tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 11-05-2016

  • Cập nhật : 11/05/2016

Nội bộ Mỹ chia rẽ về dỡ bỏ cấm vận vũ khí hoàn toàn cho VN

Các quan chức cấp cao của Mỹ cho biết Tổng thống Barack Obama đang cân nhắc việc dỡ bỏ lệnh cấm bán vũ khí cho Việt Nam đã kéo dài 3 thập kỷ qua.

Reuters dẫn lời các quan chức Mỹ cho biết Washington đang tranh luận trước thềm chuyến thăm chính thức của ông Obama tới Việt Nam vào cuối tháng này. 

Hiện đang có chia rẽ khá lớn giữa Bộ quốc phòng với Bộ ngoại giao và Nhà Trắng về vấn đề này. 

Một số trợ lý của Nhà Trắng và Bộ Ngoại giao Mỹ nhận định việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí sát thương cho Việt Nam có thể còn sớm.

Trong khi đó, phía bên kia, bao gồm nhiều quan chức của Lầu Năm Góc, lập luận rằng việc giúp Việt Nam tăng cường khả năng đối phó với sự trỗi dậy của Trung Quốc nên là vấn đề ưu tiên.

Phía Việt Nam từ lâu đã phản đối việc còn duy trì lệnh cấm vận vũ khí trong khi quan hệ đã tiến tới xây dựng đối tác chiến lược là "không bình thường".

Tăng cường an ninh với các nước đồng minh và đối tác là trọng tâm quan trọng trong chiến lược xoay trục ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương của Tổng thống Obama.

tong thong my barack obama sap co chuyen tham viet nam. anh: getty

Tổng thống Mỹ Barack Obama sắp có chuyến thăm Việt Nam. Ảnh: Getty

 

Một nguồn tin thân cận với Nhà Trắng cho biết yếu tố quan trọng trong quyết định của Tổng thống Obama là liệu Việt Nam có thúc đẩy các thoả thuận quốc phòng với Mỹ hay không, khi đây là một lợi ích tiềm năng cho vấn đề việc làm của Mỹ và có thể giảm bớt sự phản đối của Quốc hội Mỹ đối với lệnh cấm này.

Giới chuyên gia nhận thấy Việt Nam muốn tìm kiếm các nhà thầu quốc phòng Mỹ, nhưng Washington lại mong muốn các cam kết rõ ràng. Việt Nam có thể mua máy bay trinh sát P-3 và tên lửa của Mỹ để tăng cường năng lực hải quân và phòng vệ bờ biển. 

Tại Lầu Năm Góc, các quan chức dường như đồng thuận với quan điểm ủng hộ dỡ bỏ lệnh cấm vũ khí cho Việt Nam của Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Ash Carter.

Trước đó, tờ Diplomat của Nhật Bản từng dẫn các nguồn tin Mỹ và Việt Nam cho biết việc gỡ bỏ lệnh cấm vận đang được hai bên thảo luận và Washington có thể dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận vũ khí với Việt Nam trong chuyến thăm của ông Obama vào tháng 5. 

Ngày 3/10/2014, Bộ Ngoại giao Mỹ thông báo Washington đã dỡ bỏ một phần lệnh cấm vận vũ khí mà họ áp đặt đối với Việt Nam.

Ngày 23/2, Đô đốc Harry Harris, Tư lệnh Bộ Chỉ huy Thái Bình Dương của Mỹ, kêu gọi Washington bỏ hoàn toàn lệnh cấm vận bán vũ khí với Việt Nam. Ông Harris nhận định, đây là cơ hội chiến lược cho Mỹ và tin rằng, người Việt Nam cũng sẽ chào đón cơ hội này để hợp tác chặt chẽ hơn với Mỹ với tư cách là một đối tác an ninh.

Giới quan sát cho rằng việc dỡ bỏ hoàn toàn lệnh cấm vũ khí có thể xoá đi những vết tích còn sót lại sau Chiến tranh Việt Nam và tăng cường mối quan hệ bình thường hoá 21 năm qua.


Lạm phát năm 2016 nguy cơ tăng cao

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam dự báo mức lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%. Trong kịch bản thận trọng lạm phát vào khoảng 4,2%.

Tại lễ công bố báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam, VEPR nhấn mạnh sau khi duy trì ở mức rất thấp (0,62% trong năm 2015), lạm phát đang có xu hướng tăng cao trở lại, với tốc độ 1,25% trong quý I.

Tiến sĩ Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng VEPR, nhận định: “Tốc độ lạm phát gắn chặt với tăng trưởng kinh tế. Viễn cảnh kinh tế năm 2016 lạm phát có khả năng tăng trở lại, e ngại ở mức trên 4% do các yếu tố tác động chính là giá dầu tăng, giá lương thực, điều chỉnh giá các dịch vụ hành chính công.

Báo cáo thường niên kinh tế Việt Nam dự báo mức lạm phát chung cho cả năm 2016 sẽ ở quanh mức 5%. Trong kịch bản thận trọng lạm phát vào khoảng 4,2%.

VEPR chỉ ra do mặt bằng giá trong năm nay có thể sẽ có những diễn biến phức tạp đến từ nhiều yếu tốt ngoại sinh như thị trường nguyên liệu thô thế giới (giá dầu ngừng và có thể tăng nhẹ), biến đổi khí hậu gây xáo trộn trên thị trường lương thực, các yếu tố nội sinh như chính sách tiền tệ của Ngân hàng Nhà nước và biến động của tổng cầu không loại trừ mức lạm phát năm 2016 sẽ đạt 5,2% vượt qua mục tiêu 5% của Chính phủ.

PGS-TS Nguyễn Hồng Sơn, Hiệu trưởng trường ĐH Kinh tế, ĐH Quốc gia Hà Nội, nhấn mạnh trong quý I đã xuất hiện những yếu tố bất thường. Đó là rét đậm, rét hại ở các tỉnh phía Bắc vào đầu năm, hạn hán, xâm nhập mặn tại các tỉnh Tây Nguyên, ĐBSCL và hiện tượng cá chết hàng loạt ở các tỉnh miền Trung. Vấn đề này sẽ được thảo luận nhằm đưa ra những gợi ý chính sách giúp Việt Nam tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, tạo đà tăng trưởng bền vững.

Tình trạng nhập mặn dẫn đến nguy cơ giá các mặt hàng lương thực sẽ tăng nhiều từ nay đến cuối năm. Nhóm chuyên gia cho rằng thời gian tới giá nhiều mặt hàng nông nghiệp, thủy sản sẽ tăng giá do sự thay đổi của thời tiết, ô nhiễm môi trường tác động đến lạm phát.

Báo cáo cũng đề xuất một mô hình chính sách kiểu mới, đi liền với cải cách hệ thống hành chính công, tăng liên kết nội bộ nhằm đáp ứng yêu cầu tăng trưởng mới của Việt Nam. Để làm được điều này, Việt Nam cần một cơ chế lãnh đạo mạnh, có tầm nhìn, được hỗ trợ bởi một nhóm kỹ trị mạnh.

Nhóm nghiên cứu khẳng định năm 2016 đánh dấu mốc Việt Nam hội nhập lớn đi kèm với một giai đoạn tăng trưởng mới của nền kinh tế với nhiều khó khăn và thách thức


Thêm 3 tỉnh vào quy hoạch Vùng thủ đô

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc vừa phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch xây dựng Vùng thủ đô Hà Nội đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2050. Theo đó, phạm vi Vùng thủ đô Hà Nội gồm toàn bộ ranh giới Hà Nội và 9 tỉnh xung quanh là Vĩnh Phúc, Bắc Ninh, Hải Dương, Hưng Yên, Hà Nam, Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang.

