Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc: Phải 'nuôi dưỡng' doanh nghiệp nội
Ngành tôm Việt Nam: Nên thay đổi cách tiếp cận về con giống?
Quy định chi tiết một số điều Luật Thống kê
Việt Nam - Thái Lan phát hành tem chung kỷ niệm 40 năm quan hệ ngoại giao
“Vương quốc” cây giống, hoa kiểng thiệt hại hàng chục tỷ đồng do xâm nhập mặn
- Cập nhật : 28/03/2016
(Thien tai)
Người trồng cây giống, cây ăn trái tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) bị thiệt hại nặng nề do xâm nhập mặn. Một số loại cây giống mẫn cảm với nước mặn đã bị cháy lá, chết dần với mức thiệt hại ước tính hơn 30 tỷ đồng.
Mấy ngày nay, ông Nguyễn Văn Quy (ngụ Vĩnh Thành, Chợ Lách, Bến Tre) tìm mọi cách canh có nước ngọt, lắp máy bơm, đường ống để lấy nước cứu gần 1.000 cây chôm chôm, sầu riêng bị héo lá. Tuy nhiên, ông làm mọi cách vẫn không “rửa” hết nước mặn đã tưới cho cây.
Ông Quy buồn rầu cho biết: “Những ngày cận Tết Nguyên đán do không biết nước mặn về nên tôi đã bơm lên để tưới cây. Vậy là nước mặn ngấm vào bộ rễ khiến cho hàng trăm cây chôm chôm con bị héo lá, chết dần. Bây giờ, tôi ráng tìm mọi cách để dưỡng lại nếu không được sẽ bỏ toàn bộ số cây đã tưới nước mặn”.
Để cứu những cây giống, cây ăn trái còn lại, gia đình ông Quy phải túc trực canh lấy nước rồi đo độ mặn ở địa điểm đo miễn phí của ngành nông nghiệp mới dám bơm tưới cho cây. Tuy vậy, một số loại cây giống chết dần còn cây ăn trái thì rụng quả, giảm năng suất nên thiệt hại rất lớn.
Đi dọc tuyến Quốc lộ 57 qua địa bàn các xã Hòa Nghĩa, Long Thới, Tân Thiềng, Vĩnh Thành, Hưng Khánh Trung B… , người viết dễ dàng bắt gặp hàng loạt những cây giống bị vàng lá, chết dần do nước mặn. Vùng đất được mệnh danh là “vương quốc” của cây giống, hoa kiểng khi cung ứng hàng triệu sản phẩm cây giống mỗi năm cho thị trường khắp cả nước, hiện bị thiệt hại nặng nề. Theo những nông dân, đây là lần đầu tiên trong mấy chục năm qua, nước mặn xâm nhập đến vùng đất này nên mọi người không kịp trở tay.
Ông Nguyễn Văn Nghi, ngụ Tân Thiềng (Chợ Lách, Bến Tre) cho biết: “Những cây giống còn nhỏ, bộ rễ rất yếu nên tưới nước nhiễm mặn là từ từ sẽ bị cháy lá rồi chết dần, không còn khả năng phát triển nên nhà vườn chỉ còn cách đem bỏ. Cách đây hơn 1 tháng, tôi bơm nước tưới cây nếm thử độ mặn nên toàn bộ cây đã cháy rụi và chết dần chết mòn gần hết”.
Theo ông Nghi, thiệt hại ở vườn cây ăn trái gấp mấy lần so với vùng đất lúa. Đối với cây giống có thể nhìn thấy được còn đối với cây ăn trái đã trưởng thành thì thiệt hại rất lớn. Chắc chắn năm sau sẽ giảm năng suất, thậm chí một số cây chết thì từ 5 đến 7 năm sau mới có thể phục hồi được.
Ông Bùi Thanh Liêm, Trưởng phòng NN - PTNT huyện Chợ Lách (Bến Tre) cho biết: “Tổng diện tích đất nông nghiệp bị nhiễm mặn đã lên đến 8.000 ha, trong đó có 4.000 ha nhiễm mặn nặng từ 1,5 - 2,5%. Đây là năm mặn xâm nhập sâu và cao nhất trong vòng 20 năm gần đây, người dân trong huyện chưa kịp ứng phó nên thiệt hại lớn”.
Theo báo cáo của ngành nông nghiệp, hiện tại, toàn huyện đã có trên 109.000 cây giống thàng phẩm, gốc ghép sầu riêng, xoài, cây có múi, hoa kiểng… chết rụi và hơn 150.000 cây giống bị cháy là, giảm khả năng sinh trưởng. Đối với cây ăn trái trưởng thành, xâm nhậm mặn đã làm thiệt hại 150 ha sầu riêng, chôm chôm đang ra hoa ở xã Hưng Khánh Trung B, Long Thới bị rụng bông và trái; 2.000 ha cây ăn trái giảm khả năng sinh trưởng.
Ước tổng thiệt hại đến thời điểm này là hơn 30 tỷ đồng và khả năng thiệt hại sẽ tiếp tục tăng do mặn xâm nhập sâu vào nội đồng.
Hiện tại, ngành nông nghiệp ở địa phương đang tổ chức đo độ mặn miễn phí cho người dân ở 3 địa điểm gồm phòng nông nghiệp huyện Chợ Lách, xã Long Thới và xã Hưng Khánh Trung B để người đến đo độ mặn và người dân chủ động bơm nước nhằm cứu số lượng cây giống, vườn cây ăn trái còn lại.