùng nên các doanh nghiệp cần chia sẻ, thống nhất với ban soạn thảo. Cụ thể, ông Phong cho hay: Thế giới gọi sữa pha ra từ sữa bột là “sữa pha lại”; với “sữa hoàn nguyên” (cũng là loại sữa bột pha ra thành sữa nước nhưng thành phần chất dinh dưỡng gần như sữa tươi, dù Việt Nam chưa có nhưng quốc tế đã có, tương lai Việt Nam cũng có) nên dự thảo đưa vào để đón trước quá trình hội nhập. “Chúng ta không thể dùng những khái niệm mà quốc tế không có hoặc chúng ta có mà quốc tế không có”, ông Phong khẳng định.
Phó chủ tịch, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Tiêu chuẩn và Bảo vệ người tiêu dùng Nguyễn Mạnh Hùng cũng cho hay, pháp luật hiện nay quy định người tiêu dùng có quyền được thông tin; thông tin, tên gọi của sản phẩm không được phép để người tiêu dùng hiểu nhầm về sản phẩm. “Vì vậy, việc thay đổi khái niệm lần này là rất cần thiết”, ông Hùng nói.
Tại Hội thảo, hầu hết các doanh nghiệp tham gia đều đồng tình với sửa đổi này, trong đó có các hãng sữa lớn như Mộc Châu, IDP, Cô gái Hà Lan, TH true MILK.
Khuyến khích, bảo vệ ngành chăn nuôi bò sữa
Ngoài mục tiêu minh bạch cho người tiêu dùng, phù hợp thông lệ quốc tế, Cục An toàn thực phẩm cũng đặt ra mục tiêu minh bạch trong sản xuất sữa và hướng tới hỗ trợ cho ngành chăn nuôi, sản xuất sữa tươi trong nước.
Khác với sự thận trọng trước đây trong việc sửa đổi tên sữa, Chủ tịch Hiệp hội sữa Việt Nam (nguyên Cục trưởng An toàn thực phẩm) Trần Quang Trung cũng cho rằng, việc sửa đổi khái niệm sữa lần này là cần thiết. Ông Trung cũng dẫn ra con số: Hiện nay, mỗi năm Việt Nam nhập khẩu hơn 700 triệu USD (khoảng 15.000 tỷ đồng mỗi năm) sữa bột; trong khi nhờ áp dụng khoa học kỹ thuật mới, ngành chăn nuôi bò sữa những năm gần đã có bước phát triển mạnh; tiến tới thay thế dần sữa bột nhập khẩu.
Điểm chưa thống nhất cao là có hay không nên dùng khái niệm “sữa tươi” hoặc sử chỉ sử dụng một khái niệm sữa tươi chung; thay vì chia ra 3 khái niệm sữa tươi nguyên chất (không bổ sung vi chất), sữa tươi (có thể bổ sung vi chất như đường, nước hoa quả…) và sữa tươi tách béo (dùng cho người có nguy cơ béo phì) như dự thảo.
Ông Lê Thanh Phong giải thích: Các hãng sữa lớn trong nước đều sản xuất nhiều sản phẩm sữa tươi bổ sung đường hoặc nước hoa quả... Sản phẩm này không phải là “sữa tươi nguyên chất” nhưng cần gọi là “sữa tươi” để người dùng phân biệt được thành phần nguyên liệu của sản phẩm và “các hãng sữa bán được sản phẩm”.
Ông Tống Xuân Chinh, Cục trưởng Chăn nuôi, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cho rằng, cần sử dụng khái niệm “sữa tươi nguyên chất”, “sữa tươi” để người tiêu dùng dễ nhận biết và giúp phát triển nông nghiệp theo chủ trương của Đảng và Nhà nước. Đặc biệt, “sữa tươi” là công cụ quan trọng để ngành sữa cạnh tranh với doanh nghiệp nước ngoài (khó vận chuyển sữa tươi đến Việt Nam để bán).
“Chạy” chính sách?
Tính đến cuối tháng 3-2016, tổng số tiền chi hoàn thuế GTGT là 26.805 tỷ đồng, trong đó chi hoàn trong năm 2015 từ dự toán 2016 ứng trước là 7.556 tỷ đồng; chi hoàn cho các quyết định ban hành năm 2015 chuyển sang 2016 để chi là 7.118 tỷ đồng và hoàn cho các quyết định ban hành năm 2016 là 12.131 tỷ đồng. Trong khi đó, Quỹ hoàn thuế GTGT năm 2016 là 98 nghìn tỷ đồng.
Thông tin từ Tổng cục Thuế, hiện khối lượng hồ sơ đề nghị hoàn ngày càng lớn, nhất là thời điểm tháng 3 và đầu tháng 4. “Hồ sơ đề nghị hoàn thuế GTGT thời điểm này đang tăng khủng khiếp"- lãnh đạo một Vụ của Tổng cục Thuế cho biết. Và theo vị này, không loại trừ khả năng DN “chạy” trước thời điểm Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật thuế GTGT, Luật thuế TTĐB và Luật Quản lý thuế vừa được Quốc hội ấn nút thông qua.
Bởi từ 1-7 tới, Luật sửa đổi, bổ sung một số điều các Luật thuế chính thức bỏ nhiều trường hợp không được hoàn thuế như: Cơ sở kinh doanh trong 12 tháng liên tục có số thuế đầu vào chưa khấu trừ hết; Hàng hóa nhập khẩu để xuất khẩu, hàng hóa xuất khẩu không thực hiện việc xuất khẩu tại địa bàn hoạt động hải quan theo quy định của Luật Hải quan.
Còn nhớ năm 2015, qua giám sát quản lý hoàn thuế nhất là ở trường hợp hoàn thuế đối với cơ sở kinh doanh trong 12 tháng liên tục có số thuế đầu vào chưa khấu trừ hết, Tổng cục Thuế đã chỉ ra nhiều tồn tại như: Kê khai, khấu trừ thuế GTGT đầu vào không đúng quy định: kê khai khấu trừ trùng lắp trên một hoá đơn GTGT, kê khai khấu trừ thuế GTGT của hóa đơn chứng từ hàng hóa mua vào không phục vụ sản xuất kinh doanh, kê khai số thuế GTGT đầu vào khấu trừ lớn hơn số tiền thuế viết trên hóa đơn; kê khai khấu trừ đối với giá trị nguyên vật liệu đã xuất trả lại nhà cung cấp...
Bên cạnh đó, còn những trường hợp vi phạm thủ tục, điều kiện hoàn thuế liên quan đến pháp luật thuế GTGT và quản lý thuế như: sử dụng mã số thuế không đúng quy định (nhất là trường hợp doanh nghiệp có đơn vị trực thuộc, chi nhánh),... vi phạm quy định thủ tục, điều kiện về hoàn thuế liên quan đến các lĩnh vực khác như: Không lưu giữ sổ sách chứng từ kế toán theo đúng quy định của pháp luật kế toán; thủ tục về con dấu, sử dụng con dấu không đúng quy định; vi phạm về đăng ký kinh doanh theo quy định của Luật Doanh nghiệp...
Để “lấp lỗ hổng” trong hoàn thuế, Tổng cục Thuế đề nghị sẽ tạm dừng giải quyết hoàn thuế đối với các trường hợp: Chuyển hồ sơ sang thanh tra thuế; DN có dấu hiệu vi phạm nghiêm trọng pháp luật về thuế; DN có số tiền thuế nợ đang điều chỉnh hoặc sai sót chờ xử lý… DN mua hàng hóa dịch vụ của đơn vị đã có thông báo không còn hoạt động tại địa chỉ kinh doanh, DN ngừng hoạt động; Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền đang thu giữ hồ sơ của DN liên quan đến số thuế đề nghị hoàn…; DN mua hàng hóa dịch vụ của DN khác mà DN này có vi phạm nghiêm trọng về thuế…
Hy vọng với các biện pháp mạnh của ngành Thuế sẽ ngăn chặn tình trạng gian lận, chiếm đoạt tiền hoàn thuế của Nhà nước; đồng thời tạo môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các DN. (BHQ)
Sẽ quy định thời điểm nộp C/O để hưởng mức thuế suất ưu đãi
Để đảm bảo quản lý chặt chẽ nhưng vẫn tạo thuận lợi thương mại và phù hợp cam kết quốc tế, Tổng cục Hải quan dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chính sách thuế, cơ chế quản lý C/O đối hàng hóa NK hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt.
Tổng cục Hải quan dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung một số quy định liên quan đến chính sách thuế, cơ chế quản lý C/O. Ảnh: T.Trang.
Để triển khai nội dung này, Tổng cục Hải quan vừa tổ chức cuộc họp bàn với đại diện Bộ Công Thương và một số đại diện Vụ, Cục thuộc Bộ Tài Chính, Tổng cục Hải quan.
Theo ông Âu Anh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, để được hưởng thuế suất ưu đãi đặc biệt, đã có không ít tình trạng gian lận, lừa đảo thương mại qua Giấy chứng nhận xuất xứ hàng hoá (C/O) ngày càng tinh vi và phức tạp. Vì vậy, để đảm bảo quản lý chặt chẽ, tránh được trình trạnh DN chậm nộp C/O, Tổng cục Hải quan dự kiến sẽ quy định, đối với hàng hóa muốn được hưởng mức thuế suất ưu đãi đặc biệt DN phải nộp C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan.
Ngoài ra, một nguyên nhân khác dẫn đến tình trạng nộp chậm C/O của các DN hiện nay là bởi chế tài xử phạt đối với các DN gian lận còn quá thấp so với lợi nhuận từ gian lận thương mại (Nghị định 06/2008/NĐ-CP được sửa đổi, bổ sung tại Nghị định 112/2010/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại) chưa đủ mạnh để răn đe các DN vi phạm.
Tuy nhiên, ý kiến các đại biểu góp ý cho quy định này đều e ngại rằng quy định phải nộp ngay C/O tại thời điển làm thủ tục hải quan sẽ gây khó cho DN, hơn nữa sẽ có khả năng vi phạm các hiệp định thương mại mà Việt Nam đã ký kết.
Có ý kiến khác cho rằng, việc quy định thời gian nộp C/O cần quy định cụ thể theo từng Hiệp định, từng khu vực. Đồng thời cần tăng thêm chế tài xử phạt đối với các trường hợp chậm nộp C/O, hoặc có thể đưa các DN chậm nộp C/O vào diện quản lý rủi ro…
Tuy nhiên, ý kiến khác cho rằng, thực tế qua công tác cấp C/O cho thấy, C/O có thể được cấp trước hoặc cấp sau khi lô hàng NK, vì vậy cần có một khoảng thời gian nhất định cho phép DN chậm nộp C/O (trong khoảng thời gian này DN sẽ không cần phải chứng minh việc chậm nộp).
Bên cạnh đó, cũng cần chia rõ các trường hợp nộp chậm để có những quy định cụ thể như các trường hợp: bất khả kháng không thể nộp C/O tại thời điểm làm thủ tục hải quan, trường hợp được chậm nộp trong thời gian nhất định, trường hợp bắt buộc phải nộp ngay khi làm thủ tục hải quan. Bởi nếu quy định cứng cho tất cả các trường hợp sẽ không công bằng.
Được biết, quy định này đang tiếp tục được trao đổi và lấy ý kiến thêm.
Đồng chí Nguyễn Văn Cẩn được bổ nhiệm giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan
Ngày 15-4-2016, Tổng cục Hải quan tổ chức lễ công bố Quyết định nghỉ hưu đối với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc và Quyết định bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan.
Thay mặt Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn tới dự và phát biểu tại buổi lễ. Tham dự buổi lễ có đại diện Bộ Nội Vụ, đại diện Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Về phía ngành Tài chính có đại diện Đảng ủy Bộ Tài chính; đại diện lãnh đạo các đơn vị thuộc Bộ Tài chính; đại diện Tổng cục Thuế; Tổng cục Dự trữ quốc gia; Kho bạc Nhà nước; Ủy ban Chứng khoán Nhà nước.
Về phía Tổng cục Hải quan bao gồm: Lãnh đạo Tổng cục Hải quan; Cục trưởng, Vụ trưởng, Phó Cục trưởng, Phó Vụ trưởng và tương đương thuộc cơ quan Tổng cục Hải quan; Cục trưởng Cục Hải quan các tỉnh, thành phố, Bí thư Đảng ủy; Chủ tịch công đoàn; Bí thư Đoàn Thanh niên cơ quan Tổng cục.
Tại buổi lễ, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ- Bộ Tài chính Tạ Anh Tuấn đã công bố Quyết định số 293/QĐ-BTC về việc nghỉ hưu đối với Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc từ ngày 1-5-2016 và công bố Quyết định số 789/QĐ-BTC ngày 8-4-2016 bổ nhiệm Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn giữ chức vụ Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan từ ngày 1-5-2016.
Thay mặt lãnh đạo Bộ Tài chính, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn đã tặng hoa và trao quà kỷ niệm tới đồng chí Nguyễn Ngọc Túc, đồng thời trao Quyết định bổ nhiệm Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan đối với đồng chí Nguyễn Văn Cẩn.
Phát biểu tại buổi lễ, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn nhấn mạnh: Lãnh đạo, Ban cán sự Đảng Bộ Tài chính ghi nhận, đánh giá rất cao và biểu dương những đóng góp của Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Ngọc Túc trong 36 năm phục vụ trong ngành Hải quan và hơn 16 năm giữ cương vị lãnh đạo Tổng cục Hải quan. Trong thời gian 6 năm là Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan, đồng chí Nguyễn Ngọc Túc đã có những đóng góp rất quan trọng trong sự phát triển của ngành Hải quan trên các mặt công tác, đã đoàn kết và phát huy được trí tuệ tập thể để hoàn thành xuất sắc các nhiệm vụ được giao.
Giao nhiệm vụ cho tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn, Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho rằng, trong bối cảnh đất nước đang hội nhập kinh tế quốc tế, nhiệm vụ đặt ra cho Tổng cục Hải quan là rất nặng nề, đòi hỏi trách nhiệm rất lớn của người giữ cương vị Tổng cục trưởng. Vì vậy, Ban cán sự Đảng, lãnh đạo Bộ Tài chính đề nghị đồng chí Nguyễn Văn Cẩn trên cương vị Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan cần phát huy hơn nữa tinh thần đoàn kết, trách nhiệm, sự quyết liệt, chủ động, sáng tạo; đồng thời tiếp tục phát huy truyền thống tốt đẹp, thành tích đạt được của ngành Hải quan trong thời gian qua để hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.
Các đồng chí lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ Tài chính tặng hoa chúc mừng đồng chí nguyên Tổng cục trưởng và tân Tổng cục trưởng.
Phát biểu tại Hội nghị và chia sẻ cảm xúc trước những đánh giá, ghi nhận, biểu dương về những cống hiến với ngành Hải quan của mình, Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc cảm ơn sự quan tâm chỉ đạo của lãnh đạo Đảng, Nhà nước; lãnh đạo Bộ Tài chính đối với ngành Hải quan và cá nhân Tổng cục trưởng thời gian qua. Đồng thời cảm ơn sự đồng lòng của tất cả CBCC trong ngành Hải quan. Đồng chí Nguyễn Ngọc Túc bày tỏ sự tin tưởng vào sự phát triển tới đây của ngành Hải quan và gửi lời chúc mừng tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn sẽ đảm trách tốt nhiệm vụ được giao, đồng thời phát huy được truyền thống đoàn kết của ngành Hải quan.
Cảm ơn sự tin tưởng của lãnh đạo Bộ Tài chính và lời nhắn nhủ của Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc, tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn khẳng định đây là niềm vinh dự và trách nhiệm lớn lao trong bối cảnh đất nước đang hội nhập mạnh mẽ.
Ở cương vị mới, tân Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn khẳng định sẽ nỗ lực hết sức mình tiếp tục thực hiện cải cách, đổi mới, hiện đại hóa hải quan; tăng cường kiểm tra, kiểm soát nhằm nâng cao hiệu quả quản lý và góp phần chống thất thu ngân sách Nhà nước; tiếp tục xây dựng lực lượng Hải quan chính quy, chuyên nghiệp, hoạt động minh bạch, hiệu quả; phát huy truyền thống đoàn kết và những thành quả đã đạt được để xây dựng phát triển ngành Hải quan đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong giai đoạn mới.
Tại Hội nghị, Phó Tổng cục trưởng Nguyễn Dương Thái đã thay mặt toàn thể cán bộ, công chức, viên chức, người lao động trong ngành Hải quan bảy tỏ sự ghi nhận và cảm ơn những đóng góp to lớn của Tổng cục trưởng Nguyễn Ngọc Túc đối với ngành Hải quan trong thời gian qua. Đồng thời hứa sẽ chung sức, đồng lòng với Tổng cục trưởng Nguyễn Văn Cẩn để hoàn thành tốt các nhiệm vụ Đảng và Nhà nước giao.
Tóm tắt tiểu sử Tổng cục trưởng Tổng cục Hải quan Nguyễn Văn Cẩn
- Ngày sinh: 20-12-1963.
- Quê quán: Xã Lê Thanh, huyện Mỹ Đức, Hà Nội
- Ngày vào Đảng: 05-11-1984; ngày chính thức 5-5-1986
- Học hàm, học vị: Thạc sỹ Kinh tế chính trị; cử nhân Kinh tế đối ngoại.
+ Lý luận chính trị: Cao cấp
+ Quản lý nhà nước: Chuyên viên cao cấp
+Bí thư Đảng ủy cơ quan Tổng cục Hải quan nhiệm kỳ 2015-2020.