Danh sách 197 người được giới thiệu ứng cử đại biểu Quốc hội khối Trung Ương
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh tối 16-03-2016
- Cập nhật : 16/03/2016
Sắp khởi công dự án chống ngập gần 10.000 tỷ đồng
Theo Công ty Cổ phần đầu tư xây dựng Trung Nam, UBND TP.HCM đã quyết định chỉ định đơn vị này là nhà đầu tư dự án “Giải quyết ngập do triều khu vực TP.HCM có xét đến yếu tố biển đổi khí hậu giai đoạn 1 theo hình thức PPP - đối tác công tư”.
Mục tiêu của dự án là kiểm soát ngập do triều cường, chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu cho vùng diện tích 570km2, với khoảng 6,5 triệu dân thuộc khu vực bờ hữu sông Sài Gòn và trung tâm TP.HCM.
Dự án bao gồm xây dựng 6 cống kiểm soát triều lớn, khoảng 7km đê, kè ở các đoạn xung yếu đê bao ven sông Sài Gòn từ sông Vàm Thuật đến sông Kinh, 68 cống nhỏ từ Vàm Thuật đến Mương Chuối; xây dựng nhà quản lý trung tâm và hệ thống SCADA (hệ thống quan trắc thu thập dữ liệu và điều khiển vận hành từ xa) tại các quận 1, 4, 7, 8, huyện Bình Chánh, Nhà Bè.
Nhà đầu tư dự kiến cuối tháng 3-2016 đơn vị sẽ khởi công dự án trên với tổng vốn đầu tư 9.926,6 tỷ đồng, đổi lại UBND TP sẽ thanh toán bằng quỹ đất của TP.
Lừa đảo huy động vốn ở dự án N04 Hoàng Đạo Thúy, nữ chủ tịch HĐQT lãnh án chung thân
Công ty đã rút khỏi dự án chung cư, nhưng Chủ tịch HĐQT vẫn bán nhà trên giấy, lừa đảo hơn 30 tỷ đồng.
Ngày 14/3, TAND TP. Hà Nội đã quyết định tuyên phạt Nguyễn Phương Mai (SN 1960, trú ở phường Quỳnh Mai, Hai Bà Trưng, Hà Nội) – cựu Chủ tịch HĐQT Công ty CP Tư vấn kiến trúc đô thị Hà Nội(UAC) tù chung thân về tội “Lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản” và 12 năm tù về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Theo cáo trạng, từ năm 2011 - 2012, lợi dụng chủ trương huy động vốn của doanh nghiệp để xây dựng dự án tại NO4, khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy), Mai đã ký kết hàng loạt thỏa thuận hợp tác, thỏa thuận vay vốn, hợp đồng vay vốn mang danh nghĩa là hợp đồng mua bán nhà với hàng chục người. Cựu lãnh đạo UAC còn sử dụng con dấu, phiếu thu để thu tiền của các cá nhân với tổng số tiền lên đến gần 31 tỷ đồng.
Tiến hành xét xử, TAND Hà Nội làm rõ UAC vốn là một trong bốn doanh nghiệp – đồng chủ đầu tư dự án Phát triển nhà ở NO4, khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng (quận Cầu Giấy, Hà Nội). Dù vậy, UAC đã nhanh chóng rút khỏi dự án này do không có vốn.
Mặc dù biết rõ thực trạng của doanh nghiệp, song Mai vẫn “ỉm” thông tin đó, đồng thời tiếp tục kêu gọi các cá nhân góp tiền cho UAC để được sở hữu căn hộ ở khu đô thị Đông Nam đường Trần Duy Hưng. Bằng thủ đoạn ấy, từ năm 2011 đến 2012, cựu Chủ tịch HĐQT UAC đã ký hàng loạt thỏa thuận vay vốn, góp vốn, thỏa thuận hợp tác với 13 cá nhân và chiếm đoạt của họ 29,3 tỷ đồng.
Tương ứng mỗi thỏa thuận hợp tác, góp vốn, vay vốn, Mai đều xuất phiếu thu tiền và giao cho bị hại. Tuy nhiên, tất cả các chứng từ đó đều không phải do UAC phát hành ra và các chữ ký của thủ quỹ, kế toán của công ty UAC trên phiếu thu đều là giả mạo.
Ngoài hành vi lạm dụng chức vụ, quyền hạn chiếm đoạt tài sản, cựu Chủ tịch HĐQT UAC còn hứa hẹn “chạy” giúp giấy phép xây dựng và giấy tờ đất đai. Tin lời đối tượng, 2 người khác đã lần lượt nhờ Mai “lo lót” cho các giấy tờ tương ứng để rồi bị lừa mất hơn 1,6 tỷ đồng.
Tổng cộng cựu Chủ tịch HĐQT UAC đã chiếm đoạt của 15 người với tổng số tiền gần 31 tỷ đồng.
Sau một ngày xét xử, TAND Hà Nội đã tuyên phạt tổng mức án chung là tù chung thân. Về dân sự, TAND Hà Nội buộc UAC phải bồi thường thiệt hại cho các bị hại đã nộp tiền mua nhà, đồng thời cũng buộc cựu Chủ tịch HĐQT của doanh nghiệp này phải bồi thường cho pháp nhân số tiền tương ứng.
Nhiều doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất
Ông Trần Văn Miên, cục trưởng Cục Thuế TP Đà Nẵng, cho biết đến ngày 31-1-2016 các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất gần 1.200 tỉ đồng.
Trong đó, một số đơn vị nợ nhiều như: Công ty cổ phần đô thị FPT Đà Nẵng nợ 420 tỉ đồng, Công ty cổ phần Trung Nam nợ hơn 200 tỉ đồng, Công ty cổ phần Tài chính bảo hiểm dầu khí nợ 73 tỉ đồng...
Ông Miên cho biết đối với các doanh nghiệp nợ tiền sử dụng đất lớn, Cục Thuế kiến nghị TP Đà Nẵng phải có cuộc làm việc cùng với các ngành để giải quyết dứt điểm.
Liên quan đến việc này, ông Nguyễn Xuân Anh, bí thư Thành ủy Đà Nẵng, đã chỉ đạo: “Đối với các dự án nợ tiền sử dụng đất phải quyết liệt, không nhân nhượng nữa. Nếu chủ đầu tư không nộp tiền thì sắp tới phải tính đến chuyện thu hồi số đất mà chủ đầu tư chưa nộp tiền”.
Nhiều người Trung Quốc du lịch đến Ninh Thuận để... làm ăn
Ngày 14-3, tỉnh Ninh Thuận có văn bản cho biết có 1.642 người Trung Quốc (TQ) đến tỉnh Ninh Thuận bằng nhiều hình thức, trong đó có 1.491 người đến du lịch và tạm trú tại tỉnh.
Trong số này, cơ quan chức năng đã phát hiện nhiều người TQ nhập cảnh bằng thị thực du lịch, thăm thân nhân nhưng lại hoạt động kinh doanh, nuôi trồng thủy sản. Ngoài ra còn có 142 lao động TQ có đăng ký tạm trú.
Trong đó có 98 người đang làm việc tại Nhà máy nhiệt điện Vĩnh Tân (Bình Thuận) nhưng tạm trú tại Ninh Thuận, có nhiều vấn đề phức tạp trong quan hệ, đi lại, sinh hoạt... làm ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự tại địa phương.
Hiện các cơ quan chức năng tỉnh Ninh Thuận cho biết sẽ tăng cường kiểm tra hoạt động của người TQ đang làm việc, hoạt động tại tỉnh, xử lý các trường hợp vi phạm.
Trăm dâu lại đổ đầu doanh nghiệp
Trong dự thảo nghị định về lệ phí môn bài vừa được Bộ Tài chính đưa ra lấy ý kiến, mức thuế môn bài mà doanh nghiệp (DN) phải nộp có thể sẽ tăng gấp 3 lần so với mức hiện nay...
Mức thuế môn bài mà doanh nghiệp (DN) phải nộp có thể dao động từ 3-10 triệu đồng tùy theo vốn đăng ký.
Thông tin khiến nhiều DN bất ngờ và bức xúc, bởi trước đó cũng Bộ Tài chính đã đề xuất bãi bỏ quy định về việc thu, nộp thuế môn bài như là một trong những giải pháp nhằm tháo gỡ khó khăn cho DN và Thủ tướng cũng đã đồng ý với đề xuất này.
Thuế môn bài hiện có ba mức, từ 1-3 triệu đồng tùy theo quy mô vốn đăng ký, được nộp vào tháng 1 hằng năm, chỉ là một hình thức nhằm xác định DN bắt đầu kinh doanh (DN mới thành lập) hoặc vẫn còn hoạt động, nó mang ý nghĩa là một loại lệ phí hơn là thuế. DN mở ra không biết làm được hay không vẫn phải đóng thuế môn bài, dù sau đó có tiếp tục hoạt động hay không.
Với nhiều DN, dù khoản tiền 3-10 triệu đồng không lớn, nhưng khoảng 85-90% DN mới thành lập hiện nay là DN nhỏ, nếu mở thêm chi nhánh, số tiền này cũng là một gánh nặng. Ông Nguyễn Minh H. - chủ một DN tại Q.1, TP.HCM - cho biết khi đăng ký thành lập, DN đã đóng đủ loại lệ phí rồi, lại bắt đóng thêm thuế môn bài.
“Lẽ ra phải bỏ thuế môn bài hoặc thu một lần khi DN đăng ký kê khai lần đầu chứ mỗi năm mỗi đóng, quá lắt nhắt và phiền phức. Trong khi đó, cái cần là phải nuôi dưỡng để DN lớn lên, đóng góp vào thuế thu nhập DN sẽ đáng kể hơn, thay vì cứ mở ra là thu như vậy sẽ khó tạo động lực cho DN phát triển” - vị này nói.
Trao đổi với chúng tôi, nhiều chuyên gia cũng ủng hộ quan điểm nên bỏ thuế môn bài nhằm giảm bớt khoản đóng góp của DN.
Trường hợp không thể bỏ khoản thu này do ngân sách quá khó khăn, nên giữ mức thu như cũ hoặc chỉ nên tăng 20-30% nhằm bù đắp mức trượt giá thay vì tăng 300% như đề xuất.
Với khoảng 500.000 DN đang hoạt động trên cả nước, trong đó ở TP.HCM khoảng 140.000 DN, số tiền thuế môn bài DN phải nộp thêm không phải con số nhỏ.
Một chuyên gia cho rằng xu hướng giảm thuế để chia sẻ khó khăn với DN, nhưng thuế thu nhập DN vừa giảm, hàng loạt khoản thu khác lại tăng sẽ gây “ức chế” cho DN.
Ngân sách khó khăn, cơ quan thuế phải tìm cách để tăng nguồn thu nhưng không thể “trăm dâu đổ đầu DN” như cách làm của ngành thuế hiện nay.
Thay vào đó, cơ quan thuế cần tập trung làm rõ các “nghi án” giao dịch liên kết, chuyển giá từ nhiều năm qua của các tập đoàn đa quốc gia hoặc là những nguồn mới phát sinh gần đây như Uber... Nếu khai thác tốt, cơ quan thuế có thể mang về số thu lớn.