tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 28-07-2016

  • Cập nhật : 28/07/2016

Ủy ban Tài chính Ngân sách: Nếu quản lý tốt, mỗi năm sẽ có 200.000 tỷ lợi nhuận từ các doanh nghiệp nhà nước

Phó chủ nhiệm Uỷ ban tài chính ngân sách kỳ vọng các doanh nghiệp nhà nước nếu hoạt động hiệu quả sẽ đạt được tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu ở mức 17% – 20%.

Trao đổi với báo điện tử Trí thức trẻ, ông Nguyễn Hữu Quang, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội cho rằng chủ trương thành lập Ủy ban chủ sở hữu vốn Nhà nước là thực hiện theo Nghị quyết của Đảng.

Do đó tên gọi là Ủy ban chỉ là một cách gọi, mà vấn đề là nội hàm của Ủy ban đó như thế nào mới là quan trọng, nhằm để thống nhất trong quản lý và thực hiện được mục tiêu mà Đảng và Nhà nước đặt ra, đó là tách quyền quản lý với quyền sử dụng vốn Nhà nước tại DN.

Theo Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính Ngân sách, hiện nay vốn Nhà nước nằm rải rác tại các DN có khoảng 1,3 triệu tỷ đồng. Nếu ta so sánh với các thành phần kinh tế khác, có chỉ số quan trọng là tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu, thông thường nếu quản lý tốt thì tỷ lệ này là 17% – 20%.

"Việc thành lập được cơ quan này, để nhằm mục tiêu là làm sao sử dụng có hiệu quả 1,3 triệu tỷ đồng vón Nhà nước. Giả sử như nếu nhân 1,3 triệu tỷ đồng với 17% thì ta có mỗi năm chúng ta có 200 nghìn tỷ lợi nhuận từ các DN" - ông Quang nói.

Thưa ông, nhiều chuyên gia lo ngại nếu thành lập một Ủy ban thì đây vẫn là mô hình của một cơ quan quản lý nhà nước, nên sẽ khó đạt được mục tiêu tách quản lý Nhà nước ra khỏi quản lý vốn chủ sở hữu. Quan điểm của ông về vấn đề này?

Đó chỉ là tên gọi thôi, dù là Ủy ban hay Tổng công ty thì phải thực hiện được mục tiêu chức năng trên. Có nghĩa là tách chức năng quản lý của các bộ ra khỏi chức năng chủ sở hữu. Tôi chưa tiếp cận cụ thể Dự thảo nhưng chủ trương và định hướng, nên trong lộ trình thực hiện phải đạt được mục tiêu này.

Có quan điểm cho rằng nên đẩy mạnh cổ phần hóa và thoái vốn DNNN hơn là thành lập Ủy ban. Bởi nếu cổ phần hóa theo nguyên tắc thì DN sẽ đưa về SCIC và như vậy Ủy ban có thể sẽ là không phát huy được vai trò của mình?

SCIC đã được thành lập nhưng chỉ quản lý khoảng 7-10% vốn nhà nước tại DN. Thậm chí đã có nhiều tập đoàn tổng công ty đã cổ phần hóa, nhưng mà chưa chuyển giao về cho SCIC. Tài sản Nhà nước tại DN mà SCIC quản lý chỉ khoảng 70.000 tỷ thôi, chứ SCIC chưa bao quát vốn nhà nước tại DN.

Vậy theo ông tiến trình cổ phần hóa DN Nhà nước có bị ảnh hưởng khi đưa về quản lý tại Ủy ban này?

Nếu đưa vào cơ quan quản lý tập trung này thì chức năng là không những để tối ưu hóa lợi nhuận thông qua đạt tỷ suất lợi nhuận trên vốn chủ sở hữu cao nhất, mà sẽ tiếp tục đẩy mạnh cổ phần hóa, để những ngành nghề, lĩnh vực nào mà Nhà nước không cần kinh doanh thì thoái vốn.

Chức năng và cơ quan ủy ban này thực hiện sẽ không phải là quản lý cho tốt số tiền này, mà là phải giảm 1,3 triệu tỷ xuống càng nhỏ càng tốt, theo chủ trương thoái vốn, cổ phần hóa, để DNNN phải nhỏ đi và càng nhỏ đi thì quy mô càng có hiệu quả.

Nếu vậy đề xuất nâng cấp SCIC và tách biệt độc lập với Bộ Tài chính, nâng lên và đảm nhiệm vai trò mà Ủy ban này đưa ra, liệu có khả thi hay không?

Tôi cho rằng khả thi. Có thể chức năng như là SCIC, để làm sao quản lý vốn Nhà nước tại DN hiệu quả. Có thể không gọi là SCIC nhưng quy mô rộng hơn và lớn hơn. Hiện nhiều DN cổ phần hóa xong không chuyển giao về SCIC nên mục tiêu của SCIC là không đạt được, và hiện quy mô của SCIC là quá bé so với tổng tài sản nhà nước tại DN.

Mục tiêu chúng ta là khi gom, đưa tất cả tài sản ấy về một cơ quan nào đó, có thể là ủy ban hoặc tổng công ty như SCIC, thì phải đạt mục tiêu là kinh doanh, đầu tư hiệu quả vốn Nhà nước.

Vậy ông sẽ nghiêng về phương án nào, thành lập Ủy ban hay nâng cấp SCIC?

Nghiêng phương án nào cũng khó, bởi SCIC thành lập đến hàng chục năm nay rồi, nhưng tại sao lại không phát triển được? Mô hình nào thì mô hình, nhưng trước hết đó phải là cơ quan quản lý 1,3 triệu tỷ vốn Nhà nước tại DN, thực hiện nhiệm vụ cổ phần hóa và thoái vốn, giảm dần vốn với nhiều ngành nghề lĩnh vực theo chủ trương Chính phủ đưa ra.

Trong dự thảo cho biết Ủy ban này trực thuộc Chính phủ, ông có đồng tình quan điểm này?

Đây là tài sản Nhà nước, vốn Nhà nước tại DN, thì đó là tài sản của dân, mà đại diện dân là Quốc hội. Mô hình hay trực thuộc cơ quan nào phải đảm bảo, Nhà nước không tổ chức kinh doanh mà quản lý có hiệu quả. Đồng thời phải có cơ chế, để cho DN có quyền chủ động kinh doanh và kết quả cuối cùng là mang lại hiệu quả hoạt động cao nhất.

Tôi nhấn mạnh rằng, cơ quan này là sẽ không phải là cơ quan quản lý Nhà nước, không đi chi tiết hoạt động kinh doanh của DN. Tôi quan tâm đến hiệu quả, là giao cho chừng này vốn Nhà nước, hàng năm phải mang lại lãi chừng này, tức là hoạt động như mô hình công ty đại chúng.

Theo các số liệu tài chính mới nhất mà CafeF thu thập được (chưa bao gồm số liệu của Tổng Công ty Sông Đà và Tổng công ty Công nghiệp Tàu thủy) thì tổng tài sản của nhóm doanh nghiệp dự kiến chuyển giao cho Ủy Ban vào khoảng 2,2 triệu tỷ đồng – tức xấp xỉ 100 tỷ USD, tương đương gần ½ GDP của Việt Nam. Tổng vốn chủ sở hữu vào khoảng 850.000 tỷ đồng ~ 38 tỷ USD.(Trithuctre)

100 tấn thanh long Việt Nam đã vào siêu thị Thái Lan

Sau khi chuyển giao thành công, MM Mega Market Việt Nam (Metro) đã trở thành doanh nghiệp kết nối nhiều mặt hàng nông sản Việt với hệ thống phân phối của tập đoàn TCC tại Thái Lan.

Mới đây hơn 100 tấn thanh long đầu tiên đã xuất khẩu và phân phối trong hệ thống Big C Thái Lan. Bên cạnh thanh long, nhiều mặt hàng nông sản khác đang có tiềm năng rất lớn tại thị trường hơn 67 triệu dân này. Ông Phidsanu Pongwatana, Phụ trách bán lẻ của Tập đoàn TCC đã có chia sẻ trên Báo về kế hoạch đẩy mạnh xuất khẩu nông sản Việt sang Thái Lan.

Trái cây Việt “được lòng” NTD Thái Lan

- Sau hơn nửa năm hoàn tất thương vụ mua Metro Cash & Carry Việt Nam, chiến lược mới của công ty có gì mới, thưa ông?

Ngay sau khi hoàn tất thương vụ này, thông qua MM Mega Market (trước đây là Metro Cash & Carry Việt Nam), tập đoàn TCC đã tiến hành tìm kiếm các mặt hàng là thế mạnh của Việt Nam để phân phối trong hệ thống siêu thị Big C Thái Lan của tập đoàn.

Một trong những chiến lược lớn của tập đoàn TCC là đẩy mạnh việc quảng bá và đưa hàng Việt sang tiêu thụ tại Thái Lan, và tương lai là các hệ thống phân phối của chúng tôi trong khu vực như Lào, Campuchia…

Trước đó, chúng tôi đã tiến hành nghiên cứu thị trường, thói quen tiêu dùng của người Thái và nhận thấy rất nhiều mặt hàng Việt, đặc biệt là trái cây có tiềm năng rất lớn, không những chất lượng mà giá cũng rất cạnh tranh so với hàng Thái. Các mặt hàng đảm bảo chất lượng và đáp ứng được các tiêu chuẩn sẽ được chúng tôi mua để xuất khẩu sang Thái Lan.

- Ông cho biết những mặt hàng nông sản nào của Việt Nam có tiềm năng đối với thị trường Thái Lan?

Tôi nhận thấy thế mạnh các mặt hàng nông sản của Việt Nam là trái cây và cá. Một số mặt hàng trái cây của Việt Nam được người tiêu dùng Thái Lan rất ưa thích như thanh long, bơ, cam sành, vú sữa, khoai lang…

Chúng tôi mới xuất khẩu thành công 100 tấn thanh long đầu tiên sang bán tại hệ thống Big C Thái Lan và phản hồi của người tiêu dùng rất tích cực. Chúng tôi kỳ vọng sẽ tăng sản lượng xuất khẩu trong thời gian tới.

Ngoài ra, các mặt hàng cá da trơn đông lạnh của Việt Nam, hoa Đà Lạt cũng sẽ là những sản phẩm mà chúng tôi đang tìm kiếm để xuất sang Thái Lan.

Tính đến năm 2015, Thái Lan cũng đã là một trong 10 thị trường xuất khẩu rau quả chủ lực của Việt Nam. Tôi tin rằng, sản lượng xuất khẩu nông sản của Việt Nam sang Thái Lan sẽ tiếp tục tăng trong những năm tới.

- Đối với các dự án hợp tác với nông dân về rau quả tại Đà Lạt và cá tại Cần Thơ mà Metro đã làm trước đây, MM Mega Market sẽ tiếp tục các dự án đó, thưa ông ?

Chắc chắn là chúng tôi vẫn sẽ tiếp tục, thậm chí là tăng quy mô và sản lượng lên lớn hơn. Tại Đà Lạt, chúng tôi đã có kế hoạch đến tháng 9/2016 sẽ tăng sản lượng rau thu mua từ các hộ nông dân cho 10 mặt hàng bán chạy nhất hiện nay, nâng tổng sản lượng lên 1,050 tấn mỗi tháng. Ngoài ra, sản lượng rau thu mua của các hộ nông dân ở Mộc Châu sẽ lên đến 250 tấn/năm vào cuối tháng 9 và sẽ tiếp tục tăng trong các năm tiếp theo.

Về cá, chúng tôi đã có kế hoạch tăng sản lượng gấp đôi từ 2000 tấn lên 4000 tấn/ năm để tiêu thụ trong toàn bộ 19 trung tâm MM Mega Market trên toàn quốc. Hiện nay, chúng tôi đang thu mua cá của nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long và sẽ hỗ trợ thêm 45 hộ đang hợp tác với chúng tôi đạt chứng nhận VietGap vào cuối năm 2016.

Mở đường xuất khẩu hàng Việt sang Thái Lan

- Được biết, TCC Group thông qua MM Mega Market sẽ tổ chức Hội chợ hàng Việt tại Thái Lan. Ông có thể chia sẻ về kế hoạch này?

Sau khi điều tra thị trường, chúng tôi nhận thấy tiềm năng của hàng Việt tại Thái Lan là rất lớn, nên chúng tôi lên kế hoạch tổ chức Hội chợ hàng Việt tại Thái Lan trong thời gian sắp tới.

Chúng tôi đang tìm kiếm các doanh nghiệp xuất khẩu của Việt Nam có các mặt hàng tiềm năng với thị trường Thái để tham dự sự kiện này. Hội chợ này chắc chắn sẽ thu hút không chỉ các doanh nghiệp Thái mà cả người tiêu dùng. Tôi cũng tin rằng, đây sẽ là cơ hội tốt để các sản phẩm Made in Vietnam tiếp cận trực tiếp tới người tiêu dùng Thái Lan.

- Ông có thể cho biết thị trường Việt Nam đóng vai trò như thế nào trong chiến lược phát triển của tập đoàn TCC?

Việt Nam được xác định là một thị trường trọng điểm của Tập đoàn TCC. Mới đây, Chủ tịch Tập đoàn TCC, ông Charoen Sirivadhanabhakdi đã có cuộc gặp với ngài Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc. Ông Charoen đã chia sẻ kế hoạch đầu tư lâu dài và các cơ hội phát triển bền vững của tập đoàn tại Việt Nam. Cũng trong cuộc gặp gỡ này, Tập đoàn TCC đã quyết định dành 10 tỷ để hỗ trợ cho Việt Nam xây mới một trường học và đầu tư cho cơ sở hạ tầng giáo dục ở một số vùng nông thôn Việt Nam.

Hiện nay, thông qua các công ty liên kết của mình, chúng tôi đã tạo ra hơn 8.000 cơ hội việc làm cho lao động Việt Nam trên cả nước.

Chân thành cảm ơn những chia sẻ của ông!

Ông Phidsanu Pongwatana, Phụ trách bán lẻ của Tập đoàn TCC: “Sau điều tra thị trường, chúng tôi nhận thấy tiềm năng của hàng Việt tại Thái Lan là rất lớn.”(Xaluan)

Động vào là lộ sai phạm: BOT vào 'tầm ngắm'

Hàng chục tỷ đồng tiền thanh toán sai trong các dự án BOT đường bộ đã bị Kiểm toán Nhà nước phát hiện. Cùng với những “lùm xùm” khác quanh các dự án BOT đường bộ gây bức xúc trong dư luận, Quốc hội cũng đã có kế hoạch đưa BOT vào chương trình giám sát để chấn chỉnh hoạt động đầu tư này.

Thi công một đằng, thanh toán một nẻo

Một loạt kết luận được Kiểm toán Nhà nước công bố cho thấy, các dự án BOT đường bộ mắc nhiều sai phạm. Một trong những sai sót đáng chú ý nhất là bị phát hiện là thanh toán tiền thi công không đúng so với thực tế.

Tại dự án mở rộng quốc lộ 1 qua địa bàn tỉnh Thừa Thiên-Huế do Công ty TNHH Trùng Phương, Kiểm toán Nhà nước phát hiện chủ đầu tư thanh toán sai khối lượng khoảng 23 tỷ đồng và sai định mức, đơn giá hơn 3,3 tỷ đồng.

Tương tự, trong 234,5 tỷ đồng giá trị phiếu chưa thực hiện, kiểm toán cũng chỉ ra hơn 9,9 tỷ chênh lệch sai khối lượng. .

Cuối cùng, Kiểm Toán Nhà nước yêu cầu Công ty Trùng Phương phải giảm thanh toán chi phí đầu tư gần 26 tỷ đồng, giảm giá trị hợp đồng 9,7 tỷ đồng...

Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện sai sót tương tự trong dự án xây dựng hầm đường bộ Phước Tượng và Phú Gia, Quốc lộ 1A tỉnh Thừa Thiên Huế.

Tính đến cuối năm 2015, dự án đã bỏ ra hơn 938 tỷ đồng đầu tư. Nhưng con số thực tế được Kiểm toán chấp nhận là hơn 927 tỷ đồng, thấp hơn 11,2 tỷ đồng so với con số báo cáo.

Liên quan đến con số 11,2 tỷ chi sai này, theo cơ quan kiểm toán, công tác nghiệm thu chưa rà soát kỹ lưỡng nên chưa phát hiện được tồn tại ở bước thiết kế và dự toán dẫn tới thanh toán chưa đúng thực tế thi công, đơn giá thanh toán vẫn áp dụng theo dự toán được duyệt dẫn tới sai lệch về chi phí với số tiền kể trên.

Thời điểm cuối năm 2015, dự án này còn hơn 525 tỷ đồng chưa được thực hiện. Nhưng Kiểm toán Nhà nước cũng chỉ chấp nhận con số hơn 498 tỷ đồng, thấp hơn trên 26 tỷ đồng. Nguyên nhân do sai khối lượng là hơn 13,5 tỷ đồng, sai đơn giá hơn 1,8 tỷ đồng, sai khác là gần 11 tỷ đồng.

Cuối cùng, Kiểm toán Nhà nước kiến nghị xử lý tài chính hơn 32,6 tỷ đồng, trong đó giảm thanh toán hơn 11 tỷ, giảm giá trị hợp đồng hơn 21 tỷ.

Khi kiểm toán công trình BOT Cổ Chiên- Trà Vinh, Kiểm toán Nhà nước cũng phát hiện ra nhiều sai sót và đã giảm tới 5,5 năm thời gian thu phí của dự án này. Có nghĩa, thay vì phải trả tiền phí khi qua trạm BOT Cổ Chiên (Trà Vinh) tới 20 năm, người dân sẽ chỉ phải trả tiền phí cho 14 năm rưỡi, rút ngắn được 5 năm rưỡi.

Trong báo cáo gửi Quốc hội, những sai phạm kể trên trong các dự án BOT giao thông cũng đã được Kiểm toán Nhà nước báo cáo rõ ràng. Kiểm toán Nhà nước khẳng định những sai phạm, bất cập trên “cần phải được chấn chỉnh, khắc phục”.

BOT đường bộ vào “tầm ngắm”

Trong báo thẩm tra về thu chi ngân sách 6 tháng, Ủy ban Tài chính Ngân sách của Quốc hội cũng đã đề cập đến các “điểm đen” BOT đường bộ.

Theo Ủy ban Tài chính Ngân sách, tình trạng xây dựng các dự án BOT “đang có nhiều bất hợp lý”. Nhiều tuyến giao thông quan trọng, duy nhất được Chính phủ cho phép thực hiện dự án BOT để tổ chức thu phí thiếu quy hoạch, quản lý thiếu chặt chẽ dẫn đến tăng tổng mức đầu tư, đội vốn quá cao.

"Mức nộp phí cao, nộp phí để hoàn vốn cho tuyến giao thông mà người dân không sử dụng, gây bức xúc và tạo gánh nặng rất lớn cho người dân và doanh nghiệp, tăng chi phí cho sản xuất kinh doanh trong nước không hợp lý, giảm sức cạnh tranh của nền kinh tế", Ủy ban Tài chính ngân sách lưu ý.

Do đó, Ủy ban đề nghị Chính phủ cần rà soát và chấn chỉnh nội dung này, đồng thời báo cáo Quốc hội việc triển khai thực hiện tất cả các dự án BOT, trong đó làm rõ những tồn tại, bất cập và hướng xử lý trong đầu tư, quản lý, thu phí đối với các dự án BOT, nhất là các dự án BOT trong lĩnh vực giao thông.

Trong khi đó, thuyết minh về sự cần thiết phải tiến hành giám sát chuyên đề BOT, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng nhấn mạnh: Việc khai thác các công trình BOT thời gian vừa qua đã gây nhiều bất cập, gây bức xúc trong nhân dân như thu phí cao làm tăng giá cước vận tải, làm đường một nơi, thu phí một nơi khác bù cho dự án. Hay việc bố trí quá nhiều trạm thu phí chưa theo quy hoạch, gây ùn tắc giao thông, đặt trạm không đúng khoảng cách quy định…

Đặc biệt, cơ quan thường trực Quốc hội cũng lo ngại việc lập, thẩm định dự án, xác định giá trị công trình, phương án hoàn vốn, kiểm soát hoàn vốn, khai thác dự án… còn bất cập, làm dư luận bức xúc.

Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng băn khoăn việc phần lớn các dự án BOT sử dụng vốn vay ngân hàng và một số lớn dự án được Chính phủ bảo lãnh.

“Về bản chất, bảo lãnh của Chính phủ sẽ tạo ra nghĩa vụ nợ tiềm ẩn và trực tiếp làm tăng nợ công. Như vậy, trách nhiệm cuối cùng của khoản vay vẫn thuộc về nhà nước thay vì chuyển dịch trách nhiệm sang khu vực tư nhân như mục đích ban đầu”, Ủy ban Thường vụ Quốc hội lo ngại.(Vietnamnet)

Lãi suất rất nhạy cảm với lạm phát nên không thể hạ trong thời điểm này

Tại hội thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý II năm 2016, có chuyên gia đưa ra ý kiến đưa ra cần hạ lãi suất nhưng phản biện điều này, TS Nguyễn Đình Cung, cho rằng không thể ép hạ lãi suất, vì nó rất nhạy cảm với lạm phát.

Theo báo cáo của Viện nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương (CIEM), lãi suất cho vay VNĐ và USD đang giảm đáng kể. Tín dụng vào tháng 6 tăng khoảng 4,96% so với cuối quý I và 8,16% so với cuối năm 2015. Tăng trưởng tín dụng giữa quý I và quý II không chênh lệch nhiều do thúc đẩy giải ngân tín dụng ngay trong quý I, tăng phát hành Trái phiếu Chính phủ trong quý II và tác động chèn lấn đối với hoạt động tín dụng. Bên cạnh đó, triển vọng tăng trưởng kinh tế chưa được cải thiện, khiến doanh nghiệp tiếp tục thận trọng vay vốn.

 

CIEM cũng cho biết diễn biến tỷ giá VNĐ/USD tiếp tục là điểm sáng chính trong điều hành chín sách tiền tệ 6 tháng đầu năm, tỷ giá trung tâm nhìn chung ổn định, ngoại trừ đợt tăng nhẹ vào cuối tháng 5, thị trường ngoại hối ít gặp áp lực trong quý II.

Ông Phan Ngọc Thắng, chuyên gia kinh tế Viện chiến lược Ngân hàng cho biết mục tiêu của chính sách tiền tệ hiên nay không rõ ràng, nền kinh tế chúng ta đang ở trạng thái nào, nếu trạng thái dưới tiềm năng thì phải có biện pháp đẩy tăng trưởng, khi hạ lãi suất xuống, phát hành trái phiếu cũng thuận lợi hơn, hạ lãi suất còn thúc đẩy tín dụng, giảm chi phí của cả doanh nghiệp và người dân.

Theo ông Thắng, điều này hỗ trợ rất lớn cho DN, túi tiền chi tiêu của người dân sẽ tăng lên bổ sung cho tổng cầu, quay lại khắc phục nợ xấu cho ngân hàng. Đây cũng là cách gián tiếp để xử lý nợ xấu.

“Hiện nay nợ xấu 3%, nhưng mới nhốt nợ vào VAMC nhưng chưa xử lý được, vòng quay của đồng tiền không khép kín, tiền huy động của dân cho vay ra không thu hồi được, làm thế nào để có tiền để chi trả cho nhu cầu tín dụng mới, lại phải đẩy lãi suất lên cao, giảm chi phí dự phòng, tăng chi phí nông nghiệp. Với 200 nghìn tỷ nợ xấu của VAMC chưa giải quyết được đẩy thêm thanh khoản cho thị trường để đẩy cho lãi suât hạ xuống. Ngân hàng NN cũng cần tính đến việc mua thêm dự trữ quốc tế đẩy thanh khoản tiền đồng ra ngoài, giảm lãi suất”, ông Thắng khẳng định.

Ông Thắng cho rằng,VAMC cần phải có những giải pháp quyết liệt hơn, làm thế nào để giải quyết nợ xấu cho nhanh.

“Chính sách tiền tệ của chúng ta đều bị bó chân bó tay, không có cách gì đẻ khắc phục được”, ông Thắng bày tỏ quan điểm.

Trao đổi bên lề với phóng viên, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng CIEM khẳng định: “Không thể có động thái phải giảm lãi suất, xu hướng ở Việt Nam lãi suất rất nhạy cảm với lạm phát khi lạm phát có xu hướng gia tăng. Không thể ép thị trường giảm lãi suất bởi làm điều này thì không thể huy động vốn”.

Ngân hàng NN cũng khẳng định không thể chủ quan với lạm phát.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục