Tân Giám đốc Công an Hà Nội nói gì trong ngày nhậm chức?
Tuyến metro đầu tiên tại TP.HCM có thể vận hành năm 2019
Doanh nghiệp FDI có nhiều cuộc đình công nhất
Di dời ga Đà Nẵng tốn gần 10.000 tỷ đồng
Hà Nội điều chỉnh tổng thể quy hoạch mở rộng Khu nhà ở Minh Giang - Đầm Và
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 15-03-2016
- Cập nhật : 15/03/2016
EU quan ngại về việc triển khai tên lửa trên biển Đông
Ngày 14-3, Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam đã phát đi tuyên bố của đại diện ngoại giao thay mặt cho 28 quốc gia thành viên EU về những diễn biến gần đây tại biển Đông.
Theo thông cáo gửi tới báo chí, EU cam kết duy trì trật tự pháp lý đối với các vùng biển và đại dương dựa trên các nguyên tắc của luật pháp quốc tế được ghi nhận đặc biệt là trong Công ước của Liên Hiệp Quốc về Luật Biển (UNCLOS). Việc này bao gồm duy trì an toàn hàng hải, an ninh và hợp tác, tự do hàng hải và hàng không.
EU kêu gọi các bên liên quan giải quyết các tranh chấp thông qua các phương thức ôn hòa, làm rõ cơ sở các tuyên bố của mình và theo đuổi các tuyên bố đó phù hợp với luật pháp quốc tế bao gồm UNCLOS và các thủ tục phân xử của nó.
EU quan ngại về việc triển khai tên lửa tại các hòn đảo trên biển Đông. Việc triển khai tạm thời hoặc vĩnh viễn các lực lượng hoặc thiết bị quân sự trên các cấu trúc đảo đang có tranh chấp ảnh hưởng tới an ninh khu vực và có thế đe dọa tự do hàng hải và hàng không là một quan ngại lớn.
Trung Quốc ngang ngược bố trí tên lửa HQ-9 và radar trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa của Việt Nam. Ảnh: VOA
Do vậy, EU kêu gọi tất cả các bên kiềm chế việc quân sự hóa trong khu vực, dùng hoặc đe dọa dùng vũ lực và thực hiện các hành động đơn phương.
EU khuyến khích những động thái liên qua tới các biện pháp xây dựng lòng tin nhằm tăng cường sự tin cậy và an ninh trong khu vực.
EU hoàn toàn ủng hộ các tiến trình khu vực do ASEAN dẫn dắt và kỳ vọng vào việc đạt được kết quả nhanh chóng trong các cuộc đàm phán về Bộ Quy tắc ứng xử giúp ích cho việc đảm bảo tốt hơn một trật tự khu vực và quốc tế dựa trên luật pháp.
Liên quan tới vấn đề này, EU tái khẳng định sự sẵn sàng chia sẻ những kinh nghiệm tốt nhất của mình về vấn đề an ninh hàng hải.
TP HCM có 50 người tự ứng cử đại biểu Quốc hội
Trong danh sách 78 người tự ứng cử thì có 50 người ứng cử ĐB Quốc hội, 28 người ứng cử ĐB HĐND TP HCM nhiệm kỳ 2016-2021. Ngày 17/3 sẽ tổ chức hội nghị hiệp thương lần thứ 2.
Sáng 14/3, UB bầu cử TP HCM bàn giao các hồ sơ người ứng cử cho UB MTTQ Việt Nam TP HCM để chuẩn bị cho Hiệp thương lần thứ 2 (vào 17/3) để bầu ĐBQH khóa 14 và đại biểu HĐND 2016-2021.
Theo bà Nguyễn Thị Quyết Tâm - Chủ tịch HĐND TP HCM, Chủ tịch Ủy ban bầu cử TP - tính đến 17h ngày 13/3 (thời hạn cuối nhận hồ sơ sau 1 tháng triển khai) tổng hồ sơ ứng cử ĐBQH mà Hội đồng bầu cửnhận được là 90, trong đó 50 tự ứng cử; số hồ sơ ứng cử ĐB HĐND TP là 203, trong đó 28 người tự ứng cử.
Ông Nguyễn Hoàng Năng - Chủ tịch UB MTTQ Việt Nam TP HCM, Phó chủ tịch Hội đồng Bầu cử TP - cho biết các số liệu về thành phần, độ tuổi, lý lịch… của người ứng cử chưa được thống kê cụ thể. Bà Tâm lưu lý, trong quá trình Hiệp thương lần thứ 2 phải đảm bảo đúng quy định, khách quan, công bằng và chặt chẽ.
Ông Năng cho biết chiều 17/3 sẽ tổ chức hội nghị Hiệp thương lần thứ 2 để giới thiệu người ra ứng cử ĐB Quốc hội và HĐND TP. Đến ngày 27/4, danh sách ứng cử viên sẽ được công bố, sau đó các ứng viên sẽ tiếp xúc lấy ý kiến cử tri nơi cư trú.
Thứ trưởng Tài chính: 'Giảm thuế cho Dung Quất là hợp lý'
Đại diện Bộ Tài chính vừa chính thức lên tiếng về các kiến nghị giảm thuế phí của Công ty TNHH Lọc hóa dầu Bình Sơn (đơn vị quản lý vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất). Thứ trưởng Đỗ Hoàng Anh Tuấn cho biết, từ năm 2016, nhất là khi thuế suất thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt Việt Nam - Hàn Quốc (FTA Việt Nam - Hàn Quốc) có hiệu lực, thuế suất với xăng giảm 20% về 10% tạo nên sự chênh lệch lớn giữa thuế nhập khẩu theo mức thông thường và thuế ưu đãi của các FTA.
"Chúng tôi thấy đề xuất của Dung Quất hoàn toàn cần thiết và hợp lý, đảm bảo nguyên tắc bình đẳng giữa các sản phẩm từ cơ sở sản xuất trong nước và hàng hóa nhập khẩu. Điều này cũng đảm bảo được mức bảo hộ hợp lý theo đúng các cam kết quốc tế khi Việt Nam tham gia các hiệp định thương mại", Thứ trưởng nói.
Theo đó, đại diện Bộ Tài Chính khẳng định việc thực hiện các chính sách vừa qua đối với Dung Quất hoàn toàn không phải ưu đãi mà là nghĩa vụ của nhà máy này đối với ngân sách Nhà nước. Do vậy, nhà sản xuất trong nước phải được bình đẳng với nhà nhập khẩu từ Hàn Quốc.
Về cơ chế cấp bù tiền trong điều kiện thuế nhập khẩu thấp hơn so với thuế áp cho Dung Quất, Thứ trưởng Tuấn cho biết, sau khi Hiệp định giữa Việt Nam -Hàn Quốc có hiệu lực, Bộ Tài chính đang chờ Hiệp định ASEAN - Hàn Quốc có hiệu lực sẽ trình Chính phủ sửa cơ chế tài chính phù hợp với cơ chế thị trường hiện nay và đảm bảo bình đẳng giữa doanh nghiệp trong nước và ngoài nước.
"Chúng tôi sẽ trình sửa theo hướng Dung Quất thực hiện nghĩa vụ hoàn toàn theo các Luật thuế, theo quy định hiện nay và bỏ cơ chế nếu thuế nhập khẩu hạ xuống dưới mức 7% thì Nhà nước bù", ông nói
Trước đó, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam đã có văn bản gửi Bộ Tài chính, Bộ Công Thương, Văn phòng Chính phủ về việc tồn kho lớn của Nhà máy lọc dầu Dung Quất. Bản thân Chủ tịch Lọc hóa dầu Bình Sơn - Nguyễn Hoài Giang cũng cho biết, nguy cơ nhà máy Dung Quất đóng cửa rất cấp bách nếu như không giảm thuế phí.
