Duyệt danh mục 20 dự án kêu gọi đầu tư tại Đà Nẵng
TP.HCM đề nghị được thưởng vì thu vượt dự toán
Lào Cai cam kết dành ưu đãi cao nhất cho nhà đầu tư
Tích cực hợp tác quốc tế nhằm thúc đẩy cải cách, hiện đại hóa hải quan
Xử lý xâm phạm quyền Sở hữu trí tuệ: Chưa đồng bộ, thiếu hiệu quả
Thực hư thông tin phát hiện thủy ngân trong không khí ở Hà Nội
- Cập nhật : 27/04/2016
(Tin kinh te)
Trước thông tin phát hiện thủy ngân treo lơ lửng trong không khí đang gây hoang mang dư luận tại Hà Nội, nhiều chuyên gia tỏ ra khá lo lắng vì tình trạng này có nguy cơ ảnh hưởng nghiêm trọng đường hô hấp, gây ung thư.
"Cần phải nghiên cứu tiếp"
Để làm rõ vấn đề này, chiều 26/4, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, nguồn tin từ Trung tâm quan trắc môi trường thuộc Tổng cục Môi trường đã khẳng định, hệ thống quan trắc của đơn vị này có phát hiện thủy ngân trong không khí.
Nguồn tin này cho biết, qua quan sát từ hệ thống quan trắc môi trường, Trung tâm quan trắc môi trường phát hiện thủy ngân trong không khí trên địa phận huyện Gia Lâm. Tuy nhiên, khi phóng viên hỏi vị trí cụ thể thì nguồn tin không xác nhận.
Vậy hiện tượng thủy ngân trong không khí xuất hiện một điểm hay phát hiện ở trong phạm vi rộng? Nguồn tin từ Trung tâm quan trắc môi trường cho biết, đơn vị vẫn đang tiếp tục theo dõi, kiểm tra, xác định phạm vi và tìm hiểu nguyên nhân.
Trước đó, trao đổi với một số báo, ông Hoàng Dương Tùng, Phó tổng Cục trưởng Tổng cục Môi trường cho biết, vấn đề thủy ngân là vấn đề mới của toàn cầu và trong đó có Việt Nam. Ông cho biết, vừa qua có một điểm quan trắc của Tổng cục Môi trường phát hiện có thủy ngân từ mưa axít, đến nay mới có kết quả bước đầu tại một điểm nên vấn đề này cần nghiên cứu tiếp. Phải nghiên cứu dưới góc độ khoa học xem mức độ thế nào, rồi tìm ra nguyên nhân.
Ông Tùng cũng khẳng định, quan trắc, phân tích thủy ngân không đơn giản và hiện nay Tổng cục Môi trường vẫn đang cùng quốc tế quan trắc và phân tích số liệu. Độc tố của thủy ngân cũng không kém gì bụi PM2,5 (các hạt bụi có đường kính động học ≤2,5µm, có khả năng đi sâu vào các phế nang phổi, gây ảnh hưởng trực tiếp đến hệ hô hấp).
“Tôi khẳng định vấn đề thủy ngân là vấn đề mới, toàn cầu. Thủy ngân có thể bay từ rất xa, từ Trung Quốc sang Mỹ, thành ra vấn đề ấy phải xác định xem Hà Nội có hay không, nguyên nhân từ đâu và hành động của mình như thế nào,” ông Tùng nhấn mạnh.
"Nói Hà Nội bị ô nhiễm thủy ngân là không đúng!"
Trong khi đó, trao đổi với phóng viên VietnamPlus, trên phương diện là chuyên gia không khí, giáo sư tiến sỹ Phạm Ngọc Đăng, Phó Chủ tịch Hội Bảo vệ Thiên nhiên và Môi trường Việt Nam cho rằng, việc phát hiện thủy ngân trong không khí chỉ là số liệu quan trắc nhất thời ở một địa điểm nào đó. Tuy nhiên, đã phát hiện hơi thủy ngân thì phải có nguồn phát sinh.
Vậy hiện tượng thủy ngân trong không khí có thể bắt nguồn từ đâu? Theo ông Đăng, hiện nay, nguồn phát sinh thủy ngân có thể là ở trong các khu công nghiệp, trong y tế (như nhiệt kế), hay đèn neon khi vỡ ra có thể phát tán hơi thủy ngân, trong sơn kim loại (nhất là sơn tàu thủy).
“Tuy nhiên, tôi cho rằng ở Hà Nội hiện nay không có các nguồn phát sinh thủy ngân tràn lan được. Thế nên, nói Hà Nội bị ô nhiễm thủy ngân là không đúng. Nếu xuất hiện thủy ngân trong không khí thật thì việc này cũng cần phải nghiên cứu cụ thể, xem nó xảy ra ở địa điểm cụ thể nào, để truy tìm được nguồn mà xử lý,” ông Đăng nói.
Vị chuyên gia này cũng lưu ý, thủy ngân là chất độc hại, rất nguy hiểm. Nếu chúng ta hít phải khí có chứa thủy ngân, nó có thể sẽ phá hủy đường hô hấp, gây ung thư, thậm chí là gây chết người, nhất là những đối tượng người già và trẻ nhỏ, có sức đề kháng yếu.
Về hiện trạng ô nhiễm không khí hiện nay, giáo sư tiến sỹ Phạm Ngọc Đăng cho biết, ô nhiễm khói bụi (không khí) ở Hà Nội hiện rất đáng quan ngại. Theo nghiên cứu của các chuyên gia môi trường quốc tế, Hà Nội là một trong 10 thành phố ô nhiễm ô nhiễm không khí (khói, bụi) nhất thế giới.
Thông thường, thời điểm ô nhiễm nhất là vào các giờ cao điểm có mật đô phương tiện giao thông lớn trong ngày, và xung quang các khu công nghiệp, sản xuất. Điều đáng lo là, việc ô nhiễm không khí này chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe con người, nhất là gây ra các căn bệnh về đường hô hấp.
“Ngoài ô nhiễm bụi, theo tôi, vấn đề lo lắng nhất hiện nay là ô nhiễm không khí từ hơi xăng dầu. Việc này rất nhiều đơn vị quan trắc môi trường đều ghi nhận nồng độ xăng dầu (hơi benzene…) rất đáng lo ngại, nhất là tại các trạm xăng dầu….” ông Đăng nói./.