Mặc dù mới ngồi “ghế nóng” hơn 3 tháng nhưng Thống đốc Ngân hàng Nhà nước (NHNN) Lê Minh Hưng đã ghi dấu ấn của mình trong điều hành chính sách tiền tệ.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 28-07-2016
- Cập nhật : 28/07/2016
WB ký khoản vay 371 triệu USD cho Việt Nam
Dự án được ký kết giữa Thống đốc NHNN Lê Minh Hưng và Phó Chủ tịch WB khu vực Đông Á Thái Bình Dương Victoria Kwakwa trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc.
Các hiệp định cấp vốn này dành cho Khoản vay chính sách phát triển về quản lý kinh tế và năng lực cạnh tranh lần 3, Khoản vay chính sách phát triển về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh lần 1, vốn bổ sung cho dự án Cấp nước và xử lý nước thải đô thị.
Loạt dự án này cũng tạo nền tảng đối thoại điều phối chính sách giữa Chính phủ và một số đối tác phát triển và đã góp phần huy động được 1 tỉ USD từ Ngân hàng Thế giới và các đối tác nhằm cấp vốn hỗ trợ ngân sách linh hoạt, giúp đáp ứng một số nhu cầu tài khoá của Chính phủ. Khoản vay bao gồm 150 triệu USD vay của WB và 12 triệu USD viện trợ không hoàn lại của Thụy Sĩ và Canada.
Khoản vay chính sách phát triển về biến đổi khí hậu và tăng trưởng xanh trị giá 90 triệu USD. Các hoạt động chính sách trong dự án này nhắm đến mục đích tăng cường năng lực thích ứng biến đổi khí hậu vùng ven biển thông qua quản lý tổng hợp, bảo vệ nguồn nước và tăng cường tiết kiệm sử dụng nước và trồng rừng ven biển. Các chính sách này sẽ đóng góp quan trọng vào kết quả thực hiện cam kết COP21 của Việt Nam.(PLO)
Khoản bổ sung vốn cho Dự án cấp nước và xử lý nước thải đô thị gồm 50 triệu USD từ nguồn IDA và 69 triệu USD từ nguồn IBRD sẽ hỗ trợ tăng cường dịch vụ cấp thoát nước đến các hộ gia đình tại 10 TP trong cả nước. Đồng thời giúp cải thiện và xây dựng mới hệ thống thoát nước, hệ thống thu gom và xử lý nước thải tại Dĩ An, Bình Dương, mang lại lợi ích cho 380.000 dân sống tại đây.
Ngoài ra, dự án còn giúp kiểm soát ô nhiễm nước tại lưu vực sông Sài Gòn và sông Đồng Nai.
1.200 tỉ xây dựng Khu đô thị VSIP Quảng Ngãi
Khu đô thị VSIP Quảng Ngãi được xây dựng với tổng vốn đầu tư trên 1.200 tỉ đồng
Sáng 25-7, Công ty TNHH VSIP Quảng Ngãi chính thức giới thiệu dự án Khu đô thị VSIP Quảng Ngãi với số vốn đầu tư trên 1.200 tỉ đồng.
Dự án Khu đô thị VSIP Quảng Ngãi được quy hoạch xây dựng với diện tích 254,51 ha với gần 1700 căn nhà; trong đó, giai đoạn 1 (99ha) đã nhận Giấy chứng nhận đầu tư vào tháng 6-2015. Khu đô thị VSIP được xây dựng theo mô hình khu dân cư mới, phù hợp với nhu cầu được sống trong môi trường xanh sạch đẹp của người dân Quảng Ngãi với chi phí hợp lý cùng với hạ tầng kỹ thuật đô thị đồng bộ, hiện đại, nhiều tiện ích; đảm bảo không gian ở, sinh hoạt, giao tiếp cộng đồng, vui chơi giải trí và hài hòa với thiên nhiên. Khi hoàn thành, dự án dự kiến sẽ đựa vào thị trường 6.500 căn nhà nhà và thu hút khoảng 34.650 cư dân sinh sống.
Đại diện Công ty VSIP Quảng Ngãi, cho biết với thiết kế theo hình ảnh môi trường gần gũi thiên nhiên thanh bình, khu đô thị dành 15% diện tích cho cây xanh sẽ xây khu Công viên VSIP (khoảng 21.000m2 do các nhà tư vấn từ Singapore thiết kế) với triết lý lấy hình ảnh gia đình làm chủ đạo. Ngoài ra, trong khu đô thị sẽ có vườn hoa, trang thiết bị tập thể dục, đường chạy bộ, hồ bơi, trung tâm thương mại…
Hiện dự án đã được Công ty TNHH VSIP bắt đầu triển khai từ giữa tháng 2-2016 và dự kiến đến cuối năm 2016 sẽ có 24 ha thuộc giai đoạn 1 được hoàn thành về hạ tầng và các tiện ích bao gồm Khu dân cư, Công viên VSIP, Trung tâm thương mại VSIP Plaza.(NLĐ)
Quảng Ninh: 40 doanh nghiệp nợ thuế hơn 107 tỷ đồng
Cục Thuế Quảng Ninh vừa công khai danh sách các đơn vị, doanh nghiệp có số tiền thuế, tiền phạt, tiền chậm nộp còn nợ lớn, kéo dài với số tiền trên 107 tỷ đồng.
Công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế giúp giải quyết khó khăn trong việc thu hồi nợ đọng. Ảnh TH.
Trong danh sách mà Cục Thuế Quảng Ninh công bố có một số doanh nghiệp có số nợ lớn như: Công ty TNHH Quan Minh (nợ trên 13,655 tỷ đồng); Công ty CP đầu tư phát triển hạ tầng (nợ trên 10,914 tỷ đồng); Chi nhánh Công ty CP sản xuất kinh doanh XNK Prosimex tại Quảng Ninh (nợ trên 7 tỷ đồng); Chi nhánh Công ty CP SOMECO Sông Đà tại Quảng Ninh (nợ trên 5 tỷ đồng); Công ty CP Thảo Minh (nợ trên 3,7 tỷ đồng); Công ty TNHH Thương mại XNK Thế Phương (nợ trên 3,1 tỷ đồng)…
Theo đánh giá của Cục Thuế Quảng Ninh, việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ thuế đã có những tác dụng nhất định, giúp giải quyết khó khăn trong việc thu hồi nợ đọng. Điển hình vào cuối năm 2015, sau khi Cục thuế Quảng Ninh công khai danh sách 35 đơn vị nợ thuế với số tiền 306 tỷ đồng, nhiều doanh nghiệp đã ngay lập tức nộp tiền nợ thuế vào ngân sách với tổng số 277 tỷ đồng.
Thực tế cho thấy việc công khai danh sách doanh nghiệp nợ đọng thuế là giải pháp đúng và hiệu quả mà nhiều Cục Thuế tại các thành phố lớn đã áp dụng như TP. Hà Nội, TP. HCM. Đã có không ít các doanh nghiệp trong danh sách công khai nợ thuế cũng như các doanh nghiệp nằm ngoài danh sách sau khi việc công bố được thực hiện đã chủ động nộp ngay số thuế còn nợ vào ngân sách nhà nước hoặc có công văn, liên hệ trực tiếp với cơ quan thuế cam kết tiến độ nộp nợ tiền sử dụng đất, nợ thuế.
Tại Hà Nội, từ đầu năm 2016 đến nay, Cục thuế TP Hà Nội đã đăng công khai 7 đợt với 951 doanh nghiệp, dự án nợ thuế, phí và tiền sử dụng đất tương ứng số tiền hơn 1.906 tỉ đồng.
Cùng với đó, Cục thuế TP HCM đã công bố danh sách 54 doanh nghiệp còn nợ tiền thuế đợt 1-2016 với tổng số tiền gần 548 tỉ đồng, trong đó chủ yếu rơi vào doanh nghiệp ngành xây dựng, địa ốc.
Dự án 26 triệu USD của Hoa Kỳ hỗ trợ Việt Nam phòng, chống HIV
Ngày 27-7, Cơ quan Phát triển Quốc tế Hoa Kỳ (USAID) công bố một dự án mới kéo dài 5 năm, trị giá 26 triệu USD giúp tăng cường và duy trì bền vững công tác phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam.
Dự án Phòng, chống HIV bền vững từ hỗ trợ kỹ thuật (SHIFT) do tổ chức FHI 360 triển khai sẽ củng cố năng lực con người, tổ chức và các hệ thống để dẫn dắt hoạt động phòng, chống HIV trên cả nước.
Ông Michael Greene, Giám đốc USAID Việt Nam, cho biết, dự án sẽ mở rộng các dịch vụ trong toàn bộ chuỗi dịch vụ chăm sóc HIV từ chẩn đoán đến điều trị thành công tại các tỉnh có tỷ lệ nhiễm HIV cao nhằm đạt được mục tiêu “90-90-90” về phát hiện ca nhiễm, chăm sóc và điều trị HIV. “Dự án cũng sẽ cung cấp hỗ trợ kỹ thuật dựa trên nhu cầu ở cấp trung ương, cấp tỉnh và cấp huyện để xây dựng các hệ thống và dịch vụ HIV bền vững.” - ông Michael Greene,Giám đốc USAID Việt Nam nhấn mạnh.
Theo USAID, tính đến năm 2016, ước tính có 260.000 người chung sống với HIV tại Việt Nam. Trong những năm gần đây, số ca nhiễm HIV mới đã giảm. Năm 2014, Việt Nam là nước châu Á đầu tiên cam kết thực hiện các mục tiêu 90-90-90 do Chương trình phối hợp của Liên Hợp Quốc về HIV/AIDS (UNAIDS) đề ra. Theo đó, đến năm 2020, 90% số người chung sống với HIV biết tình trạng HIV của mình, 90% số người đã chẩn đoán nhiễm HIV được điều trị và 90% số người được điều trị kiểm soát được tải lượng virus HIV ở mức thấp (hay còn gọi là ức chế virus).
USAID bắt đầu hỗ trợ các chương trình phòng, chống HIV/AIDS tại Việt Nam từ giữa thập niên 90. Vào tháng 6-2004, ngân sách phòng, chống HIV/AIDS cho Việt Nam tăng lên đáng kể nhờ Kế hoạch cứu trợ khẩn cấp của Tổng thống Hoa Kỳ về phòng chống HIV/AIDS (PEPFAR). Trong khuôn khổ PEPFAR, USAID phối hợp chặt chẽ với các cơ quan khác của Chính phủ Hoa Kỳ và Chính phủ Việt Nam ở cấp trung ương, cấp tỉnh và huyện để hỗ trợ các mục tiêu được xác định trong Chiến lược Quốc gia phòng, chống HIV/AIDS của Việt Nam
Từ năm 2005, Chính phủ Hoa Kỳ thông qua chương trình PEPFAR đã hỗ trợ điều trị bằng thuốc kháng virus giúp kéo dài cuộc sống cho gần 57.000 người, chăm sóc hơn 62.000 người lớn và trẻ em trên cả nước. Chỉ tính tiêng trong năm vừa qua, các hoạt động do PEPFAR hỗ trợ đã cung cấp dịch vụ xét nghiệm HIV cho hơn 375.000 người và điều trị thay thế bằng methadone cho 25.000 người.