Từ đầu năm 2016 thuế nhập khẩu diesel, xăng cho máy bay (Jet A1) từ các nước trong ASEAN đã giảm từ 20% về 10% trong khi Dung Quất vẫn giữ nguyên 20%. Đồng thời, theo FTA Việt Nam - Hàn Quốc, thuế nhập khẩu xăng cũng giảm xuống 10%. Tính hết năm 2014, Dung Quất lỗ 27.600 tỷ đồng nếu không có ưu đãi và lỗ 1.048 tỷ đồng khi có ưu đãi. Hiện doanh nghiệp đang được cho phép giữ lại khoản tiền tương đương 7% giá bán đối với các sản phẩm xăng dầu.
Phát hiện khoảng 1.190 vụ án xâm hại tình dục trẻ em mỗi năm
Trẻ em tại Diễn đàn trẻ em quốc gia nói về phòng chống tình trạng tảo hôn và lao động trẻ em. (Ảnh: Nguyễn Thủy/TTXVN)
Đây là số liệu được đưa ra tại Hôi thảo hướng dẫn thực hiện Chương trình bảo vệ trẻ em giai đoạn 2016-2020 do Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội và Quỹ Nhi đồng Liên hợp quốc (UNICEF) tổ chức ngày 14/3 tại Hà Nội.
Trong những năm gần đây, số vụ án xâm hại trẻ em liên tục tăng. Năm 2012 số vụ án xâm hại trẻ em tăng 1,4% so với năm 2011, sang năm 2013 tăng lên tới 17% so với năm 2012 và năm 2014 tăng 6,4% so với năm 2013.
Ông Đặng Hoa Nam, Cục trưởng Cục Bảo vệ chăm sóc trẻ em (Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội) cho biết, nguyên nhân của việc gia tăng tình trạng xâm hại trẻ em là do nhận thức của cha mẹ, người chăm sóc trẻ, cộng đồng, người dân về nguy cơ xâm hại, bóc lột trẻ em chưa đầy đủ, chưa thấy hết được các yếu tố tiềm ẩn dẫn đến trẻ em có thể bị tổn thương. Năng lực bảo vệ, chăm sóc trẻ em của các cấp chính quyền, đặc biệt là kỹ năng thực hành quyền trẻ em của cha mẹ, người chăm sóc còn thiếu hụt.
Việc quản lý, phát hiện, can thiệp, trợ giúp đối với trẻ em có nguy cơ bị xâm hại, bóc lột, sao nhãng, trẻ em có nguy cơ cần sự bảo vệ đặc biệt chưa kịp thời. Công tác giáo dục, phục hồi, hòa nhập cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt chưa chuyên nghiệp, các can thiệp chủ yếu mới dừng ở mức hỗ trợ vật chất, động viên mà thiếu các dịch vụ tư vấn, bảo vệ khẩn cấp, trị liệu tâm lý, trợ giúp pháp lý, phục hồi có hiệu quả.
Trong quá trình thực hiện chương trình bảo vệ trẻ em, nhiều địa phương vẫn chỉ tập trung vào các hoạt động tuyên truyền còn mang tính hình thức. Số lượng các cơ sở cung cấp dịch vụ bảo vệ trẻ em thành lập còn ít, hoạt động chủ yếu mới chỉ tập trung vào trợ giúp tiếp cận chính sách xã hội, chưa thật sự hoạt động đúng nghĩa là cung cấp dịch vụ công tác xã hội cho trẻ em, trừ một số địa bàn có dự án của UNICEF. Hệ thống bảo vệ trẻ em mới được hình thành thí điểm tại 5.510/11.118 xã, phường tại 43/63 tỉnh, thành phố trên cả nước.
Hiện nay, số lượng trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt nhận trợ cấp xã hội thường xuyên rất ít, chỉ khoảng 250.000 trẻ em được nhận trợ cấp xã hội thường xuyên (chiếm dưới 10% tổng số trẻ em cần sự bảo vệ đặc biệt). Trong khi đó, hệ thống chăm sóc thay thế dựa vào cộng đồng cho trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt vẫn còn thiếu và yếu. Chất lượng chăm sóc trong các cơ sở trợ giúp trẻ em cũng còn hạn chế, còn xẩy ra nhiều vụ bạo hành, xâm hại trẻ em trong các cơ sở này.
Ông Đặng Hoa Nam nhấn mạnh, trong giai đoạn 2016-2020, một số vấn đề xã hội trong nước, hội nhập và toàn cầu hóa sẽ tiếp tục gia tăng áp lực đối với công tác bảo vệ trẻ em. Phát triển số lượng và chất lượng hệ thống dịch vụ bảo vệ trẻ em sẽ là một trong những mục tiêu trong thời gian tới trong công tác bảo vệ trẻ em.
“Việt Nam là một trong năm quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề của biến đổi khí hậu. Chính vì vậy, thiên tai bất thường là nguy cơ lâu dài và thường trực hàng năm làm gia tăng trẻ mồ côi, bị xâm hại, bóc lột, bị sao nhãng. Bảo vệ trẻ em cần được lồng ghép với các biện pháp ứng phó, cứu trợ khẩn cấp trong thiên tai, thảm họa,” ông Đặng Hoa Nam nói./.
Những tác động bất lợi của dự thảo sửa đổi Thông tư 36
Thị trường BĐS chỉ vừa “hồi sinh” từ năm 2014 và đang dần tạo ra nền tảng phát triển ổn định cho thị trường này trong dài hạn, từ đó giúp cho các thị trường khác trong hệ thống tài chính phát triển tốt hơn. Vừa qua, việc NHNN đưa ra dự thảo sửa đổi thông tư 36 cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đang lấy ý kiến sửa đổi, bổ sung một số quy định của Thông tư số 36 về các tỷ lệ, giới hạn an toàn trong hoạt động ngân hàng, trong đó có việc sửa tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung và dài hạn và hệ số rủi ro đối với các khoản cho vay kinh doanh bất động sản (BĐS).
Về vấn đề này, quan điểm nhất quán của NHNN là đồng hành cùng các Bộ, ngành, địa phương tiếp tục hỗ trợ thị trường BĐS phục hồi và phát triển lành mạnh, bền vững. Mục tiêu của NHNN xem xét, điều chỉnh một số quy định tại Thông tư số 36 là để cảnh báo, phòng ngừa, kiểm soát tốt hơn các rủi ro tiềm ẩn và bảo đảm an toàn hoạt động của các tổ chức tín dụng (TCTD), bảo vệ tốt nhất tiền gửi của nhân dân, đồng thời tăng trưởng tín dụng có hiệu quả và hỗ trợ cho các ngành, lĩnh vực của nền kinh tế, trong đó có lĩnh vực BĐS.
Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 36 của NHNN đang thu hút sự quan tâm của dư luận, đặc biệt là các thành viên thị trường BĐS. Cơ quan quản lý này đã chính thức lên tiếng, trong đó nói rõ lý do cần sửa đổi thông tư, và việc sửa đổi sẽ tác động như thế nào đến thị trường BĐS.
Tuy nhiên, theo quan điểm của người viết, dự thảo này vẫn có một số tác động tiêu cực đến hoạt động kinh doanh ngân hàng, thị trường BĐS và tổ chức/cá nhân tham gia vào thị trường BĐS hiện nay.
Đối với hoạt động kinh doanh ngân hàng, theo thống kê một số chỉ tiêu cơ bản của NHNN tính đến ngày 31/12/2015, tỷ lệ vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn của NHTM Nhà nước, NHTM cổ phần lần lượt là: 33,36% và 36,9%. Trong khi đó, cũng theo thông tin của NHNN thì tỷ lệ này đang tăng nhanh trong các tháng đầu năm 2016, tức là tỷ lệ này đã rất gần mức 40% tại nhiều NHTM, do đó nếu tỷ lệ này được giảm xuống 40% từ 60% như trong dự thảo thì rõ ràng sẽ ảnh hưởng rất lớn đến cho vay trung dài hạn, đặc biệt là cho vay đối với các giao dịch BĐS.
Theo tính toán của người viết, dựa vào Báo cáo tài chính của một vài NHTM lớn được công bố, trên 90% nguồn vốn huy động của ngân hàng là ngắn hạn. Do đó, nếu giới hạn tỷ lệ trên là 40% thì room còn lại để cho vay đối với BĐS sẽ không còn nhiều. Việc điều chỉnh này sẽ làm giảm tổng mức cấp tín dụng đối với lĩnh vực BĐS (vốn chủ yếu là cho vay trung dài hạn).
Trong ngắn hạn, điều này nhiều khả năng sẽ khiến tăng trưởng tín dụng 2016 ở mức thận trọng hơn, củng cố cho kỳ vọng về mức tăng trưởng tín dụng thấp hơn trong năm 2016 và khó có khả năng đạt được mức tăng trưởng tín dụng dự kiến là từ 18-20%.
Việc điều chỉnh như trong dự thảo lần này được cho là nhanh và mạnh hơn so với các lần điều chỉnh trước khi mà thị trường BĐS chỉ vừa được phục hồi. Hệ số rủi ro trong cho vay BĐS ở mức 150% mới chỉ được được điều chỉnh cách đây khoảng 1 năm, trước đó, hệ số rủi ro đối với cho vay kinh doanh BĐS đã từng được quy định là 100% theo Quyết định số 457/2005/QĐ-NHNN. Gần 5 năm sau đó, nó đã được tăng lên 250% theo Thông tư số 13/2010/TT-NHNN, rồi sau 4 năm lại được giảm xuống 150% theo Thông tư số 36/2014/TT-NHNN. So với các lần trước, việc điều chỉnh nhanh và mạnh lần này sẽ ảnh hưởng đến sự phát triển ổn định của thị trường này trong thời gian tới. Từ đó sẽ ảnh hưởng dây chuyền đến kế hoạch kinh doanh của các ngân hàng trong năm nay cũng như ảnh hưởng đến các cơ hội kinh doanh của các ngân hàng.
Bên cạnh đó, việc giảm tỷ lệ như trong dự thảo cũng nhằm mục đích quản trị tốt hơn về rủi ro thanh khoản của hệ thống NHTM hiện nay. Tuy nhiên, các NHTM vẫn còn rất nhiều cách khác trong quản trị hiệu quả rủi ro thanh khoản của chính ngân hàng mình, chứ không chỉ khi tỷ lệ sử dụng vốn ngắn hạn cho vay trung dài hạn giảm từ 60% xuống 40% thì rủi ro thanh khoản của hệ thống ngân hàng sẽ giảm đi đáng kể.
Do đó, việc NHNN tiếp tục tăng cường hướng dẫn các NHTM trong quản trị tốt rủi ro thanh khoản dần theo các chuẩn mực quốc tế là việc làm cần thiết trong giai đoạn tới, cũng như tiếp tục tăng cường thanh tra và giám sát hoạt động kinh doanh của hệ thống NHTM nhằm đảm bảo sự ổn định trong hệ thống tài chính nói chung.
Đối với thị trường bất động sản và các chủ thể tham gia thị trường, thời gian qua, NHNN và các Bộ ngành đã có nhiều biện pháp tháo gỡ khó khăn cho thị trường BĐS, trong đó nổi bật là Chương trình cho vay hỗ trợ nhà ở gói 30.000 tỷ đồng đã góp phần điều chỉnh cơ cấu của thị trường BĐS phù hợp với nhu cầu thực tế, đẩy nhanh việc tiêu thụ hàng tồn kho BĐS, vật liệu xây dựng, giảm nợ xấu.
Bên cạnh đó, NHNN đã triển khai nhiều chính sách để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp BĐS và tạo điều kiện cho người dân có thu nhập thấp, trung bình được cải thiện về nhà ở. Thực hiện chỉ đạo của Chính phủ về giám sát chặt chẽ khi cho vay các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro, đảm bảo tăng trưởng tín dụng an toàn, hiệu quả, bền vững giảm thiểu rủi ro trong việc cho vay BĐS, NHNN đã yêu cầu các TCTD tăng cường kiểm soát rủi ro cho vay đối với lĩnh vực đầu tư kinh doanh BĐS.
Theo đó chỉ đạo các TCTD: Hạn chế cho vay đối với các dự án BĐS khởi công mới, dự án BĐS có quy mô lớn, dự án BĐS cao cấp, cao ốc, văn phòng có hiệu quả thấp, tiềm ẩn rủi ro hoặc có mục đích đầu cơ BĐS; Ưu tiên nguồn vốn đáp ứng nhu cầu thực về nhà ở của người dân, đầu tư các dự án nhà ở xã hội, nhà ở thương mại đáp ứng nhu cầu về nhà ở của đối tượng có thu nhập thấp, trung bình, các dự án BĐS dở dang có khả năng tiêu thụ tốt, có hiệu quả. Bên cạnh đó, NHNN luôn giám sát theo dõi chặt chẽ tình hình tín dụng vào lĩnh vực BĐS để đảm bảo kiểm soát được tăng trưởng tín dụng BĐS.
Tuy nhiên, thị trường BĐS chỉ vừa “hồi sinh” từ năm 2014 và đang dần tạo ra nền tảng phát triển ổn định cho thị trường này trong dài hạn, từ đó giúp cho các thị trường khác trong hệ thống tài chính phát triển tốt hơn. Vừa qua, việc NHNN đưa ra dự thảo sửa đổi thông tư 36 cũng nhận được nhiều ý kiến trái chiều khác nhau.
Nếu điều chỉnh Thông tư 36 như dự thảo, các doanh nghiệp ít nhiều đều có tác động bởi các điều kiện vay sẽ ràng buộc chặt chẽ hơn, lãi suất cũng có thể bị điều chỉnh tăng, …và yêu cầu mỗi doanh nghiệp phải điều chỉnh phương án kinh doanh của mình để phù hợp với các quy định mới của ngân hàng. Việc điều chỉnh này sẽ dẫn tới gia tăng dự án dở dang, tăng lượng hàng tồn kho, giảm cơ hội mua nhà chính đáng của người dân.
Việc siết tín dụng vào BĐS chẳng những tác động rất mạnh đến các nhà đầu tư kinh doanh thứ cấp (mua đi bán lại), các doanh nghiệp phát triển dự án BĐS, và trên thực tế có thể sẽ tác động bất lợi đến người tiêu dùng, đặc biệt là người thu nhập thấp đô thị. Thêm vào đó nó cũng sẽ tác động đến nhiều ngành, nghề có liên quan đến thị trường BĐS và công ăn, việc làm của người lao động. Khi ngành ngân hàng siết tín dụng với BĐS thì sẽ ảnh hưởng đến rất nhiều ngành nghề kinh tế khác, như: sản xuất vật liệu xây dựng, nội thất, xây dựng… Đây đều là những lĩnh vực chiếm tỷ trọng lớn trong nền kinh tế.
Thị trường BĐS hiện nay đang phụ thuộc rất lớn vào 2 nguồn vốn là ngân hàng và vốn huy động từ khách hàng mà nguồn vốn huy động từ khách hàng phần lớn lại có nguồn gốc từ tín dụng ngân hàng. Thị trường vốn Việt Nam vẫn đang thiếu các nguồn vốn khác như các quỹ đầu tư, quỹ tín thác BĐS, quỹ tiết kiệm nhà ở, nguồn vốn từ thị trường chứng khoán…Do đó, vai trò trung chuyển vốn của hệ thống ngân hàng đóng vai trò vô cùng quan trọng trong việc phát triển thị trường BĐS trong thời gian tới.
Tóm lại, việc điều chỉnh chính sách có liên quan đến BĐS cần có lộ trình và cùng lúc nên phối hợp với các Bộ ngành khác để phát triển đồng bộ các thị trường khác trong hệ thống tài chính tại Việt Nam, từ đó giúp chia sẻ gánh nặng về nhu cầu vốn đầu tư trung và dài hạn của các chủ thể tham gia trong nền kinh tế và đảm bảo sự phát triển ổn định của hệ thống tài chính tại Việt Nam.