Công ty Toshin Development (Nhật Bản) vừa đề xuất UBND TP.HCM về việc xây dựng dự án “Khu phố ngầm Nhà ga trung tâm...
Quyền của công chức rất lớn, 'phán” thế nào cũng phải nghe
- Cập nhật : 15/03/2016
(Tin kinh te)
Doanh nghiệp ngậm ngùi cho rằng kỹ năng, kiến thức không phải quan trọng nhất mà thiện cảm từ công chức nhà nước mới là quan trọng nhất. Mà muốn có thiện cảm đó thì phải có quan hệ tốt và chịu chi.
Bên lề hội nghị sơ kết hoạt động chương trình phối hợp giám sát trong lĩnh vực thuế và hải quan do Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) vừa tổ chức, Pháp Luật TP.HCM đã có cuộc trao đổi với ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI, xung quanh vấn đề cải cách thủ tục hành chính hai lĩnh vực trên.
Ông Tuấn nói: Đôi khi những vấn đề tưởng chừng như rất bé thôi nhưng tạo nhiều khó khăn cho doanh nghiệp. Ví dụ: Phần mềm kê khai thuế hay thay đổi tạo ra gánh nặng lớn cho doanh nghiệp. Hay việc cơ quan thuế quản lý theo tên, địa chỉ trong hóa đơn GTGT hiện nay cũng là một trở ngại.
Có nhiều doanh nghiệp hoặc khách hàng có tên và địa chỉ rất dài, in hóa đơn với cỡ chữ nhỏ nhất cũng không đủ, lại còn viết tay thì thường xuyên có lỗi. Doanh nghiệp cho rằng mỗi doanh nghiệp đã có mã số thuế, quản lý theo mã số thuế thuận lợi cho doanh nghiệp hơn.
Phải "mua" được thiện cảm của công chức
.Trong báo cáo về hải quan, một trong những khó khăn của doanh nghiệp là tìm hiểu thông tin pháp luật về ngành này. Đáng chú ý, những doanh nghiệp có quy mô vốn càng lớn, thì càng khó khăn trong việc tìm hiểu thông tin pháp luật. Theo ông, nguyên nhân đến từ đâu?
Tuy nhiên, qua điều tra của VCCI thời gian qua thì có nghịch lý là những doanh nghiệp quy mô càng lớn thì cho rằng tiếp cận thông tin pháp luật về hải quan càng khó.
Lý do của điều này có thể là do doanh nghiệp càng lớn thì nhu cầu về thông tin càng lớn, phạm vi hoạt động càng rộng, tính chất các hoạt động XNK phức tạp hơn so với doanh nghiệp bé (như xuất khẩu đến nhiều thị trường, hình thức xuất khẩu đa dạng hơn…).
Trong khi đó hệ thống pháp luật liên quan đến xuất nhập khẩu, hải quan, đặc biệt là nhóm thủ tục liên ngành rất phức tạp. Đó là chưa kể đến rất nhiều thông tin về cam kết và lộ trình mở cửa thị trường của các nước mà Việt Nam đã và đang đàm phán.
Điều chúng tôi có thể thấy được trong bối cảnh hiện nay, nhu cầu đầu tiên và cần thiết nhất đối với doanh nghiệp là thông tin. Thông tin nhiều khi là sống còn. Đó là thông tin về chính sách, pháp luật, thông tin về cam kết mở cửa, thông tin về các chương trình hỗ trợ của Nhà nước…
Do vậy, điều cần thiết hiện nay là Nhà nước cần thiết thiết lập các đầu mối thông tin, xây dựng cơ chế ràng buộc trách nhiệm cung cấp thông tin của các cơ quan nhà nước có liên quan và xây dựng chiến lược trang bị tốt nhất thông tin cho doanh nghiệp.
. Báo cáo nói trên cũng khẳng định tỉ lệ doanh nghiệp gặp khó khăn trong việc thông quan còn khá lớn. Theo ông, những khó khăn cụ thể đó là gì? Và các doanh nghiệp thường sử dụng phương pháp gì để… vượt qua khó khăn đó?
+ Thời gian vừa qua ngành hải quan đã có những nỗ lực rất lớn để rút ngắn thời gian thông quan, thực hiện bằng được mục tiêu mà các Nghị quyết 19 của Chính phủ đặt ra.
Tuy nhiên qua khảo sát của VCCI và chương trình giám sát cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực hải quan vừa rồi thì doanh nghiệp vẫn gặp nhiều khó khăn. Kết quả điều tra 3.123 doanh nghiệp XNK năm 2015 vừa rồi của VCCI thì 58% doanh nghiệp cho biết gặp khó khăn trong thủ tục thông quan.
Các khó khăn lớn chủ yếu là thời gian giải quyết còn quá dài (đến gần 70% doanh nghiệp nhận định như vậy), tình trạng yêu cầu bổ sung các thông tin không cần thiết (62%), nhiều biểu mẫu hay thay đổi và thiếu sự hướng dẫn chưa đầy đủ, tận tình của cán bộ nhà nước có trách nhiệm…
Nhìn chung, nếu phân ra các khâu cụ thể thì tỉ lệ doanh nghiệp cho biết hài lòng trong tất cả các khâu từ thông quan, xác nhận hàng hóa qua khu vực giám sát, thủ tục quản lý hải quan, thủ tục kiểm tra sau thông quan, xử lý vi phạm hành chính và giải quyết khiếu nại… tỉ lệ mỗi khâu cũng chỉ xấp xỉ 20%.
Trong tọa đàm ở TP.HCM mà chúng tôi tổ chức, có doanh nghiệp nhận xét rằng thực hiện thủ tục hành chính hải quan và thuế ở ta rất rủi ro, tạo ra quyền hành cho công chức thực thi rất lớn, đúng hay sai do họ quyết định. Nhân viên của doanh nghiệp có 10 năm kinh nghiệm làm thủ tục vẫn bị phán sai, bị trả về như thường. Ngay cả doanh nghiệp nhờ chính cán bộ thuế được nhờ đi khai nộp thuế cũng bị sai nốt.
Doanh nghiệp ngậm ngùi cho rằng kỹ năng, kiến thức không phải quan trọng nhất mà thiện cảm từ công chức nhà nước mới là quan trọng nhất. Mà muốn có thiện cảm đó thì phải có quan hệ tốt và chịu chi.
Đối với những khó khăn và rủi ro thường xuyên xảy ra thì doanh nghiệp phải tìm kiếm đến mối quan hệ cá nhân, làm quen với việc lo lót, chi trả khi làm thủ tục. Điều tra doanh nghiệp về hải quan mà VCCI tiến hành năm 2015 vừa rồi, dù vấn đề rất nhạy cảm nhưng vẫn có đến 28% doanh nghiệp chi trả chi phí không chính thức thường xuyên, 35% khác ngần ngại không thể hiện ý kiến, tỉ lệ nhận định là không chi trả là 37%.
Ngành nào cũng cho là mình đúng
. Một khó khăn khác cũng được đề cập đó là sự phối hợp chưa tốt giữa hải quan và thuế và các cơ quan liên quan khác. Theo ông, vấn đề này thường diễn ra như thế nào và giải pháp nào để giải quyết?
+ Đúng là dù cố gắng thì những nỗ lực của ngành hải quan cũng chỉ một phần thôi. Theo một kết quả đo thời gian giải phóng hàng báo cáo Thủ tướng Chính phủ vừa rồi thì trong tổng thời gian từ khi hàng hóa đến cảng/cửa khẩu cho đến khi rời cảng/cửa khẩu thì thời gian thuộc trách nhiệm của cơ quan hải quan chỉ là 28%, trách nhiệm thuộc các cơ quan liên ngành khác đến 72%.
Cho nên nỗ lực cải cách thủ tục hành chính hoàn toàn không chỉ phụ thuộc vào mỗi ngành hải quan mà còn phụ thuộc vào 8-9 cơ quan chuyên ngành khác nữa.
Không chỉ các ngành này mà nhìn chung ở Việt Nam sự phối hợp liên ngành, liên cơ quan thường rất khó khăn. Ngành nào cũng có hệ thống quy định riêng của mình mà thường do mình tự đề xuất xây dựng.
Thủ tục hành chính trong từng ngành nhìn thì có vẻ dễ dàng nhưng liên quan đến ngành khác thì sẽ rất khó khăn, ngành nào cũng hiểu và diễn giải theo cách của ngành mình, làm sao mang lại nhiều lợi ích và ít trách nhiệm cho ngành mình. Và người khổ cực ở đây chủ yếu là doanh nghiệp và người dân.
Điều nghịch lý ở chỗ là các cơ quan Nhà nước hay đề nghị trong bối cảnh mới doanh nghiệp phải kinh doanh theo chuỗi toàn cầu, phải liên kết, nâng cấp lên theo chuỗi nhưng bản thân từng cơ quan Nhà nước lại đang liên kết kém nhất, đang xác lập lãnh địa riêng của mình.
. Xin cám ơn ông!
Tôi đánh giá rằng ở Việt Nam một trong những thách thức lớn nhất trong cải cách thủ tục hành chính là rút ngắn khoảng cách giữa chính sách và thực hiện thực tiễn.
Những chương trình giám sát thủ tục hành chính như của MTTQ VN và VCCI chủ trì tiến hành vừa rồi rất quan trọng. Sự thông thoáng, thuận lợi của thủ tục hành chính cần phải để cho chính doanh nghiệp và người dân đánh giá, quá trình cải cách cần phải được doanh nghiệp và người dân giám sát và thành công của chương trình cải cách này chỉ được khẳng định khi chính doanh nghiệp và người dân thừa nhận nó.
Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế VCCI
CHÂN LUẬN thực hiện
Theo Plo.vn