tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh chiều 27-07-2016

  • Cập nhật : 27/07/2016

Sắp thêm nhiều nguồn điện mới

EVN đã đạt nhiều kết quả ấn tượng trong đầu tư nguồn điện. Các tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 và Vĩnh Tân 4 đang bám sát tiến độ thi công, với mục tiêu sớm bổ sung thêm nguồn cấp điện nhằm đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế.

Tổ máy số 1 của Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 vừa thực hiện công tác đốt lò lần đầu và chuẩn bị cho công tác chạy thử nghiệm để đưa vào vận hành. Ông Đỗ Diễn Tài, Phó giám đốc Ban Quản lý Dự án Nhiệt điện 3 cho hay, công tác đốt lò lần đầu tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 ở thời điểm này có ý nghĩa hết sức quan trọng, đánh dấu mốc tiến độ mà dự án đã đạt được và mở ra một mốc tiến độ không kém phần quan trọng, đó là phát điện thương mại tổ máy số 1 Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 vào cuối năm 2016.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 do Tổng công ty Phát điện 1 (EVN GENCO1) làm chủ đầu tư, là một trong 4 nhà máy thuộc Trung tâm Điện lực Duyên Hải (tỉnh Trà Vinh), có tổng công suất đạt khoảng 4.500 MW.

nha may nhiet dien duyen hai 3

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3

Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 gồm hai tổ máy với tổng công suất lắp đặt là 1.245MW (2x622,5MW),  sản lượng điện sản xuất hàng năm khoảng 7,8 tỷ kWh. Đây là nhà máy nhiệt điện ngưng hơi truyền thống, sử dụng nhiên liệu than nhập khẩu, thông số hơi dưới tới hạn, công nghệ đốt hiện đại, đảm bảo các chỉ tiêu cao về độ sẵn sàng, tính ổn định, hiệu suất cao, an toàn và đặc biệt đảm bảo các chỉ tiêu về bảo vệ môi trường do áp dụng các thiết bị xử lý môi trường tiên tiến như hệ thống lọc bụi tĩnh điện, hệ thống khử NOx và SOx. Nhiên liệu than sẽ được vận chuyển đến nhà máy bằng phương tiện vận tải thủy có tải trọng đến 30.000DWT. Nhu cầu tiêu thụ than cho Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 khoảng 3,6 triệu tấn/năm.

Theo tiến độ đã được ký kết, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 sẽ được hoàn thành và đưa vào vận hành thương mại tổ máy số 1 trong vòng 47 tháng, tổ máy số 2 và toàn bộ nhà máy trong vòng 51 tháng kể từ khi hợp đồng có hiệu lực (tháng 11/2012). Khi đi vào vận hành, Nhà máy Nhiệt điện Duyên Hải 3 đóng vai trò quan trọng trong việc đảm bảo cấp điện cho khu vực miền Nam từ năm 2017, giảm sự phụ thuộc của hệ thống điện vào nguồn thủy điện, đặc biệt vào mùa khô và các năm cạn kiệt; giảm sản lượng điện phải truyền tải từ Bắc vào Nam; giảm tổn thất điện năng, tăng tính an toàn, ổn định, kinh tế cho hệ thống.

Cùng nhận tin vui trong tháng 7 này còn có công trình Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, khi tổ máy số 1 đã đóng nhận điện thành công máy biến áp chính để cấp điện chuẩn bị chạy thử nghiệm. Theo Ban quản lý Dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4, Dự án đạt tiến độ kế hoạch của EVN là một trong những tiền đề quan trọng để đảm bảo hoàn thành toàn bộ công trình vào đầu năm 2018.

Dự án Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 thuộc Trung tâm Điện lực Vĩnh Tân, tại xã Vĩnh Tân, huyện Tuy Phong, tỉnh Bình Thuận, do EVN làm chủ đầu tư, là một trong những dự án trọng điểm của ngành công nghiệp. Được khởi công vào ngày 9/3/2014, Dự án có quy mô 2 tổ máy, tổng công suất đạt 1200 MW. Đây sẽ là nhà máy nhiệt điện than có quy mô lớn đầu tiên sử dụng thông số siêu tới hạn (Super Critical) được xây dựng ở Việt Nam, do đơn vị tư vấn của Việt Nam chủ trì phần thiết kế, tỷ lệ nội địa hóa cao, tới gần 26%.

Theo kế hoạch, tổ máy đầu tiên của nhà máy này sẽ được đưa vào vận hành sau 46 tháng lắp đặt, xây dựng (dự kiến cuối quý IV/2017), tổ máy thứ 2 sau tổ máy thứ nhất khoảng 6 tháng (dự kiến cuối quý II/2018). Nhà máy sẽ được đấu nối với hệ thống điện quốc gia thông qua lưới điện đồng bộ 500 kV. Sau khi hoàn thành, hàng năm Nhà máy Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 sẽ cung cấp cho hệ thống điện khoảng 7,2 tỷ kWh.

Tính chung trong 6 tháng đầu năm 2016, EVN đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng trong đầu tư nguồn điện. Cụ thể, tổ máy 2 Thủy điện Lai Châu, công suất 400 MW và tổ máy 2 Thủy điện Huội Quảng, công suất 260 MW đã hòa lưới điện quốc gia. EVN cũng đã khởi công dự án Nhiệt điện Vĩnh Tân 4 mở rộng, công suất 600 MW.

Các dự án Nhiệt điện Thái Bình 1, Thủy điện Sông Bung 2, Thủy điện Trung Sơn, Thủy điện Thác Mơ mở rộng, Thủy điện Đa Nhim mở rộng mà EVN và các thành viên của mình đầu tư đều bám sát tiến độ đặt ra.

Cũng trong nửa đầu năm nay, đã có 110 công trình lưới điện từ 110 - 500 kV (bao gồm 5 công trình 500 kV, 17 công trình 220 kV và 88 công trình 110 kV) hoàn thành đầu tư bên cạnh khởi công xây dựng 72 công trình lưới điện từ 110 - 500 kV (bao gồm 1 công trình 500kV, 7 công trình 220kV và 64 công trình 110kV). Các dự án đảm bảo cấp điện miền Nam như đường dây 500 kV Duyên Hải - Mỹ Tho, trạm biến áp 500 kV Pleiku 2 nâng cao năng lực truyền tải Trung - Nam và các dự án đảm bảo cung cấp điện cho TP. Hà Nội (trạm biến áp 220kV Sơn Tây, trạm biến áp 110kV Sân bay Nội Bài) cũng đã hoàn tất đầu tư, góp phần tăng thêm mức độ ổn định trong cấp điện.(BĐT)

Phó Thủ tướng khẳng định không thể trì hoãn xây cao tốc Bắc Nam phía Đông

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng khẳng định từ nay đến năm 2020 cần đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, trong đó tập trung cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông.
tuyen cao toc bac - nam phia dong dai 1.814 km voi diem dau tai phap van (ha noi), diem cuoi tai tp can tho, trong do doan ha noi - tp hcm dai 1.624 km

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.814 km với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP Cần Thơ, trong đó đoạn Hà Nội - TP HCM dài 1.624 km

Văn phòng Chính phủ vừa có thông báo kết luận của Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng về công tác chuẩn bị đầu tư và phương án huy động vốn đầu tư đường cao tốc Bắc Nam phía Đông.

Để tạo nền tảng xây dựng đất nước sớm trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại, nâng cao năng lực cạnh tranh của các doanh nghiệp và của cả nền kinh tế, đáp ứng yêu cầu hội nhập, đòi hỏi trong giai đoạn từ nay đến năm 2020 cần đẩy mạnh phát triển hệ thống đường bộ cao tốc, trong đó tập trung cơ bản hoàn thành tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông.
Theo đó, Phó Thủ tướng  đồng ý sự cần thiết và quan điểm "không thể trì hoãn" việc thực hiện cao tốc Bắc Nam phía Đông; cần khẩn trương xây dựng phương án đầu tư và dành nguồn lực ngân sách thỏa đáng, đồng thời tạo cơ chế thích hợp để thu hút đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), trong đó vốn tham gia của nhà nước tối đa 40% tổng mức đầu tư dự án cùng với việc huy động các doanh nghiệp trong nước cần khuyến khích, ưu tiên sự tham gia của nhà đầu tư nước ngoài.

Phó Thủ tướng giao Bộ Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với các Bộ: Kế hoạch và Đầu tư, Tài chính, Xây dựng, Tài nguyên và Môi trường xây dựng Đề án phát triển đường cao tốc quốc gia, trong đó tập trung tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông, trình Thủ tướng Chính phủ trước ngày 31 tháng 8 năm 2016.

Đề này này cần lưu ý tới sự cần thiết đầu tư hệ thống đường cao tốc quốc gia nói chung và tuyến cao tốc Bắc Nam phía Đông nói riêng; đánh giá những việc làm được và chưa làm được, những khó khăn, vướng mắc trong việc thu xếp nguồn vốn đầu tư và triển khai các dự án hạ tầng giao thông; cơ chế huy động nguồn lực; cân đối nhu cầu vốn đầu tư và cơ cấu các nguồn vốn; khả năng thu xếp vốn (trái phiếu Chính phủ; ODA và vốn vay ưu đãi; vốn chủ sở hữu, vốn vay của nhà đầu tư trong và ngoài nước); cơ chế tham gia vốn của nhà nước và cơ chế quản lý, kiểm soát chất lượng của toàn dự án (nếu tách phần hỗ trợ của nhà nước thành hợp phần riêng); các cơ chế, chính sách cần thiết để thu hút nhà đầu tư và tạo thuận lợi trong triển khai thực hiện.

Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.814 km với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại TP Cần Thơ, trong đó đoạn Hà Nội - TP HCM dài 1.624 km. Hiện đã có một số đoạn ngắn được đưa vào khai thác, tổng chiều dài 171 km, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ - Ninh Bình; TP HCM - Trung Lương; TP HCM - Long Thành - Dầu Giây. Những đoạn đang triển khai thi công dài 302 km, gồm: La Sơn - Túy Loan; Đà Nẵng - Quảng Ngãi; Bến Lức - Long Thành; Trung Lương - Mỹ Thuận.

“Để thông tuyến cao tốc Bắc - Nam cần tiếp tục xây dựng 1.315 km, trong đó đoạn Hà Nội - TP HCM là 1.291 km với kinh phí  gần 236.000 tỉ đồng. Trong đó, dự kiến vốn nhà đầu tư huy động khoảng 116.430 tỉ đồng (49,34%), vốn nhà nước hỗ trợ đầu tư dự án là 119.522 tỉ đồng (50,66%). Phần vốn nhà nước dự kiến sử dụng từ nguồn trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016-2020 là 75.384 tỉ đồng và vốn ODA là 44.138 tỉ đồng.(BĐT)

Phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường

Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Đề án phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 nhằm tăng cường năng lực xử lý chất thải, kiểm soát và khắc phục ô nhiễm, nâng cao chất lượng môi trường.

Đề án trên thực hiện tại các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương với mục tiêu đến năm 2020 đáp ứng nhu cầu xử lý 70% nước thải sinh hoạt tại các khu đô thị từ loại IV trở lên; thu gom, xử lý 95% chất thải rắn tại các đô thị, 75% chất thải rắn tại khu vực nông thôn; tái sử dụng, tái chế hoặc thu hồi năng lượng, sản xuất phân bón từ ít nhất 85% chất thải rắn phát sinh; xử lý, tiêu hủy, chôn lấp an toàn sau xử lý, tiêu hủy 85% chất thải nguy hại phát sinh; xử lý được 50% tỷ lệ diện tích đất bị ô nhiễm.

Đến năm 2020 có các doanh nghiệp đủ năng lực để giải quyết các vấn đề môi trường lớn, bức xúc của đất nước bao gồm: Xử lý chất thải rắn cho các vùng kinh tế trọng điểm; cải tạo, phục hồi môi trường đối với các khu vực bị ô nhiễm môi trường nghiêm trọng, ô nhiễm hóa chất bảo vệ thực vật, dioxin; ứng phó, khắc phục sự cố môi trường; giám định về môi trường đối với máy móc, thiết bị, công nghệ, giám định thiệt hại về môi trường.

Đến năm 2030, phát triển mạng lưới doanh nghiệp dịch vụ môi trường đáp ứng 100% nhu cầu sử dụng dịch vụ môi trường ở trong nước; tiến tới mở rộng thị trường cung cấp dịch vụ môi trường sang một số nước trong khu vực.

Nghiên cứu triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm nông nghiệp

Phó Thủ tướng Vương Đình Huệ giao Bộ Tài chính nghiên cứu việc triển khai rộng rãi chính sách bảo hiểm nông nghiệp để tạo điều kiện cho ngân hàng và doanh nghiệp trong việc triển khai các dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp, đặc biệt là chính sách bảo hiểm đối với các sản phẩm nông nghiệp chủ lực.
anh minh hoa: internet

Ảnh minh họa: Internet

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn sớm sửa đổi, bổ sung quy định về thẩm quyền, trình tự, thủ tục công nhận doanh nghiệp nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao để tạo điều kiện cho việc triển khai các dự án liên kết, ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp.

Phó Thủ tướng giao UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương nghiên cứu có các giải pháp để thúc đẩy việc ký kết và đảm bảo thực hiện các hợp đồng liên kết giữa doanh nghiệp và người dân; đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến về mô hình liên kết, ứng dụng công nghệ cao phục vụ sản xuất quy mô lớn nhằm đẩy mạnh tái cơ cấu nông nghiệp của địa phương.(BĐT)

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục