tin kinh te
 
 
 
rss - tinkinhte.com

Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 06-07-2016

  • Cập nhật : 06/07/2016

Sau quả bom Brexit, Việt Nam sẽ tăng trưởng bao nhiêu?

“Chúng tôi nghĩ viễn cảnh vẫn sáng. Một khi thời tiết quay trở lại bình thường, sản xuất nông nghiệp sẽ phục hồi trở lại”, chuyên gia kinh tế đặc trách khu vực Châu Á của hãng tư vấn Capital Economics, ông Gareth Leather nhận định.

Việt Nam sẽ tăng trưởng bao nhiêu trong năm nay sẽ là câu hỏi được nhiều người quan tâm, nhất là khi kết quả tăng trưởng Quý 2 khá khiêm tốn cũng như thị trường tài chính toàn cầu đang đối mặt với những rủi ro mới sau vụ sự kiện ly hôn của Anh Quốc đối với liên minh Châu Âu.

Theo Tổng cục thống kê Việt Nam, Brexit có thể để lại những tác động nghiêm trọng trong dài hạn cho Việt Nam, bởi chỉ tính riêng 2015, giá trị xuất khẩu vào Anh Quốc đã chiếm tới 15% tổng giá trị xuất khẩu vào EU (4,65 tỉ USD).

Thêm vào đó, với hạn hán kỉ lục trong nửa đầu năm, GDP quý 2 của Việt Nam chỉ đạt 5,6%, thấp hơn đáng kể so với mức tăng trưởng cùng kì khi đạt 6,3%. Mặc dù đây là một trong những mức tăng trưởng cao nhất ở Châu Á nhưng trong chừng mực nào đó, kết quả này có thể xem là đáng thất vọng.

Nhưng cũng có những ý kiến đánh giá lạc quan về viễn cảnh của nền kinh tế trong năm nay, trả lời phỏng vấn của NDH, chuyên gia kinh tế đặc trách khu vực Châu Á của hãng tư vấn Capital Economics Ông Gareth Leather cho biết mặc dù lĩnh vực nông nghiệp suy giảm nhưng bù lại, hai lĩnh vực quan trọng khác là sản xuất và dịch vụ vẫn tăng trưởng khá mạnh trong nửa đầu năm khi tăng lần lượt 10,1% và 6,4%.

“Chúng tôi nghĩ viễn cảnh vẫn sáng. Một khi thời tiết quay trở lại bình thường, sản xuất nông nghiệp sẽ phục hồi trở lại”, chuyên gia kinh tế đặc trách khu vực Châu Á của hãng tư vấn Capital Economics, ông Gareth Leather nhận định.

Trong khi đó viễn cảnh trung hạn sẽ được hỗ trợ từ chính sách nới lỏng tiền tệ từ phía Ngân hàng Nhà nước ,giúp cho tăng trưởng tín dụng được phục hồi. Mặc dù chính sách này sẽ khiến các vấn đề trong hệ thống ngân hàng tiếp tục tồn tại nhưng chí ít, nó sẽ giúp hỗ trợ các hoạt động kinh tế trong 12- 18 tháng tới.

Chỉ số quản trị ngành sản xuất tháng 6 tiếp tục đứng ở mức cao, lên đến 52,6 và đây đã là tháng 4 liên tiếp, chỉ số này phản ánh ngảnh sản xuất tại Việt Nam tiếp tục mở rộng. “Mặc dù xuất khẩu giảm nhẹ nhưng mức tăng trưởng vẫn khá khả quan, và vượt qua các quốc gia còn lại tại Châu Á. Chi phí lao động thấp và các điều kiện kinh doanh đang cải thiện sẽ giúp Việt Nam hưởng lợi khi các nhà sản xuất đang tìm kiếm các đích đến khác thay thế cho Trung Quốc”, Capital Economics đánh giá.

Nhưng trong bối cảnh các quốc gia trong khu vực như Trung Quốc lăm le phá giá đồng nội tệ để thúc đẩy xuất khẩu, có thể Việt nam sẽ buộc phải điều chỉnh lại chính sách tiền đồng của mình. Tuy nhiên, dư địa cho chính sách này là không mạnh bởi có thể kích hoạt lạm phát vốn đang quay trở lại.

Vậy tăng trưởng trong 2016 sẽ như thế nào? “Chúng tôi kì vọng GDP của Việt nam sẽ tăng trưởng khoảng 6- 6,5% trong năm nay, và sẽ phục hồi mạnh hơn vào năm tới với mức tăng 7%”, Ông Gareth Leather nói.

Nhìn chung, thị trường tài chính trong khu vực phản ứng khá nhạy đối với sự kiện Brexit. Hầu hết các thị trường chứng khoán đều suy giảm 1% và 4% vào ngày xảy ra sự kiện với Hong Kong là thị trường tồi tệ nhất. Các đồng tiền trong khu vực cũng suy giảm, tuy không đáng kể, ngoài trừ trường hợp đồng Ringgit của Malaysia khi suy giảm tới 3,5% so với đồng USD.

Nhưng điều đáng ngại nhất lại là các quốc gia có khoản nợ ngắn hạn nước ngoài lớn như Indonesia và Malaysia và sức ép hiện tại có thể sẽ buộc đây hai ngân hàng trung ương quốc gia này thự hiện các chính sách phòng vệ tỉ giá để tránh gánh nặng nợ quá lớn, ví dụ như nâng lãi suất.

“Nhưng chúng tôi cho rằng khả năng lớn nhất là cuộc khủng hoảng hiện tại trên thị trường tài chính sẽ suy giảm nhanh. Trong trường hợp phán đoán này là sai thì với quy mô dự trữ ngoại hối lớn và cán cân tài khoản vãng lai thặng dự ở hầu hết các quốc gia Châu Á thì khu vực này có khả năng sẽ vượt qua các thách thức, thâm chí khi phải đối mặt với một cơn khủng hoảng kéo dài trên thị trường tài chính”, các chuyên gia của Capital Economics nhận định.


Hy sinh tăng trưởng để tái cấu trúc nền kinh tế

Theo Tổng cục Thống kê Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KHĐT), tổng sản phẩm trong nước (GDP) 6 tháng đầu năm 2016 ước đạt 5,52% so với cùng kỳ năm trước. Nhiều ý kiến tỏ ra nghi ngại, khi chỉ số GDP 6 tháng đầu năm thấp hơn GDP cùng kỳ năm 2015, từ nay đến cuối năm cần có những giải pháp đột phá và căn cơ nào để đạt mức tăng trưởng 6,7% như Quốc hội đã đề ra. PV Báo Lao Động đã có cuộc trao đổi với TS kinh tế Lê Đình Ân - nguyên Giám đốc Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế xã hội quốc gia (Bộ KHĐT) về vấn đề trên.

TS Lê Đình Ân cho biết: Ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản 6 tháng đầu năm giảm so với cùng kỳ năm trước chủ yếu do ngành nông nghiệp giảm 0,78%. Đây là ngành chiếm trên 75% giá trị tăng thêm khu vực 1, nên kéo chỉ số tăng trưởng xuống thấp. Ngành công nghiệp 6 tháng đầu năm 2016 cũng chỉ tăng 6,82%, trong khi cùng kỳ năm 2015 tăng trưởng tới 9,66%. Xuất khẩu cũng đóng góp lớn cho tăng trưởng kinh tế, nhưng 6 tháng đầu năm 2016 cũng chỉ bằng ½ năm 2015. Điều khiến chúng ta cần phải quan tâm, là tăng trưởng đang chậm lại. Nguyên nhân cơ bản là do 4 - 5 năm nay chúng ta hô hào “tái cấu trúc nền kinh tế”, nhưng thực ra chủ trương thì lớn nhưng chưa được triển khai bài bản, chất lượng chưa được bao nhiêu, chủ yếu là che đậy, lấp liếm các khuyết điểm yếu, chưa mổ xẻ đi vào thực chất vấn đề tái cấu trúc và tìm ra một mô hình tăng trưởng. Tăng trưởng vẫn dựa vào xuất khẩu, dựa vào FDI, nếu cái này “tịt” thì tăng trưởng lập tức giảm.

