Chi hàng chục triệu USD nhập đậu phộng Trung Quốc
Cần Giờ tồn đọng 100.000 tấn muối
Các tỉnh vẫn được tự sắm xe công
Indonesia trao trả 65 ngư dân Việt
Nhà nước tham gia tối đa 40% vốn đầu tư cao tốc
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 27-07-2016
- Cập nhật : 27/07/2016
Viện trưởng CIEM: Việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng 6,7% hầu như không khả thi
Tăng trưởng kinh tế xu hướng đi ngang
Tại cuộc họp thảo công bố báo cáo kinh tế vĩ mô Quý 2 năm 2016 của CIEM, Tiến sỹ Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện CIEM khẳng định tăng trưởng kinh tế của Việt Nam chưa lấy được đà phục hồi, GDP tăng 5,57% so với cùng kỳ Quý 2 năm 2015 và việc hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 (6,7%) hầu như không khả thi.
Tăng trưởng khu công nghiệp- xây dựng trong quý II đạt 7,61%. Khu Nông- Lâm nghiệp va thủy sản có sự chuyển biến dù chưa nhiều. Giá trị gia tăng của khu vực này tăng 0,06% trong Quý II và 6,35% trong 6 tháng đầu năm.
Xuất khẩu trong nửa đầu năm tăng trưởng thấp nhất trong nhiều năm trở lại đây, kim ngạch xuất khẩu đạt khoảng 43,4 tỷ USD trong quý II và 82,1 tỷ USD trong 6 tháng đầu năm (tăng 5,7%). Tốc độ tăng trưởng xuất khẩu này còn khá xa do với mục tiêu 10% mà Quốc hội đề ra. Trong khi đó tăng trưởng xuất khẩu chủ yếu nhờ đóng góp của khu vực FDI.
Theo Viện kinh tế quản lý Trung ương, nợ xấu tăng nhẹ lên mức 2,62% vào cuối tháng 3. Tổng phương tiện thanh toán ước tăng 4,84% trong quý II và 8,07% trong 6 tháng đầu năm.
“Tăng trưởng quý 2 thấp hơn so với năm ngoái. Chính phủ không thay đổi mục tiêu tăng trưởng, câu hỏi đặt ra chúng ta có thể bỏ qua mục tiêu khi xu hướng tăng trưởng xu hướng đi ngang, làm cách nào”, TS Nguyễn Đình Cung cho hay.
Bức tranh kinh tế nửa đầu năm 2016 cho thấy để đạt được mục tiêu tăng trưởng cả năm 2016 rất khó. Các tổ chức nước ngoài, World Bank đều dự báo tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2016 chỉ có thể đạt khoảng 6%. Vậy tại sao Chính phủ không điều chỉnh hạ tăng trường?
TS Nguyễn Đình Cung chia sẻ: "Tôi suy nghĩ mãi Chính phủ sao không điều chỉnh mục tiêu tăng trưởng. Nhưng tôi cho rằng, nếu Chính phủ không điều chỉnh lại hay. Điều chỉnh xuống mức 5,7% đến 5,8% hay 6% để rồi cuối năm chúng ta đạt được, các Bộ, ngành ngồi vỗ tay với nhau lại vui cả làng. Còn nếu không điều chỉnh, cuối năm chúng ta sẽ có câu chuyện để mổ xẻ, tại không đạt được, nguyên nhân là chỗ nào, khách quan chủ quan ra sao. Chúng ta cần tìm kiếm cơ hội, tìm kiếm giải pháp hơn là ngồi vỗ tay".
“Không hạ mục tiêu tăng trưởng, Chính phủ làm được điều đó là đạt chứ không phải do áp lực dư luận là tìm cách điều chỉnh”, Viện trưởng CIEM khẳng định.
Đồng tính với ý kiến của TS Cung, nhiều chuyên gia cho rằng việc giữ nguyên mục tiêu tăng trưởng của Chính phủ là đúng. Chuyên gia Nguyễn Quang Thái cho biết: “Không nên điều chỉnh mục tiêu mà cái chính là nỗ lực tối đa, cải cách tối đa để nền kinh tế phát triển. Nông nghiệp tăng trưởng âm, công nghiệp giảm sút, cơ sở nền tảng của tăng trưởng rất yếu kém, thu ngân sách cần tăng thu giảm chi, phải cơ cấu lại đầu tư công, làm lại cho rõ ràng kể cả vấn đề việc làm, thu nhập…”
Theo ông Thái, bối cảnh kinh tế thế giới khó khăn chung, tăng trưởng của các nước đều giảm sút, trong khi Việt Nam vẫn mong muốn phát triển ổn định, tăng trưởng đi lên là khó.
