Tín dụng tiền đồng tăng 8,11%, tín dụng ngoại tệ giảm 4,64%
Giải đáp về ưu đãi thuế cho phát triển CNTT
Huy động thêm 50,2 nghìn tỷ đồng trái phiếu chính phủ trong tháng 6
Ngân sách mất trắng hơn 15.000 tỷ tiền thuế
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 27-04-2016
- Cập nhật : 27/04/2016
Việt Nam kêu gọi quốc tế hỗ trợ khẩn 48,5 triệu USD ứng phó thiên tai
Tình trạng hạn hán tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long đang diễn ra rất nghiêm trọng. (Ảnh: Hùng Võ/Vietnam+)
Lời kêu gọi trên được đưa ra tại hội nghị “Kêu gọi hỗ trợ thực hiện kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với hạn hán và xâm nhập mặn tại Việt Nam,” ngày 26/4, tại Hà Nội do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Liên hợp quốc tổ chức.
Cùng ngày, Việt Nam cũng công bố kế hoạch ứng phó khẩn cấp nhằm đáp ứng những nhu cầu cấp bách nhất của khủng hoảng này, hỗ trợ nhân đạo đáp ứng các nhu cầu thiết yếu nhất về nước sạch, vệ sinh môi trường và vệ sinh, an toàn thực phẩm, dinh dưỡng, sức khỏe và phục hồi sớm đời sống của nhân dân.
Một phần kinh phí đã được cam kết, bảo đảm tạo điều kiện cho Chính phủ tiến hành các nỗ lực ứng phó và cứu trợ khẩn cấp.
Trong tháng Ba, Chính phủ Việt Nam, Liên hợp quốc và các tổ chức phi chính phủ (NGO) đã tiến hành một đánh giá nhanh, ước tính trong 18 tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất với khoảng 2 triệu người không được sử dụng nước sạch cho sinh hoạt, và 1,1 triệu người cần hỗ trợ về lương thực. Hơn 60.000 phụ nữ và trẻ em đang lâm vào tình trạng suy dinh dưỡng, và sinh kế của khoảng 1,75 triệu người đã bị thiệt hại nặng nề do hạn hán ngày càng gia tăng ngày càng nghiêm trọng.
Đánh giá nhanh cũng cho thấy tám tỉnh khác cũng đang trong nguy cơ bị ảnh hưởng nghiêm trọng bởi hạn hán trong các tuần tới đây do tình trạng thiếu nước và phơi nhiễm với các yếu tố nguy cơ vì sử dụng nước không hợp vệ sinh, dự báo khả năng bùng phát của các bệnh dịch do thiếu nước sạch.
Thêm vào đó, an ninh lương thực bị đe dọa nghiêm trọng do mất mùa vì hạn hán sẽ là nguy cơ dẫn đến tăng tỷ lệ trẻ em bị suy dinh dưỡng cấp tính nghiêm trọng.
Từ cuối năm 2015, Chính phủ Việt Nam đã hỗ trợ trên 5.200 tấn lương thực cho ba khu vực chịu ảnh hưởng của hạn hán và phân bổ 1.081 tỷ đồng (khoảng 45 triệu USD) thực hiện các nỗ lực cứu trợ hạn hán ở cấp quốc gia.
Ngày 15/3, Chính phủ Việt Nam đã kêu gọi các đối tác quốc tế cùng hỗ trợ các nỗ lực cứu trợ, ưu tiền đảm bảo cung cấp, dự trữ và xử lý nước tại các vùng chịu ảnh hưởng của hạn hán, cũng như đảm bảo an ninh lương thực, hỗ trợ dinh dưỡng và tăng cường công tác giám sát nguy cơ bùng phát dịch bệnh.
Tại hội nghị, Điều phối viên thường trú của Liên hợp quốc, bà Pratibha Mehta đánh giá Chính phủ Việt Nam đã có những hành động chủ động, nỗ lực lớn thực hiện các cứu trợ khẩn cấp, song đây là một sự kiện đặc biệt kêu gọi sự hỗ trợ đặc biệt của cộng đồng quốc tế. Liên hợp quốc sẽ tiếp tục phối hợp cùng với Chính phủ Việt Nam để có thể trợ giúp những nhu cầu cấp thiết nhất cho những người dân bị ảnh hưởng nặng nề nhất.
“Hiện nay vẫn còn nhiều người dân có những nhu cầu vẫn chưa được đáp ứng vì còn thiếu rất nhiều nguồn lực. Chúng tôi đang phối hợp chặt chẽ với Chính phủ Việt Nam, các tổ chức quốc tế để có thể thực hiện kế hoạch hôm nay. Kế hoạch này sẽ hướng vào những nhóm người dân đang cần sự trợ giúp về nước uống, lương thực, dinh dưỡng, vệ sinh để khôi vụ sinh kế,” bà Pratibha Mehta nhấn mạnh.
Đến cuối giờ chiều 26/4, các nhà tài trợ đã công bố một số khoản hỗ trợ khẩn cấp cho Việt Nam. Cụ thể, Cơ quan Liên hợp quốc sẽ hỗ trợ 4 triệu USD, ADB sẽ xem xét hỗ trợ 3 triệu USD, Mỹ hỗ trợ 50.000 USD cho tỉnh Bến Tre, Hội Chữ thập Đỏ 200.000 euro cho Cà Mau và 15.000-18.000 USD cho Long An, Chính phủ New Zealand 50.000 USD, Chính phủ Australia và Chính phủ Thụy Sĩ cũng sẽ xem xét hỗ trợ Việt Nam... Tổng các khoản viện trợ khoảng 7,34 triệu USD.
Ngoài ra, WB, Ngân hàng Phát triển châu Á, Chính phủ Nhật Bản, Quỹ AFD (Pháp), Ngân hàng Tái thiết Đức cũng thể hiện sự sẵn sàng tăng cường hỗ trợ cũng như điều chỉnh khoản hỗ trợ và đẩy nhanh tốc độ giải ngân các chương trình có tính chất dài hạn để Việt Nam ứng phó với tình hình trước mắt cũng như thực hiện các giải pháp lâu dài ứng phó với biến đổi khí hậu.
Nhiều địa phương cố tình dự báo thấp các nguồn thu
"Việc thực hiện lập dự báo thu ngân sách Nhà nước (NSNN) Việt Nam thời gian qua cho thấy nhiều bất cập, độ tin cậy thấp. Đặc biệt nhiều địa phương cố tình dự báo thấp các nguồn thu ngân sách để tránh áp lực về dự báo cáo trong tương lai”- nhóm nghiên cứu của GIZ chỉ ra.
Tại Hội thảo dự báo thu NSNN và những khuyến nghị cho Việt Nam do Tổng cục Thuế phối hợp với Tổ chức Hợp tác GIZ (Đức) tổ chức sáng nay, 26-4, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thuế Đặng Ngọc Minh cho rằng, Việt Nam đang trong quá trình cải cách, chuyển đổi và tái cơ cấu nền kinh tế đồng thời đang hội nhập sâu rộng với kinh tế khu vực và thế giới.
Ngoài những cơ hội, thuận lợi thì cũng phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức đối với nền kinh tế. Vì vậy, đòi hỏi công tác quản lý nhà nước nâng cao năng lực phân tích, dự báo nói chung và dự báo thu ngân sách nhằm giúp Chính phủ chủ động trong quá trình hội nhập, phát triển kinh tế, ứng phó kịp thời những vấn đề phát sinh trong thực tiễn quản lý.
Luật NSNN sửa đổi đã được Quốc hội khóa XIII thông qua và có hiệu lực thi hành từ năm ngân sách 2017 nhằm cải thiện hiệu quả quản lý NSNN và minh bạch trong quản lý tài chính công. Theo đó, Việt Nam phải lập kế hoạch tài chính trung hạn gồm xây dựng kế hoạch tài chính 5 năm và lập kế hoạch tài chính- ngân sách 3 năm ngoài việc lập dự toán thu hàng năm như hiện nay.
“Kế hoạch tài chính trung hạn sẽ là cơ sở để thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế xã hội, cân đối, sử dụng có hiệu quả nguồn lực tài chính công và NSNN trung hạn, xem xét đầu tư công trung hạn và định hướng cho công tác lập dự toán NSNN hàng năm”- ông Đặng Ngọc Minh nhấn mạnh.
Trong khi đó, thông tin tại Hội thảo, Chuyên gia quốc tế về dự báo thu đến từ Đức, ông Breuer cho rằng, việc thực hiện lập dự báo thu NSNN Việt Nam thời gian qua cho thấy nhiều bất cập, độ tin cậy thấp, nhiều lỗi lớn, các dự báo trung hạn không đủ và phương pháp định lượng yếu; Thiếu các dự báo cho nhiều năm và thiếu số liệu đáng tin cậy cho khoảng thời gian dài hơn; Cũng thiếu số liệu theo tháng hoặc quý. Đặc biệt nhiều địa phương cố tình dự báo thấp các nguồn thu ngân sách của mình để tránh áp lực về dự báo cao trong tương lai. Một lý do nữa dẫn đến các lỗi dự báo lớn có thể do chính sách thường xuyên dẫn đến khó khăn trong việc xác định xu hướng thực tế của các nguồn thu…
Vì vậy, theo ông Đặng Ngọc Minh công tác dự báo thu cần được nghiên cứu đổi mới mạnh mẽ, ứng dụng các phương pháp dự báo hiện đại trong dự báo và lập dự toán thu NSNN nhằm đảm bảo sát với thực tế phát sinh, giúp Chính phủ và các địa phương chủ động trong quản lý, điều hành NSNN. Bên cạnh đó, để đáp ứng nhu cầu cân đối NSNN trong giai đoạn 2016-2020 trong điều kiện một số nguồn thu lớn có xu hướng giảm như thu thuế xuất nhập khẩu, thuế đất, dầu thô… thì việc nghiên cứu các giải pháp, chính sách để trình các cấp thẩm quyền sửa đổi, điều chỉnh mức điều tiết đối với các sắc thuế là cần thiết.
Tại hội thảo, các chuyên gia GIZ (Đức) cho rằng, cơ cấu thuế ở Việt Nam hoàn toàn giống với cơ cấu thuế ở các nước thành viên OECD, nơi mà hầu hết các khoản thu đến từ thuế thu nhập (cá nhân và DN) và thuế GTGT. Đặc biệt tầm quan trọng ngày càng lớn của thuế GTGT và các khoản thuế trực tiếp có liên quan đến thu nhập vì vậy cần phải tính đến một dự báo kinh tế vĩ mô nhất quán nhằm đưa ra các dự báo chi tiết cho các đại diện của các cơ sở tính thuế tiềm năng, chẳng hạn như tiêu dùng cá nhân trong trường hợp thuế GTGT.
Từ đó, các chuyên gia đã đưa ra khuyến nghị và đề xuất mô hình áp dụng tại Việt Nam. Theo ông Breuer, hiện hầu hết các nước thành viên OECD đều sử dụng các dự báo thu ngân sách chính phủ để lập dự toán hàng năm và đây là lý do tại sao các quy định thể chế thường do Chính phủ chi phối. Theo đó, trong gần một nửa các nước thành viên OECD, các dự báo thu ngân sách do Bộ Tài chính thực hiện và chỉ có một số ít quốc gia như: Đức, Hà Lan có sự tham gia của một số cơ quan độc lập vào quá trình lập dự báo.
Tuy nhiên theo ông Breuer, vấn đề đặt ra để có dự báo lý tưởng và hợp lý và để đảm bảo dự báo không thiên vị bởi các động cơ chính trị thì các kết quả dự báo phải được công khai cho công chúng và cho các nhà lập dự báo cạnh tranh nhau. Hầu hết các nước hàng năm đưa ra dự báo trung hạn và dự báo cho nhiều năm. Chẳng hạn như trường hợp ở Đức đưa ra dự báo trung hạn vào mùa xuân và dự báo ngắn hạn được sử dụng cho lập ngân sách ngay trước khi bắt đầu năm ngân sách vào mùa thu. Ngoài ra cần tính đến dự báo kinh tế vĩ mô bao gồm GDP, tiêu dung cá nhân, thu nhập tổng và lạm phát…
Một người Việt bị bắt ở Thái Lan vì trộm túi xách
Cảnh sát Thái Lan vừa bắt được người đàn ông Việt Nam 60 tuổi đã ăn trộm hành lý của một người khác tại sân bay Suvarnabhumi tuần trước.
Hành khách Trần Nho Tiên (hoặc Tiến) 60 tuổi bị cảnh sát Thái Lan bắt vì tội ăn trộm hành lý của người khác tại sân bay Suvarnabhumi - Ảnh: Bangkok Post
Báo Bangkok Post dẫn lời giám đốc phụ trách an ninh tại sân bay Suvarnabhumi, ông Kittipong Kittikachorn, hôm 26-4, cho biết nghi phạm vừa bị bắt giữ là ông Tran Nho Tien đi trên chuyến bay của VietJet Air, hạ cánh lúc 13g00 ngày 20-4 tại Suvarnabhumi.
Hành lý ký gửi trên chuyến bay của ông này được trả tại băng chuyền số 16. Tuy nhiên ông lại quanh quẩn ở băng chuyền số 8.
Đoạn camera giám sát cho thấy ông Tran Nho Tien đã lấy cắp một túi xách đeo vai của một hành khách khác trong chiếc xe đẩy ở gần băng chuyền trả hành lý số 8.
Chiếc túi này là của nữ hành khách Sophita Ngampanit, 35 tuổi, người Thái Lan, sống tại quận Bang Sue, thủ đô Bangkok.
Chị Sophita cho biết chị bay từ Frankfurt trên máy bay của Lufthansa, tới sân bay Suvarnabhumi lúc 13g40 ngày 20-4 và đặt túi xách lên chiếc xe đẩy trong lúc chờ đợi trả hành lý ký gửi ở băng chuyền số 8.
Trong chiếc túi xách tay bị lấy cắp có 1.100 euro, hai thẻ tín dụng, chiếc kính mắt hiệu Ray-Ban, một chiếc ví, hộ chiếu và chứng minh thư của chị Sophita.
Cảnh sát Thái Lan đã bắt được ông Tran Nho Tien tại đường Khao San ở trung tâm Bangkok ngày 25-4 và ông này đã trình diện trong một cuộc họp báo tại sân bay Suvarnabhumi ngày 26-4.
Ông Đinh La Thăng truy trách nhiệm Giám đốc Sở Y tế TP HCM
Tại buổi làm việc với Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng ngày 26/4, Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Nguyễn Hữu Hoài Phú cho biết Bệnh viện An Nhơn Tây (tên gọi cũ của Bệnh viện Củ Chi) có công suất 300 giường với tổng kinh phí đầu tư khoảng 345 tỷ đồng, trong đó riêng gói thiết bị y tế là 185 tỷ đồng, còn lại là xây lắp.Bệnh viện đã được đưa vào sử dụng từ tháng 1, gói thiết bị dự kiến ngày 5/5 Ban quản lý các công trình xây dựng Củ Chi sẽ mở thầu. "Tới 10/7 sẽ xong gói thầu và sớm nhất tới tháng 8 mới có thiết bị", ông Phú nói và cho biết lý do chậm trễ là trước đây quyền đấu thầu thiết bị y tế do Sở Y tế nắm. Sau chỉ đạo của Bí thư Đinh La Thăng, quyền này được giao về cho các bệnh viện huyện và mới bắt đầu lập hồ sơ đấu thầu từ tháng 3 năm nay.
Bí thư Thành ủy TP HCM Đinh La Thăng làm việc với lãnh đạo huyện Củ Chi và lãnh đạo các sở, ngành về dự án bệnh viện Củ Chi. Ảnh: T.N
Nghe đến đây Bí thư Đinh La Thăng hỏi: "Trước đây sao Sở Y tế, với tư cách chủ đầu tư, không thực hiện đấu thầu thiết bị? Sao giờ bệnh viện xây xong rồi mới đấu thầu? Đầu tư phải đồng bộ. Bệnh viện xây xong rồi mà chưa có đủ thiết bị y tế là sao?"
"Anh Bỉnh đâu? Các anh từng làm văn bản đề nghị UBND thành phố giao cho ai đấu thầu? Người dân đang cần bệnh viện, dân số ngày càng tăng lên. Cả Bình Dương và các khu vực đều đến đây chữa bệnh mà các anh cứ đùn đẩy nhau", ông Thăng quay sang truy vấn Giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh.
Theo ông Bỉnh, việc mở thầu chậm trễ là do chưa xây dựng được cấu hình thiết bị riêng cho Bệnh viện Củ Chi. Về đầu tư trang thiết bị thì chủ đầu tư là bệnh viện và ban quản lý các dự án phải xây dựng các danh mục, rồi đưa lên Sở Y tế thẩm định. Từ tháng 9/2015, Sở Y tế đã nhiều lần xuống hướng dẫn để đưa bệnh viện vào vận hành.
"Tuy nhiên do năng lực của bệnh viện hiện chỉ có 14 bác sĩ thì không thể xây dựng được cấu hình cũng như ban quản lý chưa chọn được cấu hình nào phù hợp", ông Bỉnh nói.
Ông Đinh La Thăng hỏi tiếp: "TP HCM có bao nhiêu bệnh viện có 300 giường?". Ông Bỉnh đáp: "31 bệnh viện, Sở y tế cũng có hỗ trợ để xây dựng cấu hình nhưng chưa kịp".
Bí thư Thành ủy TP HCM truy tiếp: "Vậy sao các anh không lấy cấu hình của các bệnh viện tương tự, chỉnh sửa thêm cho phù hợp? Anh làm chậm mà còn đổ cho cấp dưới là sao? Vai trò của anh ở đâu? Anh đừng nói hỗ trợ mà trách nhiệm của các anh là phải làm"."Có sự loằng ngoằng chuyện mua sắm ở đây nên mới chậm. Các anh đã không vì cái chung. Dân chờ còn các anh thì cứ ngồi đó. Trách nhiệm số một là của giám đốc Sở Y tế. Anh kiểm điểm xem, anh có đủ sức để hoàn thành nhiệm vụ hay không?", Bí thư Đinh La Thăng hỏi giám đốc Sở Y tế Nguyễn Tấn Bỉnh.
Về nhân sự cho bệnh viện Củ Chi, ông Bỉnh cho biết qua đợt lễ 30/4 khoảng 40 bác sĩ từ các bệnh viện chuyên khoa tại trung tâm thành phố sẽ được điều về đây làm việc. Ngoài việc khám chữa bệnh, đội ngũ này còn có trách nhiệm hướng dẫn, đào tạo các bác sĩ trẻ mới ra trường.
Bí thư Thành ủy Đinh La Thăng lưu ý, nếu chỉ điều chuyển bác sĩ theo dạng sáng ôtô chở đi, chiều đưa về là không khả thi. Phải xây nhà công vụ để các bác sĩ yên tâm ở lại làm việc. "Bệnh nhân ở Củ Chi, Bình Dương lên khám thì làm thế nào? Bệnh nhân có ốm theo giờ hành chính đâu, nên phải có lực lượng bác sĩ túc trực tại chỗ", ông Thăng nói.
Người đứng đầu Thành ủy TP HCM yêu cầu Đảng ủy Sở Y tế phải kiểm điểm trách nhiệm cán bộ liên quan tới sự chậm trễ trong việc vận hành, khai thác bệnh viện Củ Chi và phải có biện pháp xử lý những người liên quan, kể cả người đứng đầu. Về phía huyện cũng phải xử lý nghiêm những người có liên quan để xảy ra việc chậm trễ.
"Tôi sẽ theo sát. Cái này rõ ràng có vấn đề trong cung cách hành chính. TP HCM xếp thứ 47/63 tỉnh thành về chỉ số cải cách hành chính. Trong xếp hạng 47 đó, Sở Y tế cũng có góp tương đối nhiều", ông Thăng nói.
Quảng Bình cấp 500 tấn gạo cho ngư dân ảnh hưởng cá chết
“Không để một người dân nào bị thiếu đói vì vụ cá chết này”, chủ tịch UBND tỉnh Quảng Bình Nguyễn Hữu Hoài đã nói như vậy tại cuộc họp của UBND tỉnh chiều 26-4.
Theo đó, để hỗ trợ ngư dân bị ảnh hưởng do cá chết, từ ngày 27-4 tỉnh sẽ mua khẩn cấp 500 tấn gạo để cấp phát đến các hộ làm nghề đánh bắt và nuôi thủy sản vùng ven bờ, với mức 10kg/người/tháng.
Để gạo kịp thời đến đúng người và địa chỉ, chủ tịch UBND tỉnh giao nhiệm vụ cho chủ tịch UBND các huyện, thị xã, thành phố phân bổ gạo trước ngày 28-4.
Sở NN&PTNT cho biết toàn tỉnh có hơn 2.300 tàu và 500 thuyền cá chuyên đánh bắt hải sản gần bờ của hơn 2.000 hộ dân và trên 350 hộ làm muối ở huyện Quảng Trạch bị ảnh hưởng do cá chết.
Một số tàu cá đánh bắt xa bờ cũng bị ảnh hưởng do giá thu mua hải sản giảm mạnh hoặc ngư dân không bán được cá. Hộ nuôi thủy sản phải ngừng nuôi do nước biển ô nhiễm. Người kinh doanh dịch vụ, du lịch cũng bị ảnh hưởng do khách hủy tour và không dám ăn hải sản.
Ước tính tổng thiệt hại của người dân do vụ cá chết này lên tới 115 tỉ đồng.