Thưa ông, các chuyên gia nông nghiệp cho rằng, trong 6 tháng qua nông nghiệp ở mức tăng trưởng âm là do các yếu tố khách quan như: Hạn hán, ngập mặn, cá chết tại 4 tỉnh miền Trung… Ông có cho rằng đó là nguyên nhân chủ yếu?

- Cần phải nói rằng, 6 tháng liền ngành nông nghiệp không tăng trưởng là hiện tượng đáng lo ngại. Vì cốt lõi của vấn đề là sẽ rất khó ổn định đời sống xã hội nếu không tăng trưởng được nông nghiệp. Các nguyên nhân nêu trên chỉ mang tính tạm thời. Cần phải thẳng thắn nhìn nhận là ngành nông nghiệp hiện nay đang rất lúng túng trong việc tìm đầu ra cho các sản phẩm. Lúa gạo và thủy sản là những sản phẩm xuất khẩu chủ lực, nhưng cũng chưa có chiến lược xuất khẩu ổn định và đầu ra rõ ràng, nên cứ động đến đâu là tắc tới đó. Chất lượng không đảm bảo, thị trường không ổn định. Thủy sản cũng như vậy, không có được chiến lược tập trung vào con gì, thị trường nào để ổn định chiến lược và đầu tư tập trung vào đó. Điều cơ bản nữa là đầu tư cho nông nghiệp quá ít, hướng đầu tư cho nông nghiệp không rõ ràng. Tôi cho rằng đưa DN vào lĩnh vực nông nghiệp để đảm bảo được sản phẩm, truy xuất nguồn gốc, tức là DN tham gia từ đầu đến cuối vào quy trình sản xuất - chế biến - xuất khẩu, tạo chuỗi giá trị bền vững và ổn định. Đây là hướng sản xuất nông nghiệp hiện đại cần thực hiện sớm chừng nào hay chừng đó. Vì nếu nông nghiệp Việt Nam còn phát triển theo kiểu 95% sản xuất tư nhân thì không thể phát triển được.

Nhiều ý kiến cho rằng, để đạt được mức tăng trưởng GDP 6,7%, trong 6 tháng cuối năm các ngành cần dốc toàn lực đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, trong đó phải đặc biệt tập trung đẩy mạnh vụ hè thu và vụ 3 tại khu vực ĐBSCL. Ngoài ra, khai thác dầu thô cũng phải tăng vượt 2 triệu tấn so với kế hoạch đặt ra là 14,2 triệu tấn…?

- Tôi không hoàn toàn đồng tình với giải pháp khai thác dầu để bù vào phần GDP thiếu hụt! Từ trước đến nay, cách làm này như “lối mòn” lặp đi lặp lại. Những giải pháp nêu trên chỉ đạt được ý nghĩa là “làm đẹp con số”, không giải quyết được vấn đề cốt lõi. Chưa kể đến, trước đây giá dầu thô cao, trữ lượng các mỏ đang dồi dào, kỹ thuật khai thác tốt, thì tăng cường khai thác dầu thô là giải pháp tốt. Nhưng nay giá dầu thế giới đã giảm chỉ còn một nửa, các mỏ đã cạn dần tài nguyên, muốn khai thác đạt hiệu suất cao sẽ phải đầu tư vốn, nâng cao kỹ thuật, công nghệ khai thác hiện đại rất tốn kém, trong khi đó, tại thời điểm này, đầu tư lãng phí là điều tối kỵ. Tôi cho rằng, mức tăng trưởng GDP từ 6,3 - 6,5% như hiện nay đã là rất tốt. Tại thời điểm này, không phải là thời điểm thích hợp để bằng mọi giá đẩy GDP lên cao hơn nữa, mà quan trọng nhất là phải cái cấu trúc nền kinh tế. Chúng ta phải dũng cảm hy sinh tăng trưởng để tập trung tái cấu trúc nền kinh tế, xây dựng mô hình tăng trưởng tập trung, hợp lý và bền vững.

Để tăng trưởng, chúng ta cần tập trung giải ngân vốn trong nước, vốn ODA, vốn FDI. Muốn vậy phải cải cách thủ tục hành chính, tạo nguồn lực cho xã hội. Thứ ba, phải đẩy mạnh xuất khẩu, khẩn trương tìm thị trường ổn định, bền vững. Để hỗ trợ xuất khẩu, có thể nghiên cứu khả năng “phá giá” đồng Việt Nam, tức là tăng biên độ tỉ giá VND và USD khoảng 2 - 3%. Trong tình hình hiện nay, điều này là phù hợp và nên làm.

Có ý kiến cho rằng, một phần tăng trưởng chậm lại là do cơ cấu thu/chi ngân sách hiện nay chưa phù hợp. Để đạt được mức tăng trưởng GDP bền vững, cần những giải pháp căn cơ nào, thưa ông?

- Đúng vậy, nguồn thu ngân sách đã ít, mà cơ cấu thu không phù hợp. Ví dụ, các địa phương năm nào cũng vượt, mà vượt rất cao là do được giao chỉ tiêu thấp, chưa sát thực tế. Trong khi đó xuất khẩu đã ít nhưng lại dồn tập trung vào thu xuất khẩu, năm sau thu cao hơn năm trước. Cơ cấu chi hiện nay cũng bất hợp lý, làm không đủ ăn, thu không đủ chi.

Để đạt mức tăng trưởng, chúng ta cần xem lại nhiều vấn đề, trong đó bao gồm vấn đề tổ chức, cơ cấu nhân sự. Bộ máy của chúng ta đang phình ra quá mức. Năm nào cũng nói phải tinh giản biên chế, nhưng thực tế tinh giản được bao nhiêu? Giải pháp mỗi năm giảm theo tỉ lệ % là chưa hợp lý. Mà phải rà soát lại các bộ máy, giảm bớt cơ cấu tổ chức, ví như các bộ phận chức năng như: Thi đua khen thưởng, pháp chế, tổ chức… thì không cần phải tổ chức thành cục, vụ, mà chỉ cần thành lập phòng là đủ. Mặt khác, cần tăng thu, không thể để nợ công ở mức 83 nghìn tỉ, mà nợ thuế lên đến 30 nghìn tỉ. Ngoài ra, cần giảm chi triệt để, tuyệt đối hạn chế các lễ hội, khai trương, xây dựng trụ sở, mua sắm công…(LĐ)


NFSC: Nếu GDP năm 2016 tăng 6,5%, bội chi ngân sách sẽ vượt 0,5% dự toán

Theo Ủy ban Giám sát Tài chính Quốc gia (NFSC), mức thâm hụt ngân sách năm nay có thể nằm trong dự toán, nhưng nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế thấp hơn kế hoạch, tỷ lệ bội chi/GDP sẽ vượt dự toán.

Theo phân tích của NFSC, tình hình thu ngân sách nhà nước trong nửa đầu của năm 2016 khó khăn hơn so với cùng kỳ năm trước do: (i) tốc độ tăng thu nội địa đạt 13,8%, thấp hơn so với mức 18,6% của cùng kỳ 2015 và 19,9% của năm 2014; (ii) giá dầu thanh toán bình quân ở mức 39,8 USD/thùng, thấp hơn so với giá xây dựng dự toán (60 USD/thùng), khiến thu từ dầu thô giảm 44,8%; (iii) thu từ hoạt động sản xuất kinh doanh giảm 2,2%.

Trong khi đó, chi thường xuyên tăng 5%, chi đầu tư phát triển tăng 4,6%, chi trả nợ và viện trợ tăng 5,2% so với cùng kỳ. Tuy nhiên, tốc độ tăng chi ngân sách (ở mức 4,9%) chậm hơn so với tốc độ tăng thu (ở mức 6,1%), theo đó làm giảm bớt áp lực đối với cán cân ngân sách. Bội chi ngân sách nhà nước lũy kế 6 tháng đầu năm là 85,6 nghìn tỷ đồng, bằng 33,7% dự toán năm.

Với tình hình trên, NFSC cho rằng thâm hụt ngân sách năm 2016 có khả năng đảm bảo mức dự toán 254 nghìn tỷ đồng.

Tuy nhiên, nếu tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2016 thấp hơn so với kế hoạch, giả sử chỉ đạt 6,5%, tỷ lệ bội chi/GDP sẽ vượt khoảng 0,5 điểm phần trăm so với dự toán.

Đánh giá thêm về GDP, NFSC cho rằng tốc độ tăng trưởng 6 tháng đầu năm 2016 (đạt 5,52%) thấp hơn so với cùng kỳ năm 2015 (đạt 6,28%) chủ yếu do sự suy giảm của khu vực nông nghiệp và khai khoáng, cũng như tổng cầu cải thiện chậm.

Cụ thể, trong 6 tháng đầu năm 2016, nông nghiệp suy giảm 0,18% (cùng kỳ tăng 2,36%), còn khai khoáng suy giảm 2,2% (cùng kỳ tăng 8,18%). Suy giảm tăng trưởng của hai khu vực này khiến cho tăng trưởng GDP nửa đầu năm 2016 giảm 0,8 điểm phần trăm so với mức tăng trưởng của cùng kỳ năm 2015. Nông nghiệp suy giảm do xâm nhập mặn, hạn hán, thiên tai, còn khai khoáng suy giảm chủ yếu do sản lượng khai thác dầu thô 6 tháng giảm 6,1% so với cùng kỳ năm trước.

NFSC cho biết phân rã tăng trưởng cho thấy xu thế tăng trưởng dài hạn của nền kinh tế Việt Nam vẫn đang duy trì được xu hướng tăng tích cực.

Tuy nhiên, tăng trưởng ngắn hạn đang suy giảm do chịu tác động của các yếu tố chu kỳ kinh tế và các cú sốc về tổng cung. Do đó, để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế 6,7% trong năm 2016 sẽ cần những nỗ lực, quyết tâm lớn.


Campuchia thả 84 người Việt bị bắt vì nghi cư trú trái phép

Campuchia thả 84 người Việt Nam bị bắt vì nghi cư trú bất hợp pháp nhưng vẫn tạm giữ giấy tờ của một số người để xác minh thêm.

canh sat campuchia. anh minh hoa: doy news.

Cảnh sát Campuchia. Ảnh minh họa: Doy News.

Lực lượng chức năng Campuchia ngày 1/7 kiểm tra một số nhà cho thuê ở phường Niroth, quận Chbar Ampov, Phnom Penh, và bắt 84 người Việt Nam đưa về Trung tâm Câu lưu người nước ngoài, Tổng cục Di trú Campuchia, với lý do cư trú bất hợp pháp.

Đại sứ quán Việt Nam tại Campuchia đã làm việc với cơ quan chức năng sở tại để xác minh thông tin và bảo hộ công dân Việt Nam. Theo đó, đa số người bị bắt là người Campuchia gốc Việt Nam cư trú hợp pháp tại Campuchia.

Đại sứ quán sau đó đề nghị Cục điều tra và Thi hành luật, Tổng cục Di trú, Bộ Nội vụ Campuchia, khẩn trương thả tự do cho những người bị bắt. Campuchia ngay chiều 1/7 đã thả 74 người và đến chiều 3/7 thả hết những người còn lại.

Campuchia cho biết họ tạm giữ giấy tờ của một số trường hợp để xác minh và sẽ trả lại nếu chúng hợp pháp. Đại sứ quán đề nghị phía Campuchia nhanh chóng đối chiếu và sớm trả lại. Đại sứ quán kêu gọi cộng đồng người Việt Nam đang sinh sống, học tập, làm việc tại Campuchia thực hiện đúng và đầy đủ các quy định của pháp luật sở tại.

Liên quan đến thông tin một công dân Việt Nam tại Các tiểu vương quốc Arab Thống nhất (UAE) bị một nhóm tội phạm lừa đảo, giam giữ, đánh đập và ép bán dâm, Đại sứ quán Việt Nam tại UAE ngày 26/6, sau khi nhận được thông tin, đã phối hợp với cơ quan chức năng sở tại để làm rõ thông tin.

Theo đó, cảnh sát Dubai đã bắt 11 đối tượng, trong đó có 4 người Việt Nam, được cho là trực tiếp liên quan đến vụ việc. Đại sứ quán cảnh báo tình hình tội phạm người Việt Nam tại Dubai gần đây đang có diễn biến phức tạp. Đại sứ quán hồi tháng 4 cũng giải cứu hai công dân Việt Nam bị lừa đảo và giam giữ.


(

Tinkinhte

tổng hợp)
Trở về

Bài cùng chuyên mục