Da giày “thấp thỏm” thoát khó
EVN đã hoàn thành mục tiêu chống lũ cho 4 dự án thủy điện
Quy định mới về việc cấp tín dụng hợp vốn của các TCTD đối với khách hàng
Phát huy tối đa các thế mạnh vùng
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 10-07-2016
- Cập nhật : 10/07/2016
Chính sách miễn thị thực đã thúc đẩy phát triển du lịch
Trong đó, lượng khách đến từ 5 nước Tây Âu được miễn thị thực đạt tốc độ tăng cao nhất, đặc biệt là Italy. Điều này đã khẳng định chính sách miễn thị thực là một trong những yếu tố quan trọng hàng đầu, góp phần thu hút khách quốc tế.
Sự tăng trưởng của những thị trường khách quốc tế đến từ các nước Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy đã đem đến những tín hiệu tích cực cho việc hút khách nước ngoài đến với Việt Nam trong 1 năm qua nhờ công cụ miễn thị thực. Trong khi trước đó, du lịch Việt Nam từng chứng kiến chuỗi đà suy giảm liên tiếp khách quốc tế.
Tính toàn thị trường khách quốc tế, tổng lượng khách từ 5 nước Tây Âu đạt hơn 628.000 lượt trong 10 tháng miễn thị thực, từ 1/7/2015 đến hết tháng 4/2016, tăng 15% so với cùng kỳ chưa áp dụng chính sách này trước đó. Đây là mức tăng trưởng ngoạn mục sau chuỗi 13 tháng liên tiếp tăng trưởng âm khách quốc tế. Trung bình, mỗi du khách 5 nước này chi tiêu khoảng hơn 1.300 USD, nâng mức tổng thu tăng thêm từ lượng khách này là hơn 171 triệu USD. Những con số này cho thấy, chính sách miễn thị thực nhập cảnh đã tác động tích cực tới toàn ngành du lịch.
Chính sách miễn thị thực cho 5 nước Tây Âu đã hết hạn vào ngày 30/6/2016. Hiện Chính phủ đã tiếp tục gia hạn miễn thị thực nhập cảnh cho công dân 5 nước Tây Âu bắt đầu từ ngày 1/7 nhằm tạo động lực cho "công nghiệp không khói" nước nhà có thể nâng cao tính cạnh tranh, tạo được bước chuyển mình mạnh mẽ hơn nữa. Hiện tổng lượng khách Tây Âu đến Việt Nam đứng thứ tư Đông Nam Á, Thái Lan gấp 4 lần Việt Nam về lượng khách này.(VTV)
Đề nghị bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng theo Mẫu
Các ngân hàng lo ngại việc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các dịch vụ Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán, vay vốn cá nhân mất rất nhiều thời gian, sẽ làm hạn chế cơ hội kinh doanh của họ.
Trong khi chị Nguyễn Kim Hoa (Long Biên, Hà Nội) hào hứng với việc vừa mở thẻ ghi nợ nội địa đồng thương hiệu Vietcombank-Aeon để vừa tiện nhà, vừa hưởng ưu đãi dành cho khách hàng thân thiết của AEON Việt Nam cũng như sử dụng các dịch vụ thanh toán khác thì với chị Nguyễn Phương Loan (Linh Đàm), Hà Nội thì không hẳn vậy.
“Với thu nhập còm cõi của nhân viên bán hàng mình chẳng thiết tha với thẻ ghi nợ, nhiều lúc có cho vui chứ mình biết thẻ này chính là thẻ ATM được kết nối với tài khoản lương của mình tại ngân hàng. Chỉ một lần hứng chí tiêu quá tay một chút là các cháu lại đói sữa cả tháng ấy chứ”, chị Loan tâm sự.
Câu chuyện của hai người phụ nữ cho thấy, nhu cầu sử dụng thẻ ATM là có song sự cần thiết với mỗi người lại ở góc nhìn khác, có cũng tốt, không có cũng chẳng sao.
Thế nên tới đây, khi thực hiện Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg, các ngân hàng lo ngại việc phải đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đối với các dịch vụ Phát hành thẻ ghi nợ nội địa, mở và sử dụng dịch vụ tài khoản thanh toán (áp dụng cho khách hàng cá nhân), vay vốn cá nhân (nhằm mục đích tiêu dùng) mất rất nhiều thời gian, sẽ làm hạn chế cơ hội kinh doanh của họ.
Đại diện Ngân hàng TMCP Sài Gòn (SCB) cho biết, Nghị định 99/2011/NĐ-CP quy định khi các ngân hàng gửi hồ sơ đăng ký, trường hợp hồ sơ đăng ký không đầy đủ thì cơ quan tiếp nhận (Bộ Công thương - Cục quản lý cạnh tranh) yêu cầu ngân hàng bổ sung hồ sơ, tài liệu trong vòng 5 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận.
Ngân hàng có trách nhiệm bổ sung hồ sơ, tài liệu trong vòng 3 ngày làm việc. Và trong vòng 20 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Quản lý cạnh tranh sẽ thông báo về việc chấp nhận hay không chấp nhận đăng ký hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung.
Tuy nhiên, trên thực tế, việc đăng ký còn có thể lâu hơn thế khiến các ngân hàng mất cơ hội cạnh tranh, cơ hội kinh doanh. Để minh chứng cho sự mất thời gian này, một ngân hàng cho biết, bộ hợp đồng thứ nhất, ngân hàng này đã gửi hồ sơ đăng ký lần đầu ngày 17/11/2015 nhưng nhận Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký ngày 20/11/2015 và 23/11/2015 của Cục QLCT. Theo Sổ Công văn đến, 15/01/2016 ngân hàng mới nhận được Thông báo kết quả xử lý hồ sơ của Cục QLCT.
Khi chưa hoàn thiện hồ sơ, ngân hàng đã gửi hồ sơ đăng ký lại lần 2 vào ngày 29/1/2016, đến ngày 1/2/2016 nhận Phiếu tiếp nhận hồ sơ đăng ký nhưng mãi đến ngày 31/3/2016, nghĩa là gần 2 tháng sau ngân hàng mới nhận Thông báo kết quả xử lý hồ sơ của Cục QLCT. “Thêm vào đó, khi các ngân hàng thay đổi nội dung hợp đồng theo mẫu, điều kiện giao dịch chung đều phải thực hiện đăng ký lại”, một ngân hàng cho biết thêm.
Hiệp hội Ngân hàng Việt Nam (VNB) thì cho rằng, các dịch vụ do ngân hàng cung cấp không phải là dịch vụ thiết yếu mà là những dịch vụ tài chính để nâng cao chất lượng cuộc sống người dân. Trường hợp người tiêu dùng vay vốn cá nhân vài tỷ đồng để mua xe ô tô hay mua nhà… trong thời gian 15, 20 năm cũng là vay vốn nhằm mục đích tiêu dùng và cũng không thể coi đây là dịch vụ thiết yếu.
Thứ nữa, hiện nay, có rất nhiều ngân hàng để người tiêu dùng lựa chọn. Các thông tin về sản phẩm dịch vụ (chi phí, lãi suất…) đều được niêm yết công khai.Vì vậy, NTD có thể tự do lựa chọn ngân hàng có dịch vụ phù hợp với nhu cầu của mình để giao dịch.
“Sản phẩm, dịch vụ ngân hàng rất đa dạng, nên không có mẫu hợp đồng nào chung cho tất cả các lọai sản phẩm, dịch vụ ngân hàng. Mặt khác khách hàng có quyền đề nghị sửa đổi nội dung thỏa thuận trong hợp đồng theo đúng quy định. Nếu phải đăng ký lại sẽ gây khó khăn cho khách hàng, ngân hàng mất cơ hội kinh doanh, tốn kém chi phí, rủi ro pháp lý”, VNBA cho hay.
Các chuyên gia ngân hàng thì cho biết, khi TCTD cung cấp các dịch vụ nêu trên cho khách hàng đã phải đáp ứng các điều kiện, quy định của Luật các TCTD, Luật NHNN và các quy định khác về hợp đồng trong các luật khác có liên quan như Luật Dân sự, Luật Thương mại… và quy định của NHNN về quy chế cho vay của TCTD đối với khách hàng, quy định về cho vay tiêu dùng, các quy định của NHNN về mở và sử dụng tài khoản, hoạt động thẻ…
Để thực hiện cung cấp dịch vụ cho khách hàng, mỗi TCTD cũng phải ban hành quy định, quy trình nội bộ để hướng dẫn nghiệp vụ phù hợp với quy định của Luật Các TCTD và phải tuân thủ các điều kiện chung về việc cung cấp dịch vụ và hợp đồng giao kết với khách hàng.
Việc cung ứng dịch vụ của các TCTD còn đặt dưới sự kiểm soát của Kiểm toán nội bộ, Ban kiểm soát của Hội đồng quản trị và Cơ quan thanh tra giám sát ngân hàng. VNBA đề nghị Thủ tướng Chính phủ xem xét cho phép bỏ quy định phải đăng ký hợp đồng theo Mẫu tại khoản 2 Điều 2 Quyết định số 35/2015/QĐ-TTg.(TBNH)
Hà Nội yêu cầu kiểm tra quản lý đất đai, trật tự xây dựng ở quận Hoàng Mai
UBND Hà Nội vừa yêu cầu sở, ngành liên quan, UBND quận Hoàng Mai kiểm tra thông tin Báo Nông nghiệp Việt Nam nêu về quản lý đất đai và trật tự xây dựng trên địa bàn quận Hoàng Mai.
Công văn nêu rõ, Báo Nông nghiệp Việt Nam ngày 22/6/2016 có bài: “Những chúa đất nắm giữ vài chục ngàn m2 đất công giữa Thủ đô”, nội dung phản ảnh thực tế trong nhiêu năm qua, UBND các phường thuộc quận Hoàng Mai đã tùy tiện ký hợp đồng cho thuê đất khu vực bãi sông Hồng trái thẩm quyền, quy mô diện tích hàng chục ngàn m2 với nhiều công trình xây dựng và hoạt động sản xuất kinh doanh trái phép.
Vấn đề báo nêu, Chủ tịch UBND thành phố giao Chủ tịch UBND quận Hoàng Mai chủ trì phối hợp Giám đốc các Sở: Xây dựng, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn kiểm tra, làm rõ nội dung báo nêu; xử lý nghiêm các vi phạm, báo cáo Thành ủy, UBND thành phố trước ngày 20/7/2016, đồng thời thông tin trả lời Báo Nông nghiệp Việt Nam theo quy định.
Việt Nam đạt 2.000 km cao tốc Bắc - Nam trong 4 năm tới
Đó là chỉ đạo của Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng tại cuộc họp về đề án đầu tư tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam đến năm 2020, chiều 7/7.
Báo cáo tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ Giao thông Vận tải Trương Quang Nghĩa cho biết, tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông dài 1.814 km đi theo hướng quốc lộ 1 với điểm đầu tại Pháp Vân (Hà Nội), điểm cuối tại Cần Thơ, trong đó, đoạn Hà Nội - Tp.HCM dài 1.624 km.
Hiện tại, đã có một số đoạn ngắn đã được đưa vào khai thác, dài khoảng 170 km, gồm: Pháp Vân - Cầu Giẽ; Cầu Giẽ - Ninh Bình; Tp.HCM - Trung Lương; Tp.HCM - Long Thành - Dầu Giây.
Một số đoạn đang triển khai thi công, gồm: La Sơn - Túy Loan, Đà Nẵng - Quảng Ngãi, Bến Lức - Long Thành, Trung Lương - Mỹ Thuận...
Dự kiến, những đoạn cao tốc này sẽ được kết nối với nhau tạo thành tuyến cao tốc Bắc - Nam hoàn chỉnh.
Theo Bộ trưởng Nghĩa, để hoàn thành được tuyến cao tốc này cần khoảng gần 236.000 tỷ đồng. Trong đó dự kiến vốn nhà đầu tư huy động khoảng gần 116.500 tỷ đồng (chiếm 49,34%), vốn nhà nước hỗ trợ đầu tư dự án hơn 119.500 tỷ đồng (chiếm 50,66%). Phần vốn nhà nước dự kiến sử dụng nguồn từ trái phiếu Chính phủ giai đoạn 2016 - 2020 là 75.384 tỷ đồng và vốn ODA là 44.138 tỷ đồng.
Sau khi nghe báo cáo, Phó thủ tướng Trịnh Đình Dũng nhất trí với sự cần thiết của công trình này và nhận định rằng, công trình này không thể trì hoãn bởi nó có vai trò bảo đảm cho nền tảng phát triển của đất nước theo hướng công nghiệp hóa - hiện đại hóa, nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.
Theo Phó thủ tướng, nếu hoàn thành cơ bản được tuyến cao tốc phía Đông sẽ là tiền đề để xây dựng các tuyến đường cao tốc khác, hiện thực được mục tiêu năm 2020 đạt và vượt 2.000 km cao tốc đã đề ra.
Về nguồn vốn cho dự án, Phó thủ tướng cho rằng, thời gian tới ngân sách nhà nước cần bố trí thỏa đáng để tạo “vốn mồi” thu hút các nguồn lực xã hội đầu tư cho phát triển tuyến đường cao tốc này theo hình thức PPP, trong đó bảo đảm nguồn vốn từ xã hội phải lớn hơn vốn ngân sách.
Phó thủ tướng yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải phối hợp với Bộ Tài chính tính toán để đề xuất cơ chế hỗ trợ vốn của nhà nước, bảo đảm thời gian thu phí, mức phí hợp lý, đồng thời bảo đảm sự hấp dẫn để thu hút các đầu tư trong nước và đặc biệt là nhà đầu tư nước ngoài.