tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Vì sao Việt Nam rất quan trọng trong chính sách đối ngoại 2016 của Tổng thống Obama?

  • Cập nhật : 19/05/2016

(Tin kinh te)

Chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama vào cuối tháng 5 được giới chuyên gia nhận định là quan trọng nhất trong chính sách đối ngoại của ông trong năm cuối cùng tại vị Nhà Trắng. Vì sao có thể nói như vậy?

tong thong hoa ky barack obama.

Tổng thống Hoa Kỳ Barack Obama.

Lý do có thể gói gọn trong một câu khá đơn giản: Hoa Kỳ cần Việt Nam để kết nối với khu vực ASEAN và châu Á. 

Tại khu vực hiện nay, Hoa Kỳ có nhiều đồng minh lớn như Nhật Bản và Hàn Quốc. Tuy nhiên, tại khu vực Đông Nam Á, sự ảnh hưởng của Hoa Kỳ vẫn còn giới hạn do những ngăn cản từ cuộc chiến tranh Đông Dương mà Hoa Kỳ phát động trong lịch sử. Cộng vào đó, người hàng xóm lớn của Đông Nam Á là Trung Quốc đã tạo dựng một sự ảnh hưởng sâu sắc trong cả văn hóa lẫn kinh tế nhiều năm qua. Vì vậy, vị thế của Hoa Kỳ tại khu vực này đang khá mờ nhạt.

Trong khi tại nhiều khu vực khác, Hoa Kỳ đang thất thế. Sa lầy hàng thập kỷ nay tại Trung Đông dưới danh nghĩa cuộc chiến chống khủng bố, đến nay, Hoa Kỳ vẫn chưa có được chiến thắng cụ thể nào. Thậm chí, chính quyền của Tổng thống Obama đang dần phải thừa nhận những sai lầm quá khứ. Tại châu Âu, khu vực vốn dĩ là đồng minh thân thiết nhất của Hoa Kỳ cũng đang thay đổi. Cuộc khủng hoảng di cư, suy thoái kinh tế, nội chiến ở Ukraine và sự lớn mạnh của chủ nghĩa khủng bố trong lòng châu Âu  đang đẩy họ đến bờ vực của sự chia rẽ. Sự gắn kết giữa Hoa Kỳ và Liên minh châu Âu (EU) vì thế cũng trở nên rời rạc. 

Để "cứu rỗi" danh tiếng là cường quốc số 1 thế giới, Hoa Kỳ buộc phải tìm kiếm một khu vực mới và tạo tầm ảnh hưởng mới. Việc Hoa Kỳ thực hiện chính sách tái cân bằng tại châu Á – Thái Bình Dương là “sự lựa chọn gần như tốt nhất" để khẳng định Hoa Kỳ chưa bị suy yếu. Thậm chí, nếu chính sách tái cân bằng trục của chính quyền Tổng thống Barack Obama phát huy hiệu quả, Hoa Kỳ có thể không những sẽ lấy lại uy tín cho mình mà còn tìm thấy cơ hội phát triển vược bậc tại khu vực năng động nhất thế giới hiện nay.

Vào năm 2011, Tổng thống Barack Obama cùng Ngoại trưởng khi đó là bà Hillary Clinton đã công bố một chính sách đối ngoại cực kỳ quan trọng đối với Hoa Kỳ: Chuyển hướng trọng tâm của Hoa Kỳ từ vùng Trung Đông trở về khu vực châu Á – Thái Bình Dương (Chiến lược Tái cân bằng hay Xoay trục Thái Bình Dương).

Đây là một chính sách được chính quyền Tổng thống Barack Obama tuyên bố là có tầm nhìn toàn diện đối với lợi ích của Hoa Kỳ tại châu Á – Thái Bình Dương. Chính sách này có hai hướng đi song song, bao gồm quân đội Hoa Kỳ tăng cường sự hiện diện trong khu vực và sẽ tập trung vào thương mại, hợp tác, đa phương...

Tuy được tuyên bố từ năm 2011, nhưng hiệu quả của chính sách xoay trục này từ năm 2015 mới bắt đầu có những hiệu quả nhất định ở cả hai hướng nói trên. Lý do của sự trì trệ chủ yếu xuất phát từ những mâu thuẫn nội bộ trong Quốc hội Hoa Kỳ, giữa đảng Cộng hòa và đảng Dân chủ. 

Dù cả hai đảng của Hoa Kỳ đều thống nhất Hoa Kỳ có lợi ích to lớn tại khu vực, nhưng hai bên đều không thể đưa ra một quyết định chung về phương hướng tiếp cận. Thêm vào đó, hậu quả kéo dài của cuộc Suy thoái kinh tế toàn cầu năm 2008 không cho phép chính quyền Tổng thống Obama được mạnh tay trong việc thể hiện quyết tâm chính trị của mình đối với một trong những khu vực năng động nhất thế giới hiện nay.

Chính vì khả năng bị giới hạn, Hoa Kỳ buộc phải đưa ra lựa chọn trọng tâm ưu tiên đối với từng lĩnh vực cụ thể. Vì vậy, có thể thấy Hoa Kỳ đã chọn lựa các đại diện tốt nhất của khu vực, bao gồm tăng cường quan hệ với các nước đồng minh như Nhật Bản, Hàn Quốc, thúc đẩy mối quan hệ mạnh mẽ hơn nữa đối với Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN). 

Riêng đối với ASEAN, Việt Nam là một đối tác cực kỳ quan trọng mà Hoa Kỳ đã lựa chọn để làm trọng tâm ưu tiên trong chính sách đối ngoại dành cho khu vực. Có nhiều lý do để khẳng định điều này.

Xét về địa lý, Việt Nam có một vị trí chiến lược rất quan trọng. Có thể thấy trên bản đồ địa chính trị khu vực như một cầu nối hai vùng kinh tế biển và kinh tế lục địa của châu Á. Việt Nam là cửa giao thương với các nền kinh tế biển khu vực, đồng thời cũng là cửa khẩu đi vào hệ thống giao thông đường bộ trên đất liền của các quốc gia Đông Nam Á và châu Á. Sau khi chiến tranh kết thúc, cùng với công cuộc cải cách kinh tế những năm 1990, Việt Nam tích cực mở cửa giao thương với thế giới. Thành quả của hơn 30 năm đổi mới, Việt Nam đã xây dựng được một vị thế chính trị quan trọng trong khu vực và trên thế giới.

Tại châu Á, Việt Nam và khối ASEAN đang dần trở thành một tiếng nói quan trọng có tầm quyết định đối với nhiều vấn đề tầm cỡ thế giới. Cho đến nay, Việt Nam là thành viên của 63 tổ chức quốc tế và có quan hệ với hơn 500 tổ chức phi chính phủ. Về quan hệ hợp tác song phương, Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với hơn 170 quốc gia trên thế giới, mở rộng quan hệ thương mại, xuất khẩu hàng hoá tới trên 230 thị trường của các nước và vùng lãnh thổ, ký kết trên 90 Hiệp định thương mại song phương, gần 60 Hiệp định khuyến khích và bảo hộ đầu tư, 54 Hiệp định chống đánh thuế hai lần và nhiều Hiệp định hợp tác về văn hoá song phương với các nước và các tổ chức quốc tế.

Việt Nam đã có mối quan hệ tích cực với các tổ chức tài chính tiền tệ quốc tế như Ngân hàng phát triển Á Châu, Quỹ tiền tệ thế giới, Ngân hàng thế giới. Việt Nam là thành viên của Tổ chức thương mại quốc tế (WTO), Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), Khu vực thương mại tự do ASEAN (AFTA) từ 1/1/1996. Năm 1996 Việt Nam tham gia sáng lập Diễn đàn hợp tác Á - Âu (ASEM) và đến năm 1998, Việt Nam được kết nạp vào Diễn đàn hợp tác kinh tế Châu Á - Thái Bình Dương (APEC). Hiện nay, Việt Nam đang là một thành viên sáng lập của Hiệp ước Đối tác thương mại xuyên Thái Bình Dương (TPP).

Với những thành tựu nói trên, Việt Nam đóng một tiếng nói không nhỏ trong tiến trình phát triển của khu vực, ngày càng thể hiện vai trò là một nước tích cực trong các vấn đề chung trên toàn cầu. Khi cộng hưởng những lợi thế này của Việt Nam tại khu vực, Hoa Kỳ sẽ có nhiều cơ hội hơn để tiếp cận với một thị trường rộng lớn và tiềm năng trong lĩnh vực kinh tế và đi sâu hơn các lĩnh vực văn hóa – xã hội khác.

Cụ thể, chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama có nhiều mục đích lớn và thực sự có ý nghĩa quan trọng trong chính sách đối ngoại của ông trong năm cuối cùng trên ghế tổng thống.

Trước hết, chuyến thăm củng cố đà quan hệ giữa hai nước sau 20 năm bình thường hóa quan hệ, kể từ năm 1995. Đối với Hoa Kỳ, đây là cơ hội củng cố những cam kết lâu dài trong chính sách của ông tại khu vực châu Á – Thái Bình Dương. Quan trọng nhất, đây là cơ hội để hai bên tìm hiểu lẫn nhau, làm sâu sắc hơn mối quan hệ vẫn còn nhiều nghi ngại giữa người dân hai nước, tranh thủ vai trò của nhau tại các diễn đàn thế giới để cùng thúc đẩy sự phát triển về mọi mặt của cả hai quốc gia.
 

Theo Infonet

 
 
Trở về

Bài cùng chuyên mục