Tàu ngầm Đà Nẵng rời Nga tới Việt Nam
Quân nhân 40 tuổi đã có thể nghỉ hưu
Trường học của Trung Quốc trên đảo Phú Lâm vô giá trị
TP.HCM sẽ tháo dỡ 29 biệt thự cổ xuống cấp
Chính quyền Hà Nội tham gia Facebook
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 29-03-2016
- Cập nhật : 29/03/2016
Tổng cục Thống kê tiến hành điều tra doanh nghiệp năm 2016
Thông tin từ Tổng cục Thống kê vừa cho biết, Tổng cục đang bắt đầu tiến hành cuộc điều tra doanh nghiệp năm 2016 nhằm thu thập thông tin đánh giá mức độ sẵn sàng của doanh nghiệp trong hội nhập quốc tế.
Bên cạnh đó, Tổng cục cũng tiến hành đánh giá tình hình ứng dụng khoa học công nghệ trong các doanh nghiệp; cập nhật cơ sở dữ liệu về doanh nghiệp làm dàn mẫu cho các cuộc điều tra thống kê hàng năm; điều tra thường xuyên và các yêu cầu thống kê khác.
Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê Nguyễn Bích Lâm cho hay, cuộc điều tra doanh nghiệp 2016 có ý nghĩa quan trọng và thiết thực nhằm thu thập thông tin phục vụ công tác quản lý, hoạch định chính sách, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội, phát triển doanh nghiệp của quốc gia, từng địa phương.
Đối tượng và đơn vị điều tra bao gồm các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập được thành lập và chịu sự điều tiết bởi Luật Doanh nghiệp, các hợp tác xã và các doanh nghiệp hạch toán kinh tế độc lập được thành lập, chịu sự điều tiết bởi các Luật chuyên ngành như Luật Bảo hiểm, Luật Chứng khoán… hoạt động sản xuất kinh doanh trước thời điểm 01/01/2016 và hiện đang tồn tại; các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp.
Cuộc điều tra này cũng được tiến hành đối với 31 Tập đoàn, Tổng công ty có hoạt động hạch toán toàn ngành thuộc các lĩnh vực bưu chính, viễn thông, điện lực, bảo hiểm, hàng không, đường sắt, ngân hàng có nhiều đơn vị chi nhánh đóng trên phạm vi cả nước…
Nội dung điều tra bao gồm thông tin về lao động và thu nhập của người lao động, lao động, thu nhập của người lao động, các chỉ tiêu về sản xuất kinh doanh như tài sản và nguồn vốn, kết quả sản xuất kinh doanh, thuế và các khoản nộp ngân sách, vốn đầu tư, tình hình sử dụng công nghệ, máy móc thiết bị sản xuất, công nghệ thông tin và truyền thông; cơ cấu đầu vào/đầu ra và quan hệ với nhà cung cấp, khách hàng.
Danh sách đơn vị điều tra được lập dựa vào danh sách doanh nghiệp và danh sách các cơ sở trực thuộc doanh nghiệp từ kết quả Điều tra doanh nghiệp các năm trước và nguồn thông tin của cơ quan thuế, cơ quan quản lý đăng ký kinh doanh, quản lý doanh nghiệp các cấp...
Đối với chọn mẫu điều tra, nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 50-99 lao động. Theo đó sẽ chọn 50% số doanh nghiệp hoạt động trong tất cả các ngành. Tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng sẽ chọn 30% số doanh nghiệp.
Đối với nhóm doanh nghiệp ngoài nhà nước có từ 10-49 lao động sẽ chọn 20% số doanh nghiệp hoạt động trong ngành công nghiệp, xây dựng, bảo hiểm, trung gian tài chính; tại các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng chọn 15%. Đồng thời, chọn 15% số doanh nghiệp hoạt động trong ngành thương mại và dịch vụ-trừ ngành bảo hiểm, trung gian tài chính. Còn ở các tỉnh Đồng Nai, Bình Dương, Đà Nẵng, Hải Phòng sẽ chọn 10%.
Tổng cục Thống kê cho biết, do tính chất phức tạp của nội dung điều tra và trình độ của cán bộ kế toán, thống kê cũng như ứng dụng công nghệ thông tin của các đơn vị điều tra khác nhau, nên áp dụng các phương pháp thu thập số liệu sau theo hình thức: thu thập trực tiếp (điều tra viên phỏng vấn trực tiếp kế toán trưởng, cán bộ kế toán hoặc thống kê của doanh nghiệp) và thu thập gián tiếp (tổ chức hội nghị tập huấn cho kế toán trưởng, cán bộ kế toán hoặc thống kê của doanh nghiệp về phương án điều tra)
Cuộc điều tra được tiến hành từ tháng 3/2016. Dự kiến, đến tháng 11/2016 sẽ phổ biến kết quả tổng hợp nhanh và đến tháng 12/2016 sẽ phổ biến kết quả đầy đủ điều tra doanh nghiệp.
Giàn khoan Trung Quốc cắm trong khu vực chồng lấn
Cục Hải sự Trung Quốc vừa ra thông báo cho biết giàn khoan Hải Dương-943 của nước này sẽ hoạt động tại giếng LD 11-1-1, ở vị trí có tọa độ 17°47’28,8’’ vĩ bắc/108°46’00’’ kinh đông, từ 25.3 - 31.7.
Cách TP.Tam Á ở đảo Hải Nam 50 hải lý về phía tây nam, vị trí này nằm trong khu vực chồng lấn chưa được phân định giữa VN và Trung Quốc ở ngoài cửa vịnh Bắc bộ. Thông báo trên website của MSA yêu cầu tàu bè giữ khoảng cách an toàn 1 hải lý khi qua lại xung quanh vị trí nói trên.
Hải Dương-943 là giàn khoan tự nâng, có thể hoạt động ở độ sâu tối đa 122 m và có thể khoan sâu đến 10.668 m. Đây là chuyến tác nghiệp đầu tiên của giàn khoan này sau khi được chuyển giao cho Công ty cổ phần dịch vụ mỏ dầu Trung Hải (COSL) vào tháng 1.
Theo Cục Hải sự Trung Quốc, Hải Dương-943 sẽ được bảo vệ và hỗ trợ bởi các tàu Hải Dương-564, Hải Dương-617 và Hải Dương-618.
Đàm phán cấp chuyên viên Việt Nam - Indonesia về EEZ
Đàm phán vòng thứ 8 cấp chuyên viên về phân định Vùng Đặc quyền kinh tế (EEZ) giữa Việt Nam và Indonesia đã được tổ chức tại Bali, Indonesia, từ ngày 22 – 24/3/2016.
Đoàn Việt Nam do ông Trịnh Đức Hải, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao Việt Nam làm Trưởng đoàn. Đoàn Indonesia do ông Octavino Alimudin, Vụ trưởng Vụ Chính trị, an ninh và các điều ước lãnh thổ, Bộ Ngoại giao Indonesia, làm Trưởng đoàn.
Tại đàm phán vòng thứ 8, hai bên tiếp tục thảo luận các phương pháp phân định EEZ trên cơ sở các quy định của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982 và trao đổi quan điểm về nguyên tắc còn tồn tại của dự thảo Các nguyên tắc và hướng dẫn đàm phán.
Hai đoàn đàm phán hy vọng rằng kết quả đạt được của vòng đàm phán sẽ góp phần tăng cường hơn nữa quan hệ đối tác chiến lược Việt Nam - Indonesia.
Xét xử vụ lừa đảo chiếm đoạn tài sản tại Công ty Thương mại Kiên Giang
TAND tỉnh Kiên Giang mở phiên tòa xét xử sơ thẩm nguyên chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nguyên chủ tich HĐTV, TGĐ Công ty TNHH MTV Du lịch-Thương mại Kiên Giang (Công ty TM Kiên Giang - PV) cùng sáu bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty TNHH một thành viên Du lịch-Thương mại Kiên Giang.
Trong số này có ông Nguyễn Hùng Linh, 53 tuổi, nguyên chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam, nguyên chủ tịch Hội đồng thành viên, tổng giám đốc Công ty TNHH một thành viên Du lịch-Thương mại Kiên Giang và Lê Nguyễn Hoàng Nam, 38 tuổi, nguyên trưởng phòng Kế hoạch-kinh doanh; Đỗ Hiếu Liêm, 63 tuổi, nguyên phó tổng giám đốc; Phan Văn Trinh, 61 tuổi bị truy tố về tội danh thiếu tinh thần trách nhiệm gây hậu quả nghiêm trọng.
Riêng bị cáo Linh và Nam còn bị thêm tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong thi hành công vụ; Âu Tấn Việt, 37 tuổi, nguyên phó trưởng phòng Kế hoạch-kinh doanh; Huỳnh Vũ Anh, 47 tuổi, nhân viên phòng Kế hoạch về tội cố ý làm trái quy định của Nhà nước gây hậu quả nghiêm trọng và Lê Thị Thanh Diễm, 38 tuổi, nguyên giám đốc Công ty TNHH Việt Phong, về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Theo cáo trạng, từ ngày 16 đến 26-3-2010, Công ty DL-TM Kiên Giang ký bốn hợp đồng với Công ty Việt Phong do Lê Thị Thanh Diễm, giám đốc Công ty TNHH Việt Phong, làm đại diện.
Trong đó, Nguyễn Hùng Linh ký hai hợp đồng với số lượng 7.000 tấn gạo, trị giá 45,9 tỉ đồng; Đỗ Hiếu Liêm, phó tổng giám đốc Công ty DL-TM Kiên Giang, ký hai hợp đồng với số lượng 4.000 tấn gạo trị giá 26,8 tỉ đồng; Huỳnh Vũ Anh, nhân viên phòng kế hoạch của công ty được phân công đến Công ty Việt Phong để kiểm tra kho hàng.
Mặc dù thấy khối lượng gạo có trong kho của Công ty Việt Phong không đủ số lượng so với bốn hợp đồng nói trên nhưng Anh vẫn ký bốn biên bản gửi, tạo điều kiện cho Công ty Việt Phong tạm ứng 90% tổng giá trị bốn hợp đồng hơn 65,3 tỉ đồng, tương ứng 9.900 tấn gạo.
Nhận được tiền, Diễm không tiến hành thu mua lúa gạo giao cho công ty mà sử dụng 29 tỉ đồng trả nợ, số tiền còn lại Diễm mua gạo bán lòng vòng. Đến khi vỡ nợ, Diễm chỉ cung ứng được 2.000 tấn gạo, tương đương 13,65 tỉ đồng. Tổng số tiền mà Diễm đã lừa đảo chiếm đoạt của công ty hơn 50,58 tỉ đồng.
Ngoài ra, cáo trạng cũng nêu rõ ông Nguyễn Hùng Linh, nguyên tổng giám đốc công ty và Lê Nguyễn Hoàng Nam còn lợi dụng chức vụ, quyền hạn thành lập các công ty: TNHH Thương mại Kiên An Phú, TNHH Xuất nhập khẩu Khang Long, TNHH Lương thực Thuận Phát để cho người thân trong gia đình đứng tên ký các hợp đồng với Công ty Việt Phong.
Sau đó lấy gạo của công ty ký gửi tại kho của Công ty Việt Phong để xuất khẩu, thu lợi cá nhân hơn 2,4 tỉ đồng và gây thiệt hại cho công ty gần 425 triệu đồng. Riêng Nguyễn Hoàng Nam còn nhận tiền chênh lệch trong hợp đồng mua bán gạo với Diễm 667 triệu đồng.
Trong ngày 28-3, HĐXX tập trung xét hỏi các bị cáo về các tội danh trên. Tuy nhiên, bị cáo Nguyễn Hùng Linh vẫn quanh co chối tội và cho rằng không có thành lập ba công ty trên. Trong khi đó, Lê Nguyễn Hoàng Nam khai nhận cùng với Linh thành lập ba công ty này còn gọi là “sân sau” nhằm tìm được đối tác tốt xuất khẩu gạo thì Linh, Nam lấy gạo của công ty gửi tại kho Việt Phong xuất khẩu thu lợi cá nhân.
HĐXX cũng đã tập trung làm rõ số tiền hơn 19,4 tỉ đồng từ “trên trời rơi xuống” cho công ty mà không ai nhận. Theo lời khai của bị cáo Nam, do “lỡ” ký hợp đồng với công ty của Diễm và biết được Diễm không có khả năng để trả số tiền này. Sơ bị quy trách nhiệm, các “cá nhân” (theo lời khai của Nam mà không nêu rõ tên) đã tự hùn tiền vào để chuyển trả cho công ty nhưng sau đó ông Linh cho biết số tiền này có được từ nguồn tài trợ của nước ngoài nên đưa vào công ty nhằm trả bớt cho công ty của Lê Thị Thanh Diễm. Tuy nhiên, đến hết buổi thẩm vấn chiều 28-4, vẫn không ai cho biết số tiền này từ đâu có và đến giờ công ty vẫn giữ nhưng không biết trừ cấn hay sử dụng như thế nào.
Dự kiến vụ án sẽ xét xử và tuyên án vào ngày 29-3.
Hơn 9.300 doanh nghiệp hồi sinh
Có 23.767 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 186.013 tỷ đồng, tăng hơn 24% so với cùng kỳ năm trước...
Con số doanh nghiệp tạm dừng kinh doanh trong quý 1/2016 tăng gần 24% so với cùng kỳ năm trước, trong đó đa phần là doanh nghiệp quy mô nhỏ.
Báo cáo tại phiên họp Chính phủ cuối tuần qua, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết, trong quý 1/2016, có 23.767 doanh nghiệp thành lập mới với số vốn đăng ký 186.013 tỷ đồng; so với cùng kỳ năm trước, số doanh nghiệp tăng 24,8%, số vốn đăng ký tăng 67,2%.
Vốn đăng ký bình quân 1 doanh nghiệp đạt 7,8 tỷ đồng, tăng 34,5% so với cùng kỳ.
Tuy nhiên, tín hiệu đáng mừng là có 9.376 doanh nghiệp trước đây gặp khó khăn phải tạm ngừng hoạt động nay quay lại hoạt động, tăng 8,3% so với quý 4/2015 và tăng 84,1% so với cùng kỳ năm trước.
Có 20.044 doanh nghiệp tạm ngừng kinh doanh (tạm ngừng hoạt động có thời hạn và có đăng ký) và tạm ngừng hoạt động (không đăng ký hoặc chờ giải thể), tăng 23,9% so với cùng kỳ năm trước, trong đó, trên 90% là các doanh nghiệp có quy mô nhỏ (vốn đăng ký dưới 10 tỷ đồng). Có 2.919 doanh nghiệp hoàn tất thủ tục giải thể, tăng 13,8% so với cùng kỳ năm trước .
Về sắp xếp, tái cơ cấu doanh nghiệp nhà nước, tính đến ngày 25/2/2016, cả nước đã thực hiện cổ phần hóa được 20 doanh nghiệp; đã thành lập ban chỉ đạo cổ phần hóa của 66 doanh nghiệp, xác định giá trị doanh nghiệp của 79 doanh nghiệp, công bố giá trị doanh nghiệp của 31 doanh nghiệp; đã thoái vốn với giá trị trên sổ sách 141,9 tỷ đồng, thu về 460,6 tỷ đồng.