“Tất cả các nước đều khó khăn, tính bất ổn ở Đông Âu, Brexit, khủng bố, tăng trưởng của các nước giảm sút. Nếu Việt Nam cứ tiếp tục tăng trưởng nhanh và bền vững có nên không? Cái đó cần nghĩ”, ông Thái cho hay.
Từ đầu năm đến nay, Việt Nam chịu nhiều tác động bất lợi của thời tiết, hạn hán, xâm ngập mặn, tăng trưởng đạt 5,57% cũng là một mức đạt, chuyên gia này nhận định.
Giải pháp gì?
TS Cung cho hay nhìn phía cầu cần mở rộng đầu tư, nới lỏng ngân sách, mở rộng chính sách tài khóa đồng thời phải cải thiện môi trường kinh doanh để sử dụng nguồn lực hợp lý, nâng cao năng suất, nâng cao hiệu quả cạnh tranh.
“Khu vực doanh nghiệp nói chung đặc biệt DN NN lâu nay kém hiệu quả, DN tư nhân nhìn chung còn yếu, số DN đăng kí mới tăng nhưng tâm trạng DN chưa hứng khởi, chưa có tinh thần kinh doanh sôi nổi, động lực mới”, TS Cung nhận định.
Theo ông, nền tảng kinh tế vĩ mô là câu chuyện thâm hụt ngân sách, dẫn tới yếu kém. “Nói nhiều năm rồi nó vẫn không thay đổi, mục tiêu đặt ra 4-4,5% nhưng vẫn vượt mục tiêu. Phải củng cố điều này”, Viện trưởng CIEM khẳng định.
Đồng thời vai trò của Bộ ngành trong cải thiện môi trường kinh doanh là quan trọng. TS Cung chia sẻ: “Cái mà chúng ta mong chờ là cải thiện môi trường kinh doanh, sử dụng có hiệu quả hơn các nguôn vốn để thúc đẩy tăng trưởng, đó là tăng trưởng bền vững. Chuyên gia kinh tế và báo chí có trách nhiệm nặng nề trong thức tỉnh bộ máy chuyển từ NN quản lý sở hữu sang NN kiến tạo xây dựng bộ máy”.
Nhưng, ông Cung khẳng định, vấn đề không phải là quý này quý sau mà còn nhiều năm nữa nếu không giải quyết được thì không có tốc độ tăng trưởng như mong muốn.
Ông cho rằng, Chính phủ mới đã có động thái tốt khi đã có cuộc gặp gỡ DN và có Nghị quyết 35 hỗ trợ DN, cải thiện môi trường kinh doanh cho DN, nhưng cần nhìn lại, hỗ trợ thế nào, đã thực hiện được chưa.
“Tôi có thể nói luôn là chưa, tôi quan sát thấy các Bộ, các Bộ trưởng chưa thực sự chuyển từ Nhà nước quản lý sang Nhà nước kiến tạo lấy DN làm đối tượng phục vụ, rất nhiều kêu ca của DN chưa được giải quyết ngay, để DN phản ứng, để DN chết”, TS Cung khẳng định.
Rà soát các quy định về giấy phép kinh doanh là điều kiện để cải cách, loại bỏ nhưng điều kiện kinh doanh không cần thiết để giảm rào cản, tăng sức cạnh tranh của thị trường nhưng chỉ 3 tháng cuối cùng mới bắt đầu cấp tốc thực hiện, không còn thời gian để thực hiện.
TS Cung cho rằng, giải pháp quan trọng nhất, mắt xích quan trọng nhất là sự thay đổi của các Bộ, vì các chính sách của các Bộ, ngành rất quan trọng thúc đẩy tăng trưởng bền vững.
TS Lưu Bích Hồ chia sẻ, cần mở tung ra cho doanh nghiệp tư nhân làm, tạo điều kiện cho doanh nghiệp tư nhân, đừng nặng nề về biên chế. Ở đâu có hiệu quả, ở đó có tăng trưởng. Toàn bộ máy cần phải chấn chỉnh, tại sao nói mà không làm, phải có người chịu trách nhiệm.
Bên cạnh đó cần đẩy mạnh xử lý nợ xấu triệt để, đẩy mạnh cổ phần hóa là những giải pháp các chuyên gia nhấn mạnh.(NĐH)
Thanh tra toàn diện tài nguyên và môi trường của Công ty Núi Pháo
Bộ TN&MT vừa thống nhất với đề xuất của UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ tiến hành ngay việc thanh tra toàn diện Công ty Núi Pháo trong thời gian đầu tháng 8/2016. Công tác thanh tra bao gồm một số lĩnh vực thuộc trách nhiệm quản lý của Bộ TN&MT như bảo vệ môi trường, khoáng sản, tài nguyên nước, đất đai.
Thanh tra Bộ TN&MT được giao chủ trì, phối hợp với các đơn vị liên quan xác định rõ các nội dung thanh tra và tổ chức thực hiện, đặc biệt sẽ có sự tham gia của các nhà khoa học thuộc một số lĩnh vực có liên quan đến hoạt động của Công ty. Trên cơ sở kết luận của Đoàn thanh tra, Bộ TN&MT và UBND tỉnh Thái Nguyên sẽ yêu cầu Công ty Núi Pháo thực hiện các biện pháp thích hợp nhằm phòng ngừa, giảm thiểu, xử lý, khắc phục các vấn đề môi trường do hoạt động khai thác, chế biến khoáng sản của Công ty gây ra.
Bên cạnh đó, Bộ cũng yêu cầu Công ty Núi Pháo đánh giá toàn diện tác động tới môi trường, cuộc sống của người dân do các hoạt động của Công ty gây ra, trên cơ sở đó Bộ sẽ phối hợp với UBND tỉnh Thái Nguyên xem xét phạm vi các hộ dân tại xóm 3, xóm 4 xã Hà Thượng, huyện Đại Từ có thể phải di dời; báo cáo chi tiết về quá trình thực hiện và các nội dung thay đổi về quy mô, công suất, công nghệ khai thác và chế biến (làm rõ việc tăng chủng loại và khối lượng hóa chất sử dụng) so với báo cáo đánh giá tác động môi trường đã được phê duyệt; lập Kế hoạch đầu tư, lắp đặt, vận hành hệ thống quan trắc liên tục, tự động đối với nước thải.
Để chuẩn bị cho công tác thanh tra, Bộ TN&MT đề nghị UBND tỉnh Thái Nguyên cung cấp thông tin về: kết quả thực hiện Quyết định phê duyệt Kế hoạch di dời, tái định cư đối với toàn bộ các khu vực liên quan đến dự án Núi Pháo; các thông tin, tư liệu (báo cáo, kết quả phân tích, hình ảnh,...) về các vấn đề môi trường đã xảy ra thời gian qua; việc thực hiện Báo cáo đánh giá tác động môi trường và các công trình bảo vệ môi trường của dự án Nhà máy công nghệ cao tinh luyện vonfram.
Dự án Núi Pháo do Công ty Cổ phần Tài nguyên Masan - Masan Resources sở hữu. Dự án này được cấp phép khai thác năm 2005, được kỳ vọng là dự án vonfram lớn nhất thế giới ngoài Trung Quốc. Dự án Núi Pháo có diện tích 9,21 km2 tại huyện Đại Từ, tỉnh Thái Nguyên, cách thủ đô Hà Nội 80km, cách cảng Hải Phòng 180km và cách cảng Quảng Ninh 240 km. Dự án đã nhận được khoản đầu tư hơn 130 triệu USD trước khi Masan Group mua lại.
Ngấm đòn tỷ giá, PPC lỗ 192 tỷ đồng trong quý II
Công ty Cổ phần Nhiệt điện Phả Lại (Mã: PPC - HoSE) vừa công bố Báo cáo tài chính hợp nhất quý II và 6 tháng đầu năm 2016.
Theo đó, quý II, công ty đạt doanh thu 1.517 tỷ đồng, giảm 33% so với cùng kỳ năm trước.
Lợi nhuận gộp cũng giảm tới 56%, chỉ đạt 81,8 tỷ đồng. Công ty cho biết LN gộp giảm vì sản lượng điện sản xuất và giá bán điện bình quân của công ty mẹ thấp hơn so với cùng kỳ năm trước.
Hoạt động tài chính Quý II có sự biến động mạnh do tác động của tỷ giá. Chi phí tài chính lên tới 388 tỷ đồng, trong khi cùng kỳ năm trước âm hơn 1,3 tỷ đồng. Báo cáo cho thấy trong quý II, công ty mẹ lỗ ngoại tệ 415,7 tỷ đồng (cùng kỳ năm trước lãi 31,37 tỷ đồng).
Quý II, LNST hợp nhất là âm 191,8 tỷ đồng, trong đó công ty mẹ lỗ 192 tỷ đồng.
Lũy kế 6 tháng, PPC đạt doanh thu thuần 3.222,6 tỷ đồng, LNST âm 348,7 tỷ đồng. Công ty mẹ lỗ tỷ giá 672,66 tỷ đồng.
Số dư nợ vay Hợp đồng vay dài hạn của EVN đến thời điểm 30/6 là 22,2 tỷ JPY. Công ty đã thực hiện đánh giá lại khoản nợ vay này đồng thời trích lập chi phí chênh lệch tỷ giá.
Tính đến cuối kỳ, tổng tài sản của PPC là 10.396 tỷ đồng, giảm 673 tỷ đồng trong 6 tháng. Tỷ lệ nợ/vốn chủ sở hữu là 1,28 lần.
LNST chưa phân phối cuối kỳ 649,6 tỷ đồng trên vốn điều lệ 3.262 tỷ đồng.
Đơn vị: tỷ đồng
CPI Hà Nội tiếp tục tăng
Cục thống kê TP. Hà Nội cho biết, chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tháng 7/2016 tiếp tục tăng nhẹ so tháng trước và tăng ở hầu hết các nhóm hàng (7/11 nhóm hàng có chỉ số tăng).
Trong đó, nhóm giao thông có chỉ số tăng cao nhất. Nguyên nhân khiến nhóm này tăng là do giá xăng dầu bình quân tăng (mặc dù trong tháng xăng dầu đã giảm nhưng mức giảm không đáng kể so với mức tăng nên tính bình quân giá xăng dầu vẫn tăng).
Nhóm nhà ở, điện, nước, chất đốt và VLXD tăng cao thứ 2 do miền Bắc có những đợt nắng nóng kéo dài nên sản lượng tiêu thụ điện tăng cao, thêm vào đó số lượng nhà cấp 4 cho thuê đang giảm trong khi nhu cầu tăng cao nên giá cho thuê nhà tăng nhẹ.
Nhóm hàng ăn và dịch vụ ăn uống giảm nhẹ so với tháng trước do giá lương thực thực phẩm đều có chỉ số giảm. Trong tháng, chỉ số giá vàng tăng trở lại (tăng 0,69% so tháng trước) và chỉ số giá USD cũng tăng 0,78%.
Trước đó, theo dự báo của Cục Quản lý giá (Bộ Tài chính), chỉ số giá tiêu dùng (CPI) cả nước tháng 7/2016 có thể sẽ chỉ tăng nhẹ so với tháng 6.
Theo phân tích của Cục Quản lý giá, một số yếu tố tác động gây sức ép lên mặt bằng giá tháng 7/2016 như điều kiện thời tiết, môi trường phức tạp có thể ảnh hưởng tới biến động của giá lương thực, thực phẩm (hai nhóm chiếm quyền số lớn nhất trong cơ cấu nhóm hàng tính CPI)… là nguyên nhân chủ yếu có thể gây áp lực tăng giá một số hàng hóa, dịch vụ thiết yếu.
Bên cạnh đó, giá một số nguyên liệu như trứng, đường có thể tăng do các doanh nghiệp tăng thu mua để chuẩn bị làm bánh phục vụ dịp Rằm Trung thu.
Ngoài ra, tháng 7 này cũng là tháng bắt đầu mùa mưa bão nên có thể tác động đến nguồn cung hàng hóa thiết yếu, từ đó có thể gây tăng giá hàng hóa cục bộ tại một số địa phương.
Ở chiều ngược lại, một số mặt hàng có khả năng giảm giá nhẹ trong tháng tới như: mặt hàng thóc, gạo do nguồn cung được bổ sung từ vụ thu hoạch lúa Hè Thu trong khi nhu cầu gạo cho xuất khẩu ở mức thấp; mặt hàng phân bón, vật liệu xây dựng vào thời kỳ nhu cầu sử dụng không cao....
Bên cạnh đó, việc tiếp tục tăng cường công tác quản lý giá, điều hành, bình ổn giá của các Bộ, ngành, địa phương sẽ góp phần giữ cho giá cả thị trường không xảy ra những biến động đột biến trong tháng tới.(Vinanet)