Tháng 8 sẽ thanh tra dự án xả thải tại 23 tỉnh thành
Tính đến 15/7, bội chi ngân sách hơn 105 nghìn tỷ đồng
Nhiều nguy cơ ảnh hưởng tới đồng bằng sông Cửu Long
Tổng kiểm tra các dự án của Công ty 584
Làn sóng nhượng quyền vào Việt Nam: DN nước ngoài đang hào hứng
- Cập nhật : 28/07/2016
Theo tìm hiểu của VF Franchise Consulting, thị trường nhượng quyền thương mại của Việt Nam từ 5 năm trở lại đây rất năng động và tính đến tháng 7/2016, đã có gần 150 thương hiệu quốc tế nhượng quyền thành công.
Theo ông Sean Ngo, Tổng giám đốc điều hành, Công ty VF Franchise Consulting (Đại diện khu vực châu Á), franchising (nhượng quyền) là phương thức mở rộng kinh doanh năng động nhất hiện nay, đem lại nhiều lợi ích cho đối tác nhượng quyền và nhận quyền.
Riêng khu vực các nước khối ASEAN, dự đoán đến năm 2020 sẽ có khoảng 120 triệu người thuộc tầng lớp trung lưu và giàu có. Đây chính là khu vực kinh tế mới nổi, có tốc độ phát triển nhanh nhất thế giới. Những yếu tố trên khiến thị trường bán lẻ ASEAN nói chung và Việt Nam nói riêng trở thành tâm điểm mở rộng kinh doanh của DN đến từ châu Âu, châu Mỹ và cả châu Á.
Theo tìm hiểu của VF Franchise Consulting, thị trường nhượng quyền thương mại của Việt Nam từ 5 năm trở lại đây rất năng động và tính đến tháng 7/2016, đã có gần 150 thương hiệu quốc tế nhượng quyền thành công. Lĩnh vực chiếm ưu thế nhất là thực phẩm và đồ uống với những thương hiệu nổi tiếng thế giới như McDonald’s, Starbucks, Coffee Bean & Tea Leaf, KFC, Lotteria, Jollibee, Burger King…
Tiếp đến là lĩnh vực dịch vụ, y tế… tuy không có số lượng nhượng quyền nhiều, nhưng các lĩnh vực này đang bắt đầu thu hút sự chú ý của DN đến từ châu Âu, Hoa Kỳ, bởi các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, TP. Hồ Chí Minh đang phát triển nhanh chóng, số lượng khu dân cư, căn hộ chung cư, trung tâm mua sắm, thương mại ngày càng nhiều, kéo theo nhu cầu mua sắm, ăn uống, dịch vụ phục vụ tiêu dùng tăng vọt.
Đây sẽ là thị trường tiềm năng cho các thương vụ nhượng quyền thương mại. Và ước tính, năm 2016 này nhượng quyền thương mại tại Việt Nam sẽ tăng trưởng từ 15% - 20% về số lượng (so với năm 2015).
Hiện tại, riêng Công ty VF Franchise Consulting đang thực hiện tư vấn cho hơn 20 thương hiệu nhượng quyền đang tìm kiếm địa điểm và đối tác uy tín tại Việt Nam. Và lĩnh vực mà các DN ngoại muốn nhượng quyền cũng rất đa dạng như nhà hàng, ăn uống, chế biến thực phẩm, dịch vụ giặt là, y tế…
Tìm hiểu cặn kẽ để khởi đầu kinh doanh bằng hình thức nhượng quyền và nhận quyền thương mại, rất nhiều cá nhân muốn kinh doanh, hộ sản xuất gia đình và DN nhỏ Việt Nam đã có chung nhận định, mặc dù không được tự chủ thương hiệu của mình, nhưng đây là cách kinh doanh năng động, có sự tư vấn, hậu thuẫn tốt từ công ty chính.
Từ sự đánh giá khá chuẩn xác thị trường, khách hàng tiềm năng và xu hướng tiêu dùng mới của DN nhượng quyền, DN nhận quyền có thể giảm rủi ro thua lỗ trong quá trình kinh doanh.
Hiện tại, các DN nước ngoài đến Việt Nam tìm đối tác nhượng quyền thương mại thường yêu cầu bên nhận quyền đầu tiên là phải có vốn tối thiểu từ khoảng 100 triệu - 120 triệu đồng (khoảng 4.500USD - 5.000 USD). Thậm chí, trong một số lĩnh vực dịch vụ thông thường, vốn yêu cầu tối thiểu chỉ hơn 22 triệu đồng (1.000 USD) là có thể khởi nghiệp kinh doanh.
Trong suốt thời gian nhận quyền thương mại theo hợp đồng với công ty chính (thường từ 5 năm - 10 năm), người nhận quyền sẽ được hỗ trợ tư vấn kế hoạch kinh doanh, cách thức phát triển, mở rộng quy mô kinh doanh và cách thức hạn chế thua lỗ…
Nếu những năm trước, trên thị trường nhượng quyền thương mại chỉ xuất hiện ồ ạt những thương hiệu lớn trong lĩnh vực nhà hàng, thức ăn nhanh, quán cà phê… thì hiện tại, có rất nhiều DN trong các lĩnh vực khác như y tế, chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, làm sạch nhà cửa, dịch vụ giặt là… muốn nhượng quyền, và DN Việt Nam có rất nhiều lựa chọn.
Bà Nguyễn Phi Vân, Chủ tịch Hội đồng Quản trị Công ty Retail& Franchise nhận định, xu hướng kinh doanh nhượng quyền thương hiệu đang phát triển mạnh mẽ tại nhiều nước trong khu vực châu Á, và Việt Nam được xem là thị trường có tiềm năng rất lớn mà DN ngoại đang nhắm đến.
Ở một số nước trong khu vực ASEAN như Malaysia, Philippines hay Thái Lan… có cả chiến lược quốc gia về nhượng quyền thương mại, có sự hậu thuẫn mạnh mẽ từ Chính phủ để hỗ trợ DNNVV phát triển thương hiệu ra thị trường khu vực và thế giới.
Và làn sóng nhượng quyền thương mại đang đưa rất nhiều thương hiệu của DN ngoại từng bước mở rộng vào thị trường Việt Nam. Và tương lai rất gần, người tiêu dùng Việt Nam sống trong các khu dân cư, chung cư, căn hộ có thể dùng dịch vụ sinh hoạt ngay nơi mình ở với những thương hiệu nổi tiếng.
Thanh Trà
(Thời báo Ngân hàng)