TP HCM bổ nhiệm, điều động nhiều nhân sự mới
Nên công khai điều kiện vay tín chấp
5.000 nhà môi giới BĐS tham gia Ngày hội Môi giới BĐS Việt Nam 2016
Cha của Giang Kim Đạt bị xử lý về tội rửa tiền
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 26-06-2016
- Cập nhật : 26/06/2016
Việt Nam kêu gọi dừng ngay thay đổi nguyên trạng Biển Đông tại LHQ
Hội nghị lần thứ 26 các quốc gia thành viên Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển năm 1982 diễn ra từ ngày 20 đến 24/6, tại trụ sở Liên Hợp Quốc ở New York, Mỹ.
Hội nghị xem xét các báo cáo về hoạt động trong năm 2015 của Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương và Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa cũng như một số vấn đề khác.
Theo thông cáo của Bộ Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Phương Nga, Trưởng Phái đoàn đại diện thường trực Việt Nam tại Liên Hợp Quốc, trưởng đoàn Việt Nam tại Hội nghị hôm 23/6 phát biểu trong sự kiện.
Đại sứ bày tỏ quan ngại về những diễn biến phức tạp gần đây ở Biển Đông, đặc biệt là các hoạt động cải tạo và xây dựng quy mô lớn làm thay đổi tính chất tự nhiên của một số cấu trúc ở Biển Đông, các hoạt động quân sự hóa, gây xói mòn lòng tin, gia tăng căng thẳng, ảnh hưởng nghiêm trọng tới hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực.
Trưởng đoàn Việt Nam kêu gọi các bên liên quan chấm dứt ngay các hành động làm thay đổi nguyên trạng, phá hoại môi trường biển và làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.
Đại sứ khẳng định tranh chấp ở Biển Đông phải được giải quyết thông qua các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Luật Biển. Đại sứ kêu gọi các bên liên quan cần thực hiện đầy đủ và hiệu quả Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) và sớm đạt được Bộ quy tắc về ứng xử ở Biển Đông (COC).
Hội nghị có sự tham dự của 79 trong 168 quốc gia thành viên, các tổ chức quốc tế và 10 nước quan sát viên. Hội nghị đã xem xét các báo cáo về hoạt động trong năm 2015 của Tòa án quốc tế về Luật Biển, Cơ quan Quyền lực đáy đại dương và Ủy ban Ranh giới ngoài thềm lục địa cũng như một số vấn đề khác.
Tại các phiên thảo luận của Hội nghị, đoàn Việt Nam hoan nghênh Tòa án quốc tế về Luật biển đưa ra các phán quyết và ý kiến tư vấn trong năm 2015, góp phần làm sáng tỏ các vấn đề liên quan đến việc giải thích và áp dụng Công ước.
Đoàn Việt Nam cũng hoan nghênh nỗ lực của Uỷ ban ranh giới ngoài thềm lục địa trong việc xem xét các báo cáo ranh giới ngoài thềm lục địa của các quốc gia thành viên trong năm 2015. Đoàn đồng thời nhấn mạnh cần sửa đổi quy tắc hoạt động để Uỷ ban có thể ra khuyến nghị đối với các báo cáo bị phản đối, trong đó có các báo cáo của Việt Nam, phù hợp với quy định của Công ước.
70% cán bộ thuế gần như chưa đáp ứng được yêu cầu
Chiến lược Cải cách Thuế giai đoạn 2011 - 2020 cũng như Nghị quyết 19/NQ-CP của Chính phủ trong các năm 2014, 2015 và năm 2016 đã đặt ra những mục tiêu cụ thể, làm giảm gánh nặng thủ tục liên quan đến thuế, nhằm cải thiện môi trường kinh doanh.
Theo đó, đến cuối năm 2020, Việt Nam sẽ là 1 trong 4 nước đứng đầu khu vực Đông Nam Á được xếp hạng có mức độ thuận lợi về thời gian thực hiện thủ tụ hành chính thuế. Đến năm 2020, tối thiểu có 90% doanh nghiệp sử dụng các dịch vụ thuế điện tử, 65% doanh nghiệp đăng ký thuế, khai thuế qua mạng internet; và 80% số người nộp thuế hài lòng với các dịch vụ mà cơ quan thuế cung cấp...
Tại một cuộc hội thảo mới đây, bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam đã đánh giá rằng, thời qua việc thực hiện các cải cách thể chế để đáp ứng nhu cầu cải cách thuế đã được thực hiện tốt. Có những Thông tư Bộ Tài chính đã đưa ra sửa đổi chỉ trong vòng 6 ngày, một số Thông tư hướng dẫn khác cũng đã được ban hành rất nhanh.
Tuy nhiên, vẫn còn rất nhiều yêu cầu trong đổi mới cải cách thuế nhưng cơ sở hạ tầng, kĩ thuật hiện chưa đáp ứng được. Ví dụ trong Thông tư 92 về thuế thu nhập cá nhân: Phần mềm của tiền lương, tiền công theo biểu kê khai 02 nhưng lại được đưa về phần mềm quyết toán thuế năm 2015 và quyết toán đến ngày 31/3 vừa qua vẫn còn là tờ khai 09. “Có nghĩa là truyền thông của mình, phần mềm của mình chưa đáp ứng kịp thời các đổi mới về thể chế”, bà Cúc cho biết.
Song song với điều kiện cơ sở hạ tầng, kĩ thuật là yếu tố con người, theo bà Cúc, đội ngũ quản lý thuế các doanh nghiệp lớn, doanh nghiệp đầu tư nước ngoài chỉ chiếm khoảng 30% nhân lực. Trong khi có tới 70% cán bộ thuế đang quản lý thuế của các hộ kinh doanh cá thể, các doanh nghiệp nhỏ. Đội ngũ này gần như chưa đáp ứng được với yêu cầu quản lý về công nghệ thông tin, về trình độ ngoại ngữ, về đối chiếu chuyển giá.
“Cán bộ của Tổng cục Thuế, cán bộ cục Thuế giải thích chế độ chính sách thuế rất tốt, nhưng khi đến các Đội thuế xã, phường nhiều lúc các doanh nghiệp gặp khó khăn. Thậm chí có những nội dung đã được quy định trong các văn bản mới của Tổng cục Thuế, của Bộ Tài chính nhưng cán bộ thuế ở đội thuế chưa nắm được, đến khi doanh nghiệp hỏi đã cảm thấy rất vướng mắc”, bà Cúc phân tích.
Bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam cho rằng vấn đề cơ bản nhất của cải cách thuế vẫn phải là cải cách hệ thống quản lý thuế.
Ngày nào cũng có vụ việc liên quan đến thuế
Trước những thực tế kể trên, bà Cúc cho rằng, trong cải cách về thuế hiện nay vẫn cần tập trung vào hai vấn đề là: Cải cách về thể chế và cải cách về quản lý thuế. Đối với cải cách về thể chế, có thể nghiên cứu bổ sung xây dựng chính sách chế độ thuế mới, đưa ra những luật, nghị định, thông tư.
Nhưng vấn đề cơ bản nhất của cải cách thuế vẫn phải là cải cách hệ thống quản lý thuế. Theo bà Cúc, ngoài việc tập trung vào áp dụng kỹ thuật, ứng dụng công nghệ thông tin để quản lý thuế, một nền tảng lớn hơn trong cải cách thuế đó chính là yếu tố con người, có nghĩa là nâng cao năng lực và phẩm chất đội ngũ cán bộ thuế để đáp ứng với cải cách thể chế, cũng như đáp ứng các ứng dụng của công nghệ thông tin.
Chủ tịch Hội Tư vấn thuế cho biết, ở nhiều quốc gia rất coi trọng việc đào tạo trình độ nghiệp vụ đối với cán bộ thuế. Ngay tại Nhật hay Malaysia, mỗi khi có một chính sách thuế mới ra họ cập nhật rất kỹ, muốn đưa đến doanh nghiệp và người nộp thuế thì cán bộ thuế phải thật tinh thông mới hướng dẫn được.
Trong khi đó ở nước ta, ngoài các cán bộ ở Tổng cục Thuế, cục thuế đáp ứng được yêu cầu, những cán bộ thuế còn lại khi thường xuyên phải tiếp xúc với doanh nghiệp, với người nộp thuế nhưng trình độ đang còn rất hạn chế.
“Hiện chúng ta có gần 500.000 doanh nghiệp nhưng hộ doanh nghiệp nộp thuế lên tới trên 1,5 triệu, rõ ràng cán bộ thuế tiếp xúc với số lượng 1,5 triệu là nhiều hơn cho nên ngày nào cũng có những vụ việc lên quan đến thuế chính là như vậy”, bà Cúc chỉ rõ.
Do đó, bà Cúc cho rằng, ngoài việc cải cách ứng dụng công nghệ thông tin, vấn đề đào tạo, nâng cao trình độ kiến thức của cán bộ thuế đặc biệt là cán bộ quản lý thuế phụ trách khu vực doanh nghiệp nhỏ và vừa, quản lý thuế các hộ cá thể là nhu cầu hết sức bức thiết.
Việc đào tạo này phải đảm bảo làm sao cho cán bộ thuế đạt mức tinh thông về nghiệp vụ, đủ trình độ về năng lực quản lý. Trong đó, năng lực cán bộ thuế cần bao hàm các yêu cầu về nghiệp vụ ngành, khả năng ứng dụng công nghệ thông tin cũng như kỹ năng quản lý, và một yếu tố không thể thiếu đó là vấn đề đạo đức nghề nghiệp.
“Làm thế nào để hiểu được người nộp thuế? Muốn kiểm tra việc chuyển giá là rất khó nên cán bộ thuế phải có trình độ cao mới thực hiện được. Bên nộp thuế họ giỏi họ mới chuyển giá được thì cán bộ thuế phải được trang bị kiến thức kỹ càng. Kiến thứ đó phải được trang bị đồng bộ từ cán bộ Tổng cục thuế đến tận các Chi cục thuế. Có như thế mỗi khi gặp “vỏ quýt dày” mình sẽ có “móng tay nhọn” để giải quyết”, Chủ tịch Hội Tư vấn thuế Việt Nam mong muốn.(VOV)
Nhãn Châu Thành được cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa
Ngày 25-6, UBND huyện Châu Thành, Đồng Tháp đã làm lễ công bố chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa "Nhãn Châu Thành - Đồng Tháp" cho loại nhãn Idor của huyện này.
Tại buổi công bố, đại diện UBND huyện Châu Thành cho biết hiện diện tích vườn nhãn Châu Thành chiếm hơn 50% diện tích trồng cây ăn trái của toàn huyện với khoảng 3.500 ha, hầu như nhà nào cũng trồng nhãn. Huyện Châu Thành đã trở thành vùng nguyên liệu cho thị trường trong nước.
Từ năm 2012, ngành nông nghiệp huyện đã phối hợp với cơ quan ban ngành nắm lại tình hình sản xuất nhãn, vùng sản xuất tập trung, định hướng phát triển ngành hàng và lập thủ tục đăng ký nhãn hàng hóa, lập bản đồ chỉ dẫn địa lý cũng như bản đồ vùng sản xuất nhãn huyện Châu Thành...
Việc Cục Sở hữu trí tuệ (Bộ Khoa học - công nghệ) cấp giấy chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa đối với sản phẩm nhãn Châu Thành sẽ là bước ngoặt mới thúc đẩy trái nhãn vươn ra thế giới, tạo điều kiện để phát triển thành thương hiệu nhãn Châu Thành.
Ước tính 6 tháng đầu năm 2016, nhãn Châu Thành đã xuất sang thị trường Hoa Kỳ hơn 100 tấn, trong khi suốt năm 2015 chỉ xuất được số lượng tương tự. Dù sản lượng còn khiêm tốn nhưng nhờ nhãn đạt chất lượng luôn ổn định ở mức cao nên người trồng nhãn vẫn có thu nhập khá.
Thúc đẩy trao đổi thương mại Việt Nam - Hong Kong
Hong Kong hiện có vai trò giao thương kinh tế quan trọng với VN, đặc biệt làm cầu nối của VN với thị trường bên ngoài. VN cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của đặc khu kinh tế này trong ASEAN.
Phát biểu với cộng đồng doanh nghiệp (DN) VN và Hong Kong tại hội thảo kết nối giao thương giữa hai bên ngày 24-6 ở TP.HCM, ông Lê Mạnh Hà, phó chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ, cho biết hiện nay Chính phủ VN đang triển khai nhiều giải pháp hỗ trợ cộng đồng DN tư nhân phát triển, trong đó có cả DN tư nhân nước ngoài hoạt động tại VN.
Trong thời gian tới, theo ông Hà, cơ quan này sẽ trình Quốc hội nghị quyết tháo gỡ khó khăn về thuế cho DN, đồng thời đề xuất sửa đổi, bổ sung và bãi bỏ các quy định về cấp giấy phép xuất nhập khẩu, quản lý thị trường theo hướng tạo thuận lợi, giảm chi phí cho DN theo đúng cam kết quốc tế.
Đặc biệt, sẽ giảm bớt các thủ tục về thuê đất, giảm thời gian cấp giấy phép xây dựng để giảm chi phí cho DN, điều chỉnh phù hợp với thị trường và quyền lợi của DN.
Theo đánh giá của ông Hà, Hong Kong hiện có vai trò giao thương kinh tế quan trọng với VN, đặc biệt làm cầu nối của VN với thị trường bên ngoài. Trong khi đó, VN cũng là thị trường xuất khẩu hàng đầu của đặc khu kinh tế này trong ASEAN.
Năm 2015, kim ngạch thương mại hai chiều VN và Hong Kong đạt 16,3 tỉ USD, tăng 16,7% so với năm trước.
Cũng tại hội thảo, bà Margaret Fong, cục trưởng Cục Xúc tiến mậu dịch Hong Kong, cho biết với hệ thống logistics hiện đại, kết nối với nhiều nước, trong đó có cảng tự do (hàng hóa qua cảng này không bị đánh thuế xuất nhập khẩu), nhiều công ty VN hiện xem Hong Kong là đối tác chính để kết nối với các người mua quốc tế.
“Điều thuận lợi nhất là Hiệp định thương mại tự do Hong Kong - ASEAN dự kiến kết thúc đàm phán vào cuối năm nay sẽ góp phần thúc đẩy thương mại giữa hai bên” - bà Fong nói.