Du khách Nga ồ ạt quay trở lại Việt Nam
TP.HCM mua 30.000 tấn muối 'cứu' diêm dân Cần Giờ
Dân đang chấp nhận sống với tham nhũng như “sống chung với lũ”
Vinmart+ len lỏi từng ngõ ngách, “đè chết” các cửa hàng tạp hóa nhỏ lẻ
Tân Thủ tướng chủ trì phiên họp đầu tiên của Chính phủ
Ông Cao Đức Phát sẽ rời "tư lệnh" ngành Nông nghiệp
- Cập nhật : 27/07/2016
Trong Tờ trình nhân sự Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV của Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc không có tên ông Cao Đức Phát. Ảnh quochoi.vn.
Chiều nay 27-7, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội Tờ trình dự kiến nhân sự để Quốc hội phê chuẩn các Phó Thủ tướng; Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV (2016-2021).
Ngoài sự thay đổi của Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các thành viên khác của Chính phủ nhiệm kỳ 2011-2016 được tiếp tục đề cử vào nhiệm kỳ 2016-2021 để Quốc hội phê chuẩn.
Theo thông tin trên Cổng thông tin điện tử Chính phủ, từ tháng 2-2005, ông Cao Đức Phát là Bí thư Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, thuộc Chính phủ nhiệm kỳ 2002-2007, (trước đó, từ tháng 4-2004 đến 2-2005, ông Cao Đức Phát là Thứ trưởng Thường trực, rồi quyền Bí thư Ban cán sự Đảng, quyền Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn).
Tiếp đó, trong 2 nhiệm kỳ Chính phủ liên tiếp (2007-2011 và 2011-2016) ông Cao Đức Phát tiếp tục đảm nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn.
Tại Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XII (tháng 1-2016) ông Cao Đức Phát tiếp tục được bầu vào Ban Chấp hành Trung ương Đảng. Tuy nhiên, trong cơ cấu thành viên Chính phủ nhiệm kỳ 2016-2021 do Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội xem xét phê chuẩn vào hôm nay 27-7, ông Cao Đức Phát không có tên trong danh sách này.
Trong danh sách giới thiệu của Thủ tướng có một gương mặt đáng chú ý khác là bà Nguyễn Thị Kim Tiến- Bộ trưởng Bộ Y tế nhiệm kỳ 2011-2016, tiếp tục được giới thiệu vào chức vụ Bộ trưởng Bộ Y tế. Bà Nguyễn Thị Kim Tiến là nữ thành viên duy nhất và cũng là nhân sự duy nhất không nằm trong Ban Chấp hành Trung ương Đảng Khóa XII được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc giới thiệu để Quốc hội phê chuẩn.
Trước đó, trong phần đầu chương trình làm việc buổi chiều tại hội trường Quốc hội, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã báo cáo Quốc hội việc giải trình, tiếp thu ý kiến của đại biểu về số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV. Theo Thủ tướng, hầu hết đại biểu cơ bản nhất trí với tờ trình của Thủ tướng Chính phủ. Một số kiến nghị cụ thể của đại biểu như: Đề nghị thêm 1 Phó Thủ tướng phụ trách nông nghiệp, phát triển nông thôn; ý kiến không nhất thiết có Phó Thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao... đã được Thủ tướng nghiêm túc tiếp thu, giải trình Quốc hội.
Tiếp đó, Quốc hội đã biểu quyết thông qua Nghị quyết về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội Khóa XIV với 27 thành viên gồm: Thủ tướng, 5 Phó Thủ tướng (1 Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao), 17 Bộ trưởng; 4 thủ trưởng cơ quan ngang bộ.
Danh sách các Phó Thủ tướng, bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc trình Quốc hội phê chuẩn gồm:
Phó Thủ tướng: Trương Hòa Bình
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao: Phạm Bình Minh
Phó Thủ tướng: Vương Đình Huệ
Phó Thủ tướng: Vũ Đức Đam
Phó Thủ tướng: Trịnh Đình Dũng
Các bộ trưởng, thủ trưởng cơ quan ngang bộ gồm:
1. Bộ trưởng Bộ Quốc phòng: Đại tướng Ngô Xuân Lịch
2. Bộ trưởng Bộ Công an: Thượng tướng Tô Lâm
3. Bộ trưởng Bộ Tư pháp: Lê Thành Long
4. Bộ trưởng Bộ Tài chính: Đinh Tiến Dũng
5. Bộ trưởng Bộ Công Thương: Trần Tuấn Anh
6. Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương Binh và Xã hội: Đào Ngọc Dung
7. Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải: Trương Quang Nghĩa
8. Bộ trưởng Bộ Xây dựng: Phạm Hồng Hà
9. Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông: Trương Minh Tuấn
10. Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo: Phùng Xuân Nhạ
11. Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn: Nguyễn Xuân Cường
12. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư: Nguyễn Chí Dũng
13. Bộ trưởng Bộ Nội vụ: Lê Vĩnh Tân
14. Bộ trưởng Bộ Y tế: Nguyễn Thị Kim Tiến
15. Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ: Chu Ngọc Anh
16. Bộ trưởng Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch: Nguyễn Ngọc Thiện
17. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường: Trần Hồng Hà
18. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ: Mai Tiến Dũng
19. Tổng Thanh tra Thanh tra Chính phủ: Phan Văn Sáu
20. Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam: Lê Minh Hưng
21. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc: Đỗ Văn Chiến
(Theo Báo Hải Quan)