Trong đó Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là 3 tỉnh được mở rộng so với Quyết định 490 ngày 5/5/2008. Theo quy hoạch điều chỉnh, tổng diện tích toàn vùng khoảng 24.300 km2.Với quy hoạch này, các tỉnh trong Vùng tạo thành mối liên kết với những đặc trưng và lợi thế riêng, chia sẻ chức năng, hỗ trợ phát triển để khai thác tối đa và hiệu quả các tiềm năng, động lực của địa phương trong quá trình phát triển kinh tế, xã hội.

sa ban quy hoach vung thu do. anh: nh

Sa bàn quy hoạch vùng Thủ đô. Ảnh: NH

Hà Nội, Vĩnh Phúc và Bắc Ninh là các địa phương có tốc độ và tỷ lệ đô thị hóa cao, có vị trí trung tâm của toàn Vùng. Với vai trò quan trọng trong các lĩnh vực của quốc gia, đầu não chính trị, hành chính... Hà Nội sẽ là động lực chính, đầu mối liên kết quản lý, kinh doanh, nghiên cứu và phát triển kinh tế, xã hội, tập trung hình thành các trung tâm thương mại tài chính,văn hoá - lịch sửlớn, nghiên cứu - đào tạo công nghệ cao. Mục tiêu đến năm 2030, tỷ lệ đô thị hóa của thủ đô khoảng 65-70%.

Các tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Hà Nam nằm phía đông nam đồng bằng sông Hồng có lợi thế tiếp cận cửa ngõ và hệ thống giao thông hướng biển. Tam giác kinh tế phía nam Hà Nội sẽ phát triển các dịch vụ công nghiệp - đô thị kết nối trung tâm lõi với cửa ngõ kinh tế biển; phát triển các khu công nghiệp sạch, công nghiệp hỗ trợ, thương mại, y tế, đào tạo, thể dục thể thao, chế biến nông phẩm.

Các tỉnh Hòa Bình, Phú Thọ, Thái Nguyên và Bắc Giang là cửa ngõ chuyển tiếp giữa Vùng thủ đô với trung du và miền núi phía Bắc. Trong đó, Hòa Bình đóng vai trò là vùng sinh thái, bảo vệ môi trường, đảm trách những chức năng chính về hạ tầng kỹ thuật cấp quốc gia, liên vùng. Phú Thọ phát triển du lịch văn hóa, sinh thái, di sản. Thái Nguyên phát triển y tế, giáo dục.

Bắc Giang là cửa ngõ xuất nhập khẩu, trung tâm tiếp vận - trung chuyển hàng hóa với cửa khẩu quốc tế Hữu Nghị (Lạng Sơn), phát triển du lịch, sản xuất nông lâm nghiệp chất lượng cao, là đầu mối kinh doanh - thương mại quan trọng nối với các tỉnh đông bắc và miền núi phía Bắc...

Mục tiêu của quy hoạch là đáp ứng các yêu cầu phát triển, đảm bảo phân bổ nguồn lực quốc gia có hiệu quả; hạn chế những mặt trái của quá trình đô thị hóa đến môi trường sống; đáp ứng nhu cầu xây dựng đồng bộ và hiện đại hệ thống mạng lưới hạ tầng kỹ thuật và xã hội.


Giới thiệu những thành tựu đổi mới của Việt Nam tại Pháp

Ngày 9/5, tham dự buổi tọa đàm quốc tế có tên "Reims mở cửa ra châu Á" do chính quyền thành phố Reims, thuộc vùng Alsace-Champagne-Ardenne-Lorraine (Đông Bắc nước Pháp) tổ chức, Đại sứ Việt Nam tại Pháp Nguyễn Ngọc Sơn đã có bài phát biểu giới thiệu chính sách mở cửa cùng những thành tựu to lớn của Việt Nam đạt được trong 30 năm đổi mới.

dai su nguyen ngoc son phat bieu tai toa dam. anh: bich ha - p/v ttxvn tai phap

Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn phát biểu tại tọa đàm. Ảnh: Bích Hà - P/v TTXVN tại Pháp

Buổi tọa đàm quốc tế nằm trong khuôn khổ sự kiện "Những ngày quốc tế tại Reims" diễn ra trong các ngày từ 7-9/5 gồm các hoạt động giao lưu văn hóa nghệ thuật của thành phố Reims và nhiều thành phố kết nghĩa trên thế giới, kỷ niệm 71 năm ngày chiến thắng phát xít Đức… 

Phát biểu khai mạc buổi tọa đàm, ông Arnaud Robinet, Thị trưởng thành phố Reims cho biết Reims đánh giá cao các hoạt động trao đổi kinh tế, ngôn ngữ và văn hóa với các nước châu Á. Mối quan hệ này đã được thiết lập từ nhiều năm nay với Nhật Bản và Trung Quốc, nay được mở rộng sang các nước Đông Nam Á - khu vực được đánh giá là năng động nhất thế giới về phát triển kinh tế.

Trong bài phát biểu có tựa đề "Việt Nam mở cửa ra thế giới", Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã nhắc lại bối cảnh khó khăn của đất nước những năm sau chiến tranh, cùng việc Đảng Cộng sản Việt Nam tiến hành sự nghiệp Đổi mới vào năm 1986 nhằm đưa đất nước thoát khỏi khủng hoảng và từng bước đạt được những thành tựu to lớn trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước. 

30 năm đổi mới là một giai đoạn lịch sử quan trọng, mang tầm vóc ý nghĩa cách mạng, đánh dấu sự trưởng thành về mọi mặt của Việt Nam, đưa đất nước vượt qua mọi thử thách, đạt được các thành tựu kinh tế-xã hội bền vững và ngày càng hội nhập quốc tế.

Đại sứ nhấn mạnh việc Việt Nam đã thiết lập quan hệ ngoại giao với 185 quốc gia, trong đó có 5 nước thành viên Hội đồng Bảo an Liên Hợp quốc, đồng thời là thành viên của nhiều tổ chức quốc tế như Liên hợp quốc, Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO), Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC)… 

Theo Đại sứ, đây là những cơ hội to lớn để phát triển đất nước. Liên quan đến quan hệ Việt-Pháp, Đại sứ cho biết Pháp là một trong những đối tác châu Âu quan trọng nhất của Việt Nam, là nhà tài trợ song phương lớn với 3 tỷ euro cam kết kể từ 1993. 

Quan hệ thương mại Việt-Pháp đã tăng đáng kể, đạt 4,07 tỷ euro trong năm 2015; đầu tư trực tiếp của Pháp vào Việt Nam cũng đã vượt ngưỡng 4 tỷ euro. Việt Nam và Pháp đã ký quan hệ đối tác chiến lược vào tháng 9/2013. Trong những năm qua, hai bên đã nỗ lực thúc đẩy và mở rộng hơn nữa quan hệ hợp tác nhằm cụ thể hóa nội hàm quan hệ đối tác chiến lược đó.

Trước khi diễn ra buổi tọa đàm, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn đã được Thị trưởng thành phố Reims tiếp riêng. Tại buổi tiếp, Thị trưởng Arnaud Robinet nhấn mạnh sự phát triển kinh tế của Việt Nam ngày càng thu hút sự quan tâm của chính quyền và các doanh nghiệp Pháp nói chung, chính quyền và doanh nghiệp tại thành phố Reims nói riêng.

Trao đổi với phóng viên TTXVN, ông Arnaud Robinet giải thích chủ đề của buổi tọa đàm cho thấy thành phố Reims muốn mở cửa ra thế giới, đặc biệt là châu Á, một khu vực kinh tế có sức hút do sự phát triển nhanh trong những năm qua. 

Theo ông, Việt Nam với mức tăng trưởng đạt 6,7% trong năm 2015 là một trong những nền kinh tế năng động nhất thế giới. Chính vì vậy, việc tìm hiểu kinh nghiệm phát triển và mở rộng quan hệ với Việt Nam là một trong những ưu tiên của thành phố Reims. Ông cũng tin tưởng rằng việc tăng cường hợp tác sẽ mang lại lợi ích cho cả hai phía.


Thúc đẩy ngoại giao nhân dân Việt Nam-Trung Quốc

Sáng ngày 10/5 tại Bắc Kinh, Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền nước Cộng hoà Xã hội chủ nghĩa Việt Nam tại Trung Quốc Đặng Minh Khôi đã có cuộc gặp với bà Lý Tiểu Lâm, Chủ tịch Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc.

dai su dac menh toan quyen viet nam tai trung quoc gap mat chu tich hoi huu nghi doi ngoai nhan dan trung quoc.

Đại sứ Đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại Trung Quốc gặp mặt Chủ tịch Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc.

Tại cuộc gặp, Đại sứ Đặng Minh Khôi nhấn mạnh, tình hữu nghị truyền thống Việt Nam- Trung Hoa do Chủ tịch Hồ Chí Minh và Chủ tịch Mao Trạch Đông cùng các thế hệ lãnh đạo hai nước dày công vun đắp mãi là tài sản quý báu của nhân dân hai nước. 

Đảng, Nhà nước và nhân dân Việt Nam hết sức coi trọng quan hệ láng giềng hữu nghị và hợp tác toàn diện với Đảng, Nhà nước và nhân dân Trung Quốc, đây cũng là chính sách nhất quán, lâu dài của Việt Nam. Việc củng cố tình đoàn kết hữu nghị, sự hiểu biết và giao lưu giữa nhân dân hai nước, nhất là thế hệ trẻ có vai trò hết sức quan trọng, là nền tảng cho sự phát triển của quan hệ song phương.

Đại sứ Đặng Minh Khôi đánh giá cao những đóng góp của Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc đối với quan hệ hợp tác, hữu nghị Việt Nam-Trung Quốc, đồng thời bày tỏ mong muốn thời gian tới, Hội tiếp tục phối hợp với phía Việt Nam tổ chức nhiều hoạt động có ý nghĩa, tăng cường giao lưu, hiểu biết lẫn nhau giữa nhân dân hai nước, đặc biệt là liên quan đến Biển Đông- vấn đề trở ngại chính trong quan hệ Việt Nam-Trung Quốc hiện nay, góp phần thúc đẩy quan hệ Đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc phát triển ổn định, đi vào thực chất. 

Chủ tịch Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc Lý Tiểu Lâm bày tỏ, Trung Quốc và Việt Nam là hai nước láng giềng, núi sông liền một dải, có truyền thống hữu nghị lâu đời. Hội Hữu nghị hai nước luôn duy trì quan hệ gắn bó, chỉ riêng trong năm 2015, với tư cách là Chủ tịch Hội bà Lý Tiểu Lâm đã sang thăm Việt Nam 3 lần và lưu lại nhiều ấn tượng tốt đẹp về đất nước con người Việt Nam. Dự kiến, trong năm nay, Chủ tịch Hội Hữu nghị Việt –Trung Bùi Hồng Phúc sẽ sang thăm Trung Quốc. 

Bà Lý Tiểu Lâm cũng khẳng định, Hội Hữu nghị Đối ngoại Nhân dân Trung Quốc luôn vun đắp cho mối quan hệ song phương, thể hiện qua việc tổ chức những hoạt động giao lưu có ý nghĩa như Đối thoại nhân dân..., góp phần tăng cường hiểu biết giữa nhân dân hai nước, qua đó tìm ra và kiến nghị các biện pháp hoá giải bất đồng giữa hai bên, đồng thời coi trọng giáo dục thế hệ trẻ kế thừa và phát huy truyền thống tốt đẹp.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục