tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 18-05-2016

  • Cập nhật : 18/05/2016

Bất động sản Việt Nam trong top 5 khu vực châu Á

 Tại hội nghị "Thị trường BĐS 2016: Kịch bản và hành động" được tổ chức ngày 17-5 tại Hà Nội, các chuyên gia cho rằng năm 2016 vẫn là một năm tăng trưởng của thị trường BĐS.

thi truong bds se tiep tuc phat trien on dinh va duy tri toc do tang truong nhe. anh minh hoa: h.anh.

Thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng nhẹ. Ảnh minh họa: H.Anh.

Ông Vũ Văn Phấn, Phó cục trưởng Cục Quản lý nhà và thị trường bất động sản (Bộ Xây dựng) nhận định: từ cuối năm 2013 đến nay thị trường BĐS đã có dấu hiệu tích cực, lượng giao dịch ngày càng tăng, giá ổn định. Từ nay đến cuối năm, thị trường BĐS sẽ tiếp tục phát triển ổn định và duy trì tốc độ tăng trưởng nhẹ.

Ông Marc Townsend, Giám đốc Công ty CBRE Việt Nam cũng cho rằng: thị trường bất động sản nhà ở và thương mại Việt Nam đang dần hồi phục một cách rõ nét kể từ cuộc khủng hoảng tài chính thế giới năm 2008.  Hiện BĐS Việt Nam là 1 trong 5 thị trường có triển vọng tốt nhất ở khu vực châu Á. Nhiều nhóm đầu tư từ các quốc gia như Singapore, Thái Lan… đã sang Việt Nam để tìm hiểu cơ hội đầu tư. Thời gian qua, Chính phủ Việt Nam cũng đã có nhiều giải pháp tạo động lực cho các nhà đầu tư BĐS.

Đại diện CBRE cũng dự báo, Hà Nội và TP.HCM sẽ chứng kiến sự xuất hiện trở lại của các khu đô thị. Hiện nay giá bán các khu căn hộ cao cấp, giá đất tại Hà Nội và TP.HCM có sự tăng trưởng mạnh. Bên cạnh đó, BĐS văn phòng, BĐS nghỉ dưỡng vẫn sẽ sôi động và là thị trường nhận được nhiều sự quan tâm, thu hút thêm nguồn vốn đầu tư nước ngoài khi TPP có hiệu lực. 

Cũng theo ông Marc Townsend, BĐS công nghiệp cũng được kì vọng sẽ tăng trưởng mạnh mẽ khi các tập đoàn đa quốc gia mở rộng các cơ sở sản xuất ở Việt Nam để tận dụng lợi thế của hiệp định TPP và những ưu thế về giao thương khác.


Thu thuế XNK tại Tiền Giang giảm gần 60%

Theo Cục Hải quan Long An, tính từ ngày đầu năm đến ngày 11-5-2016, số thu ngân sách tại đơn vị đạt trên 694 tỉ đồng, bằng 33% dự toán thu năm 2016.

doanh nghiep lam thu tuc tai cuc hai quan long an. anh: nguyen hue

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Hải quan Long An. Ảnh: Nguyễn Huế

Trong đó, số thu trên địa bàn tỉnh Long An đạt trên 577 tỉ đồng, đạt trên 40% chỉ tiêu, tăng gần 29%; số thu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đạt trên 117 tỉ đồng, đạt 16,7% chỉ tiêu được giao, bằng 44,4%, so với cùng kì năm 2015.

Nguyên nhân khiến số thu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giảm mạnh, theo Phó Cục Hải quan Long An Nguyễn Văn Khánh, là do giá xăng dầu thế giới giảm sâu kéo theo hoạt động nhập khẩu kinh doanh xăng dầu giảm. Trong khi đó đây là nguồn thu chính trên địa bàn tỉnh Tiền Giang (năm 2015, nguồn thu từ xăng dầu chiếm 60% tổng nguồn thu trên địa bàn) nên đã ảnh hưởng rất lớn đến số thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Nhận định về tình hình thu ngân sách năm 2016, ông Khánh cho biết, tốc độ thu ngân sách trên địa bàn tỉnh Long An là khả quan, dự báo có thể hoàn thành chỉ tiêu thu theo kế hoạch, tuy nhiên tốc độ thu trên địa bàn tỉnh Tiền Giang lại đang gặp nhiều khó khăn. 

Để tháo gỡ khó khăn trên, Cục Hải quan Long An thường xuyên đôn đốc đề nghị các đơn vị hỗ trợ cho địa bàn Tiền Giang. Bên cạnh đó yêu cầu các đơn vị tích cực triển khai các giải pháp về hỗ trợ, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, chống thất thu... nỗ lực phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ thu ở mức cao nhất.


Tăng năng suất lao động là thách thức lớn của tăng trưởng kinh tế

Đó là nhận định của các chuyên gia tại hội thảo "Triển vọng kinh tế  Nam- Cơ hội nào cho DN" do Deloitte Việt Nam tổ chức tại TP.HCM ngày 17-5 

tang nang suat lao dong dang la thach thuc lon cua cac dn. anh: nguyen hue

Tăng năng suất lao động đang là thách thức lớn của các DN. Ảnh: Nguyễn Huế

Theo báo cáo Việt Nam 2035 của Ngân hàng Thế giới, đến năm 2035 Việt Nam phấn đấu trở thành quốc gia thu nhập trung bình, đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân đầu người 22.000 USD/năm. Tuy nhiên theo bà Victoria Kwa Kwa, Phó chủ tịch Ngân hàng Thế giới khu vực Đông Á và Thái Bình Dương, tốc độ tăng năng suất suy giảm đang là thách thức lớn nhất để đạt được mục tiêu này.

Theo bà Victoria Kwa Kwa, trong những năm qua, mặc dù đã Việt Nam duy trì được việc giải quyết việc làm, tăng trưởng kinh tế nhanh và công bằng nhưng tốc độ tăng trưởng đã và đang chậm lại đồng thời trở nên phụ thuộc vào vốn và lao động chứ không dựa trên tăng trưởng năng suất. Nguyên nhân là do thiếu hiệu quả cả ở khu vực công và tư nhân. Trong đó hiệu quả của khu vực nhà nước vẫn thấp do các quyết định đầu tư công thiếu hiệu quả. Các DN nhà nước vẫn là các đơn vị sản xuất sử dụng nguồn lực không năng suất.

Bên cạnh đó, hiệu quả của khu vực ngoài quốc doanh cũng đang giảm mạnh do năng suất của khu vực tư nhân trong nước cũng không cao hơn khu vực công. Nguyên nhân là do tình trạng bị thương mại hóa của thể chế Nhà nước, thiếu nền tảng thể chế của một nền kinh tế thị trường hiện đại, thị trường đất đai và thị trường vốn chưa phát triển, còn chịu ảnh hưởng bởi cách ra quyết định tùy tiện và dựa vào mối quan hệ; Năng suất lao động trong nông nghiệp còn thấp do thị trường đất đai vận hành chưa hiệu quả và gây cản trở quá trình phát triển nền nông nghiệp quy mô lớn. Nhà nước can thiệp quá nhiều làm ảnh hưởng tới thị trường. Kết nối chuỗi cung ứng giữa DN trong nước và DN FDI còn yếu cản trở chuyển giao công nghệ và kiến thức

Cùng quan điểm như trên, nguyên Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Bùi Quang Vinh cho rằng, năng suất lao động đang là vấn đề yếu của DN Việt Nam, hiện nay năng suất lao động của Việt Nam đang tụt hậu so với các nước trong khu vực. Đây cũng là nguyên nhân khiến cho dù đã có rất nhiều cố gắng nhưng nhưng xếp hạng của DN Việt Nam vẫn thấp, nhiều chỉ số vẫn bị xếp sau 5 nước ASEAN.

Phân tích về điểm yếu tăng năng suất, ông Vinh cho rằng, môi trường khởi nghiệp và sáng tạo của DN tư nhân còn chưa tốt chưa có động lực theo đuổi năng lực tăng năng suất. Hiện nay, sự minh bạch trong cơ chế, chính sách pháp luật đầu tư, kinh doanh đang là rào cản không nhỏ với DN. 

Theo ông Bùi Quang Vinh mặc dù Chính phủ đang rất nỗ lực trong việc tháo gỡ rào cản về chính sách cho DN, tuy nhiên vẫn còn khoảng cách không nhỏ từ chỉ đạo đến thực hiện. Đây là vấn đề rất nan giải hiện nay.

Khuyến nghị về chương trình cải cách nhằm đẩy mạnh tăng trưởng năng suất, bà Victoria Kwa Kwa cho rằng  trước mắt nên ưu tiên tăng năng suất ở khu vực kinh tế tư nhân trong nước, trong đó tập trung vào tăng cường các thể chế vi mô trong nền kinh tế như đảm bảo quyền đối với tài sản tư nhân, tăng cường chính sách cạnh tranh và hiệu lực thực thi. Bên cạnh đó phải tự do hóa thị trường và các yếu tố sản xuất thông qua việc phát triển thị trường đất đai, thị trường tài chính đa dạng dễ tiếp cận. Đồng thời,  cần đẩy nhanh cổ phần hóa tạo sân chơi bình đẳng cho DN tư nhân, tăng cường quản trị DN...

Ngoài ra, để đẩy mạnh tăng trưởng năng suất lao động cần tăng cường tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu trước hết tạo điều kiện để phát triển DN tư nhân trong nước năng động và có khả năng cạnh tranh cao; phát triển ngành dịch vụ hiện đại, hiệu quả, tăng cường kết nối trong nước và các đối tác thương mại. Thương mại hóa và hiện đại hóa nông nghiệp bằng việc giải quyết tình trạng manh mún đất đai thông qua thị trường đất đai. Chuyển đổi vai trò của nhà nước từ kế hoạch hóa và quản lí sang tạo điều kiện, hỗ trợ, điều tiết và điều phối...


Dự báo năm 2020 thừa trên 70.000 giáo viên

Theo PGS.TS Bùi Văn Quân, Hiệu trưởng ĐH Thủ Đô, đến năm 2020, Việt Nam có thể thừa khoảng 41.000 giáo viên tiểu học, 12.200 giáo viên THCS và 16.900 giáo viên THPT.

Tại hội thảo Đào tạo giáo viên trong trường đại học đa ngành đáp ứng yêu cầu đổi mới giáo dục, do ĐH Thủ Đô (tiền thân là Cao đẳng Sư phạm Hà Nội) tổ chức sáng 17/5 tại Hà Nội, PGS.TS Bùi Văn Quân dự báo, đến năm 2018, số sinh viên sư phạm ra trường mỗi năm (theo loại hình giáo viên) tiểu học là 19.200 người; THCS 18.700 và THPT là 23.030 giáo viên.

“Cho dù tăng số học sinh trên giáo viên bình quân lên tương đương các nước công nghiệp phát triển, tại thời điểm năm 2020, hệ thống cũng không thể tuyển dụng hết giáo viên ra trường", ông Quân cho biết.

Cũng theo ông Quân, trừ tỉnh Đắk Nông, mỗi tỉnh, thành phố hiện nay có ít nhất 1 cơ sở đào tạo giáo viên. Vùng miền núi và trung du phía Bắc có 19 cơ sở; Đồng bằng Sông Hồng 26 cơ sở; Bắc Trung Bộ và Duyên hải Nam Trung Bộ 23 cơ sở; Tây Nguyên 8 cơ sở; Đông Nam Bộ 18 cơ sở; Đồng bằng Sông Cửu Long 14 cơ sở.

Ngoài thừa về số lượng, chất lượng giáo viên cũng là câu hỏi được dư luận quan tâm.

Ông Quân cho rằng hệ thống đào tạo giáo viên bộc lộ những hạn chế cơ bản: Phát triển mạng lưới cơ sở đào tạo chưa thực sự xuất phát từ nhu cầu thực tế; Mạng lưới cơ sở đào tạo thiếu ổn định do nhiều trường cao đẳng sư phạm yếu cả về cơ sở vật chất và đội ngũ giảng viên, hoặc đổi tên để mở rộng tuyển sinh đào tạo...

Các cơ sở đào tạo giáo viên chưa gắn kết chặt chẽ với cơ sở giáo dục mầm non, phổ thông, chưa chú ý đúng mức điều kiện đảm bảo chất lượng nên phát triển thiếu bền vững, năng lực cạnh tranh thấp.

Công tác quản lý hệ thống, các quy định về tiêu chuẩn, quy trình, chuẩn mực quản lý hoạt động đào tạo, cũng như công cụ và cơ chế kiểm soát chất lượng đào tạo sư phạm còn nhiều bất cập.

Liên quan chất lượng đào tạo giáo viên, thạc sĩ Trần Thị Huệ, ĐH Thủ Đô, cho hay, sinh viên trong trường được kiến tập, thực tập 12 tuần, khoảng 5/95 tín chỉ (chiếm 5,3%). Sinh viên ĐH Sư phạm Thái Nguyên được kiến tập, thực tập 5/135 tín chỉ (3,7%). Tại ĐH Ngoại ngữ, ĐH Quốc gia Hà Nội, sinh viên chỉ thực tập, không có kiến tập trong 6 tuần, 3/131 tín chỉ (2,3%).

Trong khi đó, theo thạc sĩ Ariel Cegla, Trung tâm Đào tạo Quốc tế A. Ofri, sinh viên sư phạm nước này được thực tế tối thiểu 9 tín chỉ trong tổng số 90-96 tín chỉ, trung bình chiếm 15 tín chỉ (15,6%).

Để nâng cao chất lượng giáo viên trong thời gian tới, ông Bùi Văn Quân đưa ra giải pháp: Thiết kế cơ cấu các cơ sở đào tạo phải dựa trên dự báo nhân lực giáo dục với sự đa dạng các phương án. Xác định rõ quan điểm chấp nhận hay không chấp nhận việc thực hiện nhiệm vụ đào tạo giáo viên chỉ là một trong những nhiệm vụ của cơ sở đào tạo, kể cả các trường sư phạm truyền thống.

Đại diện ĐH Thủ Đô khẳng định quy trình đào tạo giáo viên phải được thiết kế, tổ chức gắn chặt thực tiễn đời sống học đường, đảm bảo mối quan hệ mật thiết giữa đào tạo và bồi dưỡng theo quan điểm phát triển liên tục nghề nghiệp...

Theo PGS.TS Nguyễn Mạnh An, Đại học Hồng Đức (Thanh Hóa), hiện cần có cơ chế, chính sách để thu hút được đông đảo học sinh giỏi vào các ngành sư phạm tại trường đại học địa phương.

Ông An nêu thực tế đầu vào của thí sinh trúng tuyển các trường đại học địa phương tương đối thấp, ảnh hưởng chất lượng đầu ra.

Thạc sĩ Trần Thị Huệ kiến nghị cần tăng thời gian thực tập sư phạm; Phân bổ thời gian thực tập sư phạm tại các trường phổ thông đều trong suốt quá trình học tập tại các trường sư phạm.

Hiện nay, cả nước có 108 cơ sở giáo viên mầm non và giáo viên phổ thông, bao gồm 9 trường đại học sư phạm; 1 trường đại học giáo dục; 31 khoa, ngành sư phạm trong các trường đại học đa ngành; 35 trường cao đẳng sư phạm; 19 khoa, ngành sư phạm trong các trường cao đẳng đa ngành; 3 trung cấp sư phạm và 10 trường trung cấp chuyên nghiệp.

Nhà thầu Trung Quốc trúng gói thiết bị đường sắt Việt Nam

Liên danh Công ty Hữu hạn thương mại Tam Nguyên Hà Khẩu và Công ty Hữu hạn Toa xe Trường Giang Trung Xa (Trung Quốc) vừa trúng thầu Gói thầu GS4 – Mua 500 giá chuyển hướng toa xe hàng khổ đường 1.000mm.
anh minh hoa. nguon: tuoi tre.

Ảnh minh họa. Nguồn: Tuổi trẻ.

Gói thầu nêu trên thuộc dự án Đóng mới 250 toa xe container, do Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực I (trực thuộc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam) làm bên mời thầu.
Giá gói thầu là 101,9 tỷ đồng. Giá trúng thầu là 79,5 tỷ đồng, giảm 22,4 tỷ đồng so với giá gói thầu. Hợp đồng thực hiện theo hình thức trọn gói với thời gian là 5 tháng (150 ngày), hoàn thành trong tháng 10/2016.
Theo thông tin từ bên mời thầu, dự án Đóng mới 250 toa xe container có tổng mức đầu tư là 292 tỷ đồng, chia thành 12 gói thầu (trong đó có 3 gói thầu xây lắp). Trong quá trình lựa chọn nhà thầu, có 6 nhà thầu tham gia nộp hồ sơ dự thầu, trong đó có 2 nhà thầu liên danh, bao gồm: liên danh nhà thầu nước ngoài (liên danh Công ty Hữu hạn thương mại Tam Nguyên Hà Khẩu và Công ty Hữu hạn Toa xe Trường Giang Trung Xa) và một liên danh nhà thầu giữa nhà thầu Trung Quốc và nhà thầu trong nước.
Bên mời thầu cho biết, phương thức lựa chọn nhà thầu là một giai đoạn hai túi hồ sơ. Có 4/6 nhà thầu đã vượt qua vòng đánh giá về kỹ thuật (hồ sơ dự thầu đề xuất về kỹ thuật). Tại vòng đánh giá về tài chính, liên danh Công ty Hữu hạn thương mại Tam Nguyên Hà Khẩu và Công ty Hữu hạn Toa xe Trường Giang Trung Xa có giá chào thầu thấp nhất và được lựa chọn trúng thầu. Sau khi trúng thầu, tại bước thương thảo hợp đồng, giá trúng thầu tiếp tục được giảm xuống 1% giá gói thầu. Ngày 5/5/2016, hợp đồng thực hiện Gói thầu GS4 đã được ký kết giữa bên mời thầu và nhà thầu trúng thầu.
“Để đảm bảo chất lượng của thiết bị và tiến độ thực hiện gói thầu, bên mời thầu đã đưa ra các yêu cầu về từng phần việc và tiến độ cụ thể trong hồ sơ mời thầu. Việc lựa chọn nhà thầu được thực hiện rất kỹ lưỡng, bắt đầu triển khai từ tháng 8/2015 và ký hợp đồng trao thầu cho Nhà thầu trúng thầu vào ngày 5/5/2016”, ông Thẩm Đức Thọ - cán bộ của Ban Quản lý dự án đường sắt khu vực I nhấn mạnh.
Liên quan đến việc mua sắm trang thiết bị, máy móc đường sắt, trước đó, Tổng công ty Đường sắt Việt Nam có vướng vào một vụ lùm xùm xung quanh việc đề xuất chủ trương mua tàu 164 toa xe hàng cũ của Trung Quốc đã qua sử dụng. Dự kiến, trước ngày 30/6/2016, Bộ Giao thông vận tải sẽ xem xét lại trách nhiệm của các bên trong vụ việc này.

(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục