Việt Nam và Mỹ có thể có các thỏa thuận lớn liên quan đến các tập đoàn hàng đầu của Mỹ trong chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama, Thứ trưởng Ngoại giao Mỹ Antony J. Blinken cho biết.
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh sáng 25-03-2016
- Cập nhật : 25/03/2016
Sẽ xây dựng Chương trình hợp tác chung giữa Bộ Tài chính và OECD
Ngày 24-3, Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà có buổi làm việc với ông Marcos Bonturi - Trưởng ban Quan hệ toàn cầu Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD) về chương trình hợp tác giữa Bộ Tài chính và OECD trong lĩnh vực tài chính.
Phát biểu tại đây, Thứ trưởng Trần Xuân Hà chia sẻ những triển vọng của nền kinh tế Việt Nam, theo đó năm 2016, kinh tế vĩ mô của Việt Nam dự báo tiếp tục ổn định, Chính phủ tiếp tục điều hành linh hoạt, hiệu quả chính sách chính sách tài khóa, tiền tệ và các chính sách khác để đạt và vượt các chỉ tiêu phát triển kinh tế - xã hội đã được Quốc hội phê duyệt (tăng trưởng GDP khoảng 6,7%, lạm phát dưới 5%, tổng kim ngạch xuất nhập khẩu tăng khoảng 10%, tỷ lệ nhập siêu so với kim ngạch xuất khẩu dưới 5%).
Tuy nhiên, Thứ trưởng nhận định, dự báo nền kinh tế - xã hội cũng còn tồn tại nhiều khó khăn, thách thức như: biến đổi khí hậu, ô nhiễm môi trường, cạnh tranh mạnh mẽ từ bên ngoài sau khi tham gia các hiệp định thương mại khu vực và thế giới, giá dầu giảm sâu và khó dự báo, thị trường tiền tệ thế giới biến động phức tạp, gây áp lực lên tỷ giá.
Trong giai đoạn 2016-2020, Bộ Tài chính tiếp tục hoàn thiện thể chế, chính sách tài chính đồng bộ tạo động lực cho phát triển kinh tế - xã hội và thực hiện các nhiệm vụ của quốc gia; nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính gắn với quá trình tái cơ cấu nền tài chính quốc gia; triển khai thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu nền kinh tế trong lĩnh vực tài chính (bao gồm tái cơ cấu đầu tư công, DNNN và các thị trường tài chính) nhằm nâng cao năng lực và hiệu quả đảm bảo an ninh tài chính quốc gia.
Thứ trưởng cũng ghi nhận và đánh giá cao các hoạt động hợp tác và hỗ trợ kỹ thuật của OECD trong thời gian qua. Các chuyên gia của OECD đã hỗ trợ Bộ Tài chính nghiên cứu và đề xuất các chính sách liên quan tới Thỏa thuận trước về phương pháp xác định giá tính thuế - APA, Giá chuyển nhượng – TP và các vấn đề thuế quốc tế; Dự án xói mòn cơ sở thuế và chuyển lợi nhuận (BEPS); hỗ trợ xây dựng Báo cáo phân tích đánh giá về kinh tế của Việt Nam.
Trong thời gian tới, Thứ trưởng Trần Xuân Hà mong muốn tiếp tục nhận được sự hợp tác, hỗ trợ kỹ thuật của OECD trên lĩnh vực về thuế quốc tế, thị trường tài chính, quản lý nợ, quản lý hải quản, quản lý và giám sát bảo hiểm... nhằm thúc đẩy mối quan hệ hợp tác truyền thống giữa hai bên.
Phát biểu tại buổi làm việc ông Marcos Bonturi khẳng định, với vai trò là tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế toàn cầu, OECD sẵn sàng tiếp tục hỗ trợ, hợp tác với Bộ Tài chính trên nhiều lĩnh vực, đặc biệt trong vấn đề nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, hỗ trợ chính sách về thuế, chứng khoán, phát triển khối doanh nghiệp vừa và nhỏ (đây cũng là điểm mạnh của OECD).
Ông Marcos Bonturi và Thứ trưởng Trần Xuân Hà cũng thống nhất hai bên sẽ xây dựng một chương trình hợp tác chung, lựa chọn và ưu tiên những vấn đề hỗ trợ cụ thể thiết thực và hiệu quả.
TP.HCM: Thu ngân sách đạt gần 72.000 tỷ đồng
Tại cuộc họp về tình hình kinh tế, xã hội tháng 3 và 3 tháng đầu năm 2016 do UBND TP.HCM tổ chức sáng 24-3, SởTài chính TP.HCM cho biết, kinh tế thành phố tiếp tục tăng trưởng mạnh, cao hơn so cùng kỳ, thu nộp ngân sách ước đạt 71.955 tỷ đồng, tăng 0,92% so với cùng kì năm 2015.
Theo bà Phan Thị Thắng, Giám đốc Sở Tài chính TP.HCM, tổng thu ngân sách Nhà nước đạt 24,12% dự toán.Trong đó, thu nội địa 47.300 tỷ đồng, đạt 26,63% dự toán, tăng 11,92% so cùng kỳ; thu từ dầu thô 2.955 tỷ đồng, đạt 16,24% dự toán, giảm 53,82% so cùng kỳ; thu từ hoạt động xuất nhập khẩu 21.700 tỷ đồng, đạt 21,17% dự toán, giảm 4,14% so cùng kỳ năm trước.
Tổng doanh thu của các doanh nghiệp Nhà nước trong 3 tháng đầu năm 2016 ước thực hiện 16.544,86 tỷ đồng; lợi nhuận ước thực hiện 2.018,23 tỷ đồng, tổng phát sinh phải nộp ngân sách 1.699,83 tỷ đồng.
Lí giải về nguyên nhân thu từ hoạt động xuất nhập khẩu trong quý I giảm, bà Thắng cho biết, từ giữa tháng 6-2015 đến nay, thuế suất nhiều mặt hàng được chiều chỉnh giảm, thậm chí còn 0%. Đồng thời, giá xăng dầu thế giới giảm cũng ảnh hưởng tới nguồn thu thuế xuất nhập khẩu.
Bên cạnh đó, theo Luật Sửa đổi, bổ sung các luật về Thuế, 3 nhóm hàng là phân bón, thức ăn gia súc và máy móc phục vụ nông nghiệp không thuộc đối tượng chịu thuế giá trị gia tăng (trước đó chịu 5%). Điều này cũng làm ảnh hưởng đến số thu ngân sách.
Ngoài ra, trong quý I-2016, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ, sản xuất công nghiệp trên địa bàn thành phố tăng cao hơn so cùng kỳ do các giải pháp được triển khai hiệu quả, khó khăn về vốn của doanh nghiệp cơ bản được giải quyết kịp thời, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh.
Theo chỉ đạo Chủ tịch UBND TP.HCM Nguyễn Thành Phong tại cuộc họp, trong quý II, các sở, ngành cần tăng cường công tác quản lý thu, chống thất thu ngân sách, chuyển giá, trốn thuế, kiểm soát chặt chẽ hoàn thuế giá trị gia tăng, tăng cường công tác kiểm tra, thanh tra, kiểm toán, tập trung xử lý để giảm nợ đọng thuế, giao chỉ tiêu thu hồi nợ cho các đơn vị trực thuộc.
Đối với nguồn thu từ hoạt động xuất nhập khẩu, Hải quan TP.HCM cần tập trung giải quyết nhanh, kịp thời các vướng mắc về thủ tục, chính sách, công tác quản lý thuế, chế độ hoàn thuế, miễn thuế, tháo gỡ khó khăn, tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp nộp thuế xuất nhập khẩu.
Vốn cho đường cao tốc vẫn nan giải
Mặc dù thời gian qua, việc xây dựng các tuyến đường cao tốc đạt được những kết quả khá tích cực khi cả nước hiện có tới 745km đường cao tốc hoàn thành, tuy nhiên việc kiếm tìm nguồn vốn cho đường cao tốc đã, đang và vẫn là “bài toán” nan giải trong nhiều năm nữa.
Nội Bài-Lào Cai là một trong những tuyến cao tốc được đưa vào khai thác trong thời gian qua, đem lại nhiều hiệu quả kinh tế. Ảnh: Tổng Công ty xây dựng đường cao tốc Việt Nam
Theo Vụ Kế hoạch-Đầu tư, Bộ Giao thông vận tải (GTVT): Ngoài 745 km đường cao tốc được hoàn thành, toàn quốc hiện có 532km đường cao tốc đang triển khai xây dựng, khoảng 682km đường cao tốc đã xác định được nguồn vốn hoặc đã có nhà đầu tư quan tâm có khả năng hoàn thành trước năm 2020.
Phát biểu tại Hội thảo “Đường bộ cao tốc Việt Nam lần thứ 9” do Bộ GTVT tổ chức chiều ngày 24-3, tại Hà Nội, ông Nguyễn Ngọc Hải, chuyên viên cao cấp Vụ Kế hoạch-Đầu tư cho biết: Vốn để xây dựng các tuyến cao tốc chủ yếu là nguồn vay ODA; nguồn Trái phiếu Chính phủ rồi bán quyền thu phí và các nguồn vốn khác.
“Việc thu phí hoàn vốn của các tuyến đường cao tốc rất khó khăn. Chính phủ và Bộ GTVT đang khuyến khích các nhà đầu tư tư nhân kết hợp với Nhà nước theo hình thức Hợp tác công tư (PPP)”, ông Hải nói.
Theo Quyết định số 326/QĐ-TTg ngày 1-3-2016 của Thủ tướng Chính phủ về Quy hoạch phát triển mạng đường bộ cao tốc Việt Nam đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, mạng lưới đường bộ cao tốc gồm 21 tuyến với tổng chiều dài 6.411km.
Quy hoạch xác định mục tiêu nhanh chóng hình thành mạng đường bộ cao tốc quốc gia, bảo đảm kết nối các trung tâm kinh tế trọng điểm, các cửa khẩu chính, các đầu mối giao thông quan trọng có nhu cầu vận tải lớn, tốc độ cao.
Trong đó, tập trung xây dựng tuyến đường bộ cao tốc Bắc-Nam, ưu tiên các tuyến đường cao tốc nối các thành phố lớn (Hà Nội, TP.HCM, Đà Nẵng), các tuyến ra các cảng biển lớn; đồng thời tạo khả năng liên kết cao với các phương thức vận tải hiện đại khác và hội nhập khu vực, quốc tế.
Ông Hải phân tích, để có thể đạt được các mục tiêu đề ra trong quy hoạch, việc tìm kiếm nguồn vốn xây dựng đường cao tốc trong những năm tới vẫn là “bài toán” nan giải.
Một trong những khó khăn điển hình là bởi Việt Nam đã được đưa vào danh sách các nước có mức thu nhập trung bình, nợ công tăng mạnh nên khả năng huy động các nguồn lực (ODA hoặc ngân sách Nhà nước) ngày càng khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, đầu tư theo hình thức BOT (Xây dựng-Kinh doanh-Chuyển giao) khả thi không cao do khó hoàn vốn. Suất đầu tư các dự án cao tốc tại Việt Nam lớn nên cần phân kỳ đầu tư ở quy mô hạn chế 2-4 làn xe để giảm suất đầu tư.
“Ngoài ra, các tiêu chuẩn, quy chuẩn, quy trình, quy phạm, định mức kinh tế kỹ thuật trong lĩnh vực khảo sát, thiết kế, thi công, nghiệm thu, bảo trì, vận hành khai thác đường cao tốc còn chưa hoàn thiện cũng như chưa có nhiều kinh nghiệm trong khai thác, quản lý đường cao tốc cũng là một khó khăn đáng kể”, ông Hải nhấn mạnh.
Theo ông Hải, trong thời gian tới, để tạo nguồn vốn đầu tư xây dựng đường cao tốc, định hướng là sẽ huy động nguồn vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước dưới hình thức Chính phủ vay hoặc bảo lãnh vay, phát hành trái phiếu công trình… Trong đó, ưu tiên sử dụng nguồn vốn ngân sách Nhà nước hỗ trợ cho các công trình kém hấp dẫn về mặt tài chính nhưng đem lại hiệu quả kinh tế-xã hội, an ninh quốc phòng.
Bên cạnh đó, huy động tối đa mọi nguồn lực, tiếp tục hoàn thiện các cơ chế chính sách nhằm thu hút vốn đầu tư từ mọi thành phần kinh tế, kể cả các nhà đầu tư nước ngoài tham gia đầu tư phát triển đường cao tốc dưới nhiều hình thức như BOT, BT (Xây dựng-Chuyển giao), BTO (Xây dựng-Chuyển giao-Kinh doanh), PPP…
TP.HCM: Thu hơn 27 tỷ đồng từ vi phạm quản lý thị trường
Theo Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM, trong quý 1 năm 2016, Chi cục đã tiến hành kiểm tra 1.233 vụ việc, trong đó phát hiện 1.153 vụ vi phạm.
Lực lượng Quản lý thị trường tịch thu thuốc lá tại một điểm bán lẻ trên địa bàn quận Tân Phú, TP.HCM. Ảnh: Nguyễn Huế
Trong 1.153 vụ vi phạm, Chi cục Quản lý thị trường đã xử lý tổng cộng 1.145 vụ, thu về 27,3 tỷ đồng tiền phạt hành chính và tiền bán hàng tịch thu, tăng trên 23% so với cùng kỳ năm 2015.
Bên cạnh đó, Chi cục cũng đã thực hiện tiêu hủy hàng giả, hàng cấm, hàng không đủ điều kiện lưu thông với tổng trị giá trên 6,2 tỷ đồng, tăng gần 76% so với cùng kỳ năm trước.
Trị giá hàng tịch thu chờ bán khoảng 40 tỷ đồng. Ngoài ra, số quyết định xử phạt vi phạm hành chính còn tồn phần tiền phạt chưa thi hành là 241 quyết định với tổng số tiền gần 12 tỷ đồng.
Chi cục Quản lý thị trường TP.HCM cho biết, tình hình vận chuyển thuốc lá điếu ngoại nhập lậu từ hướng Long An, Tây Ninh về thành phố trên các tuyến quốc lộ 22 và các tỉnh lộ thuộc các huyện Củ Chi, Hóc Môn, Bình Chánh vẫn còn diễn ra. Bên cạnh đó mặt hàng đường cát Thái Lan nhập lậu từ hướng Long An qua quốc lộ 22 vẫn tiếp tục vận chuyển về thành phố bằng xe tải.
Trong quý 1, các đội quản lý thị trường đã tăng cường kiểm tra trên các tuyến đường từ Long An, Tây Ninh về thành phố và các điểm bán lẻ thuốc lá trên địa bàn phát hiện 276 vụ vận chuyển, bán lẻ thuốc lá nhập lậu, tạm giữ 121.318 bao thuốc lá nhập lậu, 125 chiếc xe gắn máy, 2 ô tô và 2 chiếc ghe.
Về mặt hàng đường cát, đội Quản lý thị trường 2A đã kiểm tra 1 xe ô tô tại Bình Chánh, tạm giữ 160 bao đường cát Thái Lan nhập lậu (tương đương 8.000 kg); Đội Quản lý thị trường Củ Chi cũng kiểm tra 1 xe ô tô tải vận chuyển 100 bao đường cát Thái Lan nhập lậu (tương đương 5.000 kg) trên quốc lộ 22.
Vinamilk đưa vào hoạt động trang tại bò sữa hiện đại tại Hà tĩnh
Ngày 23-3, Vinamilk cho biết, trang trại bò sữa thứ 7 tại Hà Tĩnh trong hệ thống trang trại chuẩn quốc tế Global G.A.P. trải dài khắp Việt Nam của Vinamilk đã xây dựng hoàn chỉnh và chính thức được đưa vào hoạt động.
Trang trại bò sữa Vinamilk Hà Tĩnh là trang trại đầu tiên tại Việt Nam nhập giống bò sữa cao sản từ Mỹ với nhiều ưu điểm vượt trội về chất lượng sữa, giàu dinh dưỡng, vitamin và khoáng chất, đặc biệt tốt cho sức khỏe. Đây cũng là giống bò cho sản lượng cao hơn đến 20% so với giống bò sữa thông thường.
Trang trại Vinamilk Hà Tĩnh cũng là trang trại đi đầu trong việc sử dụng hệ thống máy móc và ứng dụng công nghệ hàng đầu thế giới trong quy trình chăn nuôi bò sữa với mức tổng đầu tư lên đến 300 tỷ đồng với công suất 3.000 con bò sữa/năm.
Đây là trang trại bò sữa hiện đại bậc nhất, ứng dụng công nghệ hàng đầu trong chăn nuôi khi đưa vào sử dụng hệ thống làm mát hiện đại bậc nhất thế giới, gồm quạt gió và hệ thống phun sương, theo công nghệ Thụy Điển Tunnel Ventilation đảm bảo môi trường sống lý tưởng cho đàn bò sữa. Hệ thống làm mát Tunnel Ventilation giúp trang trại Vinamilk luôn duy trì ổn định nhiệt độ chuồng trại, không bị tác động bởi biến đổi của môi trường, giúp đàn bò sữa luôn trong trạng thái thoải mái, không chịu sốc nhiệt, đảm bảo sản lượng và chất lượng sữa ổn định.
Ngoài giống bò, để có nguồn sữa tươi thơm ngon và giàu dinh dưỡng, thức ăn cho bò đóng vai trò quyết định. Ở trang trại bò sữa Vinamilk, khẩu phần ăn cho bò được thiết lập với tỷ lệ dinh dưỡng đạt chuẩn quốc tế Global Gap với 3 lần ăn mỗi ngày, đảm bảo thức ăn luôn tươi ngon nhất. Đặc biệt nguồn cỏ khô cho bò ăn được nhập trực tiếp từ Mỹ, đảm bảo chất lượng cao đạt tiêu chuẩn quốc tế, cho nguồn sữa tươi thuần khiết.
Hiện nay, tổng đàn bò cung cấp sữa cho công ty bao gồm các trang trại của Vinamilk và bà con nông dân có ký kết hợp đồng bán sữa cho Vinamilk là hơn 120.000 con bò, cung cấp khoảng 750 tấn sữa tươi nguyên liệu để sản xuất ra trên 3 triệu ly sữa/ một ngày. Với kế hoạch phát triển các trang trại mới, công ty sẽ đưa tổng số đàn bò của Vinamilk từ các trang trại và của các nông hộ lên khoảng 160.000 con vào năm 2017 và khoảng 200.000 con vào năm 2020, với sản lượng nguyên liệu sữa dự kiến đến năm 2020 sẽ tăng lên hơn gấp đôi, là 1500 - 1800 tấn/ngày đảm bảo nguồn cung cấp nguyên liệu sữa thuần khiết dồi dào cho hàng triệu gia đình Việt Nam.
Cuối năm 2016, dự kiến Vinamilk sẽ tiếp tục xây dựng hoàn thiện để đưa vào hoạt động thêm 2 trang trại Thống Nhất (Thanh Hóa) và trang trại Tây Ninh với quy mô 8.000 con bò sữa đến 16.000 con bò sữa, nâng tổng trang trại của Vinamilk lên 9 trang trại.