Người trồng cây giống, cây ăn trái tại huyện Chợ Lách (Bến Tre) bị thiệt hại nặng nề do xâm nhập mặn. Một số loại cây giống mẫn cảm với nước mặn đã bị cháy lá, chết dần với mức thiệt hại ước tính hơn 30 tỷ đồng.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 26-03-2016
- Cập nhật : 26/03/2016
Đại sứ Mỹ: “Khi đánh cược vào người Việt Nam, bạn luôn thắng”
Trao đổi với chúng tôi, Đại sứ Mỹ tại Việt Nam Ted Osius bày tỏ sự tin tưởng đối với Việt Nam trong việc thực hiện các cam kết trong TPP, mặc dù điều này không dễ dàng.
Hiện các công ty của Mỹ đánh giá ra sao về Việt Nam, thưa Ngài Đại sứ ?
Triển vọng hợp tác kinh tế giữa Mỹ và Việt Nam là rất rộng lớn. Tôi đã quay trở lại Mỹ vài lần, và rất nhiều người tiếp cận tôi, bày tỏ sự quan tâm với Việt Nam.
Bất cứ công ty Mỹ nào muốn đầu tư vào Đông Nam Á cũng muốn hiện diện ở Việt Nam. Rất nhiều doanh nghiệp đang gửi câu hỏi về cho chúng tôi. Họ muốn tới đây để hiểu thêm về Việt Nam cũng như tìm kiếm cơ hội. Tôi cho rằng xu hướng này sẽ còn tiếp diễn.
Ông từng nói Mỹ sẽ trở thành nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam, nhận định này còn đúng trong tình hình hiện tại không?
Xét ở một số khía cạnh, Mỹ đã là nhà đầu tư số 1 tại Việt Nam rồi. Một số công ty như Pepsi, Coca-Cola và Intel đã đầu tư tại đây, hoặc thông qua một nước thứ ba. Nếu bạn tính cả các khoản đầu tư thông qua nước thứ ba, thì Mỹ ít nhất cũng là nhà đầu tư đứng thứ 2 hoặc 3.
Tôi không nghĩ sẽ mất nhiều thời gian để Mỹ vươn lên vị trí thứ nhất. Các công ty Mỹ không cần đến lúc TPP có hiệu lực. Họ đang đánh cược vào Việt Nam và ra quyết định đầu tư rồi.
Các công ty Mỹ quan tâm tới rất nhiều lĩnh vực tại Việt Nam như sản xuất, nông nghiệp, dịch vụ và công nghệ thông tin. Khi Việt Nam cải thiện thứ hạng trên chuỗi cung ứng, các bạn sẽ không chỉ dừng lại ở sản xuất dệt may và da giày, mà là các sản phẩm có giá trị gia tăng cao khác.
Còn những trở ngại mà Việt Nam đang gặp phải thì sao?
Có một số trở ngại. Việt Nam còn nhiều việc phải làm để đáp ứng được các cam kết trong hiệp định TPP.
Tôi đã làm việc ở đây được 20 năm. Khi đánh cược vào người Việt Nam, bạn luôn thắng, vì Việt Nam luôn quật cường trước khó khăn. Khi ký Thỏa thuận thương mại song phương với Mỹ, Việt Nam thực hiện được cam kết. Khi gia nhập WTO, Việt Nam cũng thực hiện được cam kết.
Tôi hoàn toàn tin tưởng Việt Nam sẽ thực hiện được các cam kết trong TPP. Điều này không dễ dàng, nhưng tôi đã thấy một sự quyết tâm lớn đến từ phía nước bạn để tận dụng các lợi ích của TPP và các FTA khác.
Mỹ có thể hỗ trợ gì Việt Nam trong việc vượt qua các trở ngại đó?
Đầu tiên, chúng tôi sẽ hỗ trợ về mặt kỹ thuật trong các lĩnh vực như bảo vệ quyền lợi người lao động, bảo vệ môi trường… Nhưng thế là chưa đủ.
Quan trọng nhất là các doanh nghiệp cũng phải chung tay trong quá trình này. Như tôi đã nói, đây là một tam giác: Chính phủ hai nước và cộng đồng doanh nghiệp phải cùng nỗ lực để đảm bảo Việt Nam tận dụng được hết các lợi ích từ vai trò thành viên TPP.
Các bạn không nỗ lực một mình. Cộng đồng quốc tế, đặc biệt là thành viên của TPP sẽ hỗ trợ Việt Nam. Các doanh nghiệp cũng vậy, vì chính họ là phía được hưởng lợi từ thành công của Việt Nam.
Lào xả nước đập thuỷ điện giúp Việt Nam chống hạn
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam, ông Khammany Inthirath, Bộ trưởng Bộ Năng lượng và Mỏ Lào, hôm 23/3 cho biết nước này sẽ tiến hành xả nước từ các đập thủy điện với lưu lượng khoảng 1.136 m3/s. Hoạt động diễn ra từ ngày 23/3 đến cuối tháng 5.
Cùng với lượng nước xả từ đập thủy điện của Trung Quốc và từ một số con sông khác của Thái Lan, ước tính tổng lượng nước từ sông Mekong qua Lào, Campuchia vào Việt Nam là khoảng 3.611 m3/s. Dự kiến lượng nước này tới khu vực đồng bằng sông Cửu Long vào tuần đầu tháng 4.
Trước đó, Trung Quốc cũng tuyên bố xả nước tại một đập thuỷ điện ở tỉnh Vân Nam từ giữa tháng ba tới ngày 10/4 để cứu hạn cho các nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam.
Lãnh đạo Trung Quốc và 5 nước Đông Nam Á hôm 23/3 tham gia hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất, tại Tam Á, tỉnh Hải Nam, Trung Quốc.
Tại hội nghị, các lãnh đạo nhất trí tăng cường hợp tác giữa 6 nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong, coi đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu.
Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 6 nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong - Lan Thương.
Do tác động của El Nino, lượng mưa trong khu vực giảm mạnh khoảng 20-30% so với trung bình nhiều năm, trong khi đó lượng nước sông Mekong về Việt Nam giảm 50%, dẫn đến tình trạng mặn lấn sâu vào đất liền đồng bằng sông Cửu Long. Nhiều nơi nước mặn vào sâu đất liền tới 70 - 90 km, sâu hơn trung bình nhiều năm từ 15 - 20 km, ảnh hưởng nghiêm trọng đến kinh tế và đời sống dân sinh tại khu vực.
Thêm 25 ngư dân Việt bị Malaysia bắt giữ
Nhóm tuần tra của Malaysia đã bắt giữ ba tàu, ngư cụ và hải sản trị giá 2,4 triệu Rm, tương đương gần 600 USD, New Strait Times cho hay.
Theo ông Zainol Abidin Jusoh, người đứng đầu MMEA, nhóm tuần tra trưa qua phát hiện ba tàu xâm phạm khu vực cách Kuala Terengganu khoảng 61 đến 70 hải lý. Trên tàu có ba thuyền trưởng và 22 thuyền viên, tuổi từ 26 đến 42. Họ không có giấy tờ hợp lệ.
"Các điều tra ban đầu cho thấy các thuyền viên này ở ba tàu thực hiện việc đánh cá trái phép trong vùng biển của chúng tôi", ông Zainol nói.
Những người này đang bị điều tra theo Đạo luật nghề cá năm 1985.
Vụ việc diễn ra không lâu sau khi MMEA thông báo bắt giữ 42 ngư dân Việt cùng ba tàu trong cuộc truy quét hôm 10/3 và 11/3. Địa điểm cách Tanjung Mat Amin, Kuala Terengganu khoảng 51 hải lý. Hơn 8 tấn hải sản trị giá 200.000 Rm, tương đương hơn 48.000 USD cũng bị thu giữ.
Cháy các cửa hàng người Việt ở Thái, thiệt hại hơn một triệu USD
Vụ cháy khiến 13 gia đình người Việt ở Thái Lan bị thiệt hại lớn. Ảnh: Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan
Ước tính tổng thiệt hại của 23 gian hàng của 16 hộ dân vào khoảng hai triệu USD, tính riêng các hộ người Việt mất không dưới một triệu USD, Đại sứ Việt Nam tại Thái Lan Nguyễn Tất Thành trao đổi với VnExpress sáng nay.
Ông Thành cho biết thêm hiện các thống kê thiệt hại còn có sự khác nhau, chưa có con số cuối cùng. Nơi xảy ra cháy chỉ là cửa hàng, không phải nhà ở của người dân nên may mắn không có thiệt hại về người. Đại sứ cũng lưu ý một số hộ sẽ được nhận bảo hiểm, một số khác chỉ được bảo hiểm hàng hóa vì có ít người mua bảo hiểm từ trước.
Hiện chưa có kết luận cuối cùng về nguyên nhân vụ cháy. Nhà chức trách cho rằng có thể do nổ máy biến áp, gây chập điện.
Ngay sau khi xảy ra vụ việc, đại diện Đại sứ quán Việt Nam tại Thái Lan, Tổng Lãnh sự quán Việt Nam tại Khonkaen đã gặp gỡ 13 gia đình bị nạn và làm việc với chính quyền địa phương đề nghị làm rõ nguyên nhân, hỗ trợ mọi người sớm ổn định.Theo Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, các cơ quan chức năng Thái Lan cam kết tạo điều kiện hỗ trợ tối đa cho bà con theo quy định. Trước mắt, Hội chữ thập đỏ tỉnh Udon Thani đã cấp cho mỗi gia đình 10.000 baht, tương đương khoảng 6,5 triệu đồng. Hội chữ thập đỏ huyện Kumphawapi cấp cho mỗi gia đình 3000 baht, tương đương hai triệu đồng, Hiệp hội doanh nhân Thái – Việt hỗ trợ mỗi gia đình 2000 baht, khoảng 1,3 triệu đồng.
Đại sứ Thành cho hay Đại sứ quán và Tổng lãnh sự quán cũng đang tích cực làm việc với công ty bảo hiểm để đảm bảo quyền lợi của bà con, theo dõi sát cùng chính quyền địa phương và phối hợp với cộng đồng người Việt Nam có các hình thức hỗ trợ thêm cho các gia đình.
Chính phủ yêu cầu: 18 Bộ, 50 tỉnh phớt lờ, bỏ qua
Nghị quyết của Chính phủ yêu cầu các bộ, địa phương định kỳ hàng quý báo cáo việc thực hiện cải thiện môi trường đầu tư, nhưng hầu hết đều bỏ qua, không thực hiện.
Trong báo cáo kết quả thực hiện Nghị quyết 19/NQ-CP 3 tháng đầu năm 2016, Bộ Kế hoạch và Đầu tư cho biết: Cho đến nay, Bộ Kế hoạch và Đầu tư mới nhận được báo cáo của 4 Bộ (Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Giao thông vận tải, Công an, Ngân hàng Nhà nước) và của 13 UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.
Hầu hết các bộ, cơ quan và các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương khác vẫn chưa có báo cáo kết quả 3 tháng thực hiện Nghị quyết 19.
Trong số địa phương báo cáo thì chỉ có 2 địa phương gồm Đà Nẵng, thành phố Hồ Chí Minh đạt yêu cầu.
Thực tế các bộ, địa phương không thực hiện hoặc thực hiện muộn việc báo cáo tình hình thực thi Nghị quyết 19 đã tồn tại từ lâu và Bộ Kế hoạch và Đầu tư nhiều lần báo cáo lên Thủ tướng Chính phủ.
Không những thế, trong khi Nghị quyết 19 muốn giảm thủ tục, thời gian cho doanh nghiệp. Thế nhưng, theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, lại có một số lĩnh vực tăng thêm thủ tục hoặc kéo dài thêm thời gian. Chẳng hạn thời gian cấp phép xây dựng kéo dài hơn so với trước, số lượng thủ tục đăng ký sở hữu tài sản cũng tăng lên.
Ngoài ra, Nghị quyết yêu cầu các bộ, cơ quan và địa phương rà soát các quy định về điều kiện đầu tư kinh doanh trái luật. Nhưng chỉ có Bộ Kế hoạch và Đầu tư, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đã triển khai thực hiện nội dung nói trên; còn hầu hết các bộ “quên”.
4 Bộ gồm Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, Bộ Tài chính, Bộ Xây dựng, Bộ Y tế vẫn đang tiếp tục soạn thảo, ban hành các Thông tư có nội dung trái thẩm quyền quy định về điều kiện kinh doanh.
Chẳng hạn, Bộ Tài chính ban hành Thông tư về hành nghề chứng khoán; Bộ Xây dựng ban hành Thông tư về đào tạo, bồi dưỡng kiến thức chuyên môn, nghiệp vụ quản lý vận hành nhà chung cư; Thông tư quy định việc cấp chứng chỉ hành nghề môi giới bất động sản; Bộ Y tế ban hành Thông tư về giấy phép nhập khẩu thiết bị y tế...
Bà Nguyễn Minh Thảo, Phó Trưởng ban Môi trường đầu tư kinh doanh và năng lực cạnh tranh, Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đánh giá: Có thể nói, các bộ chưa chú ý rà soát, đánh giá bãi bỏ các điều kiện kinh doanh trái thẩm quyền không phù hợp, không cần thiết. Nhiều điều kiện đầu tư kinh doanh vẫn được ban hành trái thẩm quyền hoặc hết hiệu lực nhưng vẫn đang được áp dụng.
“Vì vậy, chất lượng của hệ thống các quy định điều kiện kinh doanh về cơ bản chưa có cải thiện so với trước” – bà Nguyễn Minh Thảo nói.
Cho nên Nghị quyết 19 giao cho 10 bộ thực hiện đơn giản hóa, giảm thời gian thực hiện thủ tục này. Nhưng theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, mới chỉ có 3 bộ là Bộ Tài chính; Giao thông vận tải; Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện rốt ráo. Các bộ còn lại về cơ bản đều “bất động”.
“Những bất cập của hoạt động kiểm tra chuyên ngành đã và đang tạo gánh nặng cho doanh nghiệp, gây bất lợi đến cải thiện môi trường kinh doanh” – bà Nguyễn Minh Thảo chia sẻ.