tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh 27-03-2016

  • Cập nhật : 27/03/2016

Xuất cấp hơn 1.500 tấn gạo hỗ trợ 2 tỉnh Điện Biên và Lạng Sơn

Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) 1.544,43 tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 2 tỉnh Điện Biên và Lạng Sơn để hỗ trợ cứu đói trong thời gian giáp hạt đầu năm 2016.

Cụ thể, hỗ trợ tỉnh Điện Biên 1.220,13 tấn; tỉnh Lạng Sơn 324,3 tấn.

anh minh hoa

Ảnh minh họa

Thủ tướng yêu cầu 2 tỉnh Điện Biên và Lạng Sơn tiếp nhận và sử dụng số gạo được cấp trên để hỗ trợ kịp thời, đúng đối tượng theo quy định.

Được biết, trước đó, Thủ tướng Chính phủ cũng giao Bộ Tài chính xuất cấp (không thu tiền) hơn 7 nghìn tấn gạo từ nguồn dự trữ quốc gia cho 7 tỉnh: Ninh Thuận, Phú Yên, Đắk Lắk, Gia Lai, Thanh Hóa, Quảng Nam, Kon Tum để hỗ trợ cho nhân dân trong dịp Tết Nguyên đán Bính Thân 2016.


Thái Lan bắt 38 ngư dân Việt Nam

Thái Lan hôm qua bắt giữ 7 tàu cá cùng 38 ngư dân Việt Nam với cáo buộc "đánh bắt trái phép" ở vùng Vịnh Thái Lan. 
7 tau ca viet nam tai can cu hai quan songkhla. anh: second naval area

7 tàu cá Việt Nam tại căn cứ hải quân Songkhla. Ảnh: Second Naval Area

Bangkok Post đưa tin lực lượng hải quân từ hai tàu tuần tra bắt gặp các tàu cá Việt Nam đang đánh bắt ở đảo Koh Kra, cách bờ biển tỉnh phía nam Nakhon Si Thammarat 30 hải lý.

Các tàu thuyền và ngư dân trên bị cáo buộc "hoạt động trái phép" trong vùng biển Thái Lan và hôm nay được đưa về căn cứ hải quân Songkhla, thuộc Vùng Hải quân Số hai để giao cho cảnh sát.

Chuẩn đô đốc Sompop Suriyalankarn, phó chỉ huy Vùng Hải quân Số hai, cho hay các tàu và trực thăng của lực lượng này thường xuyên tuần tra để trấn áp các tàu thuyền nước ngoài mà Thái Lan cho rằng đánh bắt bất hợp pháp trong vùng biển nước này.

h phía nam Nakhon Si Thammarat

Vị trí tỉnh Nakhon Si Thammarat và vịnh Thái Lan. Đồ họa: Google Map

Ngày 11/9 năm ngoái, một số tàu cá của tỉnh Kiên Giang khi đang đánh cá trái phép trong vùng biển của Thái Lan từng bị tàu Thái Lan truy đuổi và sử dụng vũ khí tấn công, khiến một ngư dân Việt Nam thiệt mạng và hai ngư dân khác bị thương. Trong đó, thuyền trưởng Ngô Văn sinh bị bắn chết tại chỗ với ít nhất 3 vết đạn vào vùng đầu, mặt.

Cảnh sát biển Thái Lan cho rằng họ không biết có thương vong và rằng chỉ "tự vệ" khi tàu của họ "bị các tàu Việt Nam vây quanh". 

Bộ Ngoại giao Việt Nam sau đó đã có công hàm gửi Đại sứ quán Thái Lan tại Hà Nội bày tỏ quan ngại sâu sắc và lên án mạnh mẽ những hành vi đối xử vô nhân đạo, sử dụng hoặc đe dọa sử dụng vũ lực đối với các ngư dân Việt Nam. Giới chức Thái Lan sau đó thừa nhận lực lượng làm nhiệm vụ đã xử lý không tốt trong trường hợp trên.


Chống độc quyền giá thuốc: Khó hay dễ?

Luật Dược sửa đổi đang được Quốc hội bàn thảo cho ý kiến để thông qua. Cả năm qua, Ủy ban Về các vấn đề xã hội của Quốc hội, Đoàn đại biểu Quốc hội các địa phương cũng đã họp rất nhiều lần với các bệnh viện, các doanh nghiệp dược bàn cách nâng cao chất lượng thuốc nội địa.

Các đại biểu đặc biệt quan tâm chống độc quyền, thao túng của doanh nghiêp dược nước ngoài, cụ thể là kiểm tra tại nước ngoài về chất lượng và quản lý giá chứ không thả nổi như lâu nay. 

Các đại biểu kiến nghị rằng Luật Dược nên hạn chế tầng nấc trung gian đối với thuốc nhập khẩu để kiểm soát giá. Một thí dụ điển hình là TP.HCM có đến 2.000 công ty phân phối nên một viên thuốc ngoại về Việt Nam đã đi lòng vòng quá nhiều trung gian rồi mới đến tay người bệnh, như thế giá đẩy lên cao không có gì lạ. Rồi thậm chí đề nghị là phải ghi rõ giá thuốc bán lẻ ra thị trường trên vỏ hộp.

Có khả thi không? Nếu quy định hạn chế tầng nấc trung gian, vậy trung gian ở trong nước hay nước ngoài? Trung gian ở trong nước thì có thể khắc phục được, còn ở nước ngoài thì… có thể bó tay! Một viên thuốc muốn về Việt Nam nó cũng đi lòng vòng vài nơi, vài đại gia phân phối lớn rồi mới về chứ đâu phải đi thẳng từ nhà máy sản xuất về cảng Việt Nam.

Việc ghi giá thuốc bán lẻ trên vỏ hộp thì có khả thi nhưng điều đó là hình thức. Bởi thuốc đã được làm giá từ bên ngoài lãnh thổ Việt Nam mà cơ quan quản lý không thể biết giá xuất xưởng của nó là bao nhiêu, nó đã được làm giá lên bao nhiêu nên việc kê khai, kê khai lại giá của các nhà nhập khẩu là một hình thức. Doanh nghiệp khai bao nhiêu thì cơ quan quản lý ghi nhận bấy nhiêu. Nhiều doanh nghiệp kê khai giá nhưng khi kê khai lại giảm giá nhưng vẫn lời 10%-20% là chuyện rất bình thường. Rồi quy định thặng số bán buôn, bán lẻ nhưng cũng chẳng có ý nghĩa gì nếu không nắm được giá thuốc xuất xưởng để có khống chế.

Rồi kiểm soát bác sĩ “đi đêm” với trình dược viên để kê toa hưởng hoa hồng. Nhưng khi với thuốc Việt chưa tạo lòng tin cho bác sĩ mà bắt bác sĩ kê toa thuốc BHYT là điều “trái lương tâm”, bởi không cho bệnh nhân thuốc tốt thì đâu có hết bệnh được. Nên bác sĩ cứ kê thuốc ngoại, một mặt là để bệnh nhân yên tâm, mặt khác là… có thêm thu nhập.

Muốn chống độc quyền nâng giá, bên cạnh áp dụng các biện pháp hàng rào kỹ thuật, thuế quan thì phải bắt đầu từ chính sách phát triển công nghiệp dược Việt Nam, đó mới là lâu dài.

Nếu trong nước có nền sản xuất nguyên liệu tốt, có nghiên cứu phát triển thuốc mới, thuốc đặc trị thì thuốc nhập khẩu dù có muốn bán giá rẻ cũng chưa chắc cạnh tranh được. Đằng này chính sách phát triển công nghiệp dược trong nước chưa đi vào thực tế, công nghiệp hóa dược nhiều chuyên gia cho rằng là con số không. Có ý kiến khác thì nói ngành dược đang đi một chân vì thiếu chính sách nên mạnh ai nấy làm, không có định hướng, không đồng bộ. Nhiều nhà máy đạt chuẩn quốc tế nhưng chủ yếu sản xuất thuốc thông thường và công suất chỉ 40%-50%. Nhiều nhà máy nhưng không có nhà máy nào sản xuất thuốc biệt dược do mình tự nghiên cứu ra mà hầu như sản xuất hàng trăm mặt hàng, rồi cạnh tranh với nhau, rồi đua nhau giảm giá, như vậy chất lượng cũng giảm theo. Đây là cơ hội cho thuốc ngoại tràn vào mà chất lượng thuốc ngoại (trừ thuốc được bảo hộ sáng chế độc quyền, thuốc đặc trị) thì vẫn còn là dấu chấm hỏi.

Như ở một số nước, cơ chế độc quyền thuốc không có ý nghĩa nếu trong nước có dịch bệnh hay cần khẩn thì họ có thể sản xuất thuốc theo công thức thuốc độc quyền. Còn ở nước ta chưa có cơ chế này nên khi cần thì phải đi mua gấp mà mua gấp thì giá khỏi bàn cãi, lúc nào cũng cao ngất ngưởng, cao nhất thế giới!

Chống độc quyền giá thuốc hiện nay khó hay dễ? Thực tế hiện nay là rất khó. Do vậy, bên cạnh bàn chính sách hạn chế, kìm sự tăng giá thuốc chống độc quyền, chúng ta nên bàn sâu tìm phương pháp phát triển nền công nghiệp dược nước nhà chất lượng để bác sĩ tin, dân tin dùng…


Bổ sung 30 ha đất quân đội cho sân bay Tân Sơn Nhất

Ngày 23-3, Bộ GTVT cho biết đã ký quyết định thành lập tổ công tác liên ngành tiến hành khảo sát, nghiên cứu, lập quy hoạch và xây dựng phương án bàn giao khu đất 30 ha tại Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất (quận Tân Bình, TP.HCM).

Tổ công tác liên ngành do ông Lại Xuân Thanh, Cục trưởng Cục Hàng không Việt Nam, làm tổ trưởng cùng 15 thành viên thuộc Bộ GTVT và các đơn vị liên quan. Tổ này sẽ hoàn thiện việc khảo sát và đề nghị điều chỉnh trình Bộ GTVT và Bộ Quốc phòng xem xét thống nhất kế hoạch bàn giao khu đất 30 ha thuộc đất quốc phòng tại sân bay Tân Sơn Nhất. Ngoài ra, tổ còn được giao khảo sát, nghiên cứu phương án sử dụng, bổ sung quy hoạch hệ thống kết nối giao thông tại 30 ha đất trên.

Trước đó, Bộ Quốc phòng đã đồng ý giao đất cho Bộ GTVT nhằm mục đích mở rộng sân bay Tân Sơn Nhất.


Trưởng công an xã bị kiểm điểm vì giúp người chiếm đất

Chủ tịch UBND huyện Trần Văn Thời, tỉnh Cà Mau đã có văn bản chỉ đạo kiểm điểm trách nhiệm ông Nguyễn Hoàng Nam (trưởng công an xã Phong Lạc) vì có sai phạm trong lập thủ tục hồ sơ chuyển quyền sử dụng đất.

Trước đó, qua xác minh đơn tố cáo của bà Mạc Thi Hui (xã Phong Lạc), Công an huyện Trần Văn Thời phát hiện ông Ngô Văn Trực có hành vi giả mạo chữ ký mẹ nuôi của mình (là bà Hui) trong hồ sơ chuyển tên quyền sử dụng đất.

Cũng theo Công an huyện Trần Văn Thời, khi ông Trực đem hồ sơ công chứng thì vắng mặt bà Hui nhưng ông Nam (khi còn làm công chức địa chính - nông nghiệp - xây dựng) vẫn tiến hành thủ tục trình lãnh đạo xã ký.

Văn bản kiểm điểm cho biết: nhiệm vụ công chứng, chứng thực không phải trách nhiệm của ông Nam.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục