tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Phó Thủ tướng: “Coi đầu tư của Việt Nam vào Lào là đầu tư cho ta”

  • Cập nhật : 28/03/2016

(Yeu nhan)

“Chính phủ Việt Nam coi nhà đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là những người bạn của Việt Nam, thành phần kinh tế của Việt Nam, quyết định thành công của Việt Nam. Chúng ta là những nước kém cỏi và lạc hậu trong khu vực, nên chúng ta phải tìm mọi cách để phát triển trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài", Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho hay.

Sáng 27/3, tại Đà Nẵng đã diễn Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào do Bộ Kế hoạch và Đầu tư 2 nước tổ chức. Tại hội nghị, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam Bùi Quang Vinh cho biết: Hiện nay, Việt Nam đã ký hiệp định FTA với các đối tác lớn như Hàn Quốc, EU, Liên minh kinh tế Á - Âu và đặc biệt là Hiệp định TPP. Theo đó, Việt Nam sẽ có quan hệ tự do với 55 đối tác, trong đó có 15 thành viên G20. Các FTA thế hệ mới sẽ thúc đẩy giao thương giữa Việt Nam với các nền kinh tế lớn trên thế giới. Đây là lợi thế để Việt Nam và Lào hợp tác đầu tư, sản xuất, xuất khẩu hàng hóa sang các nền kinh tế này để tận dụng tối đa các ưu đãi, nâng cao năng lực cạnh tranh với các quốc gia khác.

“Trong bối cảnh cộng đồng kinh tế ASEAN mới hình thành, tạo ra nhiều cơ hội cho các nước ASEAN để phát triển, nhưng cơ hội đến với các nước thành viên không đồng đều, cạnh tranh gia tăng nên các nước có trình độ phát triển thấp hơn thường ít tận dụng được cơ hội hơn. Nên chúng ta cần phải hợp tác chặt chẽ để nâng cao năng lực cạnh tranh, tránh nguy cơ tụt hậu”, Bộ trưởng Vinh nói.

hoi nghi hop tac dau tu viet nam - lao duoc to chuc tai da nang sang 27/3

Hội nghị hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào được tổ chức tại Đà Nẵng sáng 27/3

Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào Xổm-đi Đuông-đi cho biết, thời gian qua đã có nhiều nước đầu tư vào Lào, trong đó đầu tư của Việt Nam có xu hướng tăng và tăng liên tục. Tổng vốn đầu tư của các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào là 5 tỷ USD và là nước đứng vị trí thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư tại Lào. Các dự án đã tạo công ăn việc làm, nâng cao tay nghề cho lao động Lào. Tuy nhiên, vẫn còn những dự án, qua đánh giá thực tế, mặc dù đã được cấp phép nhưng triển khai còn chậm, kéo dài và chưa thực hiện đúng luật pháp của Lào như một số công ty như công ty cao su, công ty điện năng lượng. Ngoài ra, còn có những dự án có sự chuyển nhượng mà cơ quan chức năng không biết.

Ông Xổm-đi Đuông-đi kêu gọi các nhà đầu tư Việt Nam tiếp tục đầu tư vào Lào, trên cơ sở vận dụng các thế mạnh của Lào; trong đó, đề xuất xây dựng các khu công nghiệp, đầu tư cho nhân dân sản xuất giống lúa, giống gia súc, phát triển du lịch.

Ông Xổm-đi Đuông-đi cũng kiến nghị Chính phủ Việt Nam quảng bá, tuyên truyền luật đầu tư của Lào cho các doanh nghiệp Việt Nam để tránh xảy ra những việc như vừa qua khi thực hiện dự án. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Lào cũng đề nghị Chính phủ và Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam chứng nhận về tài chính của doanh nghiệp Việt Nam khi đầu tư ở Lào để phía Lào làm cơ sở khi cấp phép.

Theo ông Trần Bắc Hà, Chủ tịch Hiệp hội các nhà đầu tư Việt Nam sang Lào (AVILL), luồng vốn đầu tư FDI của Việt Nam vào Lào liên tục tăng trong giai đoạn 2011 - 2015 cả về số lượng dự án và tổng vốn đăng ý. Kết thúc giai đoạn 5 năm qua, Việt Nam đã có 258 dự án được Bộ Kế hoạch và Đầu tư Việt Nam cấp phép đầu tư sang Lào. Hiện Việt Nam là nước đứng thứ 3 trong số các nước có hoạt động đầu tư vào Lào và là quốc gia đứng đầu trong tổng số 64 quốc gia và vùng lãnh thổ có hoạt động đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam.

pho thu tuong nguyen xuan phuc phat bieu tai hoi nghi

Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại hội nghị

Kim ngạch thương mại hai chiều Việt Nam - Lào liên tục tăng trưởng, bình quân giai đoạn 2011 - 2015 đạt 20%/năm. Trong đó, năm 2015, tổng kim ngạch xuất khẩu hai chiều đạt 1.123 triệu USD, gấp 2,3 lần so với cuối năm 2010, lũy kế cả giai đoạn đạt gần 5,1 tỷ USD.

Ông Trần Bắc Hà nhận định, hợp tác kinh tế của 2 quốc gia trong giai đoạn qua phát triển liên tục và ổn định, đã đi vào thực chất hơn, có chiều sâu và thiết thực hơn. Các cơ chế chính sách đã dần chuyển động theo hướng đi sát cuộc sống, tháo dỡ nhiều vướng mắc cho cộng đồng doanh nghiệp 2 nước.

Tuy nhiên, vẫn còn một số tồn tại, hạn chế như chưa có sự phối hợp chặt chẽ trong việc thực hiện một số nội dung thỏa thuận cấp cao; kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Lào mặc dù có tăng trưởng nhưng tốc độ không đều, có xu hướng giảm dần trong năm 2015 và chưa đạt mục tiêu đề ra đến năm 2015. Thủ tục cấp phép đầu tư, qua biên giới 2 bên vẫn còn rườm rà, một số dự án đầu tư của Việt Nam còn chậm triển khai, nhất là lĩnh vực năng lượng, khai khoáng. Việc phân bổ vốn đầu tư FDI của Việt Nam vào Lào chưa đồng đều, tập trung chủ yếu ở miền Nam và Trung Lào (chiếm 95% vốn đầu tư của Việt Nam vào Lào).

Phát biểu kết luận hội nghị, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc khẳng định sự thành công của hợp tác đầu tư Việt Nam - Lào trong thời gian qua. Mặc dù doanh nghiệp 2 nước còn gặp nhiều khó khăn nhưng mức đầu tư tăng lên, góp phần giải quyết việc làm, an sinh xã hội, trong đó có nhiều dự án mẫu mực thành công. Có được thành công đó là nhờ sự giúp đỡ của Lào cũng như sự quyết tâm của các doanh nghiệp Việt Nam.

Tuy nhiên, vẫn còn những tồn tại như nhiều dự án còn chậm trễ, một số dự án khoa học công nghệ còn nhiều vấn đề, có tình trạng chuyển nhượng dự án trái phép. Một số cơ quan Lào còn gây khó khăn cho doanh nghiệp Việt Nam về thủ tục.

Phó Thủ tướng nêu quan điểm, coi đầu tư của Việt Nam vào Lào là đầu tư cho ta. Coi bạn là ta và coi ta là bạn. Coi thành công của doanh nghiệp Việt Nam chính là thành công của Lào và ngược lại.

“Chính phủ Việt Nam cũng coi nhà đầu tư của nước ngoài vào Việt Nam là những người bạn của Việt Nam, thành phần kinh tế của Việt Nam, quyết định thành công của Việt Nam. Chúng ta là những nước kém cỏi và lạc hậu trong khu vực, nên chúng ta phải tìm mọi cách để phát triển trong đó có các nhà đầu tư nước ngoài. Chúng tôi trân trọng các nhà đầu tư nước ngoài đến Việt Nam. Chúng ta cũng phải có trách nhiệm khi đầu tư vào Lào”, Phó Thủ tướng nói.

Phó Thủ tướng đề nghị Lào nghiên cứu các chính sách cho doanh nghiệp Việt Nam tương xứng với quan hệ 2 nước. Đồng thời đề nghị các doanh nghiệp Việt Nam phải đẩy nhanh các dự án như đã cam kết, thực hiện đúng luật của 2 nước, giữ vững uy tín, góp phần cải thiện đời sống cho nhân dân Lào.

(Theo Dân Trí)

Trở về

Bài cùng chuyên mục