Những dịch bệnh nguy hiểm có thể xuất hiện trong dịp hè
Hà Nội công khai các doanh nghiệp nợ thuế quá hạn 90 ngày
BIDV đề xuất giải pháp thúc đẩy hợp tác du lịch, nông nghiệp với Nhật Bản
Bộ Tài chính đặt ra 70 nhóm giải pháp cải cách trong 2016-2017
Cấp tín dụng 2.000 tỷ đồng cho Nhiệt điện Vũng Áng 1
Tin Việt Nam - tin trong nước đọc nhanh trưa 24-03-2016
- Cập nhật : 24/03/2016
Việt - Nga quan ngại hành động đơn phương trên biển ở châu Á
Đón tiếp Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và đoàn Việt Nam tham dự Đối thoại chiến lược quốc phòng Việt - Nga lần thứ hai diễn ra tại Moscow từ 21/3 đến 22/3, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng Nga A. Antonov nhấn mạnh Việt Nam là đối tác truyền thống và quan trọng của Nga tại châu Á - Thái Bình Dương. Ông Antonov khẳng định Nga sẽ tiếp tục thúc đẩy hợp tác quốc phòng với Việt Nam tương xứng với tiềm năng của mỗi nước, thông cáo của Bộ Quốc phòng Việt Nam cho biết hôm nay.
Về tình hình khu vực và quốc tế, đại diện Việt Nam và Nga cho rằng châu Á - Thái Bình Dương là nơi mang lại lợi ích cho nhiều quốc gia, nhất là giao thông hàng hải. Tuy nhiên khu vực này cũng đang phải đối mặt với các thách thức an ninh, trong đó có sự cọ xát chiến lược giữa các cường quốc, đặc biệt là các hành động đơn phương không tuân thủ luật pháp quốc tế, đe dọa đến hòa bình, ổn định của khu vực. Hai bên nhất trí cần có sự chung tay của cộng đồng quốc tế, với cách tiếp cận đa phương, nâng cao hiệu quả hợp tác song phương để đối phó và giải quyết các tranh chấp một cách hòa bình trên cơ sở luật pháp quốc tế.
Theo ông Vịnh, Việt Nam và Nga có mối quan hệ hữu nghị truyền thống, Việt Nam sẽ nỗ lực tăng cường hợp tác để đưa quan hệ quốc phòng với Nga trở thành một trong những trụ cột quan trọng của quan hệ Đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước.
Hai thứ trưởng cùng cho rằng hợp tác thời gian qua giữa Việt Nam và Nga được triển khai tích cực, đạt hiệu quả theo các thỏa thuận đã ký, bao gồm trao đổi đoàn, đào tạo, trao đổi kinh nghiệm và kỹ thuật quân sự. Cơ chế Đối thoại chiến lược đã giúp hai nước hiểu thêm về quan điểm và chính sách của mỗi bên về diễn biến tình hình ở mỗi khu vực, từ đó tăng sự tin cậy chiến lược.
Việt Nam và Nga nhất trí thời gian tới sẽ tập trung vào việc trao đổi đoàn các cấp, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao, trao đổi kinh nghiệm xây dựng quân đội, nâng cao hiệu quả hợp tác kỹ thuật quân sự. Đây là các nội dung dựa trên Hiệp định liên chính phủ về hợp tác quốc phòng và các cơ chế khác.
Hai nước cũng sẽ duy trì cơ chế Đối thoại chiến lược và xem xét mở ra cơ chế tham vấn cấp làm việc, hợp tác trong các hoạt động gìn giữ hòa bình của Liên Hợp Quốc, tìm kiếm cứu nạn, hỗ trợ nhân đạo và khắc phục hậu quả chiến tranh. Việt Nam và Nga sẽ tiếp tục hợp tác chặt chẽ trong các diễn đàn đa phương, đặc biệt là Hội nghị Bộ trưởng Quốc phòng ASEAN và 8 đối tác (ADMM+).
Ông Antonov cho rằng cuộc đối thoại này là hoạt động có ý nghĩa quan trọng khi hai nước thúc đẩy hợp tác Đối tác chiến lược toàn diện, đóng góp cho hòa bình, ổn định, phát triển ở mỗi khu vực, đặc biệt là khi Nga và ASEAN đang kỷ niệm 20 năm hợp tác.
Thứ trưởng Vịnh đánh giá Nga là quốc gia lớn có vị trí quan trọng với hòa bình, ổn định trên thế giới, Việt Nam hoan nghênh những đóng góp mang tính hòa bình của Nga với châu Á - Thái Bình Dương, Đông Nam Á nói riêng. Việt Nam sẵn sàng làm cầu nối để Nga phát triển quan hệ hợp tác cùng có lợi với ASEAN, đóng góp cho hòa bình, ổn định và phát triển ở khu vực này và trên thế giới. Việt Nam cũng ủng hộ các sáng kiến của Nga nhằm thúc đẩy hợp tác cùng có lợi với ASEAN.
Việt Nam đánh giá cao sự tham gia của Nga trong các cơ chế an ninh khu vực, nhất là trong triển khai các sáng kiến thuộc ADMM+. Nga đã đóng góp thiết thực vào sự đồng thuận của ASEAN và giữa ASEAN với các nước đối thoại vì hòa bình, hợp tác và phát triển.
Thượng tướng Nguyễn Chí Vịnh và đoàn Việt Nam còn đến thăm Học viện Binh chủng hợp thành các Lực lượng vũ trang Nga, gặp và nói chuyện với các học viên quân sự Việt Nam đang theo học tập tại đây và thăm Đại sứ quán Việt Nam tại Nga.
Việt Nam đề xuất dự án quản lý hạn hán lưu vực sông Mekong
Lãnh đạo 6 nước tiểu vùng sông Mekong tại hội nghị Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất. Ảnh: chinhphu.vn
Hội nghị Cấp cao Hợp tác Mekong - Lan Thương lần thứ nhất hôm nay diễn ra tại Tam Á, Hải Nam, Trung Quốc với sự tham dự của lãnh đạo các nước Campuchia, Lào, Myanmar, Thái Lan, Trung Quốc và Việt Nam. Đoàn Việt Nam do Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh dẫn đầu.
Với chủ đề "Cùng chung dòng sông, cùng chung tương lai", hội nghị nhất trí cùng thúc đẩy hợp tác trên ba trụ cột là chính trị - an ninh, kinh tế; phát triển bền vững; văn hóa, xã hội và giao lưu nhân dân. Trong thời gian tới, hợp tác Mekong - Lan Thương sẽ đặt trọng tâm vào 5 lĩnh vực ưu tiên là quản lý tài nguyên nước, kết nối, hợp tác năng lực sản xuất, hợp tác kinh tế qua biên giới, nông nghiệp và xóa đói giảm nghèo.
Hội nghị nhất trí tăng cường hợp tác giữa 6 nước trong quản lý và sử dụng bền vững nguồn nước sông Mekong - Lan Thương, coi đây là lĩnh vực ưu tiên hàng đầu. Hội nghị cũng ủng hộ đề xuất xây dựng Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm thúc đẩy hợp tác giữa 6 nước trong chia sẻ thông tin và dữ liệu, nâng cao năng lực, quản lý lũ lụt và hạn hán, và thực hiện các nghiên cứu chung về nguồn nước sông Mekong - Lan Thương.
Phát biểu tại hội nghị, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh đề cao việc Trung Quốc tăng cường xả nước ở thượng nguồn theo đề nghị của các nước hạ nguồn Mekong, để hỗ trợ khắc phục tình trạng khô hạn và xâm nhập mặn.
Phó Thủ tướng cho rằng cơ chế hợp tác mới giữa các nước tiểu vùng sông Mekong cần chú trọng quản lý và sử dụng một cách khoa học và bền vững nguồn nước sông Mekong, trong bối cảnh hạn hán và xâm mặn ngày càng nghiêm trọng ở các nước hạ lưu sông. Phó Thủ tướng nhấn mạnh đây phải là lĩnh vực hợp tác ưu tiên hàng đầu của 6 nước Mekong - Lan Thương.
Đồng thời Phó Thủ tướng cũng kêu gọi thúc đẩy kết nối kinh tế trong tiểu vùng, hợp tác sản xuất nông nghiệp bền vững, và tạo thuận lợi cho lưu chuyển thương mại, đầu tư và du lịch qua biên giới.
Để góp phần thúc đẩy hợp tác Mekong - Lan Thương đi vào thực chất, Việt Nam đề xuất ba dự án và đã được các nước nhất trí đưa vào Danh sách dự án thu hoạch sớm để triển khai giai đoạn đầu của hợp tác Mekong - Lan Thương.
Cả ba dự án này đều có lợi ích thiết thực, phù hợp với ưu tiên của hợp tác Mekong - Lan Thương, nhất là dự án tăng cường phối hợp quản lý lũ lụt và hạn hán trong lưu vực sông Mekong - Lan Thương và dự án hài hòa hóa tiêu chuẩn, thủ tục giữa các nước trong tiểu vùng.Việt Nam cũng sẵn sàng phối hợp với Trung Quốc và các nước tiểu vùng sông Mekong triển khai dự án chung về thành lập Trung tâm hợp tác nguồn nước Mekong - Lan Thương nhằm chia sẻ thông tin, nâng cao năng lực về quản lý bền vững tài nguyên nước sông Mekong, trong đó có việc đóng góp tài chính và chuyên gia làm việc tại trung tâm này.
Sông Mekong chảy qua 6 nước, gồm Trung Quốc, Myanmar, Lào, Thái Lan, Campuchia và Việt Nam. Đoạn thượng nguồn trên lãnh thổ Trung Quốc được nước này gọi là sông Lan Thương. Đồ họa: ABC News
Tham tán Mỹ: 'Lãnh đạo địa phương Việt Nam đừng ngồi mãi ở văn phòng'
Những chia sẻ nêu trên được đưa ra tại toạ đàm "Gặp gỡ Hoa Kỳ", do Bộ Ngoại giao Việt Nam và Sứ quán Mỹ tổ chức chiều 23/3, trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Barrack Obama.
Các đại diện thương mại Mỹ và lãnh đạo địa phương Việt Nam chia sẻ nhiều thông tin về đầu tư trước thềm chuyến thăm của Tổng thống Mỹ - Obama.
Ông Stuart Schaag - Tham tán thương mại (Đại sứ quán Mỹ) kể có lần tham gia một hội nghị của một địa phương tại Việt Nam, lãnh đạo tỉnh đó có hỏi ông "làm thế nào để thu hút được nhà đầu tư Mỹ?". Lúc đó, Tham tán có trả lời là địa phương cần phải biết kể một câu chuyện với các nhà đầu tư, có thế mạnh như thế nào (đất đai, hạ tầng, giao thông, nhân lực chất lượng cao) hay những thế mạnh về tự nhiên các địa phương khác không có: cảng biển, cảng nước sâu…
Các địa phương cũng cần cam kết đồng hành và có các chính sách hậu mãi với nhà đầu tư, chứ không phải mời gọi nhiệt tình nhưng khi họ vào rồi lại không giải quyết những vướng mắc cho họ. Chẳng hạn, một doanh nghiệp FDI của Mỹ vướng mắc về giấy phép ở Bộ Kế hoạch & Đầu tư thì địa phương đó không được mặc kệ mà phải lên tiếng thúc đẩy để thực hiện nhanh hơn.
Theo đó, ông Stuart cho rằng quan chức, lãnh đạo địa phương của Việt Nam hãy mau rời khỏi bàn làm việc, đừng ngồi mãi ở văn phòng, phải chủ động tìm đến hội nghị quốc tế để gặp gỡ nhà đầu tư tiềm năng. Ông nhận định, các tỉnh thành của Việt Nam có rất nhiều sản phẩm tốt, chất lượng nhưng chưa biết "chào hàng" trước các doanh nghiệp quốc tế.
Việc đầu tư hay không, đầu tư dựa trên tiêu chí nào, tất cả đều do doanh nghiệp Mỹ quyết định và Chính phủ không can thiệp. Doanh nghiệp Mỹ luôn muốn đầu tư vào Việt Nam nhưng rất ít khi tìm hiểu qua quan chức Mỹ, nên các địa phương của Việt Nam trực tiếp giới thiệu, quảng bá về những thế mạnh đặc trưng.
"Câu chuyện cạnh tranh giờ đây không chỉ giữa các quốc gia này với các quốc gia khác mà còn diễn ra giữa các địa phương cùng nhau. Đây thực sự là một cuộc đua, cạnh tranh làm cho các địa phương trở nên khác biệt, phải tích cực chào hàng thì mới bán được hàng", Tham tán nói.
Khi một doanh nghiệp Mỹ muốn đầu tư, họ sẽ xem xét các đánh giá của tổ chức tài chính quốc tế về Việt Nam: chỉ số tham nhũng, môi trường đầu tư, quyền sở hữu trí tuệ, năng suất lao động, thủ tục hành chính, vận chuyển hàng hoá, thời gian thông quan...
Ông Stuart cho biết, kim ngạch xuất nhập khẩu Việt Nam - Hoa Kỳ có sự tăng trưởng mạnh, đạt 45 tỷ USD, tăng 24%. Đặt trong bối cảnh thương mại toàn cầu ngưng trệ, xuất khẩu của Mỹ giảm 7%, việc tăng trưởng hai con số năm 2015 là một bước tiến dài trong quan hệ hai nước. Trong TPP, Việt Nam là quốc gia duy nhất Mỹ chịu thâm hụt thương mại cả tuyệt đối và tương đối. Mỗi USD Mỹ xuất sang Việt Nam thì Việt Nam lại xuất khẩu 5,4 USD, nên giai đoạn tới, các doanh nghiệp Mỹ sẽ tăng cường hơn nữa việc hợp tác, bán hàng cho Việt Nam.
Trong khi đó, Đại sứ Mỹ - Ted Osius cho biết, các công ty Mỹ mong muốn có lực lượng lao động trình độ cao, hệ thống hạ tầng được nâng cấp, môi trường an toàn bình đẳng tại Việt Nam. Đến nay, đã có hơn 50 công ty đầu tư trực tiếp, nếu tính đầu tư gián tiếp, Mỹ nằm trong số các quốc gia đầu tư lớn nhất.
Hưởng ứng, lãnh đạo các tỉnh thành Việt Nam cũng lần lượt giới thiệu, quảng bá để mời gọi các nhà đầu tư Mỹ. Hai lãnh đạo đứng đầu Hà Nội đã bày tỏ mong muốn được hợp tác đầu tư với các doanh nghiệp Mỹ. Đại diện của Hà Nội cho biết, tính đến cuối năm 2015, thành phố đã thu hút được 3.265 dự án với tổng vốn đầu tư đạt 26,5 tỷ USD. Tuy nhiên, các doanh nghiệp Mỹ mới chỉ đầu tư khoảng 174,5 triệu USD. Kim ngạch xuất nhập khẩu hai bên năm 2015 đạt trên 3,3 tỷ USD.
"Đầu tư của Mỹ tại Hà Nội vẫn còn rất khiêm tốn, chưa tương xứng với tiềm năng, lợi thế và nhu cầu của hai bên", vị đại diện này khẳng định.
Tiếp đó, Chủ tịch UBND TP Hà Nội - Nguyễn Đức Chung cũng nhấn mạnh nhiều lợi thế của Hà Nội như tốc độ tăng trưởng GDP đạt 9,23% (2011-2015), chiếm 15% GDP cả nước. Đây là trung tâm kinh tến lớn của cả nước, thu nhập bình quân đầu người đạt 3.600 USD...
Ông cho biết Hà Nội xác định Mỹ là đối tác quan trọng mang tính chiến lược và mong muốn thu hút vào các lĩnh vực có thế mạnh: Đầu tư các ngành dịch vụ có chất lượng cao; tài chính, ngân hàng, thương mại; Phát triển công nghiệp phần mềm, điện tử, tin học; Hình thành khu công nghệ cao, công nghiệp phụ trợ; Phát triển giáo dục đào tạo, y tế chuyên sâu và xây dựng một số bệnh viện đạt chuẩn quốc tế.
Để mời gọi nhà đầu tư Mỹ, Chủ tịch Chung hứa hẹn Hà Nội sẽ thay đổi hết mình về cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng khoa học công nghệ để minh bạch và giảm phiền hà cho doanh nghiệp, cải thiện môi trường đầu tư. Lãnh đạo Hà Nội cam kết sẽ đồng hành cùng doanh nghiệp, trực tiếp giải quyết mọi khúc mắc, giúp các dự án kinh doanh của nước bạn đạt hiệu quả nhất. Mục tiêu năm 2016 Hà Nội sẽ đứng số một về thu hút vốn đầu tư nước ngoài.
Ông Lê Thanh Liêm - Phó chủ tịch UBND TP HCM cũng bày tỏ mong muốn được đón làn sóng đầu tư mới của doanh nghiệp Mỹ. Ông cho biết, Mỹ đang là thị trường lớn nhất, chiếm 20% kim ngạch xuất khẩu của thành phố. Ông mong nhà đầu tư Mỹ sẽ chú trọng các lĩnh vực giáo dục, hạ tầng, dân sinh với mục tiêu xây dựng TP HCM thành trung tâm tài chính, kinh tế, hạ tầng, chất lượng cuộc sống tốt. Thành phố cam kết sẽ thiết lập cơ chế đối thoại thường xuyên, lắng nghe nguyện vọng và giải quyết các vướng mắc cho nhà đầu tư nước ngoài.
Tiếp đó, lãnh đạo hàng loạt các tỉnh thành như Đồng Tháp, Bình Định, Vĩnh Phúc, Phú Yên… đều lần lượt mời gọi các doanh nghiệp Mỹ đến tham quan đầu tư. Trong đó, Chủ tịch tỉnh Phú Yên - Hoàng Văn Trà khẳng định địa phương có những tiềm năng về kinh tế biển rất lớn với 189 km đường bờ biển, sản lượng thuỷ sản lớn nhưng chưa phát triển được do hạn chế về hạ tầng giao thông. Chủ tịch bày tỏ mong muốn nhà đầu tư Mỹ đến địa phương tìm hiểu và đầu tư vào du lịch, chế biến thuỷ sản, xây dựng thương hiệu cho những đặc sản của Phú Yên vươn tầm ra thế giới...
Đại diện cho khối doanh nghiệp Mỹ khẳng định rất coi trọng, nhiều doanh nghiệp đang tìm cơ hội đầu tư tại các địa phương của Việt Nam. Tuy nhiên, để thu hút các nhà đầu tư Mỹ, cần có thủ tục hành chính thuận tiện, cơ sở hạ tầng, dịch vụ phát triển.
"Thực tế đã có nhiều doanh nghiệp Mỹ mất kiên nhẫn do các thủ tục tại Việt Nam khá chậm. TPP sắp đến, các bạn phải chuẩn bị thật nhanh, phải hành động vì đây là cơ hội để Việt Nam đặt mình vào vị trí quan trọng trên bản đồ thế giới", đại diện khối doanh nghiệp Mỹ nói.
Thứ trưởng Bộ Ngoại giao - Lê Hoài Trung nhấn mạnh quan hệ Việt Nam - Mỹ đang phát triển mạnh mẽ và tích cực, đứng trước những cơ hội mới để tăng cường sự hợp tác toàn diện. Các địa phương và doanh nghiệp Việt Nam quyết tâm nâng cao hơn nữa năng lực cạnh tranh của nền kinh tế thông qua hoàn thiện thể chế, chất lượng nguồn nhân lực, chú trọng quyền sở hữu trí tuệ...
Ba tháng đầu năm, mỗi giờ có một người chết vì TNGT
Theo thống kê của Văn phòng Ủy ban ATGT Quốc gia trong 3 tháng đầu năm 2016 (từ ngày 16-12-2015 đến 15-3-2016) cả nước xảy ra 4.985 vụ tai nạn giao thông (TNGT), làm chết 2.193 người, làm bị thương 4.522 người.
Mặc dù mỗi ngày có hơn 24 người tử vong vì TNGT nhưng so với cùng kỳ năm 2015 số vụ TNGT giảm 866 vụ (giảm 14,8%), giảm 152 người chết (giảm 6,48%), giảm 969 người bị thương (giảm 17,65%).
Trong 3 tháng đầu năm 2016, lực lượng CSGT toàn quốc đã kiểm tra, lập biên bản 909.245 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường bộ; phạt tiền 608,40 tỉ đồng; tạm giữ 6.625 ôtô và 129.429 môtô; tước 78.638 giấy phép lái xe; xử lý 502 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường sắt, kho bạc Nhà nước thu 124,23 triệu đồng. Lĩnh vực đường thủy xử lý 39.386 trường hợp vi phạm trật tự ATGT đường thủy nội địa, phạt tiền 22,317 tỉ đồng.
Về sự tăng trưởng của ôtô, xe máy, trong 3 tháng đầu năm 2016, lực lượng CSGT toàn quốc đăng ký mới 84.285 ô tô và 820.019 mô tô. Số xe đăng ký mới này đã nâng tổng số phương tiện mà ngành công an đang quản lý lên 2.747.554 ô tô và 44.948.841 môtô.
Riêng tháng 3-2016, CSGT các địa phương đăng ký mới 23.036 ôtô, 222.657 môtô và 34.089 xe máy điện. Cục CSGT đăng ký mới 65 ôtô, đăng ký sang tên, di chuyển 3 ôtô.
Chủ tịch nước: Hơn 300 tướng được phong hàm trong nhiệm kỳ
Cùng với Chủ tịch Quốc hội và Thủ tướng, sáng ngày 22/3 Chủ tịch nước đã báo cáo tổng kết nhiệm kỳ trước Quốc hội.
Theo đó, trong nhiệm kỳ, Chủ tịch và Phó chủ tịch nước đã nỗ lực thực hiện chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn theo quy định của Hiến pháp và pháp luật, các nhiệm vụ do Bộ Chính trị, Ban bí thư phân công, trách nhiệm của đại biểu Quốc hội với Quốc hội, cử tri và nhân dân.
Chủ tịch nước Trương Tấn Sang cho biết, 5 năm đã đề nghị Quốc hội bầu Phó chủ tịch nước, Thủ tướng Chính phủ. Chủ tịch nước cũng đã bổ nhiệm 6 phó thủ tướng, 25 bộ trưởng và các thành viên khác của Chính phủ, miễn nhiệm một phó thủ tướng (giữa nhiệm kỳ miễn nhiệm chức vụ Phó thủ tướng với ông Nguyễn Thiện Nhân - PV) , một bộ trưởng (miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng Bộ Tài chính với ông Vương Đình Huệ - PV) và Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ (miễn nhiệm chức vụ Bộ trưởng – Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ đối với ông Vũ Đức Đam- PV).
Vẫn liên quan đến thẩm quyền về nhân sự, trong lĩnh vực quốc phòng – an ninh, với quyền thống lĩnh vực lượng vũ trang, trong 5 năm, Chủ tịch nước đã ký quyết định bổ nhiệm Chủ tịch Tổng Cục Chính trị Quân đội Việt Nam; phong thăng hàm cấp tướng cho hơn 300 sĩ quan (gồm 194 sĩ quan quân đội và 119 sĩ quan công an), trong đó có 3 Thượng tướng được thăng lên hàm Đại tướng, 23 Trung tướng lên Thượng tướng, 55 Thiếu tướng lên Trung tướng, 211 Đại tá lên Thiếu tướng.
Ông Trương Tấn Sang khẳng định: “Chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng Chủ tịch nước phối hợp với các cơ quan tham mưu của Đảng, Quốc hội, Bộ Quốc phòng, Bộ Công an thẩm tra và giải quyết kỹ lưỡng, thận trọng các trường hợp được đề nghị thăng hàm cấp tướng theo quy định của Đảng và Nhà nước”.
Với cương vị Chủ tịch Hội đồng Quốc phòng và An ninh, Chủ tịch nước cũng đã ký quyết định cử 7 sỹ quan quân đội tham gia gia Phái bộ gìn giữ hoà bình của Liên hợp quốc tại Nam Sudan và Cộng hoà Trung Phi.
Thực hiện nhiệm vụ liên quan đến lĩnh vực lập pháp, báo cáo nêu đã có 100 luật, 10 pháp lệnh, 21 nghị quyết của Quốc hội đã được Chủ tịch nước công bố, 198 điều ước quốc tế được Chủ tịch nước phê chuẩn trong nhiệm kỳ này.
Chủ tịch nước cũng cho biết ông đã chỉ đạo các cơ quan nghiên cứu, tham mưu để Quốc hội và các cơ quan chức năng, nhân dân có thể kiểm tra, giám sát tình hình vay nợ nước ngoài, sử dụng vốn vay và khả năng trả nợ, nhằm bảo đảm hiệu quả vốn vay và tính bền vững của nợ công, nợ quốc gia.
Trên cương vị là đại biểu Quốc hội, Chủ tịch nước đã tham gia 52 buổi tiếp xúc cử tri với 16.154 lượt cử tri tham dự, theo thông tin từ báo cáo.
Trong nhiệm kỳ, Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước đã nhận trên 55.000 đơn thư khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh của cử tri, cá nhân, tổ chức ở trong và ngoài nước. Trong đó phần lớn là đơn thư liên quan đến lĩnh vực tư pháp, hành chính, đất đai và giải quyết chế độ chính sách.
Trong lĩnh vực hành pháp, Chủ tịch nước nêu rõ, ông luôn giữ mối liên hệ chặt chẽ với Chính phủ. Theo uỷ quyền của Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan đã tham dự nhiều phiên họp thường kỳ của Chính phủ, có ý kiến về nhiều vấn đề quan trọng.
Theo đó, tình hình mọi mặt của đất nước luôn được Chủ tịch nước thường xuyên quan tâm, theo dõi, đốc thúc với các ban, bộ, ngành, địa phương, từ việc xoá đói giảm nghèo, chiến lược biển, ứng phó biến đổi khí hậu đến cải cách tiền lương, tình hình Biển Đông, quan hệ của Việt Nam với một số người trên thế giới, những vấn đề bức xúc được dư luận xã hội quan tâm….
Chủ tịch nước đã chỉ đạo Văn phòng tổ chức khảo sát và hội thảo chuyên đề về quản lý, giáo dục đạo đức, lối sống trong sinh viên, trong các trường phổ thông và giáo dục mầm non, thi đua khen thưởng trong các trường đại học.
Liên quan đến lĩnh vực tư pháp, trên cương vị là Trưởng ban Chỉ đạo cải cách tư pháp Trung ương, Chủ tịch nước đã chỉ đạo sát sao công tác này, đốc thúc nhiều nội dung cụ thể như xem xét, giải quyết dứt điểm, đúng quy định pháp luật đối với một số vụ án có dấu hiệu oan sai được dư luận quan tâm. Chủ tịch nước yêu cầu khẩn trương minh oan, đền bù, khôi phục quyền lợi hợp pháp cho người bị oan, đồng thời xử lý nghiêm những sai phạm của tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng.
Chủ tịch nước báo cáo thêm, bản thân ông đã dành nhiều thời gian kiểm tra, nắm bắt tình hình công tác cải cách tư pháp tại địa phương, cơ sở.
Bên cạnh những kết quả đạt được, Chủ tịch nước Trương Tấn Sang nói, bản thân Chủ tịch nước, Phó chủ tịch nước có phần trách nhiệm trước những hạn chế, yếu kém của đất nước hiện nay.
Liên quan trực tiếp đến nhiệm vụ cá nhân, Chủ tịch nước nhìn nhận hoạt động của Hội đồng Quốc phòng và An ninh và thực hiện nhiệm vụ quyền hạn thống lĩnh lực lượng vũ trang nhân dân còn nhiều vướng mắc.
Hay, Chủ tịch nước quyết định đàm phán, ký điều ước quốc tế nhân danh nhà nước về ODA nhưng chưa rõ cơ chế để Chủ tịch nước có ý kiến về kế hoạch vốn vay ODA, việc quyết định danh mục dự án ODA hàng năm, công tác kiểm tra giám sát việc sử dụng vốn vay